Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

QUÀ TẶNG VÔ GIÁ

                        

            Sắp đến ngày 8-3, bác Tạ Anh Ngôi đã gửi tặng vợ mình một món quà vô giá- thi phẩm “ Nợ em”. Chẳng biết bá Sâm khi thưởng thức bài thơ này đã mát dạ hả lòng đến cỡ nào? Chứ tôi thì tôi cứ đoan chắc rằng nếu có đến bao nhiêu kiếp nữa thì bá Sâm cũng nguyện gắn bó vĩnh hằng cùng bác Tạ Anh Ngôi, cho dù trong cuộc gắn bó ấy có phải lên thác xuống ghềnh đến mức nào đi nữa.Chẳng thế thì sao ngày xưa cụ Nguyễn Du lại để cho nhân vật Từ Hải nói với Thúy Kiều rằng:
                                    Một lời đã biết đến ta
                        Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.
            Thì ra cái biết đến nhau nó mới quan trọng làm sao, đáng quý biết bao. Đấng mày râu “ Chọc trời khuấy nước” như Từ Hải mà còn thế  huống hồ phận nữ nhi “chân yếu tay mềm”.
            Cái đáng quý nhất trong bài thơ Nợ em của Tạ Anh Ngôi chính là lời dãi bày rất tự nhiên, chân mộc của người chồng với vợ mình. Xuyên suốt bài thơ là hai hình tượng anh và em. Hai hình tượng ấy song hành , đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau, tôn tạo nhau để cả hai đều trở nên đẹp hơn .
            Trước hết là hình tượng anh- một chàng thi sĩ rất hay ngao du “ Ban ngày tung tẩy nơi nơi” và khá mải mê thơ phú “Đêm về đóng cửa lặng ngồi làm thơ”. Chưa hết, chàng còn rất lãng đãng, rất nhạy cảm và luôn đau nỗi đau của cuộc đời hay của kiếp người nữa chứ:
                                    Bơ phờ như hớp mất hồn
                        Anh lang thang tận cội nguồn đớn đau
            Tôi thích hai câu thơ này lắm vì nó không chỉ gợi hình ảnh chàng thi sĩ mà còn gợi cả tâm hồn tư tưởng tình cảm của chàng với cuộc đời. Chàng có lơ mơ, ngơ ngẩn nhưng không phải là để “Tâm hồn treo ngược trên cành cây” mà để gắn bó sâu sắc hơn với cuộc đời, với con người , sẵn sàng sẻ chia mọi nỗi đau nơi trần thế. Cứ đắm đuối như vậy, chàng đâu còn thì giờ giành cho vợ, cho con:
                                    Giúp gì được vợ con đâu
            Không giúp được về việc làm đã đành mà về kinh tế có lẽ chàng cũng không đỡ đần được nốt. Bởi chàng có là ông nọ bà kia gì đâu, chàng chỉ là một trong muôn vàn số đông thường dân thấp cổ bé họng giữa cuộc đời dâu bể đa đoan
                                    Anh như cái kiến con sâu ngoài đời
            Biết rõ mình như vậy mà không làm sao khác được vì đã “ Trót mang lấy nghiệp vào thân” mất rồi nên chàng buồn lắm. Chàng luôn cảm thấy mình mắc nợ vợ thật nhiều. Nợ từ bữa ăn vợ phải đợi chờ đến nguội ngơ nguội ngắt; Nợ cả những buổi đón đưa khi “ đêm đông đường vắng gió lùa chợ xa”. Chàng giận mình lắm, thấy mình chẳng được tích sự gì. Người ta lấy chồng là để tìm cho mình nửa kia của cuộc đời thì chàng lại nợ nguyên vợ mình  “ một nửa cuộc đời” cho nên chàng thấy mình: “ Là chồng anh chỉ như người bỏ thôi”.Chàng chỉ biết:
                                    Mượn vần lục bát tặng nhau
                                    Nợ em anh hẹn kiếp sau đáp đền
            Bên cạnh đức ông chồng thi sĩ mê đắm thơ ca là hình ảnh người vợ vất vả trăm bề, tảo tần bươn trải, vật lộn với cuộc mưu sinh:
                                    Để em tất tả ngược xuôi
                                    Sáng lê la chợ chiều ngồi dầm mưa
Rồi lại còn phải : “Mỏi mồm mời mọc người ta”. Là người đã từng sống bằng nghề buôn thúng bán bưng, tôi rất chia sẻ với nỗi vất vả này.Giữa thời buổi vạn người bán mới có trăm người mua, khách hàng đích thị là thượng đế. Người bán hàng phải mời mọc ngọt ngào, phải phục vụ tận tình mới mong bán được hàng, kiếm chút lãi mọn. Thế mà, trong chút lãi mọn ấy, vợ thi sĩ Tạ Anh Ngôi đã không chỉ lo cho chồng con có cơm dẻo, canh ngọt mà còn chắt chiu  để : “Lãi mua báo cũ làm quà tặng anh”. Câu thơ này rất cụ thể mà vẫn rất gợi. Có thể là chị chẳng đủ tiền và cũng chẳng có thời gian để mua tặng anh những số báo mới phát hành; cũng có thể là một số báo cũ cụ thể nào đó có bài anh thích lắm, cần lắm nhưng anh chưa kiếm được, chị đã lần tìm mua bằng được để tặng anh. Dù trong bất kì trường hợp nào thì chị đã làm anh cảm động, nhớ mãi mà viết ra thành thơ để rồi câu thơ đó lại làm xúc động lòng ta.
            Cả bài thơ không có một từ yêu thương nào thế mà tình yêu niềm thương cứ lắng đọng trong từng con chữ và có sức lay động, lan tỏa đến lạ. Ta tìm thấy ở đây một tình yêu chân mộc, giản dị mà thật đằm thắm, tận tụy hết lòng của chị đối với anh. Ta cũng cảm nhận rất đầy đủ  niềm thương vợ thật sâu sắc của anh với chị. Niềm thương ấy không chỉ chứa đựng trong sự biết đến, thấu hiểu những vất vả nhọc nhằn, những yêu thương thầm kín, những đợi chờ của chị với anh mà nó còn ẩn chứa trong những băn khoăn những mặc cảm mắc nợ rất chân thành và day dứt của anh với chị. Có thể vì thế chăng mà dẫu anh chẳng giúp đỡ được gì cho chị, chị vẫn không chút phàn nàn, vẫn rất yêu thương chăm chút anh? Âu đó cũng là nét tâm lý chung của mọi người phụ nữ Việt Nam, họ luôn hết lòng vì chồng, vì con và nếu được chồng biết đến thì họ đã vui vẻ và toại nguyện lắm rồi. Rất mong các đấng mày râu hãy lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với phụ nữ chúng tôi như bác Tạ Anh Ngôi. Và sẽ thật tuyệt vời hơn nếu các bác chia sẻ với chúng tôi mọi việc trong cuộc sống đời thường.                   
                                                Sao Đỏ 7-3-2012
                                                Vũ Thị Song Thu

           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét