Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

DỰ ĐỐI VÀ LUẬN BÀN

 

 




Trước nay, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, xóm Trian nhà ta thường có những cuộc chơi câu đối cùng nhau khá thú vị. Tuy số người tham gia vào trò chơi này không nhiều và những vế đối lại hay còn quá ít nhưng xem ra cũng rôm rả lắm. Lần này, dù còn lâu mới đến tết nhưng đã thấy bác Đỗ ra vế đối rồi. Tôi đồ rằng do hồi rầy phong trào sáng tác của xóm có vẻ trầm lắng và nghèo đi nên bác Đỗ muốn khuấy động nó lên. Ngoài ra chắc bác cũng còn muốn mọi người bàn luận về cuộc sống thực thông qua hai câu tục ngữ nữa chăng? Vì thế mà vẫn là trò chơi đối đáp nhưng lần này đã mang thêm nét mới vậy.
            Nguyên văn bài ra của bác Đỗ đây:       

TRÒ CHƠI CŨ CHO MỘT MÙA VUI MỚI

Tục ngữ xưa có câu:
Hay khen, hèn chê

Nhưng cũng có câu:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

 

Câu thư nhất khuyên người ta nói thật lòng mình:
Hay thì phải khen, hèn thì phải chê.

Còn câu thư hai lại khuyên người ta phải nói nịnh:
nói cốt để vừa lòng đối tượng, chứ không tính đến những suy nghĩ thật của mình cho là đúng hay sai, phải hay trái, hay hay hèn ?
Ta nên theo câu nào đây?
Sau đây là suy nghĩ của tôi qua một vế đối:

-HAY KHEN, HÈN CHÊ; MIỆNG THẾ XƯA NAY VẪN THẾ;
Mong bà con dự đối và cùng bàn luận, xem như một “Trò chơi cũ cho một mùa vui mới”.


25/10/2014
Đỗ Đình Tuân



        Trước hết tôi xin tham gia bàn luận đôi lời. Câu thành ngữ: “Hay khen hèn chê” là người xưa muốn khái quát cái lẽ tự nhiên trong cuộc sống. Thường thường thì thấy bất cứ sự việc, hiện tượng hay con người nào đó hay, tốt, đẹp…thì người ta thường trầm trồ khen ngợi hoặc tỏ ý thích thú thán phục. Ngược lại thấy những cái xấu, cái dở, cái không hay… người ta thường hay chê bai, dè bỉu hoặc tỏ vẻ không thích thú hay phản đối v…v…
          Còn về câu tục ngữ:
                   Lời nói chẳng mất tiền mua
                   Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Ở đây người xưa muốn khuyên nhủ con người hãy lựa chọn lời mà nói sao cho dễ nghe nhất để người đối thoại cùng ta được vừa lòng. Theo thiển ý của tôi thì câu này không hẳn là người xưa khuyên chúng ta chỉ khen thôi hoặc chỉ dùng cách nói lấy lòng người để làm người nghe vừa lòng. Mà có lẽ, người xưa chỉ muốn nhắc nhở cháu con hãy cân nhắc, lựa chọn kỹ càng trước khi nói. Có thể là khen hoặc cũng có thể là chê nhưng từ ngữ và cách nói sao đó để người nghe hài lòng nhất. Tôi nghĩ, khen mà khen quá lên thì chưa chắc người nghe đã thích. Ví như một người đẹp cỡ vừa phải thôi nhưng ta khen đẹp hơn Kiều hoặc thậm chí là văn hoa mà khen rằng: sắc đẹp của em nếu nàng Kiều của cụ Nguyễn Du sống lại cũng phải thẹn… thì có khi lại làm cho người đẹp thấy xấu hổ. Hoặc một sáng kiến nhỏ bé mà cứ tâng bốc lên rồi cho rằng hơn cả phát minh của những nhà khoa học lỗi lạc trên thế giới này thì ai mà chấp nhận được. Khen đã khó, chê còn khó hơn nhiều. Chê làm sao cho người bị chê cảm thấy bằng lòng thì quả là khó lắm thay. Cái này một mặt đòi hỏi người nói phải biết lựa lời nói và cách nói sao cho vẫn diễn tả đúng điều mình muốn chê mà lại vẫn tỏ ra trân trọng người bị chê nữa; Một mặt người bị chê cũng phải là người hiểu biết, cầu thị, không tự phụ thì mới dễ dàng tiếp thu được. Điều này theo tôi vừa là một ưu điểm nhưng cũng vừa là một nhược điểm của người Việt Nam ta nói riêng và người dân một số nước phương đông nói chung. Ưu điểm là làm cho cách sống, cách giao tiếp ôn hòa, lịch thiệp, nhẹ nhàng hơn. Nhưng nhược điểm chính của nó là làm cho cách nói trở nên vòng vo tam quốc, cái nhược, cái xấu được phủ mờ đi, thường đi. Nguy hiểm nhất là lâu dần tạo nên một tâm lý của con người chỉ thích khen, không thích chê, chỉ thích khoe những cái tốt mà giấu diếm đậy điệm hết cái xấu lại, không dám nhìn thẳng vào sự thật, vào cái xấu cái kém để sửa đổi, khắc phục vươn lên khiến cho con người và cuộc sống cũng như xã hội chậm phát triển vậy
          Cố nhiên nói như thế không có nghĩa là tôi muốn tốt nhất cứ nói toạc móng heo tất cả, nói trắng phớ tất cả cái xấu ra. Mà tôi nghĩ rằng trong cuộc sống phải tùy vào những trường hợp cụ thể nhất định mà xử lý sao cho thấu lý đạt tình. Ví như cái xấu, cái khiếm khuyết của những con người thiệt thòi do trời bắt tội thế thì ta không nên đem ra mà bàn tán, chế giễu hoặc chê bôi dù là chê bằng lời nói cẩn trọng nhất vì như thế là xúc phạm người ta. Hoặc những cái dở của một ai đó, một cái gì đó, không làm ảnh hưởng tới người khác và người ta cũng không nhờ mình nói ra thì tốt nhất là mình cũng chẳng cần nói làm gì. Nhưng những cái xấu, cái kém, cái dở làm ảnh hưởng lớn đến con người đến xã hội thì cần thiết phải được nói thẳng nói thật thậm chí là dò đến “ngọn nguồn lạch sông” để tìm cách khắc phục thì mới mong có được điều tốt đẹp vậy.
          Bàn luận về vấn đề này quả thật là rộng quá, khó có thể bằng một vài lời mà thấu đáo cho được. Nhưng trước vấn đề bác Đỗ Đình Tuân đặt ra, tôi xin sơ qua đôi lời như vậy coi như phần nào bày tỏ ý kiến của mình. Nếu có điều gì chưa ổn, mong được sự trao đổi tận tình của mọi người.
          Sau đây tôi xin nói đôi lời về việc đối đáp lần này.
          Vế ra đối của bác Đỗ là: HAY KHEN HÈN CHÊ MIỆNG THẾ XƯA NAY VẪN THẾ. Trong vế ra đối này tác giả có sử dụng một câu thành ngữ và  một từ  đồng âm khác nghĩa: (từ thế, trong miệng thế và từ thế trong vẫn thế).
          Muốn đối cho chỉnh, người đối cũng phải sử dụng hai yếu tố nói trên. Ngoài ra, như xưa nay vẫn vậy, vế đối đòi hỏi phải đối từ và đối thanh. Thông thường đối từ là đối từ loại ( danh từ với danh từ; động từ với động từ; hư từ với hư từ…). Tuy nhiên cũng có khi không tìm được từ loại thật chuẩn thì có thể dùng tính từ đối với động từ cũng chấp nhận được. Còn đối thanh nghĩa là thanh bằng đối với thanh trắc là tốt nhất. Nếu không được như thế thì có thể dùng cùng thanh nhưng độ trầm bổng của nó phải khác nhau. Ví như dùng thanh bằng đối với thanh bằng nhưng nếu từ trong vế ra không dấu thì từ đối lại phải mang dấu huyền (trong ngôn ngữ học gọi là phù bình thăng với phù bình trầm). Nếu cùng là thanh trắc thì từ của vế ra mang dấu sắc thì từ của vế đối phải mang dấu nặng.Tuy vậy những cách đối gượng như vậy người ta không sử dụng trong các từ kết thúc của vế đối mà ở các từ kết thúc này bắt buộc phải đối chỉnh (bằng với trắc,danh từ với danh từ, động từ với động từ...)
        Với quan niệm như thế, tôi xin đối lại vế ra của bác Đỗ như sau:

Vế ra:   Hay khen, hèn chê, miệng thế xưa nay vẫn thế

Vế đối: Tốt bày, xấu đậy, nhân gian muôn thuở còn gian

  28-10-2014
   Song Thu

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

VU VƠ



Vu vơ nhớ một nụ cười
Lại vu vơ nhớ một thời xa xưa
Cái thời cắt cỏ bắt cua
Tắm chung trên khúc sông quê mát lành
Nắng vàng trong vắt rung rinh
Mưa giăng như ngọc long lanh sáng ngời
Heo may xao xuyến bồi hồi
Cánh hoa hé nở đầy vơi ngọt ngào
Trăng ngà nghiêng bóng chênh chao
Cho ai tha thiết ai nao nao tình

Giờ trăng sáng cũng mần thinh
Mưa tuôn nắng trải cũng hình như không
Hoàng hôn ngả xuống bến sông
Chiều ngăn ngắt lạnh cánh đồng gió đưa
Mong manh chiếc lá cuối mùa
Vời trông trời đất tàn thu mất rồi
                 25-10-2014
                 Song Thu

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

BÀI VĂN ĐẠT ĐIỂM 10


                  Hoa chúc mừng nhân 20-10-2014 ( Anh Trương Quang Thứ gửi tặng)

 

Vài nét về nữ sinh có điểm 10 môn văn

Vũ Phương Thảo từng đạt nhiều giải thưởng về văn học, bơi lội, điểm tổng kết trung bình năm học là 9,3. Bên cạnh đó cô nữ sinh này còn biết chơi đàn guitar, organ.

Hai lần đạt điểm 10 đều viết về người thầyVũ Phương Thảo (sinh năm 1999, học sinh lớp 10A1, THPT Định Hóa, Thái Nguyên) được biết đến là chủ nhân của bài văn điểm 10 khiến giáo viên nể phục.
Bài văn Thảo viết về người thầy giáo có tên Nguyễn Văn Tâm - từng dạy Toán trường THCS Chợ Chu khiến nhiều người xúc động. Tình cảm chân thành, trong sáng của cô học trò cùng hình ảnh người thầy mẫu mực đã chạm đến trái tim độc giả.
Nữ sinh có điểm 10 môn văn
Phương Thảo
Phương Thảo cho biết, viết về thầy Nguyễn Văn Tâm là bài văn thứ hai em đạt điểm 10. Trước đó, trong năm học lớp 8, Thảo từng xuất sắc đạt điểm tuyệt đối khi viết thơ cũng về chủ đề này.
Thầy Nguyễn Văn Tâm là người đã dạy Thảo môn Toán trong suốt 4 năm THCS. Hình ảnh thầy Tâm đi trên chiếc xe đạp cũ kĩ, bóng đổ liêu xiêu, mái tóc bạc - người Thảo kính trọng nhất trên đời luôn khắc sâu trong tâm trí em. Câu nói “Cố gắng, cố gắng, cố gắng hơn nữa” của thầy luôn khiến Thảo ghi nhớ, là động lực trong mỗi bước đường gặp khó khăn.
Sau khi bài văn viết về người thầy được đăng tải trên báo chí, nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của nhiều người, Thảo vỡ òa trong cảm xúc bất ngờ.
Cô nữ sinh lớp 10 tâm sự: “Em thấy vui và hạnh phúc khi được nhiều người quan tâm đến bài văn của mình, thậm chí là sững sờ. Bài viết này em dự định sẽ dành tặng thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tuy nhiên, do bài văn được chia sẻ rộng rãi nên thầy Tâm đã đọc. Thầy nói rất vui và xúc động. Em coi đó là món quà, thành công lớn nhất đã nhận được”.
Thầy Phạm Vũ - người đã chấm điểm và mang bài văn của Thảo đến với độc giả nhận xét:
“Đây là lần đầu tôi chấm 10 điểm cho học sinh ở môn Văn. Tôi khâm phục em vì còn ít tuổi nhưng suy nghĩ chín chắn, sâu sắc thể hiện cả con người và cách sống đều rất đẹp".
Còn mẹ của Thảo, cô Nguyễn Thị Mai Huyên đã rất vui khi đọc được bài viết của con: “Thầy Tâm là người thầy mẫu mực không chỉ trong chuyên môn mà còn ở cuộc sống đời thường, giáo dục đạo đức học sinh. Thầy là người không quan tâm đến danh lợi mà chỉ lo lắng cho tương lai của học trò. Thầy đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với Thảo, vì vậy bài văn mới được viết trong cảm xúc chân thành và trong sáng đến vậy”.

Nữ sinh có điểm 10 môn văn
Bài văn
Cô gái bé nhỏ có thành tích đáng nể Vũ Phương Thảo sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên dạy Văn trường THPT Định Hóa, bố làm trong ngành tài chính.
Ngay từ khi học lớp 4, Thảo đã có tác phẩm đăng trên báo Thiếu niên nhi đồng. Hiện tại, cô nữ sinh lớp 10 đã có trong tay gần 70 truyện ngắn và 3 truyện dài.
Phương Thảo đạt nhiều thành tích đáng nể trong học tập. Năm 2011, nữ sinh xuất sắc vượt qua hàng nghìn cây bút trẻ, dành giải nhì cuộc thi sáng tác Tomi Happy và hành trình vạn dặm dưới biển do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Năm 2012, Thảo đạt giải C Cây Bút tuổi hồng và mới đây nhất cô nữ sinh vinh dự đạt giải A cuộc thi này.
Đạt nhiều giải thưởng về văn học, được nhiều nhà văn, nhà thơ đánh giá cao nhưng Thảo lại khá khiêm tốn khi nhắc đến chuyện xuất bản sách.
Thảo bày tỏ: "Em tự nhận thấy những tác phẩm của mình còn thiếu sót, một số chi tiết không hay, cần chỉnh sửa. Em sẽ cố gắng hoàn thiện để mong tác phẩm của mình được NXB để ý tới trong tương lai".
Nữ sinh có điểm 10 môn văn
Tham gia hội thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2013-2014.
Cô học trò giỏi văn lại là học sinh thuộc lớp chọn Toán. Phương Thảo đạt giải nhì cuộc thi Giải toán trên máy tính Casio, giải khuyến khích toán cấp tỉnh trong năm cuối cấp 2.
Điểm tổng kết trung bình cả năm học của Thảo là 9,4 (lớp 8) và 9,3 (lớp 9). Trong, đó, điểm trung bình môn Toán đạt 9,6. Ngoài ra, năm lớp 7, Thảo 3 lần đạt huy chương đồng giải bơi lội các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc.
Hiện tại, cô gái đa tài còn biết chơi đàn organ và guitar. Sau giờ học, Phương Thảo dành thời gian đọc sách.
Nhà văn Thảo yêu mến nhất là chú Nguyễn Nhật Ánh: “Em thích nhất tác phẩm Mắt biếc, đó là lần đầu tiên em đã khóc khi đọc sách vì sự ám ảnh" – Thảo chia sẻ. Cô gái có biệt danh “Thảo bé nhỏ” vừa học giỏi toán nhưng lại đam mê viết văn được giáo dục trong gia đình tôn trọng quyền tự do, sở thích của con cái.
Cô Mai Huyên cho biết, bố mẹ không hề bắt ép con phải chọn lựa khối tự nhiên hay xã hội, luôn để Thảo phát triển tự nhiên.
Phương Thảo bày tỏ: “Tuy mẹ là giáo viên dạy văn nhưng không hề định hướng hay đặt mục tiêu em phải theo môn học này. Mẹ thường xuyên đọc tác phẩm của em và góp ý.
Trong cuộc sống, thay vì cách tạo áp lực, ép buộc con, bố mẹ luôn để em tự do trong suy nghĩ và hành động". Trong tương lai, Thảo đặt mục tiêu vào trường HV Ngoại giao, ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ước mơ của em là trở thành một nhà ngoại giao hoặc làm kinh tế giỏi.


