Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

NÓI THÊM VỀ BÀI: " TA VỀ ĐẸP MÃI VỚI LÒNG TA"



          Vào khoảng giữa năm 2012, tôi biết đến bài thơ “TA VỀ” của ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao Thông vận tải thì lấy làm thích thú lắm . Liền sau đó tôi đã viết đôi dòng cảm nhận về bài thơ với nhan đề: TA VỀ ĐẸP MÃI VỚI LÒNG TA" rồi đưa lên blog cá nhân. Ngay sau khi, bài thơ và bài bình của tôi đưa lên, đã được nhiều bè bạn gần xa và một vài trang web chia sẻ.

          Thế rồi đến cuối tháng 5 năm 2014, một trò cũ của " ông xã" tôi là Đào Bá Phách, vốn từng công tác ở Bộ Giao thông vận tải,( nay đã nghỉ hưu) biết được bài viết này nên gửi cho tác giả Phạm Thế Minh. Ông Phạm Thế Minh liền viết lời phúc đáp gửi cho tôi và cả cho ông xã tôi nữa. Trong lời phúc đáp đó, tác giả đã trao đổi thêm với tôi về hoàn cảnh ra đời của bài thơ và còn gửi cho tôi hai bài thơ khác ra đời cùng thời với bài TA VỀ. Vì Thế tôi mới hiểu thêm phần nào về tác giả và vỡ lẽ ra rằng, bài TA VỀ tôi có trong tay còn một vài chỗ chưa khớp với nguyên bản của nó. Tôi cũng gửi lời phúc đáp lại tác giả nhưng nó chỉ mang ý nghĩa xã giao thôi. " Ông xã" tôi gửi lời phúc đáp nhưng lại có tính chất trao đổi lại cùng tác giả về nguyên tác và bản lưu truyền bài " TA VỀ"

          Hôm nay, tôi xin đăng lại bài bình cùng bức thư của ông Phạm Thế Minh, cũng như lời trao đổi lại của " ông xã" tôi để các bạn hiểu cụ thể hơn. Tôi cũng coi đây là lời giới thiệu thêm về tác giả bài TA VỀ và đồng thời là lời đính chính cho bài thơ tôi bình lần trước



           


                                    TA VỀ- ĐẸP MÃI VỚI LÒNG TA


            Thường lệ, hôm nào khi tôi dậy nấu ăn sáng thì ông xã cũng ngồi máy tính, nếu đọc được cái gì hay hoặc sáng tác được thi phẩm nào là lại khoe ngay với vợ. Hôm nay thấy ông xã ư ử ngâm thơ, tôi nghĩ chắc là một tác phẩm mới ra lò đây nên cố ý lắng nghe. Khi nghe đến câu :

                        « Đã vào vòng xoáy bon chen

                        Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao »

thì thích thú vô cùng và buột miệng thốt lên :  « Tuyệt ! Anh mới viết à ?’

-          Đâu có, đây là bài thơ Ta về của ông Phạm Thế Minh đấy.

-          Em chưa nghe danh nhà thơ này bao giờ ?

-          Ông ấy không phải nhà thơ chuyên nghiệp mà là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

-          Thế mà làm thơ hay nhỉ ? Có thể đây là lời gan ruột đây ! Anh lần ở đâu ra vậy ? In ra cho em một bản nhé.

-    Anh nghe đọc bài này cách đây khá lâu rồi nhưng chưa có nguyên bản. Hôm qua đi họp lớp, một ông bạn có nguyên bản đăng ở báo Người Hà Nội, anh bảo hắn gửi mail cho anh đấy. Nói vậy rồi ông xã in ngay cho tôi một bản.

      Ăn sáng xong, tôi ngồi đọc lại bài thơ và càng thấy thích thú hơn. Vội vào mạng tìm hiểu về tiểu sử và con người tác giả. Nhưng không tìm được gì. Chỉ được biết về mấy cuộc trả lời phỏng vấn của ông thôi. Vì vậy ý định giới thiệu về tác giả và bình bài thơ này của tôi không thực hiện ngay được.

Song bài thơ cứ bám riết vào tâm trí tôi, thúc giục tôi chia sẻ. Tôi xin đưa nguyên văn bài thơ mà tôi có trong tay lên blog và viết đôi dòng cảm nhận của mình về thi phẩm này để chia sẻ với mọi người

                                    TA VỀ

            Thế là hết nợ công danh

            Ta về gặp lại chính mình từ đây

            Mặc trời cao kệ đất dầy

            Ta về làm gió làm mây riêng mình

            Đã ăn nhầm bả hư vinh

            Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen

            Đã vào vòng xoáy bon chen

            Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao

            Ta về bạn với trăng sao

            Quên xe máy lạnh bỏ chào bắt tay

            Ta về vui giữa tỉnh say

            Để quên đi những tháng ngày đáng quên

            Để quên đi những tị hiềm

            Và quên đi những nỗi niềm được thua

            Sáng nay thanh thản vãn chùa

            Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa

           

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó câu chuyện kể về "Người không quen ở nhà mình”.Cho nên dù đã về hưu, ông ta vẫn hàng ngày cắp cặp đến cơ quan; ghé chỗ này một tý, chỗ kia một tẹo; thậm chí vẫn  ngồi vào bàn làm việc của mình và phán này phán nọ khiến cho mọi người thật khó xử và khó chịu. Lại nghe nhiều lãnh đạo sắp phải về hưu thì chạy đôn chạy đáo mong kéo dài thêm thời gian công tác. Khi không thể kéo dài được thì buồn lắm, tiếc lắm, hụt hẫng lắm…Chỉ có những công chức bình thường hoặc những người lao động nặng nhọc hay trong môi trường độc hại, được nghỉ hưu là thấy vui sướng thoải mái thôi.

Vậy mà, Phạm Thế Minh, một Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, khi về hưu lại reo lên: “ Thế là hết nợ công danh”. Nhưng hình như đây không phải là tiếng reo vui viên mãn, thoải mái của một người đã công thành danh toại, đã bằng lòng với tất cả mà giống như sự trút bỏ một ràng buộc, một vướng mắc chi đó. Cho nên những câu thơ tiếp theo mới là:

Ta về gặp lại chính mình từ đây

Mặc trời cao kệ đất dầy

Ta về làm gió làm mây riêng mình



Có lẽ, với ông, về hưu là trở về với con người thực của chính mình, là trở về với sự tự do tự tại, sự thanh thản ung dung mà lúc còn tại vị không thể có được. Nhưng dường như ẩn trong những câu thơ trên còn có một cái gì đó như là buông xuôi như là phó mặc của một người lực bất tòng tâm : “Mặc trời cao kệ đất dầy”. Vì ta chẳng thể làm gì khác được, ta chỉ có thể “ làm gió làm mây riêng mình”thôi. Nhưng muốn vậy, cần phải thoát ra khỏi cái “bả hư vinh”, cái “ vòng xoáy bon chen” trong vòng tục lụy mà bao kẻ hám danh mưu lợi cố lấn vào

Đã ăn nhầm bả hư vinh

Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen

Đã vào vòng xoáy bon chen

Phẩm ham cao sự thấp hèn càng cao



Xưa nay, ta vẫn quen nghĩ tới một phía  tốt đẹp rằng danh vọng, địa vị là một cái gì rất đỗi cao quý. Muốn vươn tới được là phải trau dồi phấn đấu không ngừng  và  danh vọng càng cao thì tài càng cao và đức càng lớn. Nhưng Thứ trưởng Phạm Thế Minh lại chỉ ra mặt trái củả nó  như một  nghịch lý «  Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao » Liệu có phải, Ở nơi ấy, ông đã  thấy được những bon chen, những mưu cầu lợi danh  làm cho không ít kẻ bất chấp mọi thủ đoạn, đánh mất cả nhân phẩm , đánh mất chính mình ? Liệu có phải ông đã muốn chống đối lại những thói tật xấu xa đê hèn đó nhưng chống không nổi ? Và liệu có phải ông đã mơ hồ nhận ra rằng nếu còn tại vị, chưa chắc ông đã thoát khỏi cái « bả hư vinh », cái « vòng xoáy bon chen » ấy ? Tất cả mới chỉ  là giả định, thật khó mà phân tích cho  cụ thể rõ ràng được Bởi vì, xưa nay, với mỗi áng thơ,  mọi sự bóc tách, khám phá nếu không khéo rất có thể làm cho nó vốn tinh tế trở nên thô thiển chăng ? Song dẫu sao, đọc bài thơ trên, tôi vẫn  thấy, đó không chỉ  là sự khám phá, phê phán mặt trái chốn công quyền mà nó giống như một niềm xót xa, một sự  thức tỉnh bừng ngộ. Thì ra, công danh, quyền lực, địa vị cũng chính là cái bẫy, cái bả đối với những ai không biết giữ mình. Và chắc chắn là muốn giữ được mình ở nơi ấy cũng khó lắm thay ! Liệu có bao nhiêu người giữ được mình trong sạch để thật sự  trở thành nhà lãnh đạo của dân, vì dân ? Và còn bao nhiêu kẻ bị cuốn vào cái « vòng xoáy bon chen » kia để thành ra « Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao » ? Dẫu bây giờ ta chưa thể thấy hết được, nhưng ta tin rằng lịch sử sẽ phán xét công bằng và nhân dân cũng  rất công tâm. Ta hãy đọc lại câu ca dao sau để hiểu rõ sự công tâm ấy :

Thương dân, dân lập đền thờ

Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương



Hay nhìn lại lịch sử nước nhà, chúng ta sẽ thấy rõ những ông vua sáng, những bậc quan hiền đều được vinh danh và ngược lại, những bạo chúa, những quan tham đều bị muôn đời nguyền rủa. Hiểu thấu đạo lý ấy, nên Phạm Thế Minh mới muốn «  quên đi những nỗi niềm được thua » trong chốn bon chen để giữ cho lòng mình thanh sạch

Ta về bạn với trăng sao

Quên xe máy lạnh bỏ chào bắt tay

Ta về vui giữa tỉnh say

Để quên đi những tháng ngày đáng quên

Để quên đi những tị hiềm

Và quên đi những nỗi niềm được thua



Thế rồi, sau khi đã quên những( bon chen, tị hiềm, được thua) thì tâm hồn thật thanh thản, thanh sạch và cuộc sống hiện ra trước mắt mới đẹp đẽ, trong trẻo, tinh khiết và đáng yêu làm sao

Sáng nay thanh thản vãn chùa

Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa



Tôi chưa hề biết một ông  Phạm Thế Minh trên cương vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và nếu có biết đi nữa, chưa chắc tôi đã cảm phục, ngưỡng mộ ông. Nhưng đọc bài thơ này của ông, tự nhiên tôi thấy ông thật đáng kính, đáng nể. Với tôi, ông không chỉ là một nhà thơ đích thực ( dù cho tôi mới chỉ biết mỗi bài thơ trên của ông) mà ông còn là một con NGƯỜI viết hoa trang trọng. Ông đã bước qua những hỗn tạp của thói đời để đến được sự thanh sạch của tâm hồn, đã vượt qua phần “con” để đến được phần “ NGƯỜI” thuần hậu tinh khiết. Nói theo triết lý của nhà Phật thì ông đã chiến thắng kẻ thù lớn nhất của mình- chiến thắng chính mình.
 Vượt qua cái ý nói với mình, bài thơ đã chạm tới một vấn đề lớn lao và nhạy cảm chốn công đường. Vì thế, với tôi, bài thơ vừa cô đúc, khái quát như một châm ngôn về lẽ đời muôn thuở lại vừa đượm chất trữ tình sâu lắng của một con người có tâm, có tầm, có nhãn quan tinh tế.
                                    Sao Đỏ: 20-6-2012
                                   Nguyễn Vũ Song Thu


\
Kg: Cô giáo Nguyễn Vũ Song Thu
1/ Trước hết tôi xin giới thiệu tôi là Phạm Thế Minh, tác giả của bài thơ "Ta về" mà cô giáo đã viết lời bình, và bạn Đào Bá Phách có chuyển cho tôi
Tôi xin gửi lời chân thành cảm tạ về những nhận xét tốt đẹp mà Cô giáo đã dành cho bài thơ cùng tác giả của nó.
2/ Tôi xin được nói thêm đôi lời về bài thơ: "Ta về" được viết trước đó ít lâu và được đăng trên báo Người Hà Nội số Xuân Đinh Hợi. Khoảng cuối năm 2007 bài thơ được tập hợp in vào tập thơ " Vai diễn" do Nhà XB Hội Nhà Văn VN ấn hành. Do số lương bản in hạn chế nên nay Tác giả không còn để gửi biếu đến người yêu chuộng
Do chỉ có các bản chép truyền tay nên một số câu, từ có bị sai khác so với nguyên bản. Chẳng hạn câu thơ đầu nguyên là: "Cũng là xong nợ công danh" chứ không phải là " Thế là hết nợ..."
Câu thứ 8 viết :"Phẩm hàm to, cái thấp hèn càng cao" mà không là" Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao".
Ở câu 14& 15 nguyên văn là: " Quên đi ganh ghét, tỵ hiềm. Quên đi cả những ưu phiền được thua" mà không phải như bản đang lưu truyền. Hai câu thơ cuối được tách riêng như một chương mới, cũng hàm ý bước sang cuộc sống mới.
3/ Bài thơ này là một trong ba bài cùng một chủ đề. Nhân đây tôi xin gửi đến cô giáo để cô có cái nhìn đầy đủ thêm về bài "Ta về" cũng như thời buổi ra đời của nó
                                      Bài 1: Vai diễn
                             
                                Khi vào vai Thị Mầu
                                Lẳng lơ sao nhất chị
                                Lúc sắm vai Đào Huế
                                Chị ghen còn ai hơn?
                                Cũng là phấn là son
                                Chị bôi gì cũng đẹp
                             
                                  Em mười năm theo nghiệp
                                Không đóng nổi Vai Hề
                                Cười người ta đã chê
                                Khóc người ta cũng chán
                                  Chỉ vì không dám diễn
                                  Cái vai không thật mình

                                  Nay về lại sân đình
                                  Chiếu chèo dăm bè bạn
                                  Dưới trăng làm Lão Say
                                  Rượu vui tràn tới sáng

                                  Rời ánh đèn hào nhoáng
                                  Chị ơi tìm về đâu?
                                  Đào Huế hay Thị Mầu
                                  Vai nào như cũng chết!
                                                                5/1994

                      Bài 2.    Nói chuyện với cụ Nguyễn Công Trứ


                          Kính chào Uy Viễn Tướng công
                  Con xin làm một cây thông cùng Người
                            Vén mây, khuấy nước mệt rồi
                  Lại mê tom-chát của thời Ông Cha
                            Cụ không lắm đất , nhiều nhà
                    Kim Sơn, Tiền Hải đều là của dân
                              Một đời ái quốc, trung quân
                      Thị phi ai cũng một lần mà thôi
                              Bảng vàng bia đá nhiều người
                          Mấy ai có được khoảng trời lòng dân?

                                Mỗi lần về lại Nghi Xuân
                        Con nghe cụ dậy vững tâm làm người
                                Dân vạn đại, quan nhất thời
                          Lời người xưa cứ học rồi lại quên !
                                                                            6/2005
4/ Tôi vốn là người làm khoa học- công nghê, rồi làm quản lý ít năm. Sự hiểu biết và viết là về KHCN chuyên ngành. Còn viét văn hay làm thơ chỉ là niềm vui , giúp mình tự tu dưỡng và tự động viên mình vượt qua khó khăn và cả những cám dỗ trong đời. Vì thế nếu có câu văn hoặc bài thơ nào được người đọc yêu thích thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là niềm vinh hạnh ngoài sự mong chờ của tôi.
  Tôi xin gửi tới thầy giáo Đỗ Đình Tuân, cô giáo Nguyễn Vũ Song Thu và những người thân của Thầy ,Cô lời chúc Sức khoẻ và hạnh p
húc
.
                            
  Hà Nội những ngày Trung Quốc gây gổ tai Hoàng Sa 10/6/2014.

   Vài lời chia sẻ cùng tác giả bài thơ: TA VỀ
Sau khi có lời phúc đáp của ông tôi đã sửa lại những chỗ sai biệt giữa bản gốc Phạm Thế Minh và bản lưu truyền trong dân gian mà tôi được biết. Thực ra sự sai biệt giữa hai bản không có gì lớn và chưa có ảnh hưởng gì đáng kể đến bài thơ. Nó chỉ làm thay đổi chút ít tâm trạng cụ thể.  Chẳng hạn câu “Cũng là xong nợ công danh” thì tâm trạng tác giả lúc ra về còn vương chút gượng gạo luyến tiếc nhưng cũng chấp nhận được. Còn ở câu “ Thế là hết nợ công danh” thì tâm trạng lúc ra về thật thoải mái nhẹ nhàng không còn gì là vương vấn nữa. Thậm chí đây còn là điều mà tác giả đã chờ đợi từ lâu. Theo nhận xét của riêng tôi thì câu nguyên tác của ông đúng với tâm trạng của ông hơn. Còn câu lưu truyền thì dân gian đã lồng tâm trạng của mình vào. Trong trường hợp này thì giữ lại câu nguyên tác của tác giả hay hơn.


Nhưng ở câu “Phẩm hàm to, cái thấp hèn càng cao” thì lại không hay bằng câu trong bản lưu truyền “Phẩm hàm cao, sự thấp hèn càng cao”. Về mặt nội dung ý nghĩa hai câu trong hai bản đều không có gì khác nhau cả. Có thể nói nó hoàn toàn tương đương. Nhưng về ngôn ngữ thì bản lưu truyền hay hơn bản nguyên tác ở mấy điểm cụ thể sau:

1/Trong tập quán ngôn ngữ khi nói về quan chức dân ta hay nói “quan to, quan bé” , rồi “quyền cao chức trọng” . Nhưng nói về “phẩm hàm” (cũng là quan tước thôi) thì lại hay kết hợp với cao thấp chứ ít nói phẩm hàm to, phẩm hàm bé. Có lẽ chỉ có lần làm câu đối tặng cô Tư Hồng là cụ Nguyễn Khuyến nói đến “hàm cụ lớn”:

Cửu phẩm sắc phong hàm cụ lớn

Trăm năm danh giá của bà to

Nhưng chữ “hàm” cụ Nguyễn Khuyến dùng thì đã chuyển nghĩa rồi. Nó không còn là cái “hàm cửu phẩm” mà cô con gái Tư Hồng bỏ “tiền làm đĩ” ra để mua danh cho bố nữa. Mà “hàm” đã trở thành cái miệng của ông ta. Và ở vế sau tác giả mang cái “ miệng này” để đối với cái “của bà to” thì cay độc biết chừng nào ?

2/Trong khi đó ở bản lưu truyền lại dùng “ Phẩm hàm cao” hợp với tập quán ngôn ngữ hơn. Nhưng quan trọng nữa là nó lại tạo ra được một hợp âm rất hài hòa với phần sau của câu “sự thấp hèn càng cao”. Hai cái “cao” này đã dìm “sự thấp hèn” đến tận đáy và dường như không có cơ để “nổi lên” được nữa.

3/ Một điểm nữa cũng cần nói là về chữ “cái” và chữ “sự” thì chữ nào hay hơn ? Về chức năng ngữ pháp thì chữ “cái” và chữ “sự” cũng hoàn toàn giống nhau. Dù dùng “cái” hay dùng “sự” thì cũng  đều làm danh hóa hai chữ “thấp hèn” mà thôi. Nhưng về thanh điệu thì chữ “cái” thuộc thanh nổi còn chữ “sự” thuộc thanh chìm. Dẫu không có một quy định nào, nhưng trong trường hợp cụ thể này thì chữ “sự” thanh chìm dịu nhẹ êm tai hơn là chữ “cái” thanh nổi. Thế nên theo nhận xét của riêng tôi thì về nghệ thuật ngôn ngữ câu trong bản lưu truyền hoàn thiện hơn và nó làm cho câu thơ hay hơn hẳn câu nguyên tác.


Ở câu 14 và câu 15 thì nguyên tác của ông hay hơn bản lưu truyền. Cụ thể hai câu

            Quên đi ganh ghét tị hiềm

            Quên đi cả những ưu phiền được thua.

Rõ ràng là hay hơn hẳn hai câu:

            Để quên đi những tị hiềm

            Và quên đi những nỗi niềm được thua


Tôi cũng rất cảm ơn ông đã gửi tặng tôi hai bài thơ trong chùm thơ ba bài với TA VỀ in trong tập VAI DIỄN. Đó là bài VAI DIỄN:Và bài : NÓI CHUYỆN VỚI NGUYỄN CÔNG TRỨ


Phải nói ngay rằng cả ba bài thơ của ông đều hay cả, đều là những bài thơ đáng đọc cả. Theo lời bộc bạch của ông thì: “Tôi vốn là người làm khoa học- công nghê, rồi làm quản lý ít năm. Sự hiểu biết và viết là về KHCN chuyên ngành. Còn viét văn hay làm thơ chỉ là niềm vui , giúp mình tự tu dưỡng và tự động viên mình vượt qua khó khăn và cả những cám dỗ trong đời. Vì thế nếu có câu văn hoạc bài thơ nào được người đọc yêu thích thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là niềm vinh hạnh ngoài sự mong chờ của tôi”.

Trong văn chương thường có chuyện như thế đấy ông ạ. Nhiều người bỏ cả đời ra làm văn chương để cầu danh thì danh lại chẳng đến. Nếu như anh “bất tài” và “vô hạnh” chỉ có mỗi cái thói xấu là “háo danh” thì thậm chí còn “tiếng xấu để đời”.


Chúng tôi làm nghề giảng dạy văn học trong nhà trường phổ thông. Thực chất của công việc này cũng chỉ là một dạng của việc “truyền bá văn chương” thôi. Nhưng vợ chồng tôi cũng đều “mất dạy” cả rồi. Bây giờ rỗi rãi lại thêm “bệnh nghề nghiệp” nên rất thích tìm đọc những áng thơ hay để chia sẻ cùng bầu bạn. Tôi gặp bài TA VỀ của ông trong một dịp đi họp lớp cũ (Lớp D, khóa 4, Trường cấp 3 Hồng Quang Hải Dương, 1959-1962). Một ông bạn tôi đã say sưa đọc bài TA VỀ của ông và tôi đã xin về một bản. Đáng buồn là bây giờ thơ ra đời nhiều nên tỷ lệ thơ dở cao chúng gây nhiễu và làm người đọc nản đọc thơ. Thơ phong trào thì nhàm nhạt chủ yếu ai làm ra thì người ấy tự đọc lấy. Chứ công chúng thì mấy ai chịu nổi tra tấn mà nghe mà đọc (nhất là công chúng trẻ). Còn giới thơ chuyên nghiệp thì lại thiên về phi truyền thống cũng không vào được lòng công chúng. Cuối cùng chỉ người đọc là bơ vơ. Nhưng đọc những bài thơ của ông tôi tin vào sức sống của thơ truyền thống cũng như tin vào sức sống của nhân cách người.


