Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

HOA MÙA HÈ VƯỜN TA

Bài thơ này, Song Thu mới đưa lên blog thôi. Nhưng vì trình độ tin học văn phòng của mình "quá siêu việt" nên khi đưa mấy tấm ảnh phu quân và con dâu lên khoe, lớ ngớ căn căn chỉnh chỉnh thế nào mà xóa mất tiêu mất dạng bài thơ này luôn. Vì vậy, hôm nay Song Thu mới đưa lại bài này lên đó ạ. Rất mong các anh, chị, em và bầu bạn ghé thăm blog thông cảm cho mình nha.




Tròn xoe như trái bóng
Là hoa hồng tú cầu
Muôn cánh mềm mỏng mảnh 
Cứ đan cài vào nhau

Hoa ngọc nữ trắng phau
Ôm ấp bầu nhụy thắm
Hoa Mướp vàng như nắng
Gọi bướm ong ùa về

Này đây chị tường vi
Tươi màu môi thiếu nữ
Hoa giấy hồng bỡ ngỡ
Cho mùa hè mênh mang

Đăng tiêu như chùm đèn
Thắp ngàn tia sáng đỏ
Hoa móc buông buông xõa
Hệt cô gái tóc vàng

Hoa bóng nước khẽ khàng
Đung đưa theo làn gió
Hoa cau trắng như sữa
Cứ âm thầm tỏa hương

Sáng chiều dạo thăm vườn
Thấy lòng thư thái lạ

         16- 6-2012
          Song Thu

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

LẠI KHOE ẢNH

Hôm trước, khoe ảnh phu quân, con trai, con dâu và ông thông gia trong chuyến tham quan Đồ Sơn cuối tuần trên blog, một số anh, chị, em và bạn bè mới thắc mắc : "Sao không có ảnh con gái và mẹ". Riêng anh ND còn muốn coi ảnh Tuân Thu chụp đôi. Vì thế, hôm nay ST lại khoe ảnh tiếp với mọi người nè. Ôi có dịp được khoe, sướng mê ly luôn.

         Đây là thành quả sau 30 năm sống chung với lũ của ST đấy ạ.( 24-12-1982 / 24-12-2012)
Rất tuyệt đúng không? Tuy nhiên ảnh này đã qua phô tô sốp zùi nên ST mới trắng và trẻ thế. Ở ngoài già và đen hơn nhiều cơ. Ứ thèm trắng và trẻ như ri đâu!




Bạn chàng " mới đan được bồ" xinh, vác sang khoe, chàng chưa" đan được bồ", đành vác vợ ra khoe nên mặt mới buồn thiu vậy đó




Tuân Thu không cõng nhau như bọn trẻ mà khoác vai nhau nè. Tình cảm gớm. Nhưng chỉ là chụp hình thôi. Còn ngoài đời chúng cãi nhau như mổ bò vậy. Cũng vui ra phết!

( Hai ảnh sau chụp tháng 5-2014,tại sân nhà ST đó. Không trang điểm và không chỉnh sửa chi mô. Thậm chí Tuân Thu còn đang mặc đồ ở nhà nữa nè. Nỏ phải đồ mặc ra đường mô ạ. Lôi thôi quá ! Hì...)

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

KHOE ẢNH

Hình ảnh

Ảnh 1: Con trai và con dâu tôi đấy. Đi biển mà chụp nghiêm túc quá

Hình ảnh: Anh cõng em khắp chân trời góc biển... Em thì nặng mà đoạn đường thì xa...

Ảnh 2: Bọn chúng còn cõng nhau nữa nè. Nhắng không!

Ảnh của Ruby Nguyen.

Ảnh 3: Đây là con dâu tôi cùng với bố đẻ của cháu

Hình ảnh

Ảnh 4: Ảnh con dâu và ông xã mình nè. Đẹp không?

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

NÓI THÊM VỀ BÀI: " TA VỀ ĐẸP MÃI VỚI LÒNG TA"



          Vào khoảng giữa năm 2012, tôi biết đến bài thơ “TA VỀ” của ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao Thông vận tải thì lấy làm thích thú lắm . Liền sau đó tôi đã viết đôi dòng cảm nhận về bài thơ với nhan đề: TA VỀ ĐẸP MÃI VỚI LÒNG TA" rồi đưa lên blog cá nhân. Ngay sau khi, bài thơ và bài bình của tôi đưa lên, đã được nhiều bè bạn gần xa và một vài trang web chia sẻ.

          Thế rồi đến cuối tháng 5 năm 2014, một trò cũ của " ông xã" tôi là Đào Bá Phách, vốn từng công tác ở Bộ Giao thông vận tải,( nay đã nghỉ hưu) biết được bài viết này nên gửi cho tác giả Phạm Thế Minh. Ông Phạm Thế Minh liền viết lời phúc đáp gửi cho tôi và cả cho ông xã tôi nữa. Trong lời phúc đáp đó, tác giả đã trao đổi thêm với tôi về hoàn cảnh ra đời của bài thơ và còn gửi cho tôi hai bài thơ khác ra đời cùng thời với bài TA VỀ. Vì Thế tôi mới hiểu thêm phần nào về tác giả và vỡ lẽ ra rằng, bài TA VỀ tôi có trong tay còn một vài chỗ chưa khớp với nguyên bản của nó. Tôi cũng gửi lời phúc đáp lại tác giả nhưng nó chỉ mang ý nghĩa xã giao thôi. " Ông xã" tôi gửi lời phúc đáp nhưng lại có tính chất trao đổi lại cùng tác giả về nguyên tác và bản lưu truyền bài " TA VỀ"

          Hôm nay, tôi xin đăng lại bài bình cùng bức thư của ông Phạm Thế Minh, cũng như lời trao đổi lại của " ông xã" tôi để các bạn hiểu cụ thể hơn. Tôi cũng coi đây là lời giới thiệu thêm về tác giả bài TA VỀ và đồng thời là lời đính chính cho bài thơ tôi bình lần trước



           


                                    TA VỀ- ĐẸP MÃI VỚI LÒNG TA


            Thường lệ, hôm nào khi tôi dậy nấu ăn sáng thì ông xã cũng ngồi máy tính, nếu đọc được cái gì hay hoặc sáng tác được thi phẩm nào là lại khoe ngay với vợ. Hôm nay thấy ông xã ư ử ngâm thơ, tôi nghĩ chắc là một tác phẩm mới ra lò đây nên cố ý lắng nghe. Khi nghe đến câu :

                        « Đã vào vòng xoáy bon chen

                        Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao »

thì thích thú vô cùng và buột miệng thốt lên :  « Tuyệt ! Anh mới viết à ?’