 Dưới đây là bài làm của em Vũ Phương Thảo

           "Những ngày mùa hạ rả rích, khi ôm sách và lắng nghe vài giai điệu phát ra từ cái radio cũ mèm, tự dưng tôi nghe thấy mấy lời da diết vang lên:
“Người thầy... vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy…”.  Tiếng Cẩm Ly tha thiết, chiều mùa hạ như đang rơi xuống, vỡ tan và xoáy vào lòng những kí ức tươi đẹp. Đột nhiên, có cảm giác như đang lạc vào một thế giới nào đó, một thế giới không phải của mình, thế giới của quá khứ.
Và tự nhiên, tôi nghĩ, dường như mình đang được xem lại cuộc đời bốn năm trước, qua vài cảnh quay được trích ra từ cái máy quay có lẽ là đời từ những năm 1980.
Máy quay có lẽ đã cũ lắm rồi, cảnh được cảnh mất, nhưng cũng đủ để tôi thấy tôi - mười một tuổi - đứng trong sân trường cấp II lộng gió, và bóng một người thấp bé lặng lẽ đạp chiếc xe khung, đi trong nắng vàng. Bất chợt, người ấy quay lại. Ánh mắt hiền từ được máy quay ghi lại rõ ràng không sai. Tim tự dưng thấy hẫng một nhịp.
Kia rồi! Thầy tôi...
Người đàn ông đi trong nắng vàng hôm ấy là người tôi kính trọng nhất trên đời. Có lẽ biết thế nên mọi cảnh quay về người ấy đều rõ nét và chân thực đến kì lạ. Tôi nhìn rõ cái bóng liêu xiêu, đổ dài trên con đường dài dằng dặc, cùng với cây thước kẻ nửa mét kẹp trong chiếc cặp da sờn cũ, hộp phấn bằng thép chỉ chực rơi ra, cùng mái tóc đã bạc lắm rồi. Bỗng nhiên, tôi thấy nước mắt đang dâng lên, đầy tràn hai khóe mắt.
Nhiều người vẫn miêu tả: Các thầy cao to, vạm vỡ, có đôi mắt sáng quắc uy nghiêm. Nhưng không! Thầy tôi thấp lắm, nếu so với chuẩn 1,8 m, chỉ chừng 1,6 m, tóc bạc trắng và lúc nào cũng lọc cọc đi trên chiếc xe khung han rỉ. Mắt thầy sáng, nhưng sáng bởi ánh sáng dịu hiền, ấm áp khiến chúng tôi rất an tâm. Mọi thứ thuộc về thầy cũ kĩ đến mức hoài cổ. Chúng tôi, thời những năm lớp 6, đã từng trêu thầy nhiều lần vì điều ấy. Tôi vẫn nhớ thầy chỉ cười hiền và bảo, thầy già rồi, có cần gì hiện đại.
Máy quay chuyển cảnh. Từng hình ảnh nhảy nhót. Cứ như bị lỗi, những hình ảnh ấy cứ nháy đi nháy lại, nhưng lại rõ đến từng chi tiết.
Mùa đông lạnh thê lương. Khi mà gió vuốt những ngón tay trên mái nhà, tôi nhìn thấy thầy đạp xe đến trường. Những vòng quay xe đạp cứ thế quay đều, quay đều. Pê đan cũ lắm rồi, xích kêu lạch cạch tựa như đang đòi nghỉ ngơi. Thầy vẫn cần mẫn đạp xe, cần mẫn xách chiếc cặp sờn cũ đến lớp. Thảng qua, tôi thấy thầy khẽ run. Không chỉ mùa đông ấy, mà còn nhiều mùa đông sau này nữa. Tôi vẫn luôn nhìn thấy hình ảnh đó. Luôn nhớ mình đứng trên tầng 2, vẫy tay “Em chào thầy” mà láo xược chế thành “Em thầy!”, và thầy, trên chiếc xe đạp cũ đi ngược gió, vẫy tay cười lại.
Hiền như tiên.
Tự dưng, cảnh quay tiếp theo hiện ra. Tôi thấy...
Đêm tối. Trong một căn bếp lụp xụp, có mỗi một bóng đèn mù mịt. Bảng đen viết đầy những công thức loằng ngoằng. Có hai đứa học sinh ngồi quây quần cắt cái bánh trung thu nhân thập cẩm, và một người tóc bạc phơ ngồi cạnh, mỉm cười nhấm nháp ngụm trà nóng trong đêm thu mong manh.
Thầy ơi, thầy không ăn thập cẩm à, thế phải làm sao bây giờ. Tiếng đứa con gái cất lên lo lắng. Thằng con trai ngồi cạnh im lặng ăn miếng bánh nướng thơm lừng, còn người đó chỉ cười, bảo, ừ, hai đứa cứ ăn đi, còn lại để vào tủ lạnh, lúc nào cô về thì cô ăn.
Tôi nhận ra, đấy chính là mình, với Âu Sơn, và thầy.
Tôi thấy mình lúng túng, rồi cũng ngồi xuống, cầm con dao cắt bánh ra thành nhiều miếng nho nhỏ. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng thầy cũng ăn, và hai đứa học sinh cười thành tiếng. Căn bếp lụp xụp như sáng thêm. Sáng thêm. Mãi đến sau này tôi mới biết thầy không ăn được thịt mỡ, cứ đến cổ họng lại bị nôn ra, thế mà hôm ấy thầy vẫn ăn miếng bánh Trung thu, có lẽ chỉ để chúng tôi vui lòng.
Đột nhiên muốn khóc. Thầy của tôi, vĩ đại như thế đấy.
Có lẽ nhiều người không hiểu nổi từ vĩ đại. Tại sao lại vĩ đại? Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của tôi khi nghe việc thầy không ăn được thịt mỡ, rồi liên tưởng đến miếng bánh trung thu ngày hôm ấy. Chỉ để chúng tôi vui, thầy đã ăn hết miếng bánh mà có thể làm thầy khó chịu suốt những ngày sau đó. Ai đó từng nói, tấm lòng người thầy vĩ đại lắm, và cũng trong sáng lắm, y như pha lê không bao giờ bị vấy bẩn. Đúng, đúng lắm.
Những tháng ngày đó, bất kể nắng hay mưa, bất kể nóng nực hay lạnh giá, thầy, vẫn cặm cụi đi trên chiếc xe đạp cũ xỉn, dạy chúng tôi học. Tôi nhớ những ngày tháng 1, năm tôi lớp 7. Lúc ấy gió trời còn mạnh, và nắng thì hong hanh lắm. Tôi, với ba thằng con trai khác, ngồi trong lớp nghe thầy giảng Toán. Sơn đùa, bảo thầy sao không làm hiệu trưởng mà lại chấp nhận làm giáo viên quèn. Ôi, làm hiệu trưởng thì không quát được giáo viên đâu, còn làm giáo viên, học sinh không nghe thì tống nó ra khỏi lớp. Thầy bảo, như thế. Chúng tôi cứ cười mãi về câu nói ấy. Đến tận hai năm sau, tôi mới biết, thầy chấp nhận làm giáo viên là để dìu dắt thêm nhiều lớp học trò trước khi bước vào tuổi già.
Sau này mới biết, tình cảm thầy dành cho học sinh chúng tôi còn nhiều hơn gấp tỉ tỉ lần những thứ công danh lợi lộc tầm thường.
Năm lớp bảy, có thầy, có những kì vọng và quyết tâm từ biết bao ngày trước, tôi đạt giải Nhất toán. Biết tin, thầy chỉ cười thật tươi. Nhưng trong mắt tôi, đó là nụ cười ấm áp nhất tôi từng biết. Nụ cười ấy khiến bao mệt mỏi, khó nhọc trở về số 0. Nụ cười khiến cho tất cả học sinh an lòng. Năm ấy, có lẽ là năm tôi hạnh phúc nhất.