Cũng là nhân mấy lới phúc đáp và tặng thơ của ông, tôi xin có mấy lời  thành thật chia sẻ cùng ông và mọi người. Chúc ông quãng đời “vĩ thanh” này luôn thanh thản để ngắm hoa mai và nếu có thể thì sinh nở thêm vài cô cậu thơ xinh đẹp nữa. Xin chào ông.

                                               
Chí Linh 12/6/2014
Đỗ Đình Tuân

 

25 nhận xét:

  1. Lời thơ cũng là lời gan ruột của người viết chị nhỉ? Xã hội hôm nay thật hiếm. Đọc xong bài viết của chị và lá thư của tác giả...em nghĩ tới một lời nói hay đúng hơn là lời an ủi của một nhà lý luận phê bình nói với em khi em thắc mắc sao thơ của em ý như thế này mà họ lại sửa mất ý của em vậy? câu trả lời là Nếu không sửa gì thì họ đâu có việc làm..và họ không phải là bt...em muốn được in thì phải chấp nhận...vậy là thơ em chưa từng in chị ạ....
    Tác giả thật khiêm tốn khi nói chép tay nhầm...nhưng...
    Chúc chị và tác giả vui khoẻ ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XS thiệt là nhẹ bước nhanh chân và rất quan tâm đến chị ST đó nha. Vì thế em thường xuyên sang mở hàng cho bài của chị khiến chị thiệt vui nè.
      Hồi còn công tác, chị cũng có bài đăng trên báo Quân khu và Tạp chí Văn hóa của Quân khu. Nhưng rồi chị cảm thấy nó khá phiền phức vì cứ phải gắn với tư tưởng nọ kia nên chị thôi không gửi bài đăng đã lâu rồi. Giờ chị chỉ viết chơi thôi. Thích gì viết nấy, ai thích đọc thì đọc, nỏ thích thì thôi. Khen và chê cũng đều vui hết. Cho nó nhẹ đầu và thoải mái em à. Mình có phải người viết lách chuyên nghiệp đâu. Viết để thỏa niềm đam mê, để chia sẻ với bạn bè thôi mà.
      Còn trong bài thơ của ông Phạm Thế Minh ở trên không phải do ban bt họ sửa đâu em mà có lẽ do lưu truyền nên " tam sao thất bản" ý mà. Có nhiên những khác biệt giữa bài thơ chị bình và nguyên bản là không đáng kể em ạ. Vì thế, ông Phạm Thế Minh nói thiệt đó em à.
      Chúc em khỏe vui nha

      Xóa
  2. Bài thơ TA VỀ anh cũng đã từng được đọc ở đâu đó một lần và rất lấy làm tâm đắc nên vẫn còn nhớ một số câu "đóng đinh" trong lòng mình - tuy không biết và không nhớ tên tác giả là ai. ( nhắc đến điều này lại nhớ đến bài thơ BÀI HỌC NHỎ VỀ NHÀ THƠ LỚN của Tế Hanh khi ông về Nghi Xuân- Hà Tĩnh hỏi quê của thi hào Nguyễn Du thì nhiều người không biết ông là ai nhưng nhắc đến Truyện Kiều thì các cụ già ko biết chữ cũng thuộc lòng vanh vách. Điều đó nói lên giá trị của tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc, mặc cho thời gian cố tình khỏa lấp đến mức nào. Nên Tế Hanh đã kết bài thơ là:
    ... Cuộc gặp gỡ tình cờ đã cho tôi bài học
    Như thể qua hai trăm năm nhà thơ nhắn với bây giờ
    Hãy đi thẳng con đường vào trái tim bạn đọc
    Người ta có thể quên tên người làm thơ nhưng đừng để quên thơ!...
    Trở lại với bài thơ TA VỀ của Phạm Thế Minh và bài bình của Song Thu. Một lần nữa tôi được đọc lại nguyên bản và càng thấy lấp lánh vẻ đẹp về nhân cách, về ngôn từ của tác giả, tác phẩm. Bài thơ thật hay, qua lời bình thật sâu sắc và lập luận thấu đáo trữ tình của Song Thu đã làm cho TA VỀ cất cánh và vang vọng lan xa trong lòng bạn đọc. Anh rất thích bài thơ và bài bình này. Cảm ơn tác giả Phạm Thế Minh và Song Thu! xin được bày tỏ lòng quý mến và trân trọng!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn anh QT đã đọc bài và chia sẻ cùng em và tác giả thơ Phạm Thế Minh ạ
      Anh ơi, chắc mỗi người làm thơ chuyên nghiệp đều muốn có thơ lưu lại trong lòng bạn đọc, muốn thơ sống mãi với thời gian. Nhưng điều đó đâu có dễ đúng không anh? Từ cổ chí kim, từ đông sang tây hỏi đã mấy ai làm được điều đó? Có tới hàng triệu, hàng triệu nhà thơ nhà văn nhưng liệu có bao nhiêu người được lưu danh? Vì thế, người ta mới nói:
      "Để người đọc nhớ một câu
      Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành".
      Còn dân viết nghiệp dư như bọn em luôn quan niệm viết để chơi vui thôi. Nếu được bầu bạn chia sẻ hoặc hơi thinh thích là sung sướng rung rinh rồi . Vì vậy, được nhà thơ QT khen em thích thú vô cùng đó nha.
      Một lần nữa chân thành cám ơn anh
      Chúc anh khỏe vui và sáng tác ngày càng nhiều thơ hay ạ