-          Đâu có, đây là bài thơ Ta về của ông Phạm Thế Minh đấy.

-          Em chưa nghe danh nhà thơ này bao giờ ?

-          Ông ấy không phải nhà thơ chuyên nghiệp mà là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

-          Thế mà làm thơ hay nhỉ ? Có thể đây là lời gan ruột đây ! Anh lần ở đâu ra vậy ? In ra cho em một bản nhé.

-    Anh nghe đọc bài này cách đây khá lâu rồi nhưng chưa có nguyên bản. Hôm qua đi họp lớp, một ông bạn có nguyên bản đăng ở báo Người Hà Nội, anh bảo hắn gửi mail cho anh đấy. Nói vậy rồi ông xã in ngay cho tôi một bản.

      Ăn sáng xong, tôi ngồi đọc lại bài thơ và càng thấy thích thú hơn. Vội vào mạng tìm hiểu về tiểu sử và con người tác giả. Nhưng không tìm được gì. Chỉ được biết về mấy cuộc trả lời phỏng vấn của ông thôi. Vì vậy ý định giới thiệu về tác giả và bình bài thơ này của tôi không thực hiện ngay được.

Song bài thơ cứ bám riết vào tâm trí tôi, thúc giục tôi chia sẻ. Tôi xin đưa nguyên văn bài thơ mà tôi có trong tay lên blog và viết đôi dòng cảm nhận của mình về thi phẩm này để chia sẻ với mọi người

                                    TA VỀ

            Thế là hết nợ công danh

            Ta về gặp lại chính mình từ đây

            Mặc trời cao kệ đất dầy

            Ta về làm gió làm mây riêng mình

            Đã ăn nhầm bả hư vinh

            Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen

            Đã vào vòng xoáy bon chen

            Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao

            Ta về bạn với trăng sao

            Quên xe máy lạnh bỏ chào bắt tay

            Ta về vui giữa tỉnh say

            Để quên đi những tháng ngày đáng quên

            Để quên đi những tị hiềm

            Và quên đi những nỗi niềm được thua

            Sáng nay thanh thản vãn chùa

            Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa

           

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó câu chuyện kể về "Người không quen ở nhà mình”.Cho nên dù đã về hưu, ông ta vẫn hàng ngày cắp cặp đến cơ quan; ghé chỗ này một tý, chỗ kia một tẹo; thậm chí vẫn  ngồi vào bàn làm việc của mình và phán này phán nọ khiến cho mọi người thật khó xử và khó chịu. Lại nghe nhiều lãnh đạo sắp phải về hưu thì chạy đôn chạy đáo mong kéo dài thêm thời gian công tác. Khi không thể kéo dài được thì buồn lắm, tiếc lắm, hụt hẫng lắm…Chỉ có những công chức bình thường hoặc những người lao động nặng nhọc hay trong môi trường độc hại, được nghỉ hưu là thấy vui sướng thoải mái thôi.

Vậy mà, Phạm Thế Minh, một Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, khi về hưu lại reo lên: “ Thế là hết nợ công danh”. Nhưng hình như đây không phải là tiếng reo vui viên mãn, thoải mái của một người đã công thành danh toại, đã bằng lòng với tất cả mà giống như sự trút bỏ một ràng buộc, một vướng mắc chi đó. Cho nên những câu thơ tiếp theo mới là:

Ta về gặp lại chính mình từ đây

Mặc trời cao kệ đất dầy

Ta về làm gió làm mây riêng mình



Có lẽ, với ông, về hưu là trở về với con người thực của chính mình, là trở về với sự tự do tự tại, sự thanh thản ung dung mà lúc còn tại vị không thể có được. Nhưng dường như ẩn trong những câu thơ trên còn có một cái gì đó như là buông xuôi như là phó mặc của một người lực bất tòng tâm : “Mặc trời cao kệ đất dầy”. Vì ta chẳng thể làm gì khác được, ta chỉ có thể “ làm gió làm mây riêng mình”thôi. Nhưng muốn vậy, cần phải thoát ra khỏi cái “bả hư vinh”, cái “ vòng xoáy bon chen” trong vòng tục lụy mà bao kẻ hám danh mưu lợi cố lấn vào

Đã ăn nhầm bả hư vinh

Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen

Đã vào vòng xoáy bon chen

Phẩm ham cao sự thấp hèn càng cao



Xưa nay, ta vẫn quen nghĩ tới một phía  tốt đẹp rằng danh vọng, địa vị là một cái gì rất đỗi cao quý. Muốn vươn tới được là phải trau dồi phấn đấu không ngừng  và  danh vọng càng cao thì tài càng cao và đức càng lớn. Nhưng Thứ trưởng Phạm Thế Minh lại chỉ ra mặt trái củả nó  như một  nghịch lý «  Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao » Liệu có phải, Ở nơi ấy, ông đã  thấy được những bon chen, những mưu cầu lợi danh  làm cho không ít kẻ bất chấp mọi thủ đoạn, đánh mất cả nhân phẩm , đánh mất chính mình ? Liệu có phải ông đã muốn chống đối lại những thói tật xấu xa đê hèn đó nhưng chống không nổi ? Và liệu có phải ông đã mơ hồ nhận ra rằng nếu còn tại vị, chưa chắc ông đã thoát khỏi cái « bả hư vinh », cái « vòng xoáy bon chen » ấy ? Tất cả mới chỉ  là giả định, thật khó mà phân tích cho  cụ thể rõ ràng được Bởi vì, xưa nay, với mỗi áng thơ,  mọi sự bóc tách, khám phá nếu không khéo rất có thể làm cho nó vốn tinh tế trở nên thô thiển chăng ? Song dẫu sao, đọc bài thơ trên, tôi vẫn  thấy, đó không chỉ  là sự khám phá, phê phán mặt trái chốn công quyền mà nó giống như một niềm xót xa, một sự  thức tỉnh bừng ngộ. Thì ra, công danh, quyền lực, địa vị cũng chính là cái bẫy, cái bả đối với những ai không biết giữ mình. Và chắc chắn là muốn giữ được mình ở nơi ấy cũng khó lắm thay ! Liệu có bao nhiêu người giữ được mình trong sạch để thật sự  trở thành nhà lãnh đạo của dân, vì dân ? Và còn bao nhiêu kẻ bị cuốn vào cái « vòng xoáy bon chen » kia để thành ra « Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao » ? Dẫu bây giờ ta chưa thể thấy hết được, nhưng ta tin rằng lịch sử sẽ phán xét công bằng và nhân dân cũng  rất công tâm. Ta hãy đọc lại câu ca dao sau để hiểu rõ sự công tâm ấy :

