Sống trung thực, thẳng thắn, không cầu lợi danh; đã làm việc gì là tận tụy, hết mình một cách vô tư nhất. Nhiều người nói với tôi về Đỗ Đình Tuân như vậy. Tôi cho rằng đó là nhận xét đúng mực về ông chứ không phải là lối nói lấy lòng hay thậm xưng gì. Hơn nữa ông chỉ là một “phó thường dân” lại nghèo xơ, nghèo xác chứ có phải người quyền cao chức trọng hay tỷ phú (Vai mang túi bạc kè kè) đâu mà đòi được nghe những lời lấy lòng đường mật. Tôi biết, từ khi còn là giáo viên đến khi làmTổ trưởng tổ Văn hay Hiệu phó rồi quyền Hiệu trưởng nhà trường ông đã luôn sống và làm việc như thế. Khi về nghỉ chế độ, dù sức khỏe giảm sút nhiều, gia cảnh lại lắm éo le, ông vẫn giữ nguyên phong cách sống và làm việc đó trong ứng xử đời thường cũng như trong công việc “nghiên bút còn vương chút nợ nần”.
Nói riêng về những công việc có dính líu đến văn chương thì ông là người khai mở, tổ chức, xây dựng nhiều tổ, nhóm thơ văn của đất Chí Linh như: Tổ thơ câu lạc bộ Côn Sơn huyện Chí Linh, nhóm Tiểu Đường của thị trấn Sao Đỏ, tổ thơ Câu lạc bộ Văn hóa dưỡng sinh khu phố Nguyên Trãi 2, tổ thơ câu lạc bộ Hội Cựu giáo chức, nhóm thơ văn Cánh phượng...Ở nơi nào ông cũng làm việc tận tâm, vô tư nên được mọi người tôn trọng, ghi nhận và tín nhiệm. Tuy nhiên do tính bộc trực, không phải ông không gặp những tai nạn nghề nghiệp, những bất đồng quan điểm nảy lửa. Có người giận ông, tức ông, ghét ông và thậm chí có người còn muốn tìm cách “dằn mặt” ông cho bõ ghét. Song không ai có thái độ hay lời nói xem thường ông về mặt nhân cách cũng như nghiệp văn.
Với vốn kiến thức văn chương cơ bản (Cử nhân khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội I) lại là người ham đọc, ham tìm tòi, ghi chép cho nên ông có một phông nền văn hóa xã hội khá sâu rộng. Ngòi bút ông tung tẩy thoải mái trên nhiều lĩnh vực từ dịch thơ chữ Hán, sưu tầm hệ thống tài liệu các thư tịch cổ và những cây bút cổ, kim viết về Chí Linh đến làm thơ, bình thơ, sáng tác truyện ngắn, viết hồi ký...Trước kia, ông từng gửi bài đăng báo Hải Dương, Người cao tuổi, Văn nghệ, báo Quân khu 3, gửi thơ châm phát trên Đài tiếng nói Việt Nam vào chiều thứ bảy hàng tuần. Nhưng từ ngày mạng Internet phát triển, ông quay sang viết bài trên blog và thường xuyên có bài đăng trên các trang web: Chim Việt cành Nam, Người Chí Linh. Hiện ông là một trong những cây bút tiêu biểu của trang blog Triancuocdoi.
Giống như phong cách sống của mình, ông làm thơ, viết văn một cách hồn nhiên vô tư. Một lần tôi hỏi: “Anh có muốn em viết bài về thơ của anh không?” Ông nói ngay: “Tùy em, anh không quan xiêm xem em hay ai đó có viết bài về mình không. Anh viết giống như con gà, có trứng trong bụng thì đẻ thôi”. Thực tình, tôi có ý định viết một bài gì đó về thơ ông từ lâu nhưng cứ lần lữa mãi vì ngại người ta cho rằng “Chồng hát, vợ khen”. Nhưng khi nghe ông nói thế tôi thấy mình cứ viết trung thực những điều mình cảm, mình thấy, mình nghĩ còn ai nói gì thì có sao! Thế là tôi viết. Tuy vậy, trong bài viết nhỏ này, tôi không có tham vọng khám phá toàn bộ sáng tác của Đỗ Đình Tuân hay đi sâu vào khai thác mọi khía cạnh trong thơ ông. Bởi chỉ riêng lĩnh vực thơ thôi, tôi cũng thấy ông viết thật phong phú . Có thơ trữ tình. tự sự, triết lý, châm biếm , tự trào lại có cả những “Câu đùa, câu thật bỡn người thân” nữa. Cho nên tôi chỉ đề cập đến những cảm nhận của mình về nét riêng trong một số bài thơ cụ thể của ông mà thôi.
