Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

CẬU ÚT

 

         
         




Em là út, trong số 8 anh chị em của gia đình. Mẹ sinh em khi đã gần 50 tuổi. Vì vậy sau khi sinh, mẹ yếu lắm chẳng có sữa cho em ti. Lúc đó đâu có sẵn sữa ngoài như bây giờ, mà  dù có thì gia đình túng bấn cũng chẳng có tiền mà mua.Bố mẹ đã tính đến chuyện mang em đi cho. Biết việc này, chị cả trong gia đình đã bế cả đứa con mới sinh sang nhà phản đối. Chị tức tưởi: “Xin bố mẹ đừng cho em đi . Con sẽ cho cả hai cậu cháu cùng bú”
          Thế là em được ở lại nhà mình, được bú chung với cháu. Khi biết ăn cơm, thương thằng con cấn cơm cấn sữa,mỗi bữa ăn, dù chỉ có canh cà chua nấu mỡ, bố vẫn nhắc: “ Các con ăn, nếu thấy miếng tóp thì nhường cho thằng út nhé”. Các anh chị trong nhà ai cũng yêu quý em út nên đều thực hiện theo lời của bố. Cứ như vậy cậu em út của chúng tôi lớn dần lên trong sự yêu thương của cả nhà. Tuy nhiên em rất mảnh khảnh và yếu ớt nên không phải tham gia lao động nhiều như các anh chị. Em  chỉ đi học nửa ngày còn nửa ngày chăn trâu. Khi em 15 tuổi thì cha qua đời. Lúc này cảnh nhà vừa túng bấn vừa vắng vẻ. Mẹ thì già lại ốm đau bệnh tật luôn, 5 chị gái và hai anh trai đã lập gia đình riêng. Tôi là con thứ 2, lấy chồng xa lại mới sinh được 4 ngày nên khi cha mất không về được. Nghe mọi người kể lại lúc em tôi đi chăn trâu về, thấy bố mất rồi cứ ôm lấy bố mà khóc; “ Bố ơi sao bố ra đi mà không nói với con câu nào” làm ai cũng khóc theo.  Dù chúng tôi ai cũng thương em, thương mẹ đến quặn lòng nhưng chẳng thể giúp đỡ được gì.
          Em vẫn được mẹ cho học hết bậc phổ thông, nhưng em không dự  thi vào trường nào, có lẽ vì thương mẹ. Em cũng không phải đi nghĩa vụ quân sự bởi hai anh trai đã tham gia rồi với lại em cũng yếu ớt lắm, lại đau khớp luôn. Chẳng biết nghe ai, em tự đi học võ để cải thiện sức khỏe. Chúng tôi không tin điều đó nhưng vì em thích nên cũng chẳng can ngăn, chỉ khuyên em tập vừa sức kẻo mệt. Thế mà em khỏe lên thật, bệnh khớp biến mất luôn, chẳng hiểu do tuổi thanh niên sức khỏe tăng lên hay do tập võ nữa. Lúc này em trở thành lao động chủ lực trong gia đình vì mẹ càng già càng yếu đi nhiều. Hai mẹ con vừa làm ruộng, vừa trồng trọt trong vài sào vườn nên túng bấn lắm. Ngày ấy chẳng biết chăn nuôi trồng trọt như bây giờ.Lúa chỉ cấy được vụ mùa, vụ chiêm trồng lạc, đỗ. Vườn thì trồng toàn khoai, sắn thêm vài luống rau dễ tính như rau dền, rau đay,rau muống, một rặng chè xanh với mấy cây ăn quả thông thường( dứa, mít, bưởi chua). Mẹ sao chè bán kiếm đồng rau mắm . Rau và quả thì chỉ ăn là chính, có bán cũng rẻ như cho nên chẳng đáng là bao. Nhiều khi túng đến nỗi em không có tiền để sửa chiếc xe đạp hỏng nữa.  Tôi về chơi đúng dịp đó liền mang xe đi sửa cho em. Bây giờ nhiều khi em vẫn kể lại tao đoạn khó khăn ấy.
          Mồng 10 tháng chạp năm tân mùi, em lập gia đình với cô gái cùng xóm, kém em 3 tuổi. Cả hai đều bé nhỏ mảnh khảnh. Gia cảnh thì khó khăn. Thế mà hai em đã thật sự yêu thương gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng nhau, chung tay xây dựng một gia đình đầm ấm ngay trong cảnh nghèo khổ ấy. Có lần, tôi về thăm nhà, ngồi nhìn mấy cây rau dền phơ phất trong vườn mới chép miệng: Vườn tược chỉ thấy rau dền với cỏ dại; cả một vùng quê không điện đóm thế này thì bao giờ mới khá được! Cũng là than vãn vậy thôi, chứ tôi có biết làm vườn tược gì đâu. Thế mà em suy nghĩ rất nhiều về câu nói đó rồi quyết tâm thay đổi cây trồng trong vườn ( là sau này em kể lại như vậy nên tôi mới biết). Em trồng vải sấy khô để bán.Rồi lại trồng hồng không hạt. Thu nhập đã tăng lên, tuy chưa đáng kể. Sau bao năm trăn trở, đổi thay, từ vài sào vườn mấy sào ruộng, em đã khai phá mở mang, dồn điền đổi thửa, mua thêm và có trong tay hàng chục héc ta vườn đồi. Lăn lộn làm việc không mệt mỏi, cuối cùng em đã thành công với cây cam canh. Thu nhập lên đến vài tỷ đồng một năm, vào mức cao nhất xã lúc bấy giờ. Em dâu tôi vừa đẹp người vừa tốt nết nên sống với mẹ chồng mấy chục năm không có điều tiếng gì. Thậm chí em còn chăm mẹ hơn con gái nên đến chơi nhà con nào, mẹ tôi cũng đòi về nhà với vợ chồng thằng út. Cả 14 anh, chị (gái, trai, dâu,rể) nhà chồng ai cũng quý mến em. Vợ chồng tôi ở xa, mỗi lần về, em đều đón tiếp như thượng khách, chăm lo đến từng miếng ăn giấc ngủ lại còn quà cáp khi đi nữa làm tôi cũng ngượng. Tôi nói điều đó với các chị em gái mọi người cùng bảo: “Tính em nó vậy đấy, chị em ở gần đây đến chơi luôn cũng đều chu đáo thế”.
          Hơn ba chục năm chung sống,giờ đã có hai con trai trưởng thành ngoan ngoãn hiếu thảo , lại có cả cháu đích tôn nữa rồi, vợ chồng cậu em út của chúng tôi, dù lúc nghèo khó hay khi khá giả vẫn giản dị,chân tình, cởi mở với mọi người và gắn bó khăng khít cùng nhau. Năm ngoái, các em tổ chức kỉ niệm 30 năm ngày cưới, tôi có viết mấy câu văn vần tặng hai em. Hôm nay xin đăng luôn vô bài viết này:
              Mừng cậu út nhân kỉ niệm 30 năm ngày cưới
               Nhớ ngày cậu út nên đôi
               Thân hình bé nhỏ, tuổi đời còn non
               Cảnh nghèo nhà thấp lối mòn
               Cha đà khuất núi đâu còn tựa nương
               Mẹ già gầy yếu buồn vương
               Anh em túng bấn chẳng nương nhờ gì
               Ba mươi năm chẵn trôi đi
               Các em gắn bó chẳng khi nào rời
               Trải bao mưa nắng cuộc đời
               Chung tay gây dựng cơ ngơi đàng hoàng
               Nhà cao vườn đất mênh mang
               Sinh hai nam tử khoe ngoan nên người
               Năm nay thêm đích tôn rồi
               Tạ ơn tiên Tổ, Phật Trời đoái thương
               Chúc em vẹn nghĩa đá vàng
               Bên nhau hạnh phúc nồng nàn trăm năm
Sao Đỏ: 9-3-2022
Song Thu