      Xóa
  3. Đọc bài thơ, đọc bức thư của tác giả, mỗi chúng ta có thêm niềm tin yêu cuộc đời, vì ta biết rằng, có những người "Phẩm hàm to" mà lòng vẫn sáng trong như bông hoa mai trước sân chùa, chị nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó NT ơi. Khi con người ta thoát ra khỏi những ghen ghét, tỵ hiềm, những được thua hơn thiệt, bon chen danh lợi thì cuộc sống sẽ thanh thản an lành và tâm hồn sẽ trong sáng, thảnh thơi em à.
      Chị tin rằng cuộc đời một con người nói riêng và xã hội nói chung luôn biến đổi vận động trải qua nhiều cung đoạn khúc khuỷu gập ghềnh nhưng nhất định sẽ hướng về điều tốt đẹp, hướng về chân thiện, mỹ đúng không em?
      Vì thế, chị em mình hãy cùng nhau vui sống và tin yêu cuộc đời này nha em

      Xóa
  4. Đọc bài thơ càng trân trọng một nhân cách.Đọc bài bình càng thêm tin vào cuộc sống.Dẫu còn đó những xói mòn,lở lói ngày một xót xa.Thật có sự trùng hợp khi quỳnh vừa vào nhà bác Lý và họa mấy câu,chép lại cùng trang nhà Song Thu nhé:
    Nói với người
    Người còn điên đảo
    Lợi danh kia mạn ngạo ngược ngông
    Thôi thì nói với thinh không
    Trả mây,trả gió theo bồng bềnh trôi !

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn bạn thân quý đã đọc và chia sẻ với ST nha.

    Đọc lời thơ "Nói với người"
    Lòng riêng riêng cũng mây trôi bồng bềnh
    Lợi danh, điên đảo, nổi nênh
    Kiếp người nhân thế muôn hình dở hay
    Vẫn tin rằng cuộc đời này
    Còn nhiều tốt đẹp thẳng ngay lòng người
    Chúc Q mãi mãi khỏe vui
    Luôn tin cuộc sống, yêu đời thiết tha

    Trả lờiXóa
  6. Tôi chưa hề biết một ông Phạm Thế Minh trên cương vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và nếu có biết đi nữa, chưa chắc tôi đã cảm phục, ngưỡng mộ ông. Nhưng đọc bài thơ này của ông, tự nhiên tôi thấy ông thật đáng kính, đáng nể. Với tôi, ông không chỉ là một nhà thơ đích thực ( dù cho tôi mới chỉ biết mỗi bài thơ trên của ông) mà ông còn là một con NGƯỜI viết hoa trang trọng. Ông đã bước qua những hỗn tạp của thói đời để đến được sự thanh sạch của tâm hồn, đã vượt qua phần “con” để đến được phần “ NGƯỜI” thuần hậu tinh khiết. Nói theo triết lý của nhà Phật thì ông đã chiến thắng kẻ thù lớn nhất của mình- chiến thắng chính mình.
    Vượt qua cái ý nói với mình, bài thơ đã chạm tới một vấn đề lớn lao và nhạy cảm chốn công đường. Vì thế, với tôi, bài thơ vừa cô đúc, khái quát như một châm ngôn về lẽ đời muôn thuở lại vừa đượm chất trữ tình sâu lắng của một con người có tâm, có tầm, có nhãn quan tinh tế.
    ------------------------------------------------
    Em rất tâm đắc với đoạn này chị ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Thanh Thủy đã chia sẻ và đồng cảm với chị nha

      Xóa
  7. Đời làm quan cũng nhiều nổi nênh em nhỉ...Chị em mình may mắn làm nghề giáo, không quyền hành gì mà được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo...
    Vào chị xem " Nhị độ " Song Thu nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. DA ! Em cám ơn chị. Em sẽ vào ngay đây ạ.
      Ủa chị cũng là nhà giáo ư? Em cứ nghĩ chị làm cán bộ vụ, viện gì đâý ạ. Thế ra chị em mình nhiều thứ "đồng" ra phết chị hè?

      Xóa
  8. Vốn liếng văn chương của tôi gần như bằng không, nó tròn vo trong khuôn khổ kiến thức phổ thông được các thày cô truyền thụ. Nói vậy để tác giả và bạn đọc thông cảm cho những dòng viết dưới đây.
    Có lẽ tôi đọc bài thơ này trên blog Song Thu, rồi dinh về đăng lên trang thơ HSTQ. Các bạn đọc khen nức nở, còn tôi thì chỉ coi đây là một lời thú tội không hơn không kém.(Mặc dù đôi khi tôi có sử dụng đôi ý nói lên tâm trạng mình trong giao tiếp).
    Mà lời thú tội đó cũng chỉ được một phần, bởi ông đã thừa nhận "... ăn nhầm bả hư vinh", "Nào đâu có biết lòng mình trắng đen" hay nói rõ hơn là phần thiện ác trong con người ông. Trên con đường đi đến chức Thứ trưởng ông đã phải hủy hoại công danh sự nghiệp của bao người có đức, có tài. Lại câu: "Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao" rất đúng nhưng vẫn chưa đủ, cái giã man, bè cánh, đấu đá tàn bạo..., Thường là như vậy trong đấu đá kẻ thắng thì hãnh tiến, kiêu căng càng tàn bạo, phũ phàng; kẻ thua thì buồn tủi chửi đổng... Thôi thì ông nói ra cũng được nhẹ lòng, người nghe sướng tai nhưng thử hỏi nếu trở lại thời kỳ đó anh ta có làm đúng với cái suy nghĩ hiện nay không? Hay ông ta sẽ khắc phục cái sai lầm trước đây để leo cao hơn; lại lao vào dòng xoáy hư vinh một cách điên cuồng hơn. Cái này thì không ai nói chắc được...
    Thử hỏi nếu ban lượng khoan hồng cho một thằng tù trở về với xã hội với ban phát sự thông cảm với ông thứ trưởng kia thì việc nào tiết thực với xã hội hơn?
    Nếu chỉ có một bài thơ suông, vài ý chung chung như thế này đã có sự cảm thông của xã hội thì chỉ nay mai thôi sẽ có hàng loạt cán bộ hưu to bằng và hơn ông thứ trưởng Minh sẽ thuê người làm thơ dạng đó. Mà họ không phải suy nghĩ, dừng bàn tay tội lỗi của mình đối với xã hội.
    Song Thu đã sống, làm việc trong một giai đoạn dài mà công tác tổ chức lũng đoạn làm tổn thương cho xã hội.
    Theo anh bài thơ không có gì đặc sắc lắm, ý tứ chung chung ngụy biện của một kẻ có tội thôi em ạ.
    Hì! Hì! Cũng chỉ là vui thôi, có gì thông cảm nhé bạn Song Thu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về thơ văn, mỗi người có một cách cảm nhận riêng anh à. Em trân trọng cách cảm nhận của anh. Nhưng em cũng vẫn bảo vệ cách cảm nhận của em. Trong bài bình em cũng chỉ dám nói đó là cảm nhận của riêng em thôi mà. Cho nên, khi giảng giải hoặc bình giá điều gì em thường dùng từ :" với tôi" hoặc "tôi thấy". Thậm chí nhiều chỗ chưa thể khẳng định một cách chắc chắn một vấn đề nào đó, em thường đưa ra những câu hỏi tu từ chứ không dám áp đặt một cách hiểu của riêng em cho mọi người đâu ạ.
      Dù sao thì với em, trước sau em vẫn cho rằng đây là một bài thơ rất hay anh ạ. Có những câu thơ khái quát, cô đúc như một châm ngôn: " Đã vào vòng xoáy bon chen
      Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao"
      Lại có những câu gợi mở rất thơ, rất thanh tao và trong sáng:
      "Sáng nay thanh thản vãn chùa
      Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa"
      Em thiết nghĩ thơ là tiếng lòng, không thể thuê làm thơ để nói hộ lòng mình được đâu anh.
      Anh cứ vô tư trao đổi cảm nhận của anh ạ!