Thương dân, dân lập đền thờ

Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương



Hay nhìn lại lịch sử nước nhà, chúng ta sẽ thấy rõ những ông vua sáng, những bậc quan hiền đều được vinh danh và ngược lại, những bạo chúa, những quan tham đều bị muôn đời nguyền rủa. Hiểu thấu đạo lý ấy, nên Phạm Thế Minh mới muốn «  quên đi những nỗi niềm được thua » trong chốn bon chen để giữ cho lòng mình thanh sạch

Ta về bạn với trăng sao

Quên xe máy lạnh bỏ chào bắt tay

Ta về vui giữa tỉnh say

Để quên đi những tháng ngày đáng quên

Để quên đi những tị hiềm

Và quên đi những nỗi niềm được thua



Thế rồi, sau khi đã quên những( bon chen, tị hiềm, được thua) thì tâm hồn thật thanh thản, thanh sạch và cuộc sống hiện ra trước mắt mới đẹp đẽ, trong trẻo, tinh khiết và đáng yêu làm sao

Sáng nay thanh thản vãn chùa

Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa



Tôi chưa hề biết một ông  Phạm Thế Minh trên cương vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và nếu có biết đi nữa, chưa chắc tôi đã cảm phục, ngưỡng mộ ông. Nhưng đọc bài thơ này của ông, tự nhiên tôi thấy ông thật đáng kính, đáng nể. Với tôi, ông không chỉ là một nhà thơ đích thực ( dù cho tôi mới chỉ biết mỗi bài thơ trên của ông) mà ông còn là một con NGƯỜI viết hoa trang trọng. Ông đã bước qua những hỗn tạp của thói đời để đến được sự thanh sạch của tâm hồn, đã vượt qua phần “con” để đến được phần “ NGƯỜI” thuần hậu tinh khiết. Nói theo triết lý của nhà Phật thì ông đã chiến thắng kẻ thù lớn nhất của mình- chiến thắng chính mình.
 Vượt qua cái ý nói với mình, bài thơ đã chạm tới một vấn đề lớn lao và nhạy cảm chốn công đường. Vì thế, với tôi, bài thơ vừa cô đúc, khái quát như một châm ngôn về lẽ đời muôn thuở lại vừa đượm chất trữ tình sâu lắng của một con người có tâm, có tầm, có nhãn quan tinh tế.
                                    Sao Đỏ: 20-6-2012
                                   Nguyễn Vũ Song Thu


\
Kg: Cô giáo Nguyễn Vũ Song Thu
1/ Trước hết tôi xin giới thiệu tôi là Phạm Thế Minh, tác giả của bài thơ "Ta về" mà cô giáo đã viết lời bình, và bạn Đào Bá Phách có chuyển cho tôi
Tôi xin gửi lời chân thành cảm tạ về những nhận xét tốt đẹp mà Cô giáo đã dành cho bài thơ cùng tác giả của nó.
2/ Tôi xin được nói thêm đôi lời về bài thơ: "Ta về" được viết trước đó ít lâu và được đăng trên báo Người Hà Nội số Xuân Đinh Hợi. Khoảng cuối năm 2007 bài thơ được tập hợp in vào tập thơ " Vai diễn" do Nhà XB Hội Nhà Văn VN ấn hành. Do số lương bản in hạn chế nên nay Tác giả không còn để gửi biếu đến người yêu chuộng
Do chỉ có các bản chép truyền tay nên một số câu, từ có bị sai khác so với nguyên bản. Chẳng hạn câu thơ đầu nguyên là: "Cũng là xong nợ công danh" chứ không phải là " Thế là hết nợ..."
Câu thứ 8 viết :"Phẩm hàm to, cái thấp hèn càng cao" mà không là" Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao".
Ở câu 14& 15 nguyên văn là: " Quên đi ganh ghét, tỵ hiềm. Quên đi cả những ưu phiền được thua" mà không phải như bản đang lưu truyền. Hai câu thơ cuối được tách riêng như một chương mới, cũng hàm ý bước sang cuộc sống mới.
3/ Bài thơ này là một trong ba bài cùng một chủ đề. Nhân đây tôi xin gửi đến cô giáo để cô có cái nhìn đầy đủ thêm về bài "Ta về" cũng như thời buổi ra đời của nó
                                      Bài 1: Vai diễn
                             
                                Khi vào vai Thị Mầu
                                Lẳng lơ sao nhất chị
                                Lúc sắm vai Đào Huế
                                Chị ghen còn ai hơn?
                                Cũng là phấn là son
                                Chị bôi gì cũng đẹp
                             
                                  Em mười năm theo nghiệp
                                Không đóng nổi Vai Hề
                                Cười người ta đã chê
                                Khóc người ta cũng chán
                                  Chỉ vì không dám diễn
                                  Cái vai không thật mình

                                  Nay về lại sân đình
                                  Chiếu chèo dăm bè bạn
                                  Dưới trăng làm Lão Say
                                  Rượu vui tràn tới sáng

                                  Rời ánh đèn hào nhoáng
                                  Chị ơi tìm về đâu?
                                  Đào Huế hay Thị Mầu
                                  Vai nào như cũng chết!
                                                                5/1994

                      Bài 2.    Nói chuyện với cụ Nguyễn Công Trứ


                          Kính chào Uy Viễn Tướng công
                  Con xin làm một cây thông cùng Người
                            Vén mây, khuấy nước mệt rồi
                  Lại mê tom-chát của thời Ông Cha
                            Cụ không lắm đất , nhiều nhà
                    Kim Sơn, Tiền Hải đều là của dân
                              Một đời ái quốc, trung quân
                      Thị phi ai cũng một lần mà thôi
                              Bảng vàng bia đá nhiều người
                          Mấy ai có được khoảng trời lòng dân?