Không biết đã đi qua bao nhiêu ngày nắng, mưa? Chỉ biết, thầy đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt hai năm rưỡi. Hai năm rưỡi lọc cọc đạp chiếc xe cũ ấy, hai năm rưỡi dạy dỗ lũ học sinh lớp A nghịch như quỷ. Thầy chẳng hề than vãn lấy một lời.
Các em là lứa học sinh cuối cùng của thầy, chỉ mong dạy được thật tốt, không muốn ai bị chửi mắng cả. Thầy trả lời cho câu hỏi của tôi về việc, tại sao chúng em mất trật tự mà thầy không nhắc.
Lúc ấy, tôi không hiểu. Sau này ngẫm nghĩ lại mới ngộ ra. Hóa ra, chúng tôi chính là những kẻ vô ơn bậc nhất, không hiểu nổi tâm ý của thầy giấu trong từng con chữ.
Mười ba tuổi, chỉ biết nghịch ngợm, vô ưu vô lo. Đâu biết người thầy vẫn cặm cụi chiến đấu với tuổi già và sức khỏe, ngày ngày lên lớp dạy dỗ cho những học sinh cuối cùng trong cuộc đời dạy học của mình.
Hết học kì I năm tôi lớp 8, thầy có quyết định nghỉ hưu.
Quyết định không hề vội vã, nhưng lại gây bất ngờ trong tập thể lớp. Tất cả xôn xao, và dường như có gì đó nghẹn ở trong tim, rất lạ. Dù biết, nhưng cuối cùng vẫn đến lúc phải chia tay rồi.
Ngày chia tay, tôi tặng thầy một bó hoa kẹo mút. Chính tay dính từng bông hoa, chính tay ghim từng bó mút. Có lẽ đó là bó hoa xấu nhất tôi từng làm, nhưng cũng là bó hoa mang nhiều tình cảm nhất. Cũng là bó hoa đầu tiên tôi tặng cho sự chia ly.
Thầy nghỉ rồi...
Giáo viên mới dạy thay. Bài giảng sôi động, súc tích vô cùng. Nhưng thỉnh thoảng đột nhiên ngẩn ngơ. Vẫn ngỡ thầy còn ở đây, ngay trên bục giảng, viết những con số vốn bị chê “xấu mèm” nhưng thật rất rõ ràng. Ngỡ rằng thầy vẫn sẽ đi cùng chúng tôi qua những năm tháng còn lại. Không, không còn nữa rồi!
Đó là những tháng ngày khó khăn nhất. Không có thầy ở bên cạnh dạy dỗ, không có ai cười hiền từ động viên trong những ngày khó khăn. Năm đó, tôi tụt hạng, chỉ đạt giải Ba. Đề rất dễ. Thế mà, điểm cũng chỉ đạt “nhì non”. Lúc ấy, tôi mới biết hóa ra thầy ảnh hưởng đến tôi nhiều như thế.
Lên lớp 9, ông nội dẫn tôi xuống nhà thầy. Từ đó, tôi chính thức học thêm với thầy. Chính thức bắt đầu một năm học tuy vất vả nhưng tràn đầy niềm vui. Ngôi nhà mà chúng tôi học, cũng chính là ngôi nhà thầy đã sống suốt mấy chục năm qua. Cả một đời người vất vả chỉ có một khoảnh sân nho nhỏ để phơi nắng, một căn bếp tối, lụp xụp, cái nhà xây lợp lá cọ mát rượi trong những ngày nóng bức, và cả một cây trứng cá lúc nào cũng bị lũ học sinh nhăm nhe chọc quả. Thầy bảo, như thế đã là hạnh phúc lắm rồi.
Đôi khi tôi nghĩ thầy sống sao mà giản đơn quá. Thầy chỉ cười. Không, thế đã là quá đủ rồi. Tôi không biết đủ là gì, không biết tại sao thầy có thể hài lòng. Sau đó nhiều tháng, tôi mới được nghe thầy kể về biết bao ngày khó khăn thầy đã trải qua. Đấy là những năm tháng vất vả đến bần hàn. Thầy là sinh viên nghèo, không có đủ đồ ăn nên ốm nhom ốm nhách. Trải qua một thời khó nhọc, con người luôn có khuynh hướng hài lòng với hiện tại, dù cho hiện tại ấy chỉ hơn thời khó khăn ngày xưa một chút xíu. Chính thế, thầy sống giản dị, tiết kiệm vô cùng. Từ lúc học thêm chỗ thầy, nghe thầy nói về những điều thầy đã trải qua, bất giác tôi cũng sống tiết kiệm đi nhiều lần. Không còn phung phí tiền bạc và đồ dùng như trước đây nữa.
Người ta bị ảnh hưởng bởi những người mà được coi là quan trọng. Tôi nghĩ, tôi cũng vậy.
Đôi khi tôi nghĩ, có phải thầy đã ảnh hưởng đến tôi theo một cách đặc biệt nào đó? Nghĩ nhiều lần, rồi mới phát hiện ra, thầy chính là một hình tượng mà tôi luôn khát khao muốn vươn tới, một tượng đài vĩ đại, một người mà tôi luôn mong mỏi đạt được thành công như vậy. Không chỉ là một người thầy, thầy còn là người cha, người anh, người bạn luôn lắng nghe, luôn cho những lời khuyên bổ ích nhất khi tôi cần. Thầy không chỉ dạy tôi môn Toán, thầy còn dạy tôi cách làm người, cách sống và phấn đấu để càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Máy quay dường như đang chậm lại, từng cảnh từng nét hiện lên rõ ràng. Tôi thấy thầy đang lụi hụi trồng rau, chăm sóc con chó lông trắng đen già khụ, thấy cả chúng tôi ngày đó, trong những ngày vất vả nhưng yên bình. Tôi nghĩ, có lẽ đó là những ngày hạnh phúc và vui vẻ nhất tôi từng có. Sau này, khi bước đi trên đường đời chông gai, có thể sẽ chẳng còn ai chỉ bảo, dạy dỗ tôi tận tình như thầy đã từng, có thể sẽ chẳng có ai lo tôi liệu có ngủ đủ giấc, liệu có stress khi nhồi nhét quá nhiều. Nhưng, cố nhân từng nói, cuộc đời chỉ cần một người khiến ta ngưỡng mộ, để cả đời noi gương, cả đời thương mến. Vậy là quá đủ rồi.
Khi viết những dòng này, tôi đã là học sinh cấp III. Không chỉ hôm nay, mà còn cả ngày mai, ngày kia, nhiều ngày sau nữa, nhất định tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Để mỗi khi gặp ai, trò chuyện cùng ai, có thể tự hào nói, tôi, là học sinh của thầy Nguyễn Văn Tâm. Có những lúc nhớ thầy, phóng vụt xe đi, tìm về ngôi nhà nhỏ cuối phố cũ với cây trứng cá xum xuê, ngồi nghe thầy nói về những điều thầy tâm đắc, về những điều thầy mong mỏi và răn dạy tôi cho đến mãi sau này. Tìm về nơi duy nhất khiến tâm hồn thanh thản, khiến cho mọi thứ phức tạp của cuộc đời trở nên dễ dàng và trong sáng hơn.
Vẫn là những ngày mùa hạ đã cũ, tôi cảm giác như mình đang xốc ba lô lên vai, đạp cái xe đạp của mình, lao đi trong nắng vàng.
Đến nơi tràn đầy kiến thức mà tôi hằng yêu kính".
                    ( Song Thu sưu tầm. Nguồn : Báo VIETNAMNET)