      Xóa
    2. Chào bạn Song Thu!
      Chắc em không bằng lòng lắm bởi lời comment trên; anh biết vậy nhưng thấy cách trả lời của em khá hay đúng với phong cách của một nhà giáo. Rất cám ơn Song Thu.
      Anh cũng công nhận bài thơ đó là hay, nhưng qua bài thơ đó để đánh giá phẩm chất của nhà thơ thì không nên. Trong trường hợp này không thể thơ là người, người là thơ được em ạ.(Anh không biết ông Minh là ai đâu nhé!)
      Chắc em có bài THƯỜNG DÂN của Nguyễn Long, anh cho đây mới là một bài thơ hay. Vì nó mà bước đường trở thành hội viên hội nhà văn VN bị trắc trở.
      Vui với ST thế thôi, anh cũng không đến nỗi CÀNH BỨA lắm đâu.
      Hì hiiiiiii

      Xóa
    3. Ủa sao em lại " không bằng lòng lắm" với những lời comment trên của anh được. Em rất vui vì anh đã sang thăm và chia sẻ thật cảm nhận của mình mà. Em còn rất thích những ý kiến trái chiều nữa anh ạ. Bởi vì có những ý kiến trái chiều sẽ làm cho vấn đề được nhìn nhận toàn diện hơn và vì thế có lẽ sẽ sâu sắc hơn chứ anh.
      Em cũng đồng ý với anh là qua một bài thơ chưa thể đánh giá được nhân cách của nhà thơ. Nhưng nhiều khi người đọc thơ vì yêu thích thơ mà có những thiên vị với tác giả thơ cũng là lẽ thường tình thôi anh ạ. Đó hoàn toàn là cảm nhận chủ quan, cá nhân mà. Nhưng riêng ở bài thơ này thì em thấy, một người ở cương vị như tác giả đã dám nói ra những điều nhạy cảm chốn công đường cũng là một đức tính trung thực đáng trân trọng đấy ạ. Lại nữa, con người đó khi trở về với cuộc sống đời thường mà thấy ung dung, thanh thản, tươi đẹp, trong trẻo thì cũng là một tâm hồn đẹp đẽ chứ anh. Chưa nói đến con người đó đã viết được ra cả ba bài thơ trên thì em nghĩ là phải có tài năng và tâm hồn, nói khác đi là có tâm và có tầm mới làm được điều đó anh à.
      Bài " Thường dân" của Nguyễn Long em cũng rất thích và hình như đã viết lời bình cách đây khá lâu rồi anh ạ. Nếu tìm được em sẽ đưa lên để anh em mình bàn luận cho vui nha anh. Bởi vì dù sao em lúc nào cũng là thường dân chính hiệu nên em có cách cảm nhận về những người thường dân vốn "Đông thì chật, ít thì thưa / Chưa bao giờ thấy dư thừa thường dân / Quanh năm chân đất đầu trần ? Tác tao sau những vũ vần bão giông" ấy theo kiểu của riêng em. Em muốn anh tranh luận để hiểu rõ cách cảm nhận về thường dân của một người từng làm quan như anh xem có khác thường dân chúng em nhiều không?
      Hẹn anh trong những lần tranh luận sau ạ

      Xóa
  9. " Thế là hết nợ công danh

    Ta về gặp lại chính mình từ đây

    Mặc trời cao kệ đất dầy

    Ta về làm gió làm mây riêng mình

    Tôi chưa hề biết một ông Phạm Thế Minh trên cương vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và nếu có biết đi nữa, chưa chắc tôi đã cảm phục, ngưỡng mộ ông. Nhưng đọc bài thơ này của ông, tự nhiên tôi thấy ông thật đáng kính, đáng nể. Với tôi, ông không chỉ là một nhà thơ đích thực ( dù cho tôi mới chỉ biết mỗi bài thơ trên của ông) mà ông còn là một con NGƯỜI viết hoa trang trọng. Ông đã bước qua những hỗn tạp của thói đời để đến được sự thanh sạch của tâm hồn, đã vượt qua phần “con” để đến được phần “ NGƯỜI” thuần hậu tinh khiết. Nói theo triết lý của nhà Phật thì ông đã chiến thắng kẻ thù lớn nhất của mình- chiến thắng chính mình".
    ----------
    Một nhân cách đáng trân trọng. Chúc chị ST luôn an vui và có nhiều bài viết hay !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Tím đã đọc bài và chia sẻ cùng ST.
      Chúc Tím vui vẻ và hạnh phúc nha