                                Mỗi lần về lại Nghi Xuân
                        Con nghe cụ dậy vững tâm làm người
                                Dân vạn đại, quan nhất thời
                          Lời người xưa cứ học rồi lại quên !
                                                                            6/2005
4/ Tôi vốn là người làm khoa học- công nghê, rồi làm quản lý ít năm. Sự hiểu biết và viết là về KHCN chuyên ngành. Còn viét văn hay làm thơ chỉ là niềm vui , giúp mình tự tu dưỡng và tự động viên mình vượt qua khó khăn và cả những cám dỗ trong đời. Vì thế nếu có câu văn hoặc bài thơ nào được người đọc yêu thích thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là niềm vinh hạnh ngoài sự mong chờ của tôi.
  Tôi xin gửi tới thầy giáo Đỗ Đình Tuân, cô giáo Nguyễn Vũ Song Thu và những người thân của Thầy ,Cô lời chúc Sức khoẻ và hạnh p
húc
.
                            
  Hà Nội những ngày Trung Quốc gây gổ tai Hoàng Sa 10/6/2014.

   Vài lời chia sẻ cùng tác giả bài thơ: TA VỀ
Sau khi có lời phúc đáp của ông tôi đã sửa lại những chỗ sai biệt giữa bản gốc Phạm Thế Minh và bản lưu truyền trong dân gian mà tôi được biết. Thực ra sự sai biệt giữa hai bản không có gì lớn và chưa có ảnh hưởng gì đáng kể đến bài thơ. Nó chỉ làm thay đổi chút ít tâm trạng cụ thể.  Chẳng hạn câu “Cũng là xong nợ công danh” thì tâm trạng tác giả lúc ra về còn vương chút gượng gạo luyến tiếc nhưng cũng chấp nhận được. Còn ở câu “ Thế là hết nợ công danh” thì tâm trạng lúc ra về thật thoải mái nhẹ nhàng không còn gì là vương vấn nữa. Thậm chí đây còn là điều mà tác giả đã chờ đợi từ lâu. Theo nhận xét của riêng tôi thì câu nguyên tác của ông đúng với tâm trạng của ông hơn. Còn câu lưu truyền thì dân gian đã lồng tâm trạng của mình vào. Trong trường hợp này thì giữ lại câu nguyên tác của tác giả hay hơn.


Nhưng ở câu “Phẩm hàm to, cái thấp hèn càng cao” thì lại không hay bằng câu trong bản lưu truyền “Phẩm hàm cao, sự thấp hèn càng cao”. Về mặt nội dung ý nghĩa hai câu trong hai bản đều không có gì khác nhau cả. Có thể nói nó hoàn toàn tương đương. Nhưng về ngôn ngữ thì bản lưu truyền hay hơn bản nguyên tác ở mấy điểm cụ thể sau:

1/Trong tập quán ngôn ngữ khi nói về quan chức dân ta hay nói “quan to, quan bé” , rồi “quyền cao chức trọng” . Nhưng nói về “phẩm hàm” (cũng là quan tước thôi) thì lại hay kết hợp với cao thấp chứ ít nói phẩm hàm to, phẩm hàm bé. Có lẽ chỉ có lần làm câu đối tặng cô Tư Hồng là cụ Nguyễn Khuyến nói đến “hàm cụ lớn”:

Cửu phẩm sắc phong hàm cụ lớn

Trăm năm danh giá của bà to

Nhưng chữ “hàm” cụ Nguyễn Khuyến dùng thì đã chuyển nghĩa rồi. Nó không còn là cái “hàm cửu phẩm” mà cô con gái Tư Hồng bỏ “tiền làm đĩ” ra để mua danh cho bố nữa. Mà “hàm” đã trở thành cái miệng của ông ta. Và ở vế sau tác giả mang cái “ miệng này” để đối với cái “của bà to” thì cay độc biết chừng nào ?

2/Trong khi đó ở bản lưu truyền lại dùng “ Phẩm hàm cao” hợp với tập quán ngôn ngữ hơn. Nhưng quan trọng nữa là nó lại tạo ra được một hợp âm rất hài hòa với phần sau của câu “sự thấp hèn càng cao”. Hai cái “cao” này đã dìm “sự thấp hèn” đến tận đáy và dường như không có cơ để “nổi lên” được nữa.

3/ Một điểm nữa cũng cần nói là về chữ “cái” và chữ “sự” thì chữ nào hay hơn ? Về chức năng ngữ pháp thì chữ “cái” và chữ “sự” cũng hoàn toàn giống nhau. Dù dùng “cái” hay dùng “sự” thì cũng  đều làm danh hóa hai chữ “thấp hèn” mà thôi. Nhưng về thanh điệu thì chữ “cái” thuộc thanh nổi còn chữ “sự” thuộc thanh chìm. Dẫu không có một quy định nào, nhưng trong trường hợp cụ thể này thì chữ “sự” thanh chìm dịu nhẹ êm tai hơn là chữ “cái” thanh nổi. Thế nên theo nhận xét của riêng tôi thì về nghệ thuật ngôn ngữ câu trong bản lưu truyền hoàn thiện hơn và nó làm cho câu thơ hay hơn hẳn câu nguyên tác.


Ở câu 14 và câu 15 thì nguyên tác của ông hay hơn bản lưu truyền. Cụ thể hai câu

            Quên đi ganh ghét tị hiềm

            Quên đi cả những ưu phiền được thua.

Rõ ràng là hay hơn hẳn hai câu:

            Để quên đi những tị hiềm

            Và quên đi những nỗi niềm được thua


Tôi cũng rất cảm ơn ông đã gửi tặng tôi hai bài thơ trong chùm thơ ba bài với TA VỀ in trong tập VAI DIỄN. Đó là bài VAI DIỄN:Và bài : NÓI CHUYỆN VỚI NGUYỄN CÔNG TRỨ


Phải nói ngay rằng cả ba bài thơ của ông đều hay cả, đều là những bài thơ đáng đọc cả. Theo lời bộc bạch của ông thì: “Tôi vốn là người làm khoa học- công nghê, rồi làm quản lý ít năm. Sự hiểu biết và viết là về KHCN chuyên ngành. Còn viét văn hay làm thơ chỉ là niềm vui , giúp mình tự tu dưỡng và tự động viên mình vượt qua khó khăn và cả những cám dỗ trong đời. Vì thế nếu có câu văn hoạc bài thơ nào được người đọc yêu thích thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là niềm vinh hạnh ngoài sự mong chờ của tôi”.