         

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022




 (Thị không học trường cấp 3 phổ thông như nhiều người mà Thị học trường TNLĐXHCN cấp 3 Hà Bắc. Đặc biệt hơn nữa là Thị lại học khóa 1 của ngôi trường này. Vì thế, khóa của Thị chỉ có 2 lớp. Ban đầu sĩ số hai lớp đó xuýt xoát bảy chục người. Nhưng đến khi thi tốt nghiệp chỉ còn có 31 người thôi. Phần lớn sự hao hụt sĩ số trong khóa học đó là do số người được gọi nhập ngũ, một số ít nữ sinh lại xin đi học trung cấp gì đó và số ít nữa là do trường chuyển từ Lục Ngạn xuống Lục Nam thì nghỉ học.)
Khóa một mến yêu của ngôi trường này có nhiều điều đặc biệt và đáng yêu lắm. Nhưng hôm nay Thị chưa có thời gian viết về những điều đó. Thị chỉ nói sơ qua về cuộc họp mặt hôm 2-6-2022 vừa qua thôi. Thực ra các bạn Thị đã có đến bốn, năm lần họp khóa rồi. Nhưng vì Thị công tác tận Chí Linh Hải Dương , không nắm được thông tin nên lần này Thị mới tham gia. Khi nhận được thông tin lòng Thị cứ rộn hết cả lên, Thị hỏi ban liên lạc đủ thứ, kể cả số điện thoại của các bạn. Thế là suốt ngày buôn chuyện, hẹn hò về hội khóa. Biết Thị hay ghép vần nên Ban liên lạc đề nghị Thị làm một bài thơ theo chủ đề 50 năm ngày gặp lại. Thị giãy nảy lên vì Thị chẳng làm thơ theo kiểu đặt hàng đó bao giờ. Nhưng rồi với cảm xúc xốn xang của lần gặp đầu tiên, Thị cũng ghép được một bài văn vần để đọc trong ngày hội khóa.
Thị thuê hẳn một chuyến xe về dự hội chớ bộ. Đã thế, ông xã Thị còn đưa Thị đi đến tận nơi hẳn hoi rồi mới cùng chú em lái xe về chơi với ông anh rể ở gần đó. Thị cảm động lắm. Cho nên, khi được giới thiệu lên đọc thơ, Thị đọc luôn cả bài của ông xã làm về họp lớp. Chắc có nhiều người sẽ nghĩ là Thị thích khoe chồng chăng? Thì đã sao! Tính Thị thế nào thì Thị cứ tự phát mà bộc lộ ra thôi. Không ngờ khi đọc xong, Ban liên lạc còn xuýt xoa khen ngợi và gửi lời cám ơn ông xã Thị rối rít ấy chứ. Thị phổng mũi và rung rinh ra trò. Hôm nay Thị sẽ khoe cả hai bài đó lên phây cùng anh, chị, em và bạn bè nha)
50 NĂM HỘI KHÓA
Năm mươi năm lặng lẽ trôi
Chúng mình trên dưới bảy mươi cả rồi
Bâng khuâng nhớ lại một thời
Đôi mươi, mười tám tuổi đời non tơ
Vô tư chân chất dại khờ
Cùng làm cùng học từng giờ mê say
Trong ngôi trường đặc biệt này
Học sinh toàn tỉnh sum vầy hân hoan
Từ Lục Ngạn, Bắc Giang Sơn Động
Đến Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang
Từ Sơn, Đình Bảng rộn ràng
Thuận Thành, Yên Thế lại càng hào hoa
Về đây sum họp một nhà
Vừa làm vừa học thật là tươi vui
Ra trường bay khắp muôn nơi
Vẫn luôn nhớ mãi khoảng trời Đồi Ngô
Nhớ từng lời thầy cô dạy bảo
Nhớ những hôm đọc báo truy bài
Nhớ lần đi cấy chăng dây
Nhớ khi chở gạo, nhớ ngày liên hoan
Nhớ những đêm họp bàn văn nghệ
Nhớ những câu chuyện kể đêm khuya
Nhớ dòng lưu bút vụng về
Chứa bao tình cảm chân quê chúng mình
Nay gặp lại nghĩa tình thêm đẹp
Nhìn nhau tìm lại nét ngày xưa
Dẫu rằng trải mấy gió mưa
Tình nay thêm thắm, tình xưa càng nồng
Sao Đỏ: 31-5-2022
Song Thu
LỚP CŨ
Bởi chưng có tuổi học trò
Ba năm chung một chuyến đò sang ngang
Mà nay nắng xế chiều tàn
Nhớ nhau ta lại tìm đàng gặp nhau
Chuyện trò thăm hỏi đôi câu
Thỏa lòng mong mỏi bấy lâu là mừng
Ước gì có phép thần thông
Kiếp sau ta lại đi chung một đò
Lại về lớp cũ trường xưa
Lại thanh xuân tuổi mộng mơ thuở nào
Đỗ Đình Tuân

