Vừa rồi vào trang Tri ân, thấy bài viết của Đỗ Đình Tuân nói về bánh khúc, mình buồn lắm. Bởi chính mình là tác giả của bữa “ xôi bọc cháo khúc” ấy đấy. Nói ra thì sợ bị mọi người cười chê nhưng không nói ra thì ấm ức lắm. Làm sao mà chịu được khi làm bánh bằng tất cả tình yêu thương lại bị chồng chê ngay trong bữa ăn. Nhưng nếu chỉ có vậy thì còn cắn răng mà chịu. Đằng này hắn lại còn mang quảng bá lên mạng cho khắp bàn dân thiên hạ biết nữa thì cái mặt tôi còn biết dấu đi đâu cho được bây giờ. Cho nên đành “ lành làm gáo, vỡ làm muôi” với hắn một phen vậy
Thưa toàn thể cư dân xóm Tri ân!
Bản tính của phụ nữ chúng mình là luôn muốn làm vui lòng chồng con, chắc tôi cũng mang trong mình điều đó. Vì vậy mà thấy chồng muốn ăn bánh khúc, thì trong lòng khắc khoải lắm. Những muốn làm đãi chồng một bữa nhưng lại nghĩ rằng làm ít thì không bõ công mà làm nhiều thì để cho ai ăn đây. Tôi đã định nếu chợ bán thì sẽ mua về mời chồng . Nhưng bao lần đi chợ mà chẳng thấy . Hỏi bà bán bánh hấp thì bà ấy bảo rằng “Làm bánh khúc kích rich lắm mà bán cũng chẳng chạy hơn bánh hấp nên tôi không làm” Thế là cái ý định mua bánh cho chồng của tôi không thực hiện được. Đang băn khoăn lắm lắm thì may mắn làm sao, con trai lại đưa bạn gái về chơi. Tôi mới nêu ý định làm bánh khúc ra, các cháu hưởng ứng ghê lắm. Nhưng than ôi, nói bao giờ chả dễ hơn làm. Tôi đã ăn bánh khúc vài lần nhưng chưa làm và cũng chưa được xem ai làm bánh khúc bao giờ nên thật là bí quá. Song thời buổi công nghệ thông tin này cái gì mà chả có trên mạng. Hai bác cháu tôi mở mạng ra xem. Thấy có rất nhiều cách nhưng đều na ná giống nhau cả. Lạ lùng hơn là thấy trên mạng người ta nói có thể thay lá khúc bằng lá su hào, bắp cải nữa. Tôi nghĩ thế thì còn gì gọi là bánh khúc nữa
Bởi vậy, dù đã tìm trên mạng rồi, vẫn không yên tâm, tôi lại tìm hỏi cả chuyên gia làm bánh khúc, bánh gai của xóm tôi nữa. May mắn làm sao, bác ấy rất nhiệt tình sang tận nơi nhào bột giúp rồi lại chỉ bảo cặn kẽ cách nhặt lá, luộc, giã, trộn rồi đồ xôi ra sao. Duy chỉ có bột thì bác ấy nói rằng nếu xay bột nước thì bánh sẽ dẻo hơn. Nhưng tôi lại chót xay bột khô mất rồi nên bác ấy bảo phải nhào bột rồi ủ vài tiếng cho nó hút nước và nở đủ độ thì bánh mới dẻo, ngon chứ không thì nó sẽ cứng ngăng ngắc ấy, ăn chán lắm. Hai bác cháu tôi làm đúng quy trình. Vì vậy, bữa bánh khúc định ăn vào buổi chiều, chuyển thành ăn đêm. Tôi tự nghĩ chờ đợi càng lâu ăn càng ngon. Ngày xưa nhà Chúa ăn món “ Mầm đá” của quan trạng cũng thấy rất ngon còn gì.
Bánh chin vào lúc 10 giờ đêm, khi đó bác Đỗ đã ngủ được một giấc rồi. Ai chứ bác Đỗ thì dễ ngủ lắm, cứ đặt mình nằm là ngáy pho pho. Nồi bánh được bắc lên, hơi bốc ngùn ngụt. Mùi thơm nồng nàn của gạo nếp quện với mùi thơm đặc trưng của lá khúc và mùi thơm ngầy ngậy của đỗ xanh, hành mỡ trong đêm lạnh mới quyến rũ làm sao! Chỉ ngửi thôi đã thấy chảy nước miếng. Mọi ngưới ai cũng háo hức lắm. Bác Đỗ được trịnh trọng mời vào bữa. Con trai, con rể ai cũng suýt soa khen ngon hơn bánh mua ở chợ nhiều. Tôi cũng thấy rất tuyệt! Lớp xôi bọc ngoài bánh trắng ngần khô ráo, lớp vỏ bánh xanh mịn màng mềm mại rất dẻo chứ không hề nhão, nhân đỗ mỡ vàng óng thật thơm tho. Duy chỉ có một nhược điểm là bánh nặn chưa được đều lắm và có lẽ hơi to hơn bánh bán ngoài chợ một chút.