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ : “ TRĂNG QUÊ”






                     ( Ảnh hai cha con : Nguyễn Văn Chuyền và Nguyễn Thị Thanh Huyền )     


 Tuy cùng công tác với Thanh Huyền trong một cơ quan suốt mười bảy năm trời nhưng do khác phòng, ban nên tôi chỉ biết đại khái rằng nàng khá xinh gái nhưng  lại không hề may mắn trong cả đời tư lẫn sự nghiệp.
Về đời tư, nàng đã yêu và lập gia đình khá sớm với một chàng cùng quê nhưng không may cuộc sống chồng vợ luôn luôn cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, đến độ phải: “ Anh đi đường anh tôi đường tôi”. Một tay nàng nuôi dạy hai con trong  lúc đồng lương ít ỏi và tuổi đời còn khá trẻ. Thế nhưng nàng vẫn tần tảo, chắt chiu xây được nhà cửa đàng hoàng và nuôi các con ăn học nên người. Nhưng tạo hóa vốn trêu ngươi, khi con trai nàng vừa ra trường và có công ăn việc làm hẳn hoi thì cháu lại vĩnh viễn ra đi vì  tai nạn xe máy.
 Về sự nghiệp, nàng đang giảng dạy cho các cháu mầm non (con em của cán bộ, công nhân viên trong trường) thì công việc này bị giải thể. Nàng phải chuyển xuống làm “ anh nuôi” cho bếp tiểu đoàn, một công việc khá vất vả nặng nhọc lại không hề ăn nhập gì với chuyên môn của nàng. Tuy vậy, ở lĩnh vực nào nàng cũng làm việc rất tận tâm tận lực và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nên được mọi người tôn trọng, quý mến. Nàng về hưu với quân hàm thiếu tắ chuyên nghiệp, đó cũng là một sự bù đắp thỏa đáng, một niềm vui nho nhỏ trong bước đường sự nghiệp của nàng   
            Song còn một điều tôi chẳng hề biết rằng nàng rất yêu thích thơ ca và làm khá nhiều thơ từ dạo ấy.Mãi tới khi nàng về hưu và sinh hoạt tại tổ thơ câu lạc bộ hưu trí Côn Sơn của thị xã Chí Linh, tôi mới biết nàng làm nhiều thơ lắm. Thế rồi, một hôm nàng vào nhà tôi chơi và kể lại rằng, từ ngày xuống bếp tiểu đoàn, em đã  làm thơ. Nhiều khi đang nấu cơm, bất chợt bắt gặp tứ thơ em cứ thừ người ra mà theo đuổi. Có người thấy thế hỏi: “ Sao vậy”? Em bảo mình đang làm thơ thì họ lại cười khẩy mà rằng: “ Con lạy bà, tập trung vào chuyên môn cho con nhờ. Thơ với chả thẩn”.Thế có buồn không cơ chứ?
 Đấy cái thời công tác dù bận rộn đến không có thì giờ mà theo đuổi tứ thơ  nhưng em vẫn làm thơ. Bây giờ về hưu, có nhiều thời gian hơn và tâm trạng cũng cô đơn trống trải chông chênh hơn nên em lại làm thơ nhiều hơn chị ạ. Thơ đã giúp em giải tỏa nhiều nỗi niềm và cảm thấy thanh thản. Em biết rằng mình viết chưa hay, nhưng viết ra được những điều chất chứa làm em nhẹ lòng lắm.
Tôi bảo, nếu vậy, em cứ viết đi, viết cho mình là chính mà em. Chứ nàng thơ vốn đỏng đảnh lắm, làm được thơ hay đâu có dễ. Đến các nhà thơ chính hiệu còn phải than rằng:
Để người đọc nhớ một câu
Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành
 Chị em mình, dân nghiệp dư chỉ viết chơi thôi. Cứ có cảm hứng là viết, may ra được câu nào bài nào bạn bè thích đọc là sướng rồi. Bằng không thì cũng cứ viết coi như trả nợ lòng mình. Nàng gật lia lịa, tỏ vẻ tán đồng ý kiến đó lắm.
            Rồi một hôm khác, nàng vào chơi trao cho tôi một tập bản thảo “TRĂNG QUÊ và nói : “ Chị xem giùm tập thơ này, rồi góp ý và biên tập giúp em với. Nếu có cảm hứng chị viết cho em lời giới thiệu nữa thì hay quá” . Tôi chối đây đẩy: “ Chị có giỏi giang về thơ phú chi đâu mà biên với chả tập kia chứ. Em nhờ người khác đi. Còn viết giới thiệu thì chị càng chịu thôi!”. Nàng phân bua.” Năm nay bố em cũng gần tám chục tuổi rồi. Cụ làm thơ đã nhiều, em muốn xuất bản tặng cụ một tập thơ, chẳng phải mong để đời hay nổi tiếng gì đâu mà chỉ để tặng anh em con cháu trong gia tộc và bầu bạn làm chút kỉ niệm thôi. Bố em lại bảo: Thế thì hai cha con tuyển chọn rồi in chung một tập cho dày dặn. Em cũng chiều theo ý cụ. Chứ thực tình nếu riêng em thì em chưa muốn xuất bản vội vì nghĩ mình còn trẻ, cứ viết rồi đến cuối đời mới lựa chọn những bài khá hơn mà ra một tập cho vui. Em tin tưởng chị, chị cố giúp em với”. Quý bạn bởi sự  “tri bỉ, tri kỉ” (biết mình biết người) chứ không tự phụ như một số “ nhà thơ” câu lạc bộ cứ làm được vài chục bài văn vần lục bát hoặc mấy chục bài thất ngôn bát cú luật Đường theo kiểu gò vần, ghép chữ mà đã vỗ ngực cho rằng ta còn hơn cả Nguyễn Khuyến Tú Xương kia đấy. Có người bỏ tiền ra xuất bản dăm bảy tập thơ và thuê người viết lời giới thiệu hoặc phổ nhạc rồi tự phụ nhận mình là danh nhân văn hóa nữa mới khiếp chứ. Gần đây lại nghe nói có người còn sửa cả truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du nữa kia? Thật là chẳng biết trời cao đất dầy chi nữa ! Cho nên khi thấy Thanh Huyền nói lý do in sách để làm kỉ niệm cho bạn bè, người thân và làm vui lòng cha, tôi mới nhận tập thơ và giao hẹn trước  : “ Chị chỉ đọc và góp vài ý kiến cá nhân, rà soát những chỗ thiếu nét, thiếu chữ hoặc sửa lỗi chính tả giúp thôi chứ không dám biên tập thơ phú gì đâu. Còn viết lời giới thiệu ư, chị không kham nổi”. Nàng bảo: Em đã đọc nhiều bài bình thơ của chị rồi. Em thích lắm. Với lại từ hồi còn ở trong trường cơ, em đã nghe nhiều học viên ca ngợi chị giảng văn lắm mà. Cố giúp em đi chị”. Tôi phân trần: “ Giảng văn là cần câu cơm của chị nó khác chứ em ơi. Còn viết bình thơ thì  gặp bài nào mình có cảm hứng mới viết, mà chị có viết nhiều đâu. Viết giới thiệu tập thơ thế này, em phải nhờ những người nổi tiếng ( như mọi người trong câu lạc bộ vẫn làm) ấy chứ, nhờ kẻ vô danh tiểu tốt như chị làm chi?”. Nàng vẫn chẳng buông tha mà còn nài nỉ thêm rằng : Em có phải nhà thơ gì đâu mà dám nhờ người nổi tiếng viết. Em biết chị làm được mà. Giúp em đi”. Tôi vẫn nói nước đôi : Chị sẽ đọc còn viết được hay không chị không dám hứa đâu”
             Thế rồi do công việc bộn bề, tập bản thảo đó cứ nằm nguyên ở góc bàn đến hàng tháng trời chứ chẳng ít. Khi công việc đã bơn bớt, tôi mới giở ra đọc. Điều làm tôi thú vị trước hết khi đọc tập thơ này là cả hai cha con Thanh Huyền đều yêu thơ, ham sinh hoạt các câu lạc bộ thơ và rất ham làm thơ nữa. Hầu như bắt gặp một hình ảnh lạ, một cảnh ngộ đặc biệt hay một kỉ niệm nào ùa đến cũng đều được họ viết thành thơ bằng một cảm xúc dào dạt chân thành đầy tin yêu và tha thiết của chính trái tim mình; bằng cách cảm cách nghĩ của riêng mình. Vì thế mà cùng viết về quê hương ( thôn Bích Nham xã Văn Đức của vùng đất Chí Linh) thì mỗi cha con lại lung linh một niềm yêu nhớ, một góc nhìn một cách cảm thật riêng tư. Với người cha, quê hương là hình ảnh ánh trăng quê trong ngần diệu vợi  và lung linh thi hứng:
            Bát ngát mênh mông ánh nguyệt hồng
            Như quyện như hòa với núi sông
            Thiên phú trăng quê nguồn thi hứng
            Ánh vàng vô tận biển văn phong
                              ( Trăng quê)
Là mái trường quê thân thương bình dị  mà trong sáng đến vô ngần như lứa tuổi học trò hồn nhiên, vô tư và trong veo đến lạ:
            Trường em ở dưới chân đồi
            Không dàn hoa lý vẫn ngời sắc xuân
            Mặt tiền hồ bát ngát xanh
            Nước đầy trong mát đọng thành ý thơ
                             ( Trường em ở dưới chân đồi)
Là mái chùa quê hòa quyện với cảnh quê làm nên nét đẹp vừa thiêng liêng vừa gần gũi đậm hồn quê hương:
            Chùa quê ôm giữ cảnh quê
            Lá đa rải chiếu trưa về nghỉ chân
                            ( Chùa quê)
Hay:
            Mái rêu cong tự ngàn xưa
            Còng lưng gánh đỡ gió mưa với đời
                              ( Chùa quê)
Là hình ảnh cái giếng làng ngọt mát như một ám ảnh với mỗi người con xa quê. Và đặc biệt, quê hương với ông còn là hình ảnh những thôn nữ xinh đẹp, dịu dàng, duyên dáng và thuần hậu biết bao nhiêu
            Về quê gặp gió hương đồng
Gặp mây chở nắng mênh mông đầy trời
Gặp em hoa nở nụ cười
Con sông thiên phú muôn đời ngát xanh
Dịu dàng chiếc nón nghiêng vành
Nụ cười xiêu cả mái đình cây đa
               ( Về quê)
Nhưng với Thanh Huyền, vùng quê ấy đã neo vào lòng nàng để thành nỗi nhớ niềm thương khôn tả lại là những mái nhà, những bờ tre, khóm chuối, cánh đồng, những thôn xóm với những thửa ruộng gieo trồng từng loại cây khác nhau rất cụ thể:
Nhớ sao từ những mái nhà
Bờ tre, khóm chuối cây đa sân đình
Bích Nham Văn Đức nghĩa tình
Đây rồi xóm Trại, thôn mình làng trên
Hoặc:
            `Con đường xưa lối đi về
Cây Thông, gieo mạ; Trại Tre, lạc vừng
                         ( Quê tôi)
Và con người nơi quê hương yêu dấu ấy lại là hình ảnh những bà mẹ một nắng hai sương trên ruộng đông nơi : “Đất quê mặn nước chua phèn” hay lần hồi tần tảo chốn chợ quê với những mớ tôm mớ tép nhỏ mọn mà kiếm tiền nuôi con:
            Dọc ngang hàng quán chợ quê
            Cái tôm cái tép mua về nuôi con
             Gom vào thúng đựng vào xoong
            Tảo tần bóng mẹ hai dòng lệ ngân
                                      ( Chợ quê)
Tuy những câu thơ trên chưa thật nuột nà, thậm chí còn ép vần nhưng nó vẫn gợi ra hình ảnh khá sinh động cụ thể về người mẹ nghèo xứ quê với những gom nhặt chắt chiu trong vất vả lặng thầm với biết bao thương cảm làm lay động lòng ta.
            Ngoài cái đề tài chung là quê hương thân yêu ấy, mỗi cha con lại có những đề tài của riêng mình. Người cha, đã từng có mặt trên chiến trường chống Mỹ cứu nước nên kỉ niệm của một thời xưa ấy cứ trở về trong tâm khảm và trở thành nỗi nhớ niềm yêu thật thiết tha, thật tươi mới khi ông đã ở vào độ tuổi “ Cổ lai hy”
            Đây là tâm trạng đầy hoài niệm của ông về buổi lên đường, khi đi qua những cánh đồng quê:
            Qua Hà Tây những luống cày mới vỡ
Nghe mênh mông nóng hổi hương đồng
Ôi! Những cô gái chăn tằm Đan Phượng
Cái nhìn xanh ngát nương dâu
           ( Lên đường)
 “ Cái nhìn xanh ngát nương dâu” là một câu thơ thật đẹp, thật lạ, rất gợi và vô cùng ám ảnh. Chẳng biết với mọi người thì thế nào chứ với tôi, đây quả là một câu thơ tạc nên hình tượng người thôn nữ trong công việc tầm tang có vẻ đẹp tươi giòn mà đằm thắm, có cái nhìn mênh mang mà trong lành, lúng liếng mà đoan trang tha thiết khiến ta gặp một lần là không thể nào quên . Có thể nói, trong thơ ca ít có câu thơ nào viết về thôn nữ lao động đẹp đến thế, thơ đến thế!
Nhìn chiếc ba lô con cóc, ông bỗng rưng rưng bao kỉ niệm về một thời chiến tranh đã qua: “ Gặp lại em- chiếc ba lô/ Một thời oanh liệt bây giờ là đây? Bao nhiêu năm bụng lép gầy? Chung lưng đấu cật cái ngày chiến tranh” Rồi cũng từ chiếc ba lô con cóc ấy, ông lại liên tưởng đến tình yêu thương giữa chàng lính trẻ với người con gái chốn quê nhà:
Ba lô con cóc anh đi em khóc
Gửi hai túi cóc căng phồng nhớ thương
               ( Ba lô cóc)
Cuộc sống thời chiến với biết bao gian khổ, thiếu thốn nhưng ông vẫn nhớ về nó như những kỉ niệm đẹp của tình người với biết bao cần mẫn toan lo và nhường nhịn yêu thương:
            Vẫn còn nhớ mãi một thời
            Chiến tranh cứu nước tình người tình quê
            Bom rơi đạn nổ bốn bề
            Đường xa gánh nặng đêm khuya không đèn