      Xóa
  10. Anh thì thuộc dân tự phát về chiều cho nên xưa nay làm thơ cho có vần có điệu để trang trải lòng mình và có bài cho vui cùng làng blog mà thôi
    Nhưng khi qua em với bài này anh có vài cảm nhận thu hoạch sau khi đọc cảm nhận bài thơ Ta về
    Trước hết học đc cách thể hiện bài thơ sao cho có ý nghĩa,để người đọc cảm nhận đc
    Sau là bài viết của hai vợ chồng ST nhận xét về bài thơ Ta về của thứ trưởng rất hay . Đúng là nhà giáo có khác
    Và sau cùng sống, làm việc và vui chơi thơ phú đồng vợ đồng chồng là hp vô cùng . Thèm khát có một cặp đôi như em về ham thích ,về trình độ và cả nghề nghiệp như em lắm đó nhưng hiiii già rồi
    Cảm ơn bài đăng của em
    Chúc hai anh chị nhà giáo an vui hp STnhé


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Ngọc Dũng cứ khiêm tốn chứ thơ và nhất là hồi kí của anh đọc rất thú vị đấy chứ ạ.
      Cám ơn anh đã đọc, chia sẻ và động viên vợ chồng em ạ. Chúng em có học hỏi ít nhiều về văn chương nhưng chỉ học để làm nghề " chở đò" thôi chứ không phải làm nghề viết chuyên nghiệp đâu. Vui với bạn bè blog mà viết để sẻ chia thôi chứ có tài hoa gì đâu anh à.
      Anh đừng thèm khát cảnh có cặp đôi như em làm gì, nhiều phiền toái lắm đó anh. Có lần em đã viết rằng:
      Phu tá thi, phụ tá thi (Chồng làm thơ, vợ làm thơ)
      Nấu cơm phải oản tù tì mới xong"

      Em chúc anh thật nhiều sức khỏe và niềm vui ạ. Khi nào vào QB, vợ chồng em nhất định sẽ tới thăm anh

      Xóa
  11. Những câu thơ:
    Em mười năm theo ngiệp
    Không đóng nổi vai hề
    Cười người ta đã chê
    Khóc người ta cũng chán
    Chỉ vì không dám diễn
    Cái vai không thật mình
    (Vai Diễn-Phạm Thế Minh)

    Bảng vàng bia đá nhiều người
    Mấy ai có được khoảng trời lòng dân
    Mỗi lần về lại Nghi Xuân
    Con nghe cụ dạy vững tâm làm người
    Dân vạn đại, quan nhất thời
    Lời người xưa cứ học rồi lại quên.
    (Nói chuyện với Nguyễn Công Trứ)

    Đã ăn nhầm bả hư vinh
    Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen
    Đã vào vòng xoáy bon chen
    Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao.

    Đều là những câu thơ "rất tâm sự riêng" mà lại vẫn có tầm khái quát rất cao về các "ông quan hiện đại". Phải đủ tài năng, đủ tầm văn hóa, đủ nhân cách...mới viết nổi những câu thơ như thế. Và tôi tin rằng những người đã viết nổi những câu thơ như thế này họ sẽ không bao giờ đem nó đi bán. Và tôi tin nhiều ông quan thời nay dù họ có nhiều tiền cũng không mua nổi những câu thơ như thế. Bởi vì trong con mắt nhân dân họ chỉ là những vai hề vụng dại. Có thể nói không ngoa thơ Phạm Thế Minh ít nhiều đã là tiếng nói của nhân dân. Có lẽ vì thế mà nhân dân đã lựa chọn bài TA VỀ và lưu truyền nó trong dân gian cho nhiều người cùng biết. Tôi biết được bài thơ là nhờ cái KÊNH NÀY-KÊNH NHÂN DÂN. Tôi nghĩ trong thời ta đang sống cũng không mấy nà thơ chính cống, có được cái vinh dự như thế này.

    Trả lờiXóa
  12. Có câu thơ tràn loang những vần ý
    Mà vu vơ với xuân hạ thu đông
    Có vần thơ như đếm những dấu lòng
    Là đời thật của người đang hạ bút -------------------

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dẫu vu vơ với xuân hạ thu đông
      Tìm kĩ ra vẫn cất giấu tiếng lòng
      Vui hạ thắm hay sầu đông tàn lụi
      Mỗi lời thơ là một lời nông nỗi
      Gói cả hồn cả vía của người thơ
      Khi trang trải đời mình, khi hoài cảm vu vơ...

      Cám ơn Trần Minh Lê đã sang thăm nhà ST và góp thơ chia sẻ nha.

      Xóa
  13. Có nhiều loại thơ và loại thơ nào cũng có thể hay nếu như có rung động thật và viết tài hoa. Nhưng loại thơ thế sự, mang gan ruột người viết dễ lay động lòng người hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn mình. Thơ nào hay cũng thích mình nhỉ. Nhưng thơ thế sự thì có lẽ sẽ được nhiều người chia sẻ hơn đúng không? Nhất là thơ chạm tới những vấn đề nhạy cảm hay bức xúc thì hay được truyền tụng lắm. Vì suy cho cùng những bài thơ đó đã nói hộ những điều ai cũng nghĩ nhưng không phải ai cũng dám nói và nhất là lại nói bằng bài thơ hay nữa thì thật là trên cả tuyệt vời . Người ta không truyền nhau đọc mới là lạ đấy

      Xóa