Vì làm bánh đáp ứng nguyện vọng của chồng lại thích được chồng khen, nên tôi vừa ăn vừa theo dõi mọi biểu hiện của hắn ta. Mặt hắn lạnh te, không bộc lộ chút cảm xúc nào. Tôi đã hơi thất vọng. Khi ăn xong, hắn còn buông mấy câu chết người như sau:
“ Đây là bữa xôi cháo khúc, không giống bánh khúc ngày xưa mẹ làm. Bánh khúc mẹ làm nó mỏng như cái lưỡi lợn ấy, ăn vẫn còn thấy lá khúc, cuộng khúc dai dai và bánh thì cứng chứ không nhão như thế này. Gạo nếp thì dẻo mà thơm lắm” Chao ôi, cái mũi hắn từ khi bị cắt pô líp tới nay, hắn có còn ngửi thấy mùi thơm bao giờ đâu. Nghe hắn phán như vậy, tôi buồn lắm chẳng còn biết nói sao. Bọn trẻ thì chẳng chịu lép một bề như tôi. Chúng nhao nhao lên rằng, bố ăn bánh từ năm 1946, 1947 khi vừa thoát nạn đói chết người làm gì mà chẳng ngon. Bây giờ làm bánh như ngày xưa thì ăn làm sao được. Ngày xưa bố ăn cá lẹp kho dưa, ăn sắn luộc còn ngon nữa là bánh khúc. Có đứa cụ thể hơn thì bảo, ngày xưa ông ngoại còn nhắc mẹ với các dì các cậu rằng ai ăn riêu cà chua gặp miếng tóp mỡ thì nhường cho cậu út đấy thôi. Ngày nay làm gì còn người ăn tóp mỡ nữa.Nguyên Lượng thì cười tủm và nói rằng : Bố thì cái gì cũng ngày xưa. Ngày xưa, con được bạn cho cắn một miếng quéo chin còn thơm ngon mãi đến giờ đây này. Mỗi người một câu cứ loạn hết cả lên. Tôi chẳng biết nói gì chỉ buông độc một câu: “ Thất vọng tràn trề”! Vâng tôi thất vọng thật sự, không phải vì mình làm bánh khúc không thành công mà vì chồng mình chẳng tâm lý chút nào. Ít ra cũng biết nói câu gì động viên vợ và bạn gái của con trai chứ ai lại chê bỉ chê bôi như thế bao giờ…???
Chao ôi ! Tôi đã từng yêu cái tính trung thực , cái cách ăn ngay nói thẳng của hắn biết bao. Thế mà giờ đây, nghe hắn nói (dù biết là hắn đã nói rất thật lòng về cảm nhận của mình) tôi vẫn thấy rằng không thể chấp nhận được và cứ dứt khoát cho rằng đó là cái sự thật thà hư. Rồi cứ nghĩ giá mà hắn khéo hơn một chút, công bằng hơn một chút trong cách nói hẳn là hắn đã không làm tôi tổn thương. Thế mới biết, yêu sự trung thực quả là dễ hơn nhiều lần khi phải tiếp nhận lời trung thực nhất là khi lời nói thực đó không phải là lời tốt đẹp về mình. Các cụ xưa quả đã rất sâu sắc khi tổng kết rằng :” Trung ngôn nghịch nhĩ”
Ngày xưa, tôi cũng từng yêu thích cái máu văn thơ của hắn lắm lắm. Có những lúc tôi thấy mình như được bay trên chin tầng mây khi nghe hắn đọc thơ : “ Cùng em về thăm Côn Sơn” hay : “ Tình yêu và thượng đế”. Tôi cứ hình dung ra một cuộc sống đầy thơ, chỉ có những yêu thương dạt dào bay bổng, chỉ có những niềm đam mê ngây ngất, những đẹp đẽ tuyệt vời.Giờ thì tôi lại thấy thấm thía làm sao với câu thơ mà thi sĩ Nguyễn Bính dặn con:
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con
Thì đấy, tôi mới lấy một nhà thơ vườn thôi đã không chỉ nghèo mà còn bị hắn chiềng cái xấu của mình ra cho mọi người biết đấy thôi. Thế thì có khổ thân tôi không cơ chứ. Hu ! Hu! Hu! Làng xóm Tri ân ơi có ai khổ như thân tôi không?
Nhưng bản tính tôi vốn không thích buồn lâu và càng không thích kêu gào khóc lóc. Vì thế, ngay lúc này đây, tôi bỗng nghĩ đến triết lý của A Q . Thế là tôi lại thầm reo lên rằng: May quá, từ nay sẽ không phải làm bánh cho hắn ăn nữa. Và tôi còn nhất quyết cho rằng: Hắn không có năng khiếu ẩm thực. Hắn đã vô tình giết chết hai tài năng làm bánh cỡ bự. Không biết, bạn gái của con trai tôi có cùng ý nghĩ đó không? Còn tôi, sau những suy nghĩ đó, tôi lấy làm đắc ý lắm!
Sao Đỏ 2/3/2012
Vũ Thị Song Thu