Theo thiển ý của tôi cái nét riêng nổi bật trong những bài thơ tôi sẽ nói đến sau đây chính là cái chất hài hài hom hóm ẩn chứa đằng sau từng con chữ, từng thi tứ. Thú vị hơn nữa là vì đó không phải là cái hài hài hom hóm dễ dãi, cái cười xòa hời hợt mua vui mà là tiếng cười lắm cung bậc và nhiều dư vị. Đọc thơ ông tôi cứ luôn hình dung thấy ở đâu đó hình ảnh một ông già đang mủm mỉm nụ cười móm mém nửa như giễu cợt, phê phán, nửa như yêu thương khích lệ thật ngộ có khi lại như cười cợt hay tâm sự với chính mình. Điều này thể hiện trước hết ở những bài thơ tự sự, tự trào. Trong bài “Ngỡ là xuân”, ông viết:
Tuân – xuân chung một cái đuôi “ uân”
Mà khác biệt nhau biết mấy lần
Xuân những tươi hoa cùng tốt lá
Tuân thì tóp thịt lại trơ gân
Xuân chừng “cốc vũ” đà “nên nhạc”
Tuân mãi “sang thu” mới “ ghép vần”
từ đó thơ thơ và thẩn thẩn
Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân
Ở đây tác giả đã đặt Tuân và xuân trong thế song hành đốí xứng để tự trào hình ảnh con người xương thịt và tự sự về con người văn thơ Đỗ Đình Tuân. Bên cạnh mùa xuân xanh tốt, tươi thắm và căng tràn sức sống “tươi hoa cùng tốt lá” là hình ảnh con người xương thịt Đỗ Đình Tuân hiện lên thật hài hước, bởi vẻ teo tóp khẳng khiu , gầy guộc đến không thể gầy guộc hơn “tóp thịt lại trơ gân”. Bên cạnh mùa xuân mới vào tiết “cốc vũ” đã nên thơ nên nhạc là hình ảnh Đỗ Đình Tuân đợi đến “sang thu mới ghép vần” (có thể hiểu là phải sang tuổi xế chiều của đời người mới làm thơ). Nhưng kì lạ thay, từ đó “ Tuân” bỗng đổi khác, lúc nào cũng ở vào trạng thái bồng bềnh, lãng đãng, chơi vơi đến độ thăng hoa và thấy cuộc đời thật đẹp tươi , thấy tháng ngày cứ tràn đầy tình thơ ý nhạc như mùa xuân bất tận của đất trời “Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân”. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh riêng đặc biệt của “ hắn” mà những người đã quen biết “ hắn” đều tìm thấy một ý nghĩa khác nữa trong ba câu thơ cuối của bài và có lẽ chính “ hắn” cũng định gửi gắm ý đó thật. Vì vậy mà bài thơ trở nên hóm hỉnh, đa nghĩa và ý vị hơn. Vẫn trong mảng thơ tự sự, tự trào này, đầu xuân năm 2011 vừa qua, khi nhận bằng mừng thọ tuổi bảy mươi, Đỗ Đình Tuân đã tự mừng mình bằng bài thơ “ Tôi lên tuổi bạc” rất khơi gợi và đầy tâm trạng:
Sáu chín tây mà ta bảy mươi
Xuân nay tôi cũng “ bạc” đây rồi
Bâng khuâng ôm nhận bằng mừng thọ
Lãng đãng vui buồn miệng nhoẻn tươi
Cứ chụp vài pô cho tíu tít
Thì ngâm đôi khúc thật tơi bời
Anh em bầu bạn gần xa lại
Không rượu thì bia cũng có mời
Bài thơ đậm chất tự tình. Cho nên ngoài vài ba nét phác họa không khí buổi mừng thọ tíu tít bởi cảnh chụp ảnh kỉ niệm, cảnh ngâm thơ chúc mừng và lời hứa mời bia, rượu, tác giả chủ yếu đi vào dãi bày tâm sự cá nhân : “Bâng khuâng ôm nhận bằng mừng thọ/ Lãng đãng vui buồn miệng nhoẻn tươi/ Cứ chụp vài pô cho tíu tít/ Thì ngâm đôi khúc thật tơi bời”. Có điều gì đó như chút bâng khuâng tiếc nuối, chút rưng rưng buồn vương trong những câu thơ trên. Điều đó không chỉ được gợi ra qua các từ giàu sức biểu cảm “bâng khuâng”, “lãng đãng” hay những từ ngữ mô tả “vui buồn miệng nhoẻn tươi” mà nó ẩn hiện ngay trong những cảnh ngỡ như chỉ nói đến niềm vui “Cứ chụp vài pô cho tíu tít / Thì ngâm đôi khúc thật tơi bời”.Có lẽ ở đây, tác giả đang bâng khuâng tiếc nuối vì tuổi trẻ qua đi và miên man buồn vương vì tuổi già đến chăng? Hay còn vì một điều gì khác nữa mà ta không thể gọi tên ra được mặc dù ta cứ thấy rưng rưng. Trong thời gian này, tác giả còn làm một số bài thơ khác để bộc lộ tâm trạng của mình. Có khi đó là chút âu lo trước tuổi già: “Thấy người mà lại lo xa/ Nay mai mình sắp sửa già thế chăng/ Ngày xuân lên lão không mừng/ Miệng cười mà dạ cứ bâng khuâng buồn”. (Tâm sự tuổi bảy mươi) Có lúc lại là chút buông xuôi, phó mặc của con người lực bất tòng tâm: “Đành tự khuyên ta ở tuổi này/ Còn nhai, còn uống được là may/ Cái tâm cái trí...còn hưng phấn/ Vườn rậm ao hoang...kệ chúng mày”.(Liệt kê)