Trong văn chương thường có chuyện như thế đấy ông ạ. Nhiều người bỏ cả đời ra làm văn chương để cầu danh thì danh lại chẳng đến. Nếu như anh “bất tài” và “vô hạnh” chỉ có mỗi cái thói xấu là “háo danh” thì thậm chí còn “tiếng xấu để đời”.


Chúng tôi làm nghề giảng dạy văn học trong nhà trường phổ thông. Thực chất của công việc này cũng chỉ là một dạng của việc “truyền bá văn chương” thôi. Nhưng vợ chồng tôi cũng đều “mất dạy” cả rồi. Bây giờ rỗi rãi lại thêm “bệnh nghề nghiệp” nên rất thích tìm đọc những áng thơ hay để chia sẻ cùng bầu bạn. Tôi gặp bài TA VỀ của ông trong một dịp đi họp lớp cũ (Lớp D, khóa 4, Trường cấp 3 Hồng Quang Hải Dương, 1959-1962). Một ông bạn tôi đã say sưa đọc bài TA VỀ của ông và tôi đã xin về một bản. Đáng buồn là bây giờ thơ ra đời nhiều nên tỷ lệ thơ dở cao chúng gây nhiễu và làm người đọc nản đọc thơ. Thơ phong trào thì nhàm nhạt chủ yếu ai làm ra thì người ấy tự đọc lấy. Chứ công chúng thì mấy ai chịu nổi tra tấn mà nghe mà đọc (nhất là công chúng trẻ). Còn giới thơ chuyên nghiệp thì lại thiên về phi truyền thống cũng không vào được lòng công chúng. Cuối cùng chỉ người đọc là bơ vơ. Nhưng đọc những bài thơ của ông tôi tin vào sức sống của thơ truyền thống cũng như tin vào sức sống của nhân cách người.


Cũng là nhân mấy lới phúc đáp và tặng thơ của ông, tôi xin có mấy lời  thành thật chia sẻ cùng ông và mọi người. Chúc ông quãng đời “vĩ thanh” này luôn thanh thản để ngắm hoa mai và nếu có thể thì sinh nở thêm vài cô cậu thơ xinh đẹp nữa. Xin chào ông.

                                               
Chí Linh 12/6/2014
Đỗ Đình Tuân

 

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

VUI SỐNG CÕI ĐỜI

( Họa nguyên vận bài: NHÂN TÌNH THẾ THÁI của thiện nam: Phạm Khắc Uyên)

Là thực chứ sao ảo cõi đời
Núi non trùng điệp với xa khơi
Ngao du ngàn buổi chưa hề chán
Thưởng ngoạn trăm năm chẳng nỡ dời
Dõi mắt thân thương trông vạn nẻo
Trải lòng ưu ái tới muôn nơi
Ước gì được sống vô vàn tuổi
Thỏa thích vui chơi khắp biển trời
         12-6-2014
          Song Thu

( Phụ chép bài : NHÂN TÌNH THẾ THÁI )

Quán trọ ngàn thu huyền ảo đời
Giăng mù khói tỏa giữa trùng khơi
Tiền duyên bào ảnh còn trông đợi
Nghiệp chướng phù vân mãi chẳng dời
Nghĩa lẻ hòa tan vào vạn giới
Tình chung trải rộng đến ngàn nơi
Xuân về vạn cảnh thay màu mới
Tỏ ngộ hòa không giữa đất trời
        Thiện nam : Phạm Khắc Uyên

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

HOA XƯƠNG RỒNG





Thân xù xì gai góc
Mọc trên đất cằn khô
Vẫn hiên ngang vững chãi
Không tàn úa bao giờ
Cứ âm thầm tích nhựa
Để đợi ngày khai hoa
Dâng tặng đời sắc trắng
Tinh khiết như ngọc ngà
Có khi pha màu tím
Đẹp mơ màng kiêu sa
Lại có bông đỏ thắm
Rực rỡ trong ngày hè
Hay vàng tươi sắc nắng
Cho nồng nàn hồn ta

       8-6-2014
       Song Thu

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

VỢ CHÔNG NHÀ NỌ







                                        



Trong cái xóm ảo mang tên Tinyeucuocdoi kia, có một cặp vợ chồng nhà nọ, tính khí hình như hơi có chút bất bình thường thì phải. Chả thế mà, có lúc họ yêu nhau lắm lắm nhưng nhiều khi cũng lại cắn nhau đau.

            Nghe thiên hạ đồn đại thì từ cái thuở chưa khai thiên lập địa ra vợ chồng nhà ấy (tức là từ khi họ chưa thành vợ thành chồng ý mà) thì tình yêu giữa họ cũng nổi đình nổi đám lắm. Tôi biết vợ chồng họ sau khi họ “ đũa đã thành đôi” . Đến lúc thân nhau rồi, muốn kiểm chứng xem lời đồn của thiên hạ sai đúng ra sao, tôi mới hỏi nàng:

-Hai vợ chồng mi thuở yêu nhau cũng nổi tiếng lắm hả? Thị cười hì hì mà bảo với tôi rằng:

            - Nổi tiếng thì không nhưng sủi tăm thì có đấy.

             - Sủi tăm là sao?

            - Chuyện dài lắm, khi nào rảnh tao sẽ kể cụ thể mi nghe. Giờ thì mi cứ tạm biết một cách vắn tắt rằng: Chúng tao yêu nhau là phạm luật. Nghĩa là phải trả giá, phải đánh đổi thì mới có được nhau. Nhưng chàng yêu ngầu lắm, nên xá chi trả giá. Chàng đã tuyên bố xanh rờn rằng dẫu có cả ngai vàng để đổi lấy tao chàng cũng đổi đấy. Còn tao ý à, thì tao cũng vứt đi tất cả để có chàng. Mẹ tao khóc hết nước mắt vì tao, mọi người cười chê chúng tao. Thế thì chẳng sủi tăm thì là gì?