            Cấy cày đợi ánh trăng lên
            Liền vai khẩu súng ngày đêm canh trời
            Bên nhau rộn rã tiếng cười
            Bát cơm sẻ nửa chia nơi chiến trường
            Khó khăn thiếu thốn đủ đường
            Xếp hàng tem phiếu mà nhường nhịn nhau
            Nửa chai mắm một phao dầu
            Thịt đường vài lạng chia nhau lần hồi
                        ( Một thời để nhớ).
Đặc biệt với ông, hình ảnh những người lính không chỉ đẹp trong một thời chinh chiến “ Áo bông trấn thủ một thời gian nan” đã “ Làm nên chiến thắng” mà về với cuộc sống thời bình, họ vẫn vẹn nguyên tinh thần tình cảm cao đẹp đó. Bởi tấm lòng yêu thương nhau, sự cần mẫn trong công việc và ý chí vượt lên gian khó bằng tình cảm lạc quan trong sáng rất chiễn sĩ, rất con Người:
             “Đêm đông ngọn lửa sưởi chung
            Rét ôm nhau ngủ giữa rừng Tuyên Quang”
       …” Đi làm chỉ có cuốc cày
            Con dao cái xẻng mà say nông trường
            Anh em từ khắp muôn phương
            Chia nhau củ sắn còn thương đến giờ”
Hay:
            Về đây làm thợ tài hoa
            Mồ hôi đẫm áo thế mà vẫn vui
            Miếng cơm đổi bát mồ hôi
            Nghe con chim hót tưởng trời sang xuân”
                        ( Nhớ về Tuyên Quang)
            Vốn trải đời, nên ông hay ngẫm nghĩ trước mọi hình ảnh thiên nhiên , cuộc đời hoặc con người mà viết thành thơ. Vì vậy, thơ ông mang một đặc điểm khác biệt với thơ của Thanh Huyền (con gái ông) là thường có những triết lý, những khái quát khá ấn tượng và khá sâu sắc mà vẫn giữ được cách nhìn hồn nhiên trong trẻo của người thơ. Ví như, nói về sự kì diệu của nước, ông có những câu:
            Khi vui đi khắp bốn bề
            Lúc buồn rơi lệ lại về mắt xanh
            Hóa thân giữ lá cho cành
            Thổi hồn vào đất ngát xanh vô bờ
                        ( Tình yêu của nước)
Trong bài: “ Có mà không”, khi chứng kiến một cơn giông vần vũ giống như một “trận cuồng phong” của đất trời với tiếng ếch nhái kêu ran khắp nơi, với những “Sao đất, sao trời khua tất cả” và đến cả “ Chị Hằng chú cuội cũng chạy rông” thì ai cũng nghĩ rằng trời sẽ mưa như trút xuống trần gian. Nhưng không, cơn giông vụt qua, cơn đau đẻ nước của Trời bỗng tắt lịm và trần gian chẳng có giọt nước nào, ông hạ bút:
            Cơn đau sinh nước là như thế
            Sấm vang chớp giật lửa đỏ hồng
            Thiên cung cho cả rồi lấy hết
            Tưởng mình được nước hóa ra không
                        ( Có mà không)
Đọc những câu thơ trên tôi như thấy cả cái kì vĩ trong trường ca“ Đẻ đất đẻ nước” của người Mường xưa và  cái triết lý sâu sắc của cuộc đời nay được kết tinh trong thơ Văn Chuyền vậy.
            Một điều thú vị nữa khi đọc thơ Văn Chuyền là ta cảm nhận được con người thơ trong ông rất giàu ý thức trách nhiệm trước cuộc đời. Vì thế mà, dẫu đã đi qua thời chinh chiến, về công tác tại đoàn ca múa nhạc Tổng cục chính trị, trực thuộc Bộ quốc phòng Hà Nội, rồi lại chuyển ngành về công tác tại đài truyền thanh tỉnh Hải Dương, đến lúc về hưu ông vẫn cùng vợ con lao động như một người nông dân thực thụ nơi đồng đất quê minh và tham gia rất nhiều câu lạc bộ thơ. Hiện nay,  tuy đã xấp xỉ vào tuổi tám mươi, ông vẫn gắn bó với công việc ruộng đồng, vẫn tham gia các  hoạt động xã hội rất tích cực, ông ở trong Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Cựu giáo chức thị xã Chí Linh. Thế mà ông lại luôn có cảm giác mình mắc nợ với cuộc đời: “ Nợ đời như núi như sông / Nợ trời như biển vô cùng bao la”; mắc nợ với con người: “ Nợ cô gái trẻ tiếng cười / Nợ em ngày ấy nói lời yêu thương” ; mắc nợ với cả cảnh trí bình thường nơi thôn dã: “Nợ bông hoa súng ven đường” và nhất là mắc nợ với mảnh đất quê hương:
                        Nợ quê hương đất mẹ sinh
                        Nào ai trả được nghĩa tình đất quê
                        Nợ người vất vả sớm khuya
                        Cho ta cuộc sống say mê ở đời
                        Một mai về đất, lên trời
                        Tôi xin khất nợ với người cho vay
                                       ( Nợ)
            Ngoài những điều đã đề cập trên đây, đọc thơ Văn Chuyền ta còn tìm thấy tình cảm của ông với cha, mẹ, vợ, con… cũng thật là đằm thắm. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể giới thiệu hết được mà để các bạn đọc thơ ông sẽ tự khám phá , tìm hiểu thêm.
            Sẽ là rất thiếu sót khi viết về tập «  TRĂNG QUÊ » mà không đề cập đến những vần thơ của con gái Văn Chuyền là : Nguyễn Thị Thanh Huyền. Bởi lẽ,tập « Trăng quê » gồm 162 bài thơ, thì có 78 bài của người cha- Văn Chuyền và 84 bài của con gái ông- Thanh Huyền. Ngoài đề tài chung giữa hai cha con là cùng viết về vùng quê mình, Thanh Huyền lại đi vào những đề tài rất riêng mang đậm dấu ấn của người phụ nữ ít may mắn trong trường đời nhưng  rất mạnh mẽ độc lập trong cuộc sống mà không kém phần nhạy cảm, tinh tế, giàu tình yêu thương, rất dễ mủi lòng và luôn đồng cảm với những thân phận mỏng manh , chìm nổi. Thơ Thanh Huyền có những bài gói ghém cả một đời công tác 34 năm với bao nhiêu biến đổi của mình : Từ người con gái nông trường đến cô giáo mầm non rồi chuyển sang làm cô cấp dưỡng trong Tiểu đoàn II Trường QS QK3 cho tới lúc nghỉ hưu ( Ký ức thời gian). Đồng thời ta lại tìm thấy trong thơ nàng nhiều bài, nhiều câu  nói về nỗi niềm riêng với biết bao tủi sầu đau xót của người thiếu phụ lỡ dở duyên tình. Có khi nỗi niềm đó ẩn hiện trong một chiều mưa nơi góc phố :
                        Gió cứ thổi và trời trắng mưa bay
                        Có ai hiểu nỗi lòng người thiếu phụ
                        Ngọn đèn đơn đêm đêm lẻ bóng
                        Mãi âm thầm bao kỉ niệm khôn nguôi
                                  ( Góc phố chiều mưa)
Có khi nó lại chơi vơi mà xa xót ngay cả chốn đợi chờ đến mông lung giữa dòng đời trong đục khôn lường :
                        Yêu thương trót dại ngẩn ngơ
                        Dòng đời trong đục câu thơ cháy lòng
                                ( Em đợi)
Nỗi đau phận mỏng ấy len lỏi cả vào lúc nàng nhận được lời nói yêu thương của người ta khi tuổi đã xế chiều. Và  nàng đã thảng thốt van nài : «  Xin anh đừng nói lời yêu ». Bởi nàng biết rằng :  « Anh hạnh phúc ấm êm/ Em đơn côi phận mỏng » cho nên trong đường đời đầy gai góc này, em chẳng có một lối đi bằng phẳng đâu và giữa cõi yêu dịu ngọt ấy em cũng chỉ nhận về những chua chát đắng cay thôi ;
                        Hương tình yêu ngọt lịm
                        Mà vị đắng riêng em
                          (Đừng nói lời yêu)
Có khi nó hiển hiện rõ ràng trong nỗi niềm tiếc nuối đến ngẩn ngơ «  về một thời thiếu nữ kiêu sa » nhưng dại khờ đã trao xương gởi thịt vào một bến đời đen bạc :
                        Thôi rồi trả lại tình anh
Dại khờ yêu đến kết thành lứa đôi
Miếng trầu thiếu nhạt chút vôi
Làm sao thắm được những lời mộng mơ
             ( Tiếc nụ tầm xuân)
Để nên nỗi phải dở khóc dở cười trong bóng lẻ đơn côi :
                        Ngu ngơ giữa chợ bên đường
                        Khăng khăng ôm mối tình thương một người
                        Tàn canh bạc dở khóc cười
                        Cút côi lẻ bóng một đời dở dang
                                ( Canh bạc cuộc đời)
Không chỉ có nỗi đau lỡ dở duyên tình, nàng còn gánh chịu nỗi đau mất đi phần máu thịt của đời mình đúng vào lúc đã đặt một chân sang phía  bên kia cái dốc cuộc đời, đúng vào lúc tưởng như sẽ được tựa vào con mà sống. Cho nên, trong thơ nàng, nỗi đau tột cùng ấy nó mới quặn thắt, vật vã làm sao. Nàng như trở nên hoang dại vì mất con và ngày ngày nàng cứ tựa cửa ngóng chờ tiếng xe máy như mỗi chiều con vẫn trở về bên mẹ : « Mẹ ngồi tựa cửa ngóng trông » hay : « Chờ con dằng dặc cuối trời »  rồi lại giật thót mình vì con đâu còn nữa, con chẳng thể về và lòng mẹ tái tê, tim mẹ đớn đau, một nỗi đau không bao giờ liền sẹo :
            Héo hon tận đáy nỗi niềm
            Nhớ con tim mẹ sao liền vết đau
                    ( Chờ con)
Và mỗi lần làm giỗ cho con lại một lần nỗi đau  rớm máu đến chừng như tan nát cả cõi lòng : « Nỗi đau thắt ruột-Nỗi đau ! Xót xa xát muối nát nhàu con tim ». Có lúc, nỗi đau ấy lại trở nên tích tụ trong câm nín lặng thầm mà trĩu nặng cả cuộc đời vốn đã rất nhiều chìm nổi của nàng :  « Tháng ngày thùi thũi lặng im/ Thương con phận mẹ nổi chìm thiệt hơn ». Thế rồi trong cảnh « Cửa nhà vắng ngắt, ngắn dài lệ rơi » nàng thắp hương cho con ngày giỗ mà hồn cứ chìm đi trong niềm nguyện cầu tha thiết mong được gặp  bóng hình con giữa bảng lảng khói hương :
                        Thắp cho con nén tâm hương
                        Nguyện cầu hình bóng khói sương con về
                              (Nhớ con ngày giỗ)
Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người mẹ nuôi con từ hòn máu đến khi con trưởng thành, to cao lừng lững, có công ăn việc làm ổn định thế mà bỗng chốc mất con để bây giờ chỉ ao ước cái hình hài cụ thể của con xưa giờ hãy về đây trong mơ hồ, lãng đãng trong phảng phất như khói như sương với mẹ con ơi ?!
            Phải chăng vì niềm riêng nhiều đớn đau đến nhường ấy nên đọc  thơ Thanh Huyền, ta thấy nàng rất giàu cảm thương những người bạc phận ? Này đây là nỗi lòng của nàng với người con gái quá lứa lỡ thì : «  Xuân chiều muộn đủ mọi điều / Đường quê em bước liêu xiêu bóng tà / Lỡ duyên cao số những là / Chuyến đò em đợi đi xa mất rồi » (Xuân chiều). Đây lại là tình thương của nàng với người thiếu phụ phải bỏ con ở nhà mà tha hương nơi xứ người đất khách làm ô sin kiếm tiền nuôi con :  «  Ô sin cách mấy phương trời / Tha hương đất khách xứ người ai hay » (Tha hương). Khi đến thăm người phụ nữ có chồng hy sinh nơi chiến trận rồi ở vậy thờ chồng, bằng trái tim nhạy cảm, nàng đã thấu hiểu nỗi khát khao làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ đó và diễn tả bằng những câu thơ chân mộc mà vẫn đủ sức lay động lòng ta :
                        Mảnh mai phận gái bơ vơ
                        Tiễn chồng ra trận nào ngờ lẻ đôi
                        Đêm đêm chợt tỉnh giấc mơ
                        Thèm nghe một tiếng con thơ trong nhà
                            (Chinh phụ thờ chồng)
Nàng thương người bạn gái, tuổi vào thu mà tan vỡ gia đình đang bơ vơ không có một mái nhà của riêng mình nên chưa biết về đâu giữa những ngày nghỉ tết nguyên đán:
                        “Xuân về vui đủ mọi nơi
                        Em tôi vội bước chơi vơi cuối đường
                        Em về đâu giữa đời thường
                        Về đâu sưởi ấm yêu thương vỗ về”
                             (Tặng em)
Thậm chí, gặp người thôn nữ một mình tát nước gầu dây ven đường, nàng đã ngùi ngùi thương cảm và muốn mình hóa thân thành một đấng nam nhi để được tát nước cùng nàng thôn nữ ấy:
                        Chiều hôm nắng trải êm đềm
                        Em đi tát nước mình em qua ngày
                        Múc, đổ, lôi, kéo sao đây?
                        Mượn cây làm cọc buộc dây thay người
                        Thế rồi nước cũng reo vui
                        Theo tay từng nhịp giữa trời quê hương
                        Anh đi qua lại thấy thương
                        Muốn làm thay cọc bờ mương tát cùng
                             ( Tát nước)
Thực tình là tôi rất khó hình dung ra cách tát nước của cô thôn nữ này. Bởi vì, đã từng đi tát nước gầu dây nên tôi hiểu đây là một việc làm đòi hỏi sự nhịp nhàng, đồng điệu trong từng động tác giữa hai người. Từ việc thả dây, vục nước đến cánh ưỡn người kéo nước, cách nâng tay đổ nước. Nếu một người biết tát mà một người mới tập thì đã thấy không ăn nhập mấy rồi còn cả hai người mới tập thì gầu được gầu hỏng, lóng nga lóng ngóng lướ qua lướ quớ trông buồn cười lắm. Thế mà cô thôn nữ ở đây lại “ Mượn cây làm cọc buộc dây thay người”  thì không biết là sẽ tát múc ra sao? Nhưng đọc bài thơ của Thanh Huyền, tôi cứ thấy vừa thương cảnh ngộ, vừa cảm phục cách sáng tạo trong lao động của cô thôn nữ. Đặc biệt là tôi cảm nhận được giá trị nhân văn toát lên trong bài thơ khi Thanh Huyền bỗng thoát xác để trở thành một anh chàng giàu cảm thông,tình nguyện tát nước cùng thôn nữ làm cho bài thơ có một nét vui bật lên từ cảnh ngộ buồn, một nét đẹp bật lên từ nỗi vất vả.