Nếu thơ tự sự, tự trào của Đỗ Đình Tuân là những đan xen giữa vui buồn và giễu cợt thì thơ viết về người thân của ông lại nổi bật lên chất hài hước hóm hỉnh kiểu “ Câu đùa, câu thật bỡn người thân”. Điều này được thể hiện khá rõ trong bài : “Xin cho chữ béo”
Ngoài đời thày Mạnh to con
Cớ sao lên mạng CHỮ mòn mỏi đi
Các dòng đều bé li ti
Cứ như đàn kiến đang đi kiếm mồi
Khổ thay cho cái mắt tôi
Nghênh lên ngó xuống mà LỜI chưa hay
Mong khi lên mạng từ nay
Thày cho chữ béo như thày được không
Chả là, thày Mạnh, một giáo viên dạy toán cùng trường với thày Tuân dạy văn. Cả hai ông nay đã ở vào cái tuổi “Xưa nay hiếm”. Thày Mạnh mới có máy vi tính, mới tập lên mạng, chắc còn lạ lẫm với cách chọn cỡ chữ lại mới tập làm thơ,hình như ông mới đưa lên trang blog cá nhân có 3 bài thơ . Đọc được những bài thơ đó của bạn, thày Tuân mới làm bài thơ trên. Chất hài trong bài thơ toát ra ngay từ cái tiêu đề “Xin cho chữ béo” và càng hài hơn khi tác giả đem hình ảnh “ thày Mạnh to con” đối lập với những hàng chữ nhỏ li ti thêm vào đó là hình ảnh thày Tuân (có lẽ đã dương mục kỉnh lên rồi) vẫn phải “ nghênh lên ngó xuống” mãi mà chưa nhìn rõ chữ “mà LỜI chưa hay” nên mới phải “xin cho chữ béo như thày được không”. Ngoài cái ngồ ngộ, vui vui đó ra, những cụm từ “CHỮ mòn mỏi đi” và “LỜI chưa hay” còn lấp lánh những ý nghĩa khác nữa làm nên dư vị riêng cho bài thơ.
Bài thơ “Bữa nhuận mồm” lại là một tiếng cười vui sảng khoái rất thoải mái và đậm tình thân:
Hôm qua được bữa nhuận mồm
Thịt gà xôi lạc chuyện rôm ra trò
Lại thêm mấy đĩa xào bò
Bia lon cứ bật tha hồ thả phanh
Ước gì ông viết cực nhanh
Mỗi ngày một tập Gió Lành in ra
Để tôi thả sức ba hoa
Bia hơi dẳng rốn thịt gà ngập răng
Thực ra tôi cũng có mặt trong bữa liên hoan vui vẻ này và hiểu rất rõ về nguồn gốc của “Bữa nhuận mồm” hi hữu kia. Ấy là việc thày Bùi Trác Trường, nguyên giáo viên dạy kĩ thuật nông nghiệp của trường cấp 3 Chí Linh, thuở còn tại vị chẳng thấy thày làm thơ bao giờ nhưng về hưu không biết có gì phởn chí mà làm nhiều thơ đáo để rồi đem tập hợp lại thành một tập, nhờ thày Tuân đặt tên, viết lời giới thiệu và chế bản gốc. Phần lớn trong thơ thày Trường là viết về bà xã bằng một giọng thơ vui vô hại, phần còn lại là những bài thơ vui kiểu bắt chước Hồ Xuân Hương. Vì thề, thày tuân mới đặt tên là “Gió Lành” và viết lời giới thiệu “ Tản mạn xung quanh tập Gió Lành”. Thày Trường rất khoái tên tập thơ và lời giới thiệu đó. Sau này, lại nhờ một cô cháu gái của thày Trường mà tập thơ đã được ra mắt bởi nhà xuất bản Hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Thày Trường và gia đình phấn khởi lắm làm mâm cơm, mời thày Tuân. Thế là tôi cũng được ăn theo. Sau bữa liên hoan đó, bài thơ “Bữa nhuận mồm” ra đời.Cả bài thơ toát lên một không khí vui vẻ, rôm rả, hồ hởi, thoải mái rất dân dã rất tếu táo và rất thân tình. Chủ nhà và khách mời cứ như hòa làm một. Có phải chính cái giọng điệu thơ và những từ ngữ chân mộc đời thường