 




NÉN TÂM NHANG THÀNH KÍNH DÂNG CHA

Hôm nay tròn 67 năm Cha lìa xa thế giới này. Con gái cúng Cha thật là đạm bạc. Tuy nhiên con biết Cha không phiền trách gì con đâu. Bởi thuở sinh thời Cha cũng luôn thích những món ăn đạm bạc thôi mà.
Con thiệt thòi vì mất Cha từ khi hơn hai tuổi. Con chẳng thể nhớ nổi hình ảnh của Cha nhưng chỉ nghe mọi người nói là con giống Cha nhiều lắm. Con cám ơn Cha Mẹ đã cho con máu đỏ , hình hài. Dù không thể có những kỉ niệm với Cha nhưng qua mọi người nói về Cha, con thật sự tự hào về Người. Con luôn hình dung ra hình ảnh Cha đã ngoài 50 tuổi mới có mụn con gái bé tí xíu mà cứ run run ôm núm ruột còn đỏ hỏn của mình vào lòng rồi tha thiết nói với cô hộ sinh “ Có thuốc nào tốt nhất mong cô tiêm phòng cho con gái tôi”. Chả là chị gái con bị chứng sài đẹn gì đó đã bỏ Cha Mẹ mà đi khi chưa đầy tuổi nên khi con ra đời Cha có nhiều lo lắng mà. Đẻ con nói với con rằng, thời đó, Đẻ được sinh con trong Nhà thương lại được Cha bế con như vậy là hiếm lắm và Đẻ con tự hào về điều đó Cha ạ. Con lại nhớ Cha dượng con kể rằng khi ông đang ngủ trưa bỗng thấy Cha mở mành bước vào. Cha dượng con cứ ngỡ chú Binh Khài liền vồn vã mời chú ý ngồi chơi. Nhưng Cha xua tay và nói rằng: “ Không, tôi đây mà, tôi có đứa con gái gửi Chú. Nhờ Chú chăm sóc và cho cháu học hành đến nơi đến chốn nhé”. Rồi Cha lại mở mành bước ra. Dượng con tỉnh giấc và cứ bâng khuâng mãi. Có lẽ vì thế chăng mà Dượng con rất quý yêu con và cho con học hành đầy đủ Cha ạ.
Giờ con gái bé bỏng của Cha ngày nào đã sang tuổi 70 rồi. Con có một đức phu quân khỏe mạnh, hiểu biết, luôn trân trọng con. Con lại có cháu nội, cháu ngoại đề huề, khỏe ngoan. Con trai và con dâu con luôn nhớ ngày giỗ Cha, Mẹ và thắp hương Cha Mẹ rất thành kính. Các cháu từng về tận Phù Cừ xây mộ Cha Mẹ, góp tiền làm lăng mộ họ tộc nhà mình và làm giỗ Cha rất chu tất đúng khi kị nhật Cha 60 năm. Nếu khi nao con già nua không đủ tỉnh táo để làm giỗ Cha, Mẹ nữa thì con tin là các con của con vẫn cúng giỗ chu toàn. Mong Cha Mẹ an lành nơi cõi thiêng ạ.
Con gái thành tâm cúi lạy Cha Mẹ
22-7-năm Nhâm Dần tức 19-8-2022
Nguyễn Vũ Song Thu