            Nhưng thôi mặc kệ cái chuyện nổi tiếng hay sủi tăm của vợ chồng nhà hắn, trong cái thì quá khứ. Giờ tôi chỉ xin kể về sự bất bình thường của họ ở cái thì hiện tại này thôi.

            Theo tôi biết thì chồng hắn có vẻ thuộc diện “ râu quặp” chính hiệu. Còn hắn lại có vẻ đỏng đảnh, bà chằn ra phết đấy. Thế nhưng anh ả bổ sung cho nhau nên họ sống hạnh phúc lắm. Thiếu ăn, thiếu cả chỗ ở lại phải buôn thúng bán bưng đầy vất vả bấp bênh cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với vợ chồng hắn lúc đang son. Chúng hí húi làm lụng cùng nhau, giao du cùng nhau khắp chợ này chợ nọ, tối đến lại về ở nhờ trong một căn phòng con con nơi nhà ngang của người chị họ chồng.

Rồi sau đó chúng sinh con đẻ cái với nhau trong một cái túp lều do chồng hắn dựng lên. Nó bé đến nỗi không thể bé hơn được. Nghĩa là chỉ kê vừa một chiếc giường đôi và nhét vừa chiếc xe đạp thống nhất ( của hồi môn) của hắn vào cái khe nhỏ thừa ra nơi cuối giường, cùng với một lối đi nhỏ xíu nếu hai người vào ra thì phải né mình tránh nhau. Đồ đạc, quần áo của nhà hắn cũng rất đơn giản chỉ xếp vào hai cái hòm gỗ kê giáp giường, thay cho bàn viết luôn. Mà cái túp lều bé tý ấy cũng không đủ lá mía để lợp cho kín. Nên mỗi lần mưa là lại dột lung tung. Thế nhưng tối nào chúng cũng đàn hát và cười nói râm ran vui như tết ấy mới lạ chứ. Tuy hàng xóm láng tỏi chẳng bao giờ nghe thấy vợ chồng hắn to tiếng với nhau mà chỉ thấy anh anh em em ngọt như mía lùi. Nhưng hắn bảo với tôi là đã có lần hắn tuyên bố bỏ chồng để bế con ra đi rồi kia đấy.

Tôi hỏi hắn: “ Sao lại không bỏ nữa?”

-Thì chồng tao không đồng ý bỏ chứ sao

- Nếu mày cứ quyết tâm thì ông ấy làm sao giữ được?

Hắn tặc lưỡi :” Là khi tức lên tao cũng chỉ dọa thôi ý mà. Nhưng chàng hoảng thật sự mày ạ. Chàng làm lành, ôm ấp. Tao đẩy ra. Chàng lại sán vào. Không những thế, chàng còn viết một tờ giấy xin ý kiến của “ nhân dân” (tức là mấy đứa nhóc nhà tao ) ấy. Chúng đều đồng tình không cho bố mẹ bỏ nhau. Thằng nhóc nhà tao còn bảo “ nếu bố mẹ bỏ nhau con sẽ đi bụi đời”. Khi chàng chìa tờ giấy đó ra trước mặt tao thì tao mới tá hỏa lên vội vàng cười nói với các con rằng bố chỉ đùa thôi mà chứ bố mẹ bỏ nhau làm sao được . Bọn trẻ thở phào, còn tao thì lườm chàng. Đến tối tao mới bảo: “ Anh lạ thế, chuyện đó mà cũng nói với các con, không sợ làm chúng tổn thương ư?”

Chàng cười hòa rồi bảo : “ Thì anh sợ em bỏ thật nên mới làm thế chứ”

-Rõ là hú vía. Từ lần đó chẳng bao giờ tao còn dám dọa bỏ chàng nữa, dù nhiều khi cũng tức đến nổ ruột ra ấy chứ.

Tôi bảo với hắn: “Chỉ có mày đành hanh chứ chồng mày hiền thấy mồ”. Hắn không phản đối mà chỉ cười trừ thôi.

Tôi lai bảo: Hình như suốt mấy chục năm trời chung sống với mày, tao thấy lúc nào chàng cũng dứt mực yêu vợ, quý con. Chưa bao giờ thấy chàng tơ tít với bất kì ai.

Hắn gật đầu xác nhận. Rồi lại nói thêm, thì tao cũng vậy. Cảm tấm tình chàng nên từ khi chung sống với chàng tao chưa làm điều gì thất đạo người vợ(kể cả trong cư xử với gia đình chàng và với chàng). Tao chẳng xinh đẹp gì nhưng cũng ối người tán tỉnh song tao không bao giờ tơ tưởng, chàng màng với bất kì ai. Có lúc chàng nổi nóng vô lý, tao bực và tủi thân lắm nhưng vẫn cứ yêu chàng. Thậm chí khi gặp lại người xưa, dù có xao lòng chút đỉnh, tao vẫn giữ được mình và tự thấy không ai bằng chàng trong trái tim tao được. Tao chắc chắn một điều rằng bấy lâu nay chàng cũng đối xử với tao như thế.  Nhưng bây giờ thì khác rồi mày ơi. Nếu trước kia cả trong ý nghĩ chàng cũng không tơ tưởng đến ai thì bây giờ cũng đang mơ màng ra phết đấy”

-Giờ sắp xuống lỗ rồi còn mơ màng cái nỗi gì? Mày chỉ giỏi đa nghi và giàu trí tưởng tượng.

- Tao không tưởng tượng đâu, thật đấy.