như: rôm, thả phanh, cực nhanh, ba hoa, dẳng rốn, ngập răng đã tạo nên cái không khí đó của bài thơ? Nhưng với tôi, thú vị nhất trong bài thơ này là cụm từ “Bữa nhuận mồm”. Bởi nó rất lạ (hầu như chưa thấy ai dùng), rất hài và dường như nó còn góp phần định rõ vị thế của tập thơ, một thứ “ cây nhà lá vườn”mà người viết giới thiệu được “Bữa nhuận mồm” cũng đã thấy rất vui vẻ thoải mái. Bởi thế mới “Ước gì ông viết cực nhanh/ Mỗi ngày một tập gió lành in ra/ Để tôi thả sức ba hoa/ Bia hơi dẳng rốn thịt gà ngập răng”.
Vẫn với giọng điệu hài hước đó, trong bài “Thày Tuân phúc đáp” , ông viết : Nghe trò cưng nịnh sướng tai ghê/ Chúng bảo gì thày cũng miễn chê/ Bình luận dịch thơ thì đã thích/ Luật Đường lục bát lại thêm mê/ Lưng còng chân mảnh như ông khỉ/ Má tóp răng thưa tựa lão hề/ Ngày hội các thày đang sắp sửa/ Nghe trò cưng nịnh sướng tai ghê”. Chẳng biết tình thực học trò nịnh thày như thế nào nhưng qua lời thuật lại của ông thày trong bài thơ này thì hình như học trò vừa khen văn thơ của thày lại vừa vẽ luôn một bức tranh biếm họa về ông thày già khẳng khiu, móm mém nữa. Thế nhưng, ông thày già không hề phật ý lại còn cười tủm, gật gù đầy thú vị. Dường như dưới con mắt ông, các trò đáng yêu như con trẻ. Vì chỉ con trẻ mới nhìn thày với cặp mắt ngây thơ đầy ngưỡng mộ và cũng rất hồn nhiên để thấy rằng “ gì thày cũng miễn chê”, mới so thày với “ông khỉ” và “lão hề” khiến ông thày già vui sướng rung rinh mà hai lần thốt lên “Nghe trò cưng nịnh sướng tai ghê”. Cũng nên biết thêm một điều rằng đây là lời phúc đáp của ông thày “thất thập cổ lai hi” với học trò đã “ngũ thập tri thiên mệnh”, vậy mà qua giọng thơ vui, ta bỗng thấy trò thơ bé lại, thày càng trẻ ra. Vui đến thế. Thân mật gần gũi đến thế nhưng không hề trở nên suồng sã hay quá trớn mà ngược lại vẫn đúng đạo thày trò. Có lẽ chính cái chất hài hài hom hóm của thơ làm nên điều đó chăng?
Song cái giọng thơ nửa đùa, nửa thật vừa khen vừa chê, nửa như giễu cợt, nửa như khẳng định ấy được thể hiện rõ nhất trong thơ Đỗ Đình Tuân là những bài viết về vợ. Ở đó, ông thường sử dụng lối nói ngoa dụ kết hợp với cách so sánh cụ thể, giàu hình ảnh để cười cợt cái nhan sắc vốn rất khiêm nhường của vợ mình “Tóc mềm hơi giống lông cò lửa / Da trắng gần như đít chảo gang / Tiếng nói véo von y vịt đực / Thân hình thon thả hệt cây nhang”. Để rồi đi đến kết luận xanh rờn rằng: “Người ta hiện đại tây đầm cả / Mình vẫn chân quê một gái làng”. Thú thực, là nạn nhân trong bài thơ trên, tôi cũng thấy tưng tức lạ. Phụ nữ mà, ai chẳng thích được khen! Thế mà ở đây tôi lại bị chính ông xã mình chê lên chê xuống thì làm sao tôi không tức cho được? Nhưng rồi, tôi cũng tha cho hắn. Bởi chẳng biết có phải tại tôi hay giàu trí tưởng bở không mà khi nhẩn nha đọc lại, tôi bỗng tìm ra từ trong những lời thơ chê vợ ỏng eo kia một tình yêu, một niềm thương , một chút đùa vui ngọt ngào ý vị đến thân thiết và gần gũi. Có lúc mơ mộng hơn, tôi còn hình dung ra cả cái vỗ về nhè nhẹ, cái nháy mắt tinh quái, kết hợp với những lời dỗ dành ngọt lịm “Anh đùa chút mà em” trong đó nữa, thế mới lạ chứ! Ngay cả hai câu kết kia, lần đầu đọc, tôi cũng tức lắm. A, hắn dám mang tôi ra so sánh với một bóng hồng hiện đại, tân tiến, mô đen, sành điệu nào đó để chế nhạo cái quê mùa, cục mịch, lạc hậu của tôi ư? Nhưng rồi đọc lại lần nữa tôi lại thấy hình như hắn rất thích thú và tự hào về cái chân quê, gái làng của tôi đấy chứ! Thế là tôi lại mỉm cười sung sướng.
Vẫn giọng thơ hài ấy nhưng khi với sang lĩnh vực xã hội, đề cập đến mặt trái của nó thì tiếng thơ Đỗ Đình Tuân đã trở thành tiếng nói phê phán linh hoạt, sắc sảo và không kém phần quyết liệt dẫu chẳng cần “đao to búa lớn” gì.Ví như nói đến vấn đề môi trường, có khi ông bắt đầu bằng cảnh “lẻn lên trời ghẹo trăng” của một gã đàn ông khi vợ vắng nhà để rồi dẫn ta tới nghe lời than thở của Hằng Nga về việc “ Tầng Ô- Dôn để thủng rồi/ Ùn ùn khí thải cho trời nóng lên/ Rừng thì chặt phá triền miên / Nước dâng bão lũ... đồng điền hòng chi” (Ghẹo trăng); có khi ông lại mượn lời Trời mắng để bộc lộ trực tiếp nỗi giận dữ của TRỜI- ĐẤT cũng là để phê phán việc phá hoại môi trường của con người và chỉ ra tác hại ghê gớm mà con người phải hứng chịu khi tàn phá môi trường “Biển xanh bay để dầu loang/ Rừng xanh bay phá: đào vàng bới nhôm/ Trời xanh bay nhả khói om/ Lấy chi bay thở bay dòm hả bay?” (Trời mắng). Qua mấy câu thơ trên, ta thấy tất cả những gì xanh tươi, đẹp đẽ nhất của trời, của biển, của rừng bỗng bị con người làm cho ô nhiễm biến dạng đến thê thảm.
Khi viết về những hủ tục trong xã hội thơ Đỗ Đình Tuân vừa như cảnh báo lại đầy cảm thông và xẻ chia . Bài thơ “Thiếp...thiếp...!”đã thể hiện khá rõ điều đó:
Một ngày một cái thiếp mời
Miếng giò chát chát, miếng xôi nồng nồng
Một ngày hai chiếc thiếp hồng
Dẫu trời không rét thì lòng vẫn run
Một ngày ba tiệc thành hôn
Bảy vía xuống đất, ba hồn lên mây
Một ngày bốn thiếp đến tay
Gọi xe cấp cứu... chuyến này nguy to!!!