            Có lòng yêu thương những con người thua thiệt đến thế nên tình cảm với cha, mẹ, với anh chị em trong gia đình nơi thơ Thanh Huyền cũng thật thiết tha đằm thắm. Nàng thương cha già mà vẫn phải tần tảo sớm hôm và muốn tìm lời hát ngọt ngào nhất tha thiết nhất dâng tặng cha. Nàng mừng vì cha thêm tuổi mới mà vẫn mạnh khỏe. Nàng trân trọng tình yêu thương các con lặng thầm và sâu sắc của cha :
                         Đêm trăn trở tìm câu hát tặng cha
                        Mừng xuân về cha được thêm tuổi mới
                        Cả đời cha lúc nào cũng vội
                        Dành tình thương thay tất cả muôn lời
Với nàng, sức khỏe của cha, tuổi thọ của cha là món quà vô giá, là niềm sung sướng, tự hào của con cháu trong nhà: “ Mùa xuân nay cha khỏe mạnh hơn xưa / Món quà quý, niềm tự hào con cháu” ( Thương cha). Điều này có thể là không mới, không đặc biệt, thậm chí là phổ biến, là xưa như trái đất nhưng dù sao thơ viết về cha như thế vẫn làm cho người đọc thấy ấm lòng và chắc chắn là cha nàng cũng cảm nhận  rõ ràng mình được con thấu hiểu, trân trọng, đền đáp mà càng thêm khỏe, thêm vui.
             Nàng nức nở, nghẹn lời bên mộ mẹ và hình dung rõ mồn một về hình ảnh mẹ với biết bao vất vả toan lo trong cuộc đời “gánh cả khóc cười trên vai” nên đã vội về già khi tuổi chửa kịp già: “Vẹt mòn bàn tay bới chải nuôi con / Đôi chân trần bấm sâu vào khe đá / Quên nhọc nhằn mong khoai sắn lên xanh” đến nỗi “ có được nụ cười” cũng là “ chắt ra từ nước mắt” ( Lời ru bên mộ mẹ). Những lời thơ bình dị mộc mạc thô ráp chất đời như chạy từ hiện thực cuộc sống của mẹ vào thơ chứ không hề nói quá lên, nói bóng bẩy đi, càng không hề có những từ ngữ biểu hiện cảm xúc như nhớ, thương, đau xót mà lại có sức khơi gợi rất lớn về những khổ ải nhọc nhằn của mẹ và ẩn chứa tình thương sâu đậm của con với mẹ. Thế mới biết, trong thơ không phải cứ gào lên tôi rất yêu, rất thương, rất buồn rất đau là nói được những tình cảm đó !
            Là người phụ nữ mạnh mẽ, luôn đứng vững trước mọi thăng trầm cuộc sống, luôn vượt lên cảnh ngộ của riêng minh nên thơ Thanh Huyền không chỉ có nỗi đau, miền thương cảm mà còn tràn ngập niềm vui . Nàng vui khi em có nhà mới “ Đến nay kết trái đơm hoa / Thênh thang nhà mới thế là mừng em”. Nàng mỉm cười trong sung sướng tự hào khi thấy em gái mình đã vượt qua mọi vận hạn và vươn lên có cuộc sống đủ đầy bằng người.  Nàng hân hoan khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp riêng của mọi miền quê đất nước Việt Nam và nước ngoài trong mỗi chuyến du lịch.. Ví như khi đến đất mũi Cà Mau nàng phơi phới trước cảnh trời mây sông nước “ Trời xanh mây trắng Cà Mau” hay “ Hai bờ đước, sú gió rung / Dừng chân cột mốc trập trùng biển khơi” và tha thiết với lời ru, câu hát giữa sông nước bao la “ Bên bờ ai hát à ơi / Ru bồng bềnh gió, ru vời vợi sông”. Có khi nàng lại mê mải đi tìm “cây cọ xòe ô” giữa miền trung du Phú Thọ hay thích thú đến mê say bởi vẻ đẹp của đảo Tuần Châu, đảo Cát Bà hoặc ngỡ ngàng bởi hàng hóa nhiều vô kể nơi chợ Cái Răng bên bến Ninh Kiều rồi lại giăng mắc với những câu quan họ chốn hội Lim. Nàng choáng ngợp trước vẻ đẹp lỗng lẫy của cung điện Thái Lan:”Cung điện lóng lánh sắc màu / Hoàng gia lộng lẫy tìm đâu sánh cùng” hay mê say trước vẻ đẹp của Ma lay, Singapo… Có thể nói, dấu chân nàng đặt đến nơi đâu thì tâm hồn nàng lại rộng mở và cảm xúc lại thăng hoa để vút lên thành thơ ngợi ca vẻ đẹp của nơi đó.
            Song có lẽ, niềm vui lớn nhất đối với nàng là con gái trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, có hạnh phúc lứa đôi êm ấm mặn nồng. Đặc biệt là khi cô con gái cưng ấy lại sinh một bé trai bụ bẫm kháu khỉnh thì niềm vui như ngập tràn hồn nàng. Nàng thấy mình trẻ ra, hồn mình thắm lại, đời mình lên hương. Nàng ấp iu,bồng bế, ru hời trong phơi phới hồn thơ. Với nàng, cháu không chỉ là một báu vật vô giá mà còn là một thiên thần. Trong thơ, nhiều lần nàng thốt lên: “ Thiên thần của bà ơi” hoặc:  “ Thiên thần bụ bẫm lon ton / Miệng cười chúm chím môi son da hồng” .
Còn rất nhiều cung bậc cảm xúc trong thơ Thanh Huyền mà tôi chưa khám phá hết hoặc chưa thể hiện ở bài viết này. Độc giả hãy  khám phá thêm chắc sẽ thấy nhiều điều thú vị khi đọc tập Trăng Quê này đấy ạ.
            Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm rằng: Trăng quê là tập thơ của cha con Thanh Huyền, hai thi nhân không chuyên. Họ làm thơ là để trải lòng mình với cuộc sống với người thân trong gia tộc và bầu bạn. Cho nên họ chưa có cách cấu tứ thơ chuyên nghiệp, chưa sử  dụng thành thạo các biện pháp tu từ trong thơ để tạo ra những từ ngữ đắc địa, những thi tứ mới lạ , những sự đa thanh đa nghĩa trong thơ để làm nên “ ý tại ngôn ngoại”. Họ cứ nghĩ sao viết vậy ; có cảm hứng vui, buồn, yêu, ghét thế nào thì viết tuột ra thế ấy nên không tránh khỏi sự dễ dãi, dài dòng trong thơ làm cho có những bài thơ ý đã hết rồi mà lời vẫn còn quanh quẩn mãi. Mặt khác vốn ngôn ngữ của họ chưa phong phú nên nhiều từ ngữ trong thơ họ còn sáo mòn, cũ kĩ . Thậm chí ở một số bài còn thể hiện rõ sự diễn đạt vụng về, sự gò vần ép chữ khiến câu thơ chưa thanh thoát và bài thơ còn nặng nề chưa sáng rõ ý định thể hiện của mình. Tuy vây, đọc tập Trăng quê, ta vẫn tìm thấy tiếng lòng của những con người thật hồn hậu, chân mộc, giàu tình yêu thương với người thân, bạn bè, với quê hương xứ sở, với thiên nhiên, tươi đẹp của đất trời. Ta còn thấy rõ một lối sống lành mạnh khỏe khoắn của con người giàu ý chí nghị lực luôn vượt lên gian khó, vượt lên chính mình để xây dựng cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn. Đó chẳng phải là một điều đáng quý, đáng trân trọng trong con người thơ và tấm lòng thơ của hai cha con Văn Chuyền và Thanh Huyền sao? Và dẫu rằng chưa chuyên nghiệp trong thi pháp nhưng ở tầm độ thơ câu lạc bộ thì đây cũng là hai cây bút rất khá không dễ gì nhiều người có được
            Trên đây là vài cảm nhận của cá nhân tôi khi đọc tập Trăng quê chắc chắn không thể tránh khỏi sự chủ quan, phiến diện. Nếu còn điều gì  bất cập hoặc mạo phạm rất mong được tác giả và bạn đọc lượng thứ.
                                                   Sao đỏ 30-9-2014
                                                    Song Thu