 CHIẾC BÁNH SINH NHẬT KÌ DIỆU Kể từ khi còn vô cùng thiếu thốn, vợ chồng Song Thu vẫn luôn quan tâm đến sinh nhật của từng thành viên trong gia đình. Tuy nhiên cái thuở khó khăn ấy, mỗi lần sinh nhật, thành viên chỉ nhận được lời chúc mừng cùng một vật dụng gì đó thật thiết thực với bản thân như: tấm áo, manh quần, chiếc khăn hoặc đôi giày, đôi dép gì đó… (nói chung là vật dụng ấy buộc phải sắm rồi nhưng chờ dịp sinh nhật mới sắm cho thêm phần ý nghĩa mà thôi). Ngoài ra, hôm đó sẽ tổ chức một bữa ăn tươi hơn thường tình chút đỉnh. Nghĩa là có thêm thịt hoặc cá so với bữa cơm rau mắm thường ngày. Riêng với các con thì được đưa ra hiệu ảnh, chụp một kiểu để đánh dấu mốc thời gian bước sang tuổi mới. Chỉ vậy thôi mà với làng xóm nơi đây thế đã là chơi sang rồi đấy. Còn nhớ một lần, Song Thu đưa bé Thương Chi đi cắt tóc rồi chụp ảnh mừng sinh nhật, gặp một anh có 6 con, anh ấy bảo rằng: “ Cô vẽ vời nhỉ?. Mới một đứa thì thế thôi chứ thử bốn năm đứa liệu còn sinh với chả nhật được nữa không?”
Sau này các con của Song Thu cũng theo nếp bố mẹ mà tổ chức sinh nhật cho mình và nhất là cho các con của chúng. Có điều, chúng tổ chức hoành tráng lắm. Nào là trang hoàng phòng sinh nhật, mua hoa tươi về cắm, mua bánh sinh nhật, bánh kẹo và hoa quả rất linh đình, phong phú lại còn mời người thân và các bé hàng xóm tới dự nữa chứ. Đông vui và tíu tít ra trò. Bọn trẻ háo hức trước đó hàng tuần như ngày nhỏ tụi mình chờ tết vậy. Có cháu đến hôm sinh nhật thì chạy hết khu chung cư thông báo với mọi người mấy lần trong niềm phấn khích tột độ. Không chỉ quan tâm tới sinh nhật các con, chúng còn rất quan tâm đến sinh nhật của bố mẹ. Biết mẹ thích hoa nên năm nào sinh nhật mẹ, chúng cũng tặng lẵng hoa thật đẹp. Chúng còn mua cả bánh sinh nhật rồi bắt mình đội mũ sinh nhật, chắp tay ước nguyện và thổi nến nữa chứ. Bọn mình không quen những trò này nên ngại ngùng lắm nhưng nhìn nét mặt háo hức của các cháu, thấy chúng hào hứng vỗ tay hát chúc mừng sinh nhật ông bà, mắt sáng bừng khi đốt pháo phụt và mê mải ăn bánh kẹo hoa quả thì mình cũng vui lây và bằng lòng để các con tổ chức sinh nhật như vậy cho mình vì niềm vui của cháu con.
Năm nay, chuẩn bị sinh nhật Song Thu, mấy chị em chúng ở Hà Nội bàn nhau sôi nổi lắm. Nhưng do chàng Tuân bị ho và sốt nên Song Thu thông báo để các con không cho các cháu về nữa. Chúng bảo “Nhưng mà chúng con đã đặt bánh sinh nhật rồi”. “Đặt thì hủy thôi, họ đã làm ngay đâu mà lo. Không có bọn trẻ ở nhà bố mẹ cần gì bánh sinh nhật?”. Thấy bọn chúng không nói gì, Song Thu nghĩ như vậy là xong. Vợ chồng bàn nhau sẽ chỉ ăn tươi một bữa, uống chút rượu vang hay sambanh là ok. Vì thế, khoảng hơn 3h chiều hôm đó thấy người síp lẵng hoa của các con gửi về thì dẫu có hơi ngỡ ngàng nhưng cũng nghĩ rằng hợp lý. Nghĩa là các con biết mẹ thích hoa nên dù không về tổ chức sinh nhật cho mẹ được vẫn gửi hoa về chúc mừng. Cho nên, nhận hoa xong là chụp ảnh và đưa lên facebook luôn.
Sau đó vào chuẩn bị bữa tối. Vừa nấu nướng, tắm gội xong thì trời đổ mưa và mất điện. Đang loay hoay tìm đèn pin thì lại thấy có người gọi cổng. Chạy ra xem thế nào đã nghe người sip hàng bảo: “ Bà ra nhận bánh sinh nhật”. Trời đất, lại còn bánh sinh nhật nữa ư? Chỉ có hai ông bà già ở nhà, ai ăn? Ông xã bảo: “Thôi em cứ cất vào tủ lạnh để mai cho hàng xóm”. Mình đem cất vô nhưng bánh thì to mà tủ nhỏ nên chẳng để vừa. Đành để tạm ngoài bàn và nghĩ là hết mưa sẽ mang cho. Hai ông bà ngồi vào bàn ăn, mở vang ra uống. Vừa uống thì con trai gọi điện về hỏi : “ bố đã đỡ sốt và ho chưa?” rồi lại hỏi: “ Nhà đã nhận được bánh sinh nhật chưa? Bố quát “ Chúng bay bày vẽ rườm rà, ai ăn mà bánh với trái. Đang để ở bàn kia, hết mưa sẽ mang cho hàng xóm”. Con trai nói rằng bánh đặc biệt, không cho được vân vân và mây mây…Trời mưa to, bố nghe không rõ liền nói: “ lằng nhằng thế thì mai vứt xuống đập cho cá ăn chứ bố mẹ có ăn bánh sinh nhật bao giờ đâu”. Ngồi vào bàn ăn, bố vẫn còn cằn nhằn, bánh bung làm gián đoạn bữa ăn, mất cả ngon. Biết tính chàng, Song Thu chẳng nói chi chỉ giục: Ăn đi anh!
Vừa xong bữa thì thấy cháu đích tôn xuống chúc mừng sinh nhật bà, bà mừng quá liền bảo: Nếu bố mẹ đồng ý cho ăn bánh sinh nhật thì cháu mang cả về. ( Chả là cháu đang thừa cân nên bố mẹ thường không cho ăn đồ ngọt). “ Không được đâu bà ơi… thím Thảo gọi điện về bảo mẹ cháu xuống mở bánh cho ông bà đấy. Mẹ cháu xuống ngay bây giờ”. Dứt lời thì con dâu xuống . May sao đúng lúc đó điện lại sáng bừng lên. Con dâu mở bánh ra và bảo: “Bà rút cái này lên để con quay video”. Quay làm gì? Thì bà cứ làm đi, có điều bí mật trong bánh mà. Mình cầm cái thanh nhỏ như que tăm trên mặt bánh rút lên. Ồ, thì ra là tiền. Ban đầu cứ nghĩ chỉ là một vài tờ cho vui thôi, ai ngờ rút mãi, rút mãi mà không hết. Lúc đó mình như một đứa trẻ nhỏ, háo hức thật sự với điều bất ngờ thú vị ấy. Mình cứ lẩm bẩm mãi: “ Đúng là chiếc bánh sinh nhật kì diệu”! Còn đang lâng lâng với điều lạ lùng ấy thì vào mở zalo lại thấy bé Sam đàn tặng bà bài Chúc mừng sinh nhật rồi lại nói: chúc bà mau khỏi đau tay, xinh đẹp, hạnh phúc và có một kho báu. Sim Ba thì hát chúc mừng sinh nhật rồi nói: Chúc mừng sinh nhật bà nội. Cu Bin lại chúc bà khỏe và có nhiều tiền. Chừng đấy thôi, Song Thu thấy mình là người hạnh phúc vô cùng!
Cám ơn các con và các cháu thật nhiều!
Sao Đỏ( sau sinh nhật lần thứ 70 một ngày): 11-8-2022
Song Thu