Đúng là hiện nay, trong xã hội ta, hủ tục cưới xin đã trở nên lố lăng rất thiếu văn hóa và lãng phí vô cùng Nào là một số xếp lợi dụng chức quyền coi việc tổ chức đám cưới như một cơ hội hợp pháp để thu nhận phong bao của cấp dưới nên mở ra rõ to. Dân thường thì vì sĩ diện, vì “Con gà tức nhau tiếng gáy” nên dẫu chẳng lợi lộc gì (chỉ tổ mệt người, có khi ế cỗ còn méo mặt vì lỗ vốn đã đành lại bị cười chê là ăn ở thế nào mà mời người ta cũng không đến) nhưng vẫn cứ làm to, cứ mời nhiều. Tôi chẳng biết ở các thành phố lớn thì thế nào chứ từ vùng nông thôn đến thị trấn, thị xã thì rặt một kiểu tổ chức đám cưới cỡ từ vài chục đến hàng trăm mâm với các món “sơn hào hải vị” cứ ê hề, tú ụ chẳng thể nào mà ăn cho hết được. Người bằng vai phải lứa với thày mẹ cô dâu, chú rể đến dự đám thì cứ ăn xong, bỏ phong bao vào chiếc hộp hình trái tim, rồi ra về chứ chẳng biết mặt ngang, mũi dọc cô dâu, chú rể cụ thể thế nào. Ai tò mò cũng chỉ nhìn họ từ tấm ảnh vốn đã xử lý qua vi tính nên chẳng còn giống người thật ở ngoài đời mấy nỗi. Cho nên, sau ngày đám cưới dẫu có gặp nhau cũng chẳng ai nhận ra ai để mà chào hỏi cho phải phép. Còn đa phần là đám thanh niên và người ruột thịt đôi bên dự lễ tổ chức thì lại phải chịu cảnh inh tai nhức óc bởi tiếng loa đài quá cỡ, tiếng thao thao bất tuyệt của người chủ hôn; cảnh nhảy nhót vô lối lộn xộn của một số thanh niên bốc lửa xen lẫn với những tiếng yêu cầu cô dâu chú rể “hôn nhau đi” cứ loạn cả lên. Không những thế, họ còn phải chứng kiến cảnh đôi bên gia đình trao quà cho con cái nào là vòng vàng nhẫn vàng, tiền ta, tiền đô cứ như một cuộc đua nhau giễu võ dương oai khoe tiền khoe của, đến chướng! Khổ nhất là, một số gia đình không có của cho con, nhưng lại sợ thiên hạ chê cười, sợ muối mặt với thông gia nên đành phải đi thuê vàng để đeo lên người cho con, rồi sau hôn lễ lại tháo ra mang trả hiệu. Nghe đâu tiền thuê đó cũng mất kha khá. Thật là một chuyện cười ra nước mắt. Cho nên, những người được mời dự đám cưới vốn chẳng vui mừng gì về mặt tinh thần đã đành mà còn phải lo lắng rất nhiều về mặt kinh phí nữa. Cứ tính xoàng nhất, hiện nay, ở vùng nông thôn mỗi lần dự đám cũng phải trăm ngàn, còn phố xá thì đôi, ba trăm, tùy theo đám tổ chức tại gia hay tại khách sạn.Với thu nhập của nông dân hay công chức thì đó quả là món tiền không nhỏ. Nhưng biết làm sao! Bài Thiếp...thiếp!!! của Đỗ Đình Tuân đã bắt rất trúng cái gánh nặng đè trên vai mọi người, cái nỗi lo không thể tránh khỏi của nhiều người khi nhận thiệp mời dự cưới. Ta thấy nỗi lo cứ tăng dần lên, gánh nặng cứ oằn mãi xuống theo nhịp gia tăng của hủ tục cưới xin. Ai cũng khiếp mà không ai tránh khỏi. Với những câu thơ giàu sức gợi từ chỗ mới chỉ thấy: “ Miếng giò chát chát, miếng xôi nồng nồng” đến “ Tuy trời không rét thì lòng vẫn run” rồi “ Bảy vía xuống đất ba hồn lên mây” và cao trào nhất là : “Gọi xe cấp cứu chuyến này nguy to”, tác giả đã thể hiện thật hài hước và cũng thật tinh tế diễn biến tâm trạng âu lo của con người trước hủ tục cưới xin trong thời kì bão giá. Nếu nói bài thơ như một tiếng kêu bức xúc thì tiếng kêu đó hiện hình ngay từ nhan đề “Thiêp...thiếp!!!” và ngày càng gia tăng trong toàn bài.
Đâu chỉ có những hủ tục, trong xã hội còn ối kẻ bị đồng tiền làm mờ mắt nên đã trở thành thất đức ngay khi đang làm trong ngành nghề cần nhiều đức độ nhất. Với bài “Y đức”, Đỗ Đình Tuân đã miêu tả hai thái độ khác nhau của ngài bác sĩ: Gặp thày ở bệnh viện công /Nét mặt lạnh lùng...rợn gáy người ta / Gặp thày trong bệnh viện nhà / Lời chào tiếng nói mặn mà khác ngay” rồi ông kết luận: “Tiền nào của ấy, mới hay / Ai mua “Y đức” đến thày bán cho”. Trời đất ơi! Đến cả đức độ của những con người vốn được xã hội tôn vinh hết mực coi như mẹ hiền (Lương y như từ mẫu) mà vị bác sĩ kia cũng mang ra ngã giá bán mua, cũng sẵn sàng cân đong đo đếm bằng đồng tiền được sao? Câu thơ “Ai mua “Y đức” đến thày bán cho” đã động chạm tới một hiện thực đau xót của xã hội khi mà đông tiền trở thành sức mạnh vạn năng có thể bán mua được mọi thứ và làm băng hoại cả đạo đức con người.