 Tôi bĩu môi tỏ vẻ không tin. Hắn liền phân tích và chứng minh rất hùng hồn đúng như cái bệnh nghề nghiệp của hắn xưa nay vốn thế

Nếu xã hội cứ yên bình, thuần phác như xưa, thì chồng tao chẳng bao giờ tơ tưởng đến bóng hồng nào. Nhưng bây giờ khác rồi. Thiên hạ bồ bịch nhan nhản ra đấy. Nhiều người còn coi chuyện có bồ là giỏi, là oai nữa ấy chứ. Cho nên họ cứ cặp được với ai là khoe toáng cả lên, ra chiều hãnh diện lắm. Mấy ông bạn của chồng tao cũng thế. Ban đầu chồng tao nghe họ nói thì chỉ mủm mỉm cười và tỏ vẻ coi thường cái thú vui vớ vẩn đó. Rồi họ rủ rê. Chồng tao vẫn không theo. Có khi chàng còn thủng thẳng nửa đùa nửa thật mà rằng: “ Các ông thiếu thốn mới phải thế. Tôi đã có ba trong một rồi còn cần gì nữa” ( Là ý chàng muốn nịnh tao, coi tao là vợ, là người tình và là hồng nhan tri kỉ ) nữa cơ đấy. Mấy ông bạn vẫn không buông tha. Cơ chừng họ muốn thử thách chồng tao thì phải. Nên họ mới khích bác bảo chồng tao là râu quặp, sợ vợ, là khổ thân chẳng biết của ngon vật lạ trong xã hội bây giờ ra sao. Tao tin tưởng chàng nên cứ mặc cho họ khích bác. Thậm chí tao còn bảo: “ Đố các anh dụ được nhà em”. Vì thế họ càng ra sức cám dỗ mày ạ.

Tôi sốt ruột với cách kể lể con cà con kê của hắn nên mới cắt ngang hỏi:

- Nói tóm lại là bây giờ chồng mày đã có bồ rồi chứ gì, là ả nào thế, sao tao chẳng nghe thấy gì hết?
        - Thì mày cứ từ từ, đi đâu mà nóng vội thế? Có bồ thực thì chưa. Nhưng trong tư tưởng thì không còn thuần khiết như xưa nữa. Độ rày chàng cũng bắt đầu hay mơ màng và tơ tưởng đến em này em kia. Thậm chí còn buông lời tán tỉnh có cánh với nhiều em trên mạng nữa ấy chứ.
         - Ối dào tưởng chuyện gì chứ tán tỉnh mấy em trên mạng thì ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới? Mày lại mắc tội ghen bóng ghen gió vớ vẩn rồi.

           - Ghen bóng ghen gió là thế nào, ghen thật ấy chứ. Là mày chắc mày cũng không chịu được đâu. Ai đời cứ vào mạng, thấy các em đáp lại lời tán tỉnh của mình là chàng thích thú lắm. Cứ cười tủm tỉm suốt. Rồi còn nóng lòng mong mỏi những câu đáp từ của các nàng nữa mới bực chứ. Thế đã xong đâu. Đôi khi có lời com nào của các nàng hay hay còn hí hửng mang ra khoe với vợ ra chiều sung sướng, mãn nguyện lắm cơ . Thử hỏi như thế ai mà chả bực mình?. Tao tức lộn cả ruột lên rồi nhưng cứ im im xem sao. Chàng vô tâm chẳng biết gì nên vẫn cứ hí ha hí hửng như thường. Một hôm, tao vào trang blog của chàng, com xong còn chua thêm lời “chúc chàng nhanh kiếm được bồ nhí.” Được thể, chàng tí tởn viết hẳn một bài gọi bồ nhí công khai trên mạng nữa cơ.
         Càng nghe hắn kể tôi càng thấy buồn cười nhưng cố nhịn để lắng nghe xem sự thể ra sao. Hắn đang hăng máu nên chẳng chú ý đến thái độ của tôi, cứ tiếp tục “ mở máy”. Nhân thể, tôi chua thêm vào như kiểu tạo đà cho câu chuyện của hắn:
       - Thế thơ gọi bồ của chàng ra sao, đọc đi xem nào?. Hắn bảo, thơ thế này và đọc luôn:

                    Bồ nhí là bồ nhí ơi

                     Ở đâu thì hú cho tôi biết cùng

                     Tôi tìm xứ Tây xứ Đông

                     Xứ Nam, xứ Bắc mà không thấy bồ

           Tôi cười cười và đế vào : Gớm nhỉ? Rồi mày có bảo sao không?
           - Tao ý à, tao đọc thơ và không nói gì , coi như chàng chỉ viết tếu táo cho vui thôi. Chàng còn minh họa cho bài thơ đó bằng bức ảnh một người vác loa, loa tướng lên trông rất ngộ làm tao cũng phì cười và nghĩ rằng, cái thứ tình yêu mà bắc loa loa lên thế này thì có gì đáng để ý. Nhưng đến khi bồ nhí của chàng mới com vào bài đó rằng:
            Em là người ấy đây anh

            Nhưng em đành phải ẩn danh thế này

            Kẻo chị nhà biết thì gay

           Giỏi giang anh hãy ra tay kiếm tìm

           Hai ta hú hí êm đềm

          Tựa như tăm cá bóng chim khôn dò

Thì tao đã thấy ngứa sườn rồi, nhưng vẫn còn im lặng. Thế là chàng lại com tiếp:

           Được bà xã bật đèn xanh

Cho nên anh mới phát thanh tìm bồ

Rõ ràng nghe tiếng bồ thưa

Nhưng không định hướng anh dò làm sao

Đất thì thấp, trời thì cao

Đứng đây anh khóc, anh gào vậy thôi

Bây giờ thì tao không im lặng được nữa, tao mới com vào đó rằng:



                     Ái chà chà! Ái chà chà!!!

                     Em nào đã đến bỏ bùa chàng đây

                     Có gan chiềng mặt ra ngay

                     Cúi xin một tiếng ta nay hẹp gì

                     Ẩn danh, giấu mặt làm chi

                    Tốn công chồng mỗ phải đi dò tìm

Thế là ả kia lại com rằng:

            Em là cô gái làng Lim

            Phải duyên em mới đi tìm…chị ơi

            Cám ơn chị đã có lời

            Hôm nào em sẽ đến chơi thăm nhà

Những lời “ com” đi “ com” lại của kẻ Nặc Danh ấy tao chẳng chấp chi. Nhưng bực nhất là cái thái độ hào hứng, tí toét của chàng khi đọc được những lời “ com” ấy. Đã thế, chàng lại còn làm thêm hẳn một bài thơ: “ CHỜ QUAN HỌ” nữa đăng vào blog rằng:

            Anh chờ cô gái làng Lim

Một cô quan họ đang tìm đến đây

Biết điều vợ lánh đi ngay

Để anh quan họ cả ngày lẫn đêm

Vốn có máu yêu thơ, tao đã ghìm cái cục tức xuống tận đáy lòng và nói với chàng :”Anh dùng từ quan họ sau thật giỏi, thật đa nghĩa. Vừa nói việc hát quan họ thật lại vừa ám chỉ cái việc “quan họ” ngoài quan họ. Em rất thích”. Đồng thời tao cũng kịp nói thêm để bộc lộ thái độ của mình: “ Là em nói thích thơ thôi đấy nhé, chứ nếu quan họ ngoài quan họ thật thì em tùng xẻo”. Những tưởng chàng sẽ bảo rằng: " Ừ thì anh cũng thơ phú cho vui thôi chứ có em rồi anh còn thiết gì những thứ vớ vẩn đó nữa". Ai ngờ, chàng nói tỉnh queo rằng: “ Nếu nàng ấy đến đây thật thì anh chỉ quan họ ngoài quan họ thôi chứ có biết hát hò gì đâu mà quan họ thật”. Tao như phát điên lên, đấm thùm thụp vào ngực chàng. Chàng tưởng tao đùa vừa cười cười vừa đẩy tay tao ra. Tao ức quá khóc tu tu lên". Lúc bấy giờ chàng mới hoảng hồn và ôm tao vào lòng rồi dỗ dành: “Anh chỉ nói đùa thôi mà cũng khóc. Rõ dơ chưa”. Tao vẫn không thôi khóc và đấm chàng. Chàng giữ tay tao rồi xuống giọng dỗ dành: " Em thừa biết là anh không hề yêu ai ngoài em rồi còn gì. Nhưng anh là đàn ông, có buông lời tán tỉnh thật thì cũng chuyện thường thôi. Đằng này anh có tán ai thật đâu, chỉ đùa trên mạng thôi. Mà biết đâu cái ả Nặc Danh kia lại không là mấy ông bạn quỷ sứ của anh. Em không tin anh sao mà còn tức. Nín đi không nhỡ ai nghe thấy khóc họ lại cười cho". Tao cũng thấy êm tai rồi. Nhưng chắc là cái cục tức âm ỉ bấy lâu nay giờ nó bùng ra, nên tao cứ khóc mãi mà không nín được.

            Hắn dừng lại thở, tôi mới hỏi: “Rồi sao nữa?”

        - Còn sao giăng gì nữa, đến giờ tao vẫn đang tức điên lên đây này.

        Tôi cười phá lên mà rằng:

 “ Bà chằn ơi là bà chằn, chuyện thế thì có gì đâu mà phải tức. May mà mày chỉ kể với tao, chứ nếu kể với ai khác thì người ta không chỉ cười cho mà còn nghĩ là mày hâm, mày thần kinh ấy chứ chẳng đùa đâu”.

 Nó vẫn chưa chịu, còn cãi: “ Mày ở ngoài cuộc nhẽ nào mày chẳng nói thế. Thử trong cuộc như tao xem nào, mày không lồng lộn lên thì tao bé bằng con kiến”. Tôi chẳng thèm thanh minh với nó là tôi sẽ không đời nào lại lồng lộn lên như thế, mà chỉ hỏi nó rằng: Thế chồng mày đã biết người kia là ai chưa?

       - Chưa
       -Thế từ lúc ấy chàng có nói gì về cô ẩn danh ấy nữa không?
       - Không
        - Chàng có đối xử lạnh nhạt hay có gì khác trước với mi không?
Hắn mím môi ra chiều hồi tưởng hay chắp nối lại những biểu hiện của chàng hồi rày thì phải. Một lát hắn lắc đầu và nói: “Tao chưa thấy có gì khác”

-Vậy thì mày tức cái nỗi gì? Giời ạ, giờ tao mới thấy có mày là một đấy. Ai đời đi tức tối với một người trên mạng, đã chưa từng biết mặt bao giờ lại còn ẩn danh nữa chứ?! Rồi tôi nhìn hắn và gằn giọng hỏi: Mới chỉ có mấy câu đùa tếu táo trên mạng cho vui thôi thì nó mất mát cái gì nào?

 Nó chẳng nói gì, tôi tiếp luôn: “ Tao cũng ối lần đùa với các chàng trên mạng và chồng tao cũng vậy, tao chẳng thấy chuyện ấy có ý nghĩa gì chứ đừng nói đến là còn phải ghen tuông nữa. Chịu mày.” Rồi tôi đưa cho nó cốc nước lọc và bảo: “ Này uống đi cho hạ hỏa bà chằn ạ”

 Cầm cốc nước uống một hơi, chừng như nó đã nghe ra, hay đã nguội nguội đi chút đỉnh thì phải. Nhưng nó vẫn cứ nói thêm rằng: “Tao đã quen, mấy chục năm nay chồng tao chỉ có tao thôi, trong mọi ý nghĩ và hành động chưa bao giờ tơ tưởng đến ai khác, thậm chí có nàng buông lời cợt nhả, chàng còn đỏ mặt lên và bước đi chứ chẳng đáp lời. Nên bây giờ thấy chàng tán tỉnh kiểu ấy tao không chịu được”

Tôi bảo với hắn: “Mày học hành tử tế hẳn hoi chẳng lẽ mày không hiểu tâm lý bọn đàn ông. Chàng nào mà chả thích tơ tít bồ bịch em ún. Chẳng thế thì sao người xưa lại bảo “ Sông bao nhiêu nước cho vừa/ Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng”. Rồi thì: “Đàn ông một trăm lá gan/ Lá ở cùng vợ lá toan cùng người”. Như chồng mày chỉ tán tỉnh tào lao trên mạng thế thôi là quá nghiêm túc rồi. Mày còn muốn gì nữa?" Nó bảo: " hiểu thì vẫn hiểu thế nhưng chấp nhận người của mình như thế thì không thể nào" 
-Nếu mày vớ phải người như ông này , ông kia thì không biết mày sẽ ra sao?

Hắn gầm gừ : Nếu thế thì tao sẽ bỏ phéng hoặc là tao sẽ tự tử chứ còn sao nữa?

Thế đấy. Thế thì vợ chồng nhà hắn có đích thị là bất bình thường không kia chứ? Đúng là không có chuyện gì là không thể xảy ra trong xã hội này thật!
                            5-6-2014
                             Song Thu