 HAI CÚN NHẮNG

Hai Cún bốn tuổi
Nhắng nhít vô cùng
Chạy nhảy lung tung
Không hề yên vị
Suốt ngày chí chóe
Nhưng rất thân nhau
Chẳng ai yêu cầu
Vẫn luôn nhảy nhót
Thấy MC hát
Là nhảy góp vui
Hai họ cùng cười
Yêu hai Cún nhắng
29-8-2022
Song Thu
NGƯỜI CAO TUỔI PHỐ TÔI 
Những người cao tuổi phố tôi 
Vẫn luôn sống khỏe, sống vui giữa đời 
Non, già bảy chục tuổi rồi 
Say mê múa hát như thời thanh niên 
Lới lơ*, Đào liễu** còn duyên 
Tò vò***, Chinh phụ**** ngọt miền dân ca 
Rộn ràng váy áo thướt tha 
Tô son, điểm phấn quý bà cứ ngon 
Hình như cái đẹp cái giòn 
Của thời son trẻ vẫn còn đâu đây 
Song Thu 
 Chú thích: ( *, **, ***, ****) tên những làn điệu chèo


Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

ĐỌC KHOẢNG TRỜI NGƯỜI LÍNH CỦA LÊ ANH QUỐC




Tôi hoàn toàn không quen biết người lính Lê Anh Quốc, càng không biết có nhà thơ tên là Lê Anh Quốc. Vô tình đọc được thơ anh trên Facebook, tôi không thể làm được việc gì khác ngoài việc viết cảm nhận về trường ca hơn 500 câu “Những người lính sinh viên” của anh. Tôi rất ít khi bình thơ, phải xúc động lắm mới viết. Được biết anh nhập ngũ năm 1971, khi đang là sinh viên. Một người lính sinh viên, một nhà thơ lính. Một người trong số hơn 10.000 sinh viên các trường đại học của Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu từ năm 1970 đến năm 1972. Hơn một nửa đã hy sinh tại các mặt trận, nhưng nhiều hơn cả là hy sinh tại chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị những tháng ngày đỏ lửa. Tôi gõ tên anh cùng tên bài trường ca của anh trong Google. Không thấy. Nghĩa là anh không nổi tiếng, thơ anh thuộc loại “chưa được xếp hạng” theo cách xếp hạng của giới tự phong cho mình là chuyên nghiệp.
Thơ về chiến tranh có hai giai đoạn. Giai đoạn trong chiến tranh và giai đoạn sau chiến tranh. Thơ chiến tranh trong chiến tranh mang tính động viên ca ngợi với âm hưởng chủ đạo là cảm hứng sử thi. Phạm Tiến Duật: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!” hay Nam Hà “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!”.
Thời kì hậu chiến, khi đã có độ lùi của thời gian, bối cảnh xã hội và tâm thế sáng tạo cho phép người viết được tái hiện chiến tranh thiên về chất trữ tình triết lí, chiêm nghiệm. Cốt truyện không còn là điều quan trọng như trong trường ca truyền thống mà mang yếu tố tự sự nhiều hơn. Trường ca Những người lính sinh viên nằm trong số đó. Tác giả không nhận mình là thi sĩ chuyên nghiệp: “Chúng tôi đi đánh giặc những tháng năm dài Phút khuây khỏa Làm thơ trên báng súng. Đời chẳng tĩnh Nên câu thơ quá động. Lục bát trèo Lên võng Đung đưa…” Lục bát trèo lên võng đung đưa là thơ nó tự trèo lên người lính. Câu thơ thật hay, chuyên nghiệp chắc gì nghĩ ra. Thơ anh tự sự nhưng không phải tự sự của “tôi” mà là của “chúng tôi”, những người người lính có học mà anh gọi là lính sinh viên, từ ruột gan người lính. Những vần thơ mộc mạc, tự nhiên như chính đời lính gian khổ, đói rét, hy sinh, ngời sáng tình đồng đội thiêng liêng cao thượng. Nói về thế hệ mình, anh tự hào: “Thế hệ chúng tôi ! Ai cũng dễ thương, Thơm thảo như hoa, Ngọt ngào như trái. Tình đồng đội lòng không cỏ dại, Nghĩa đồng bào - Bầu, Bí thương nhau.” Anh nói về sự hy sinh của các chị các em các mẹ mà anh cho là cao cả hơn sự hy sinh của người đàn ông: “Thế hệ chúng tôi phụ nữ muộn chồng Nhiều đứa quá thì nên cầm lòng vậy Đời con gái chín dần trong cây gậy Rụng xuống đường lọc cọc tiếng đơn côi.” Chỉ người đàn ông đích thực mới nhìn thấy cái mất mát đáng sợ do chiến tranh mang lại cho người đàn bà: “Con dâu nằm chung với mẹ chồng, Tay bó gối phòng lúc mình mê ngủ. Hai cái thiếu chẳng làm nên cái đủ. Dưới mái nghèo năm tháng vắng đàn ông.” Hình ảnh chiếc võng được lính liên tưởng như vầng trăng khuyết, như con thuyền chở lòng căm thù giặc, như cánh cung mà mỗi người lính là một mũi tên. Người lính còn biết mơ mộng một ngày đỗ đạt vinh quy bái tổ ngồi trên võng. Thương quá những chàng sinh viên gác bút nghiên đi đánh giặc! Nói về sự lạc quan của người lính, khó ai có thể nói hay hơn: “Chúng tôi cười Cười chật đất Cười chật sông Cười chật suối...” Về cái đói của lính, anh cũng có cách nói rất độc đáo đồng thời lại rất thật: “Không sợ giặc, không sợ đạn bom rơi, Cái sợ nhất lúc này là đói. Đói vàng mắt, Đói long đầu gối, Đói phạc phờ, Đói thừa cả chân tay...! Mà lạ chưa? Vào chính lúc này, Chúng tôi lại đánh lui quân giặc.” Kết thúc chiến tranh, anh không quá say sưa chiến thắng mà nói về làng quê, về đời sống của người dân và đương nhiên là nói về mẹ: “Bây giờ mắt mẹ đã mờ, Nhìn tôi bằng “ngón tay rờ” run run” Câu thơ tuyệt hay. Cần gì phải nói bao năm chờ đợi mẹ khóc đến mù hai mắt, chỉ cần hình ảnh nhìn bằng tay là đủ lay động lòng người. Anh có một “nỗi buồn chiến tranh” giống mọi người: “Bao cô gái Bao chàng trai Lứa tuổi đôi mươi Đã nằm xuống dưới bạt ngàn nấm mộ Những cái tên… ngày nào xanh nhãn vở Giờ xếp hàng Đỏ rực nghĩa trang.” Không phải rất nhiều nấm mộ mà là chỉ một nấm mộ thôi nhưng bạt ngàn. Thơ đấy chứ đâu, nghệ thuật đấy chứ đâu nữa! Và một nỗi buồn rất khác. Các anh trở về với luống cày cây lúa. Thời trai trẻ đã qua đi, không được học hành như mơ ước. Trong thời đại công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, các anh bị lạc hậu: “Không thể đem việc đổi xạ - bóp cò, Làm công nghiệp trong thời mở cửa. Ta sẽ chẳng vượt qua đói khổ, Nếu chân mình còn nặng đế cao su!” Đau hơn cả là cái tương lai tươi sáng mà vì nó các anh đã chiến đấu hy sinh vẫn còn xa chưa đến: “Ta đã qua dài rộng rừng sâu, Chân đã thuộc những nẻo đường ngang dọc, Mà bây giờ trước đồng, trước ruộng Sao ta đi, đi mãi... chẳng đến bờ? Vẫn chỉ là muôn thuở: Đói hay No? Mà lăn lóc cả đời với đất Từ mặt trận, mang Cái còn - Cái mất Trở về làng đánh đổi Cái có - Cái không...” ***** Tôi bỏ cả ăn sáng, viết cho xong bài này.
Hãy cho tôi một lần được làm người bình thơ, hãy cho tôi thắp nén tâm nhang cho anh, người lính thơ, nhà thơ lính. Có thể anh không có danh xưng nhà thơ (tôi không rõ lắm) nhưng anh là nhà thơ trang trọng trong tôi, trong những người bình thường và những người yêu thơ. Chúng ta căm ghét chiến tranh, chúng ta mong con cháu mình không bao giờ phải cầm súng, không muốn rồi sẽ có những người lính sinh viên như anh. Nhưng để mong muốn đó thành hiện thực, chúng ta phải trân quý những người như anh - người lính vô danh, nhà thơ thầm lặng!
Phan Chi