Tiếng nói phê phán trong thơ Đỗ Đình Tuân càng trở nên mạnh mẽ, sâu sắc và quyết liệt hơn khi đề cập đến những thói hư tật xấu của một số kẻ cầm cân nảy mực trong xã hội nhưng đã thoái hóa, biến chất.Có khi, đó là những kẻ nói mà không làm, nói rõ hay, rõ to tát nhưng là nói để mà quên chứ không hề mang đến chút thay đổi nào. Bài thơ “Chầu Diêm Vương” của ông là một ví dụ: “Quê tôi có hội làm vườn/ Mốc meo từ lễ khai trương đến giờ/ Tiếng thì còn đó trơ trơ/ Chấp hành chấp tỏi... bây giờ chuồn đâu/ Hội viên quên hội đã lâu/ Thôi thì cho Hội đi chầu Diêm Vương” (Chầu Diêm Vương). Ở đây, ông không dùng lối đả kích trực tiêp như kiểu “Trời mắng”; lời thơ cũng không gay gắt kiểu lên giọng xỉ vả, chát chúa hay lối dạy đời... mà chỉ thông qua sự thật rất cụ thể về việc thành lập Hội làm vườn nơi quê hương ông và bằng giọng điệu thơ châm hài hước nhẹ nhàng ông đã bày tỏ một thái độ rất rõ ràng quyết liệt, quyết liệt ngay trong cách chất vấn “Chấp hành chấp tỏi... bây giờ chuồn đâu” đến ý muốn đập chết tươi , muốn xóa bỏ hẳn cái cách nói mà không làm ấy đi “Thôi thì cho Hội đi chầu Diêm Vương”. Còn đối với những kẻ hay ăn đút lót, tác giả lại có cách đả kích khác. Ông đưa chúng lên rất cao để rồi giáng xuống thật đau. Bài “Thần ăn đất” rất tiêu biểu cho cách đả kích trên:
Cúng ngài “ Thần chết” không xơi
Dẫu mâm cỗ lớn...dẫu mời thiêt tha
Hương tàn là lại bưng ra
Vợ con bầu bạn giữa nhà đỉnh đương
Tội gì mà chẳng thắp hương
Trước là thơm mũi...sau trương dạ dày
Cúng ngài “Thần sống” mới gay
Hương thơm đếch ngửi, cỗ đầy...không ăn
Biết điều chớ có lăn tăn
Cúng ngài đâu phải thứ văn tế ruồi
Không cây, không chỉ thì thôi
Xẻo vài “ miếng đất” cho vui lòng thần
Có lần tôi được nghe một ông già, sau này là bạn của Đỗ Đình Tuân nói rằng: “Tớ ra mua báo Hải Dương, đọc được bài thơ “Thần ăn đất” thích quá liền mua thêm sáu tờ nữa, mang về cho các ông bạn, ai cũng bảo cái lão Tuân này ở đâu mà viết rất trúng vấn đề bức xúc nhất trong xã hội hiện nay và viết thú đến thế! Sau này mới biết ông ở Chí Linh rồi lại biết ông phụ trách tổ thơ Câu lạc bộ Côn Sơn, bọn tớ ở tận Hải Dương cũng về đây xin nhập hội đấy”. Thì ra văn thơ quả là một nhịp cầu gắn kết những con người “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” lại với nhau như một lẽ tự nhiên vậy.
Xưa nay, dùng văn thơ hài hước để châm biếm, phê phán, đả kích là cái thường gặp nhưng đọc thơ Đỗ Đình Tuân ta lại thây, nhiều khi ông dùng thơ hài hước để khẳng định, ngợi ca mà vẫn cứ hấp dẫn như thường. Ví như bài “ Nồi cụt quai” chẳng hạn:
Nhiều năm trước là quà đám cưới
Nồi trắng tinh, bọc tờ giấy mới tinh
Nấu bữa cơm đầu tiên cho một gia đình
Nồi mới chỉ xám đen đi một ít
Trải qua bao lửa nồng nước buốt
Đến bây giờ nồi cụt cả hai quai
Vung vứt đằng vung
Nồi vứt đằng nồi
Vung đem đậy chum gạo
Nồi vứt ngoài giếng khơi
Có khi để xó bếp
Có khi quăng góc vườn...
Trông xấu xí ai cũng coi thường
Chỉ được cái việc gì cũng đảm
Sáng sớm ra vợi cám
Nửa buổi về sống cua
Độ đến non trưa lại đi vo gạo
Ai sai ai bảo
Cụt Quai cũng làm
Nhà có đám thì đựng xương
Có khi nấu cả nhựa đường
Đen trong đen ngoài nhễ nhại...