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

 MỘT CHUYẾN ĐI THÚ VỊ

                                  
            


                                     

Ngót nửa thế kỉ chia xa, vài năm gần đây, nhóm nữ sinh 4 D, Khoa Văn, trường ĐHSP Hà Nội 1, K23 chúng tôi ngày ấy, nhờ mạng xã hội mới tìm lại được nhau để chia sẻ nỗi niềm rồi hò hẹn tụ tập. Đa phần chị em đều có máu ngao du, thích chụp ảnh lại rất thân tình và quý mến nhau. Cho nên : “xa là nhớ, gần nhau là cười”. Vì thế, lúc nào có cơ hội là chúng tôi lại tụ tập cùng nhau. Lần này cũng vậy, từ hồi trong tết chúng tôi đã nhấm nhỉ nhau rồi. Nhưng vì dịch cô vít nên không thực hiện được, ai cũng buồn so.Mới cách đây mươi tuần, con trai một bạn là em út của lớp làm được nhà lớn, cả bọn đã gặp gỡ chúc mừng và chụp ảnh tưng bừng lắm. Bữa đó, tôi không có mặt vì Chí Linh quê tôi là vùng tâm dịch, vẫn đang bị phong tỏa. Nhìn các bạn tung ảnh lên phây, lòng tôi buồn rười rượi và tiếc hùi hụi. Thế rồi tỉnh tôi đã được xóa bỏ giãn cách, người dân vỡ òa niềm vui khôn tả. Kể cả những người đã 5, 6 chục  tuổi rồi vẫn còn muốn được mặc quần trắng, áo đỏ xuống đường “đi bão” với bọn trẻ ấy chứ.Thế là bọn chúng tôi lại nhắn tin, gọi điện, hẹn nhau đi chơi. Bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định mồng 10 tháng tư sẽ lên đường. Không may, mấy ngày giáp hẹn đó đều mưa tầm tã, có bạn băn khoăn, mưa thế này, liệu có đi được không? Tất cả nhao nhao lên: đi chứ, mưa không tham quan chụp ảnh được thì tụ tập để nói chuyện với nhau cũng sướng mà.
         Y hẹn, khoảng 12h30, chúng tôi, từ Thái bình,Hải Dương, Hà Nội đã có mặt tại nhà anh chị Thông, Dung ở Sóc Sơn. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng vui như tết. Sau ít phút hàn huyên, dù trời mưa lâm thâm, cả nhóm vẫn kéo nhau ra thung lũng hoa để chụp ảnh. Chúng tôi định lững thững tản bộ, vì từ nhà anh chị ra đó rất gần chỉ độ non cây số. Nhưng anh Thông, vốn xem chúng tôi, những người bạn đồng môn của vợ mình như em ún trong nhà, lại cưng chiều chúng tôi như trứng mỏng nên nhất định bảo: “Các em, lên xe anh chở đi”. Thế là cả bọn leo lên ngay. Đến thung lũng hoa, anh còn ân cần dặn dò, mấy chị em cứ vui chơi, chụp ảnh cho thỏa thích, khi nào về nhớ gọi điện để anh ra đón. Giờ anh về họp BGH nhà trường đã ( chả là anh chị mở trường THPT tư thục, Mạc Đĩnh Chi, do chính anh làm Hiệu trưởng. Đây là một ngôi trường tư thục đầu tiên ở nơi này, trường đã thành lập được hơn hai chục năm rồi, kiến trúc khang trang, bề thế, lại có nhiều thành tích nổi bật về giáo dục đức, trí, thể, mỹ nên học sinh đăng kí học tại đây rất đông. Nhiều con em của địa phương đã trưởng thành từ ngôi trường này).
         Vừa chào tạm biệt anh xong là chúng tôi ùa ra ngắm hoa, chụp ảnh. Gớm toàn các nàng U70 cả rồi mà cứ ríu ra ríu rít  áo dài đỏ, áo dài hồng thướt tha, nói cười rộn ràng, khi nghiêng người tạo dáng, khi vòng tay như ôm ấp cả ngàn hoa, lúc lại nhẹ nhàng nâng nhành hoa lên mà chụp ảnh, làm cho cả thung lũng hoa bừng sáng và sống động hẳn lên. Thoắng cái đã gần hết buổi chiều, anh lại lái xe ra đón chúng tôi về.Vì có tôi và một bạn nữa chưa biết nhà anh ở quê, anh quyết định đưa tất cả chúng tôi về thăm. Quê anh, cách đó độ non chục km, đường đi rất đẹp nên vèo một cái, chúng tôi đã về tới nơi. Tôi sững sờ trước một cơ ngơi sang trọng mà thấm đẫm chất văn hóa của một gia đình nề nếp. Trong không gian vừa phải, có một căn nhà vườn xinh xắn, một ngôi từ đường trầm mặc, một nhà chòi cất nổi trên ao tự tạo, có nước vào ra luôn trong veo để khách ngồi chơi xơi nước và ngắm nhìn từng đàn cá vàng bơi lội tung tăng tầng nổi cùng  những chú trắm đen hàng chục kg lượn lờ tầng chìm thật thú vị.Quanh sân ngôi từ đường trồng rất nhiều hoa, lại có cả những cây cổ thụ tỏa bóng mát, được trang trí đèn sáng như công viên. Khu tường bao quanh khuôn viên được trang trí nhiều bức tranh rất đẹp và giàu ý nghĩa khiến người chiêm ngưỡng mê mải ngắm nhìn không biết chán. Muộn rồi, anh lại đưa chúng tôi về trường. Vừa rửa ráy, nghỉ ngơi được một lát là có bữa tối thịnh soạn bày lên với các món ăn được chế biến rất công phu từ cá lăng, cá tầm. Chúng tôi đánh chén thật nhiệt tình, ngon miệng và vui vẻ như bữa cơm họp mặt của một gia đình đầm ấm thân thương.
         Đêm đó, chúng tôi vô nhà nghỉ. Chị đặt cho chúng tôi hai phòng sát nhau. Nhưng chúng tôi không thích thế nên yêu cầu cho kê hai giường to giáp vào để tập trung tại một phòng cho vui. Cả đêm, không ngủ, chúng tôi hàn huyên đủ thứ chuyện. Nào là ôn lại thời sinh viên rồi chuyện chồng con, công việc…Mỗi người một cảnh ngộ chẳng ai giống ai. Có người được đi đó đi đây nhờ đức phu quân công thành danh toại; có người chỉ quẩn quanh với mái trường bên trang giáo án ; có người bỏ nghề, bươn bả kiếm kế mưu sinh trong thời bao cấp xiết mấy gian nan… Song  rất mừng vì đến nay,tất cả chúng tôi, dẫu không ai giỏi giang nổi bật gì nhưng đều là những người phụ nữ hết lòng vì chồng vì con và ai cũng  có một gia đình yên ấm với đức lang quân thủy chung, hiểu biết, tốt tính; các con hiếu đễ, sớm tự lập và trưởng thành; các cháu khỏe, ngoan . Chúng tôi bằng lòng với điều đó và tự thấy mình may mắn, hạnh phúc nên chẳng mong ước gì hơn chỉ muốn sống vui khỏe những năm tháng cuối đời để đỡ phiền con cháu thôi.
          Sáng hôm sau, anh chị cùng các con lại đón chúng tôi đi ăn phở tại một quán ngon nổi tiếng trong vùng rồi đưa cả nhóm đi tham quan Đại Lải. Anh chị có 3 người con, một trai, hai gái, cháu nào cũng thành đạt. Cậu con trai công tác xa nhà, nên không có mặt trong dịp này. Hai cô con gái của anh chị thật giỏi giang, tháo vát, nhiệt tình. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan lại vừa làm nhiếp ảnh gia rất tích cực. Chỗ nào có hoa nhiều, cảnh đẹp chúng đều dừng xe để mẹ và các cô chụp ảnh. Thương chúng vất vả, bọn tôi bảo nhau chụp ít thôi nhưng hai chị em đều nói: “ Mẹ và các cô mấy khi gặp nhau, cứ vui vẻ chụp thoải mái đi. Chúng con chỉ mong các mẹ vui là thích rồi. Chúng con chẳng mệt đâu”. Không chỉ chụp ảnh, vì biết khu trong này ăn đắt mà không hợp với khẩu vị các mẹ nên chúng chuẩn bị đồ ăn sẵn từ nhà mang đi, rồi ủ kiểu gì đó mà đến trưa chúng tôi ăn vẫn ấm nóng. Bữa ăn giữa rừng thông Đại Lải mà vẫn có cả bàn ghế đàng hoàng mới oách chứ. Nhìn chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa vui sướng, chị Dung bảo: “Có con gái thích thế đấy. Từ tuần trước chị đã thông báo với hai cháu là có các cô lên chơi và yêu cầu chúng thiết kế cho một chuyến tham quan Đại Lải  thế là chúng tự lo liệu thôi. Tối qua, chúng trình bày kế hoạch cụ thể bảo mẹ đưa ra cho các cô duyệt, chị nói, không cần đâu. Mẹ và các cô sẽ để tùy các con”
         Cơm nước xong xuôi, nghỉ ngơi giữa rừng thông vi vu gió, tận hưởng không khí trong lành, mát rượi của rừng cây, hồ nước mà cảm thấy thư thái đến lạ kì. Chẳng biết mọi người thế nào. Riêng tôi cứ thấy mình như được trở về với tuổi thơ, hòa mình giữa thiên nhiên hoang sơ mà quyến rũ,  vừa rất thân thuộc mà cũng nhiều kì bí đến vô cùng. Sau đó, hai cháu còn đưa chúng tôi đi tắm khoáng nóng và xông hơi nữa. Cám ơn hai cháu Hương Hà đã giúp cho các cô có một ngày với thật nhiều trải nghiệm thú vị không thể nào quên.  Tạm biệt Đại Lải, tạm biệt Sóc Sơn cùng ngôi trường Mạc Đĩnh Chi và gia đình anh chị Thông Dung, chúng tôi không chỉ vui sướng rung rinh vì được gặp nhau, được tham quan nhiều cảnh đẹp, được chụp ảnh tưng bừng mà còn rưng rưng cảm động vì sự đón tiếp thật nồng nàn thân thiết của gia đình anh chị Thông Dung.
         Qua bài viết nhỏ này, chúng em xin cám ơn anh Thông rất nhiều vì anh đã coi chúng em như những người em ruột thịt của mình; đã đi cùng chúng em suốt một ngày chủ nhật, ngắm chúng em vui chơi chụp ảnh thật bình yên vui vẻ. Chúng em cứ nói với nhau rằng nếu không rất trân trọng phu nhân của mình và không thật sự quý mến chúng em hẳn anh không thể làm mọi việc cho bọn em một cách thoải mái , tự nhiên đến như vậy.
       Sao Đỏ: 17-4-2021
       Song Thu