Ai cũng bảo Cụt Quai là dại
Già mõ đời có biết cái chi chi
Cụt Quai cũng chỉ cười khì
Cụt Quai cũng chửa vứt đi... còn dùng
Dẫu thôi nước buốt lửa nồng
Sớm hôm vẫn giúp vợ chồng người ta
Đúng là tác giả đã thổi hồn cho chiếc nồi cụt quai khiến nó trở nên sống động như một thực thể rất thân phận trong cuộc đời này. Trước hết, ta thấy nồi cụt quai có nguồn gốc thật sang trọng, hình thức thật đẹp đẽ : « Nhiều năm trước là quà đám cưới / Nồi trắng tinh, bọc tờ giấy mới tinh » Thế rồi, nồi bước vào cuộc sống của con người. Trải bao ấm lạnh, thăng trầm, mà nó thành ra hỏng hóc, xấu xí « Trải qua bao lửa nồng nước buốt/ Đến bây giờ nồi cụt cả hai quai ». Nếu trước đây, nồi được trân trọng bao nhiêu thì bây giờ, nồi lại bị xem nhẹ bấy nhiêu, người ta vứt vạ vứt vật nó ở nơi góc vườn, xó bếp. Nhưng lạ lùng thay, lúc này, nồi không rỉ ra, tan đi hay trở thành vô tích sự mà ngược lại, nó trở nên đảm đang, đa năng và hữu ích vô cùng trong vai trò mới « Trông xấu xí ai cũng coi thường/ Chỉ được cái việc gì cũng đảm / Sáng sớm ra vợi cám/ Nửa buổi về sống cua/ Độ đến non trưa lại đi vo gạo (...) nhà có đám thì đựng xương/ Có khi nấu cả nhựa đường/ Đen trong, đen ngoài nhễ nhại » Cứ thế, nồi có ích một cách hồn nhiên, vô tư trước sự bàn tán chê bai của người đời « Ai cũng bảo Cụt Quai là dại/ Già mõ đời có biết cái chi chi/ Cụt Quai cũng chỉ cười khì/Cụt Quai cũng chửa vứt đi còn dùng/ Dẫu thôi nước buốt lửa nồng/ Sớm hôm vẫn giúp vợ chồng người ta ».Từ thân phận cụ thể của nồi cụt quai, một triết lý nhân sinh thật sâu sắc được đặt ra. Đó là,ở bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, con người vẫn sẽ trở nên hữu ích, cao đẹp, nếu họ biết sống là chính mình và làm việc hết mình. Trong thực tế cuộc đời, ta đã gặp biết bao người sống như thế. Đó là những thương binh tàn nhưng không phế, là các cụ già đã về hưu vẫn sống rất mẫu mực thực sự là tấm gương sáng với con cháu và mọi người xung quanh, nhiều cụ vẫn tham gia công tác địa phương, chỉ mong được góp sức mình cho quê hương ; đó còn là những người tật nguyền vẫn không cam chịu số phận hẩm hiu mà luôn vươn lên , tự khẳng định bản thân và sống rất hữu ích...Thật đáng quý biết bao! Có thể nói «Nồi Cụt Quai» là một hình tượng nghệ thuật độc đáo, sống động, một thi phẩm rất hài hước, hóm hỉnh và thấm đẫm chất nhân văn.
Qua tìm hiểu một số bài thơ của Đỗ Đình Tuân, tôi thấy dù giễu cợt, phê phán hay tự sự tâm tình, thi phẩm nào của ông cũng thật giản dị, trong sáng, dễ hiểu nhưng không dễ dãi mà ngược lại khá lắng đọng sâu sắc, hóm hỉnh, rất giàu sức khơi gợi và quan trọng nhất là nó đã chứa đựng được cái hồn cốt của tác giả, một con người thật dung dị mộc mạc, xuề xòa nhưng vẫn rất tinh tế, giàu tình yêu thương và lắm suy tư. Tất cả những cái đó tạo thành nết riêng không thể lẫn trong thơ Đỗ Đình Tuân. Tuy nhiên dường như thơ ông còn ít những yếu tố lạ, còn thiếu những câu thơ kì ảo bất ngờ kiểu xuất thần. Có lẽ, vì vậy mà nó ít lung linh, biến hóa và độ lan tỏa cũng chưa rộng lớn lắm chăng? Cố nhiên đó chỉ là những ý kiến rất chủ quan của cá nhân tôi, một độc giả chứ không phải một nhà phê bình nghiên cứu. Cho nên rất có thể lời bàn của tôi sẽ chưa tới, chưa trúng ý thậm chí còn có khi sai lệch ý nữa. Tôi chỉ mong mình đã phần nào chia xẻ được với tác giả hoặc là người đồng sáng tạo với tác giả như một bạn đọc nghiêm túc là đã phấn khởi lắm rồi.
Sao Đỏ ngày 11-8-2011
Vũ Thị Song Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét