Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

ANH BẠN VONG NIÊN KHÔNG THÂN NHƯNG NHỚ MÃI



                



Anh hơn tôi ngót hai chục tuổi lại là giáo viên cùng tổ chuyên môn với tôi trong một trường cấp 3 suốt mấy năm trời nên tôi coi anh là anh bạn vong niên quả không sai. Tuy nhiên tôi và anh chẳng hề thân thiết với nhau. Ngày đó, tôi chẳng thân thiết với bất kì người khác giới nào dẫu họ có đẹp trai, ga lăng hay tài hoa cỡ nào đi nữa huống hồ anh, một người vừa già vừa xấu (là sau này tôi mới tự nhìn lại và thấy thế ) chứ hồi đó tôi tuyệt nhiên không quan tâm đến ai nên cũng chẳng để ý và bình giá xem ai xấu ai đẹp làm gì. Không phải tôi kiêu căng hay vô cảm đâu mà chỉ vì một lẽ thật giản đơn là tôi đã có người tình lý tưởng của tôi rồi. Tôi chết mê chết mệt chàng đến độ coi chàng là tất cả, không gì có thể so sánh nổi. Tôi có thể mất tất cả: gia đình, bầu bạn và nghề nghiệp cũng không có nghĩa lý gì nhưng nếu mất chàng thì chắc là tôi chết thật chứ chẳng chơi. Cố nhiên là chàng cũng yêu tôi như thế. Chúng tôi lại ở cách xa nhau gần 50km. Hễ có cơ hội là chàng lại đạp xe đến thăm tôi nhưng  tôi vẫn thấy nhớ chàng đến se thắt ruột gan. Trừ những khi lên lớp, họp hành hay soạn bài còn lại bao nhiêu thời gian tôi đều viết thư hoặc ghi nhật kí về chàng. Chẳng thế mà chưa đầy hai năm trời xa cách, tôi đã ghi hàng mấy trăm trang nhật kí. Cho đến tận bây giờ, sau mấy chục năm trời chung sống chúng tôi vẫn gắn bó cùng nhau và chàng rất quý tập nhật kí đó nên giữ gìn cẩn thận lắm. Sở dĩ phải nói dài dòng như thế là vì tôi muốn khẳng định với mọi người rằng tôi và anh bạn vong niên kia không hề có chút thân mật nào. Vậy mà cho đến nay tôi vẫn nhớ tới anh, thuộc nằm lòng những câu thơ anh đọc thuở ấy và luôn mong một ngày nào đó sẽ gặp lại anh.

Chắc mọi người sẽ nghĩ , tôi thuộc thơ của người ta thế chắc là thơ anh ta tán tỉnh tôi hay đọc riêng cho tôi. Xin thưa ngay là ngàn lần không phải thế. Tôi gặp anh ấy lúc anh đã có hai vợ và bốn con rồi. Còn sở dĩ tôi thuộc thơ anh ấy một phần vì tôi là kẻ nhanh thuộc thơ và rất lâu quên. Nhưng phần khác vì thơ anh toàn viết về những con người, những sự việc nơi chúng tôi công tác lại có chút hài hài hom hóm, rất vui và rất duyên nữa. Chẳng hạn như khi ăn cơm nhà bếp, chị cấp dưỡng nấu canh trai, vừa ăn anh vừa đọc luôn:

Ăn canh cứ thấy dai dai

        Nghĩ ra mới biết có trai bà Nhiều

Một lần khác, nhân việc cổng vào trường bị ngập, đi qua cứ phải sắn quần tới bẹn rồi vác xe trên vai mà lội bì bõm (ngày ấy hầu như chưa thầy cô nào có xe máy, chỉ toàn đi xe đạp thôi). Cánh con gái chúng tôi cứ gọi là cấm cung tại chỗ, đố có dám đi đâu. Các đấng mày râu cũng chỉ quanh quẩn trong trường chứ rất ngại ra ngoài. Chỉ khổ nhất là các em học sinh và các thầy cô ngoại trú. Anh cũng là một trong số những người ngoại trú đó. Khi vừa qua chỗ lội, gặp thầy hiệu trưởng và mấy thầy cô khác , anh nói vẻ gấp gáp: “ Thầy cho tôi mượn chiếc bảng nhỏ”. Thầy hiệu trưởng ngỡ ngàng: “ Anh cần bảng làm gì” ?  Anh nói ngay: Để tôi đề vào đó mấy câu:

                 Nếu ai muốn đến thăm trường

                 Xin mời tháo dép, cởi truồng vác xe

Mọi người ai cũng phì cười !

Có lần, chị Sinh, người khá to béo phốp pháp, bị mệt nhờ anh coi hộ hai tiết làm văn. Lúc về, anh vừa ôm khệ nệ chồng vở làm bài của học sinh vừa nghê nga đọc :

             Dạy hộ Sinh có một hôm

             Khi về anh được một ôm đẫy đà

Làm cho không chỉ mọi người mà ngay cả chị Sinh đang ốm cũng phải cười và mắng anh là ông nỡm. Còn anh thì mặt cứ tỉnh bơ vậy thôi.

Dẫu tôi với anh chẳng hề thân thiết và tôi cũng chẳng nhờ anh dạy giúp tiết nào, thế mà anh cũng vẫn làm thơ trêu chọc tôi nữa kia đấy. Số là thế này:  Hồi đó cả nước đều nghèo túng, thiếu thốn và nhà trường càng nghèo. Mấy chục giáo viên nam, nữ chỉ có hai phòng tắm mà cửa chỉ là tấm phên che tạm. Một hôm tôi đang tắm thì có cơn giông ập tới , tấm phên che đổ ập vào. Tôi bất ngờ hét toáng lên và vội vàng dựng nó lên. Anh đang rửa chân tay ở bờ ao gần đó thì phải. Khi tôi tắm xong, vừa bước ra, gặp anh, anh tưng tửng đọc luôn:

                        Nếu như cánh cửa đổ ra

                        Mình đang đứng đó biết là làm sao

                        Một là phải nhảy xuống ao

                        Hai là phải quyết xông vào một phen

                        Để mà dựng cánh cửa lên

Rồi anh cười cười mà nói với tôi rằng: " sau từ lên là ba chấm đấy nhé và khi đã dựng cửa lên tớ chả dại gì đứng ngoài đâu". Tôi còn trẻ nên xấu hổ lắm chẳng dám đùa chi mà chỉ lý nhí nói rằng :  "nhưng cánh cửa đổ vào chứ có đổ ra đâu". Tưởng thế là thôi, ai ngờ đến sáng hôm sau anh lại làm một bài khác :

                        Tắm xong đang lúc thay quần

                        Nào ngờ gió giục mây vần tới nơi

                        Làm cho cửa đổ quần rơi

                        Thế là cả cái sự đời trơ ra

Và đọc luôn cả hai bài khoe với mọi người rồi còn thuật lại cả cái sự tình dẫn tới hai bài thơ đó nữa khiến tôi ngượng chín cả người mà chẳng biết thanh minh thanh nga làm sao nữa. Thế đã yên đâu, hồi đó ở nhà tập thể, tôi và một chị dạy toán ở phòng đầu, phòng thứ hai là anh và một giáo vên nữa, phòng thứ ba là của hai cô nữ khác…Anh vốn là dân ngoại trú, ít khi ở lại trường. Tối đó họp chi bộ hơi khuya, anh ngủ lại và sáng hôm sau cứ nhìn thấy ai trong số bốn người nữ chúng tôi ở cạnh phòng anh, anh đều nháy mắt và đọc:

                        Phòng nàng ở cạnh phòng tôi

                        Cách nhau một cái tường vôi mỏng tèo

                        Đêm nào tôi cũng muốn trèo

                        Nhưng sợ thiên hạ eo sèo lại thôi

                        Chém cha cái bức tường vôi

Thế thì có khổ cho bốn chị em chúng tôi không cơ chứ. Hồi đó còn ít tuổi nên tôi có cảm giác là bị xúc phạm và khá mất cảm tình với anh. Các chị khác lớn tuổi rồi nên họ chẳng ngại ngần gì mà không trêu lại anh. Tuy nhiên họ không trêu lại bằng thơ. Còn tôi thì cứ im thin thít. Thấy vậy anh càng hay trêu tôi. Có lần anh bảo: cô Thu ơi, tôi yêu đã nhiều lại lấy vợ hai lần rồi nhưng chưa ai yêu tôi như cô yêu chàng T. Nếu gặp ai yêu tôi như thế thì tôi sẽ bỏ lại tất cả để trao cuộc đời tôi cho nàng. Lần này thì tôi phản pháo ngay: " Tại anh có yêu ai hết lòng đâu mà anh đòi hỏi người ta đáp lại hết lòng? Gieo nhân nào gặt quả ấy mà anh". Có lẽ không chấp với trẻ con nên anh không nói gì cả và từ đó cũng ít trêu tôi hơn.

            Không chỉ làm thơ trêu chọc mọi người, anh còn làm thơ tự trào chính bản thân mình nữa. Ngày ấy thiếu thốn đủ thứ nên các anh chị có gia đình riêng rồi thường hay nhặt nhạnh các thứ lặt vặt của trường về cơi nới thêm cái bếp của gia đình mình hoặc đóng thêm chiếc giường, chiếc bàn hay cái tủ  con chẳng hạn. Anh ở ngoại trú nên chẳng nhặt nhạnh những thứ đó bao giờ. Nhưng nhiều khi có giờ cả ngày nên phải ở lại trường ăn cơm trưa. Tiếc tiền, không muốn báo cơm nhà bếp anh thường mang gạo ở nhà với chút muối vừng hoặc miếng cá kho đi rồi tự nấu cơm ăn. Đã nấu ăn thì phải đun nhờ bếp than của trường. Thế là anh đọc thơ:

                        Người bảo ông tham ông chẳng tham

                        Tre ông không lấy bếp không làm

                        Nhà không giường ghế không bàn tủ

                        Ông chỉ đun nhờ mỗi tý than



                        Người bảo ông tham, quả có Tham

                        Không tham sao gái cứ theo tràn

                        Lấy vợ hai lần mà chửa chán

                        Bốn con rồi còn tắt còn ngang

            Sau này tôi không dạy ở trường đó nữa có nghe người ta nói rằng: Anh đã có 5 con, rồi lại bỏ vợ ( vì chị ấy hay ghen nên không chịu được cái tính hay đùa cợt, chớt nhả của anh ) và lấy chị cấp dưỡng của trường. Nhưng đó là chị Tản chứ không phải chị Nhiều mà anh đã làm thơ trêu thuở nào. Họ còn kể rằng tính anh vẫn lếu tếu như thế. Ngoài chị Tản cấp dưỡng, trường còn hai cô giáo nữa cao tuổi mà chưa lập gia đình, anh lại trêu:

                        Cô Hiếu, cô Tản, cô Trình

                        Ba cô rập rình cùng muốn lấy tôi

                        Cô Tản tôi đã lấy rồi

                        Cô Trình, cô Hiếu là tôi để dành

            Giờ thì anh có tất cả bảy người con. Lại nghe đâu cháu nào cũng trưởng thành và khá giả cả. “ Thôi cũng mừng cho anh. Một người vui tính, có tài ứng tác, "xuất khẩu thành chương" nhưng lại thật long đong lận đận về chuyện tình duyên”. Mỗi lần kể chuyện về anh ấy, tôi thường chép miệng và nói như vậy. Nhưng những đấng tu mi nam tử, ( kể cả ông xã tôi) thì lại bảo : “ Long đong cái nỗi gì?. Ông ấy thật là đào hoa đấy chứ!” hoặc: “ Tôi cũng thích được long đong như ông ấy đây”!
                                                       6-10-2014
                                                    Song Thu                  




28 nhận xét:

  1. Trước tiên xin cho kẻ ngoại đạo văn chương Hải Thăng này có đôi lời tâm huyết, bạo đàm vào câu chuyện này:
    Chê trước:
    1. Tên truyện gì mà dài thế đọc đến nửa ngày không hết(Mình cũng có một truyên có tên dài không kém). Theo tôi nên đặt tên truyện lag ĐÀO HOA còn cho vào nghéo "." hay không thì tùy.
    2. Đoạn đầu lòng thòng quá, theo tôi túm lại chỉ cần diễn tả ông T không ghen mà vẫn yêu tôi tha thiết là được...

    Khen sau:
    1. Nhân vật Đào Văn Hoa (Tên thường gọi: ĐÀO HOA) trên cả tuyệt vời. Nhưng những năn 60 và 70 thì đây là một ông thày không MÔ PHẠM, mà người thày cần có. Nhà trường không mang ra kiểm điểm là may rồi.
    2. Hai bà vợ trước rất kém, có cục vàng mười 50 ký mà không biết giữ. Và cũng vì sự yếu kém đó mà ông mới được đào hoa(Hỏi nhỏ hai bà vợ trước sau có tiếc không; mấy lần đi bệnh viện mổ nối ruột).
    3. Nhờ ST tranh thủ sang chơi với ông Đào Hoa hỏi hộ: Ông ta trị bệnh tiền liệt tuyến bằng cách gì? để phổ biến cho cánh đàn ông chúng tôi.
    Há Há mà ST cũng cần biết loại thuốc ấy đấy. Lại hì hì
    Thật tình truyện chưa có những tình tiết bùng nổ của tác giả tạo dựng mà cái hay của truyện do thơ của ĐÀO HOA quá hay và dí dỏm.
    Hí vui tý thôi nhé.
    Chúc Song Thu có nhiều truyện hay hơn.
    (Mở hàng rồi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh đã sang mở hàng cho bài này của em ạ. Anh ơi, em có viết truyện ngắn đâu anh. Đây chỉ là một cách em giới thiệu về thơ của anh bạn vong niên kia thôi mà. Cái mà em muốn nói đến sự " nhớ mãi" ở đây là nhớ mãi những bài thơ tếu táo đấy ạ. Chính vì thế em phải dài dòng phần đầu để chứng tỏ rằng em không có quan hệ thân thiết gì với anh bạn ấy, nếu không muốn nói là em còn ứ thích con người anh ấy nữa chứ. Em biết em chưa có khả năng viết truyện nên từ trước tới nay về văn xuôi em chỉ viết hồi kí, kí sự hoặc giới thiệu thơ thôi anh ạ. Nếu viết truyện thì phải đi sâu vào khám phá nội tâm nhân vật, khắc họa tính cách nhân vật và đặc biệt là phải có cách tổ chức, cấu tứ cho truyên chứ. Ai lại cứ kể tuồn tuột thế này đâu anh
      Một lần nữa cám ơn anh đã đọc và góp ý với em thật chân thành ạ
      Chúc anh khỏe và vui nhiều nha anh.

      Xóa
    2. Anh cứ tưởng Song Thu sẽ bật lò xo khi đọc nhận xét của anh và đó cung là chủ tâm của anh đấy.
      Bây giờ thì nói thật. Anh rất thích thể loại bài viết như thế này. Đọc xong cười toe toét, xong tống nó xuống vòng luẩn quẩn rong trí óc. Theo vòng luẩn quẩn đó lượn lờ trước mặt bỗng bật nhớ ra lại cười sảng khoái.
      Nhưng lần sau em nên cho thêm mắm muối, hạt tiêu, xì dâu nước mắm, hành tỏi, rau thơ các loại vào cho nó xôm trò. Cũng như các món ăn ngon là ở gia vị. Độc giả không bảo điêu đâu mà sợ, ai đó khó tính chỉ nói là hư cấu quá mức mà thôi.
      Anh cứ thắc mắc mãi không hiểu bác ĐÀO HOA sử dụng hai của để dành thế nào!Hì! Hì!...

      Xóa
    3. Em luôn trân trọng nhận xét của mọi người nên hầu như chưa bao giờ dám bật lò xo trước bất kì lời còm nào đâu ạ. Huống hồ anh, một bậc trí giả có vốn kiến thức sâu rộng, có cách viết cẩn trọng rất chân tình, thấu đáo thì em chỉ biết trân trọng thôi chứ.
      Đúng là cách viết của em còn thật thà quá nên ít nêm nếm thêm các gia vị làm cho món ăn ngon hơn. Được anh góp ý, em sẽ rút kinh nghiệm để viết tốt hơn ạ. Em xin mượn hai câu Kiều của cụ Nguyễn Du để thay cho lời cám ơn anh
      " Lời vàng vâng lĩnh ý cao
      Họa dần dần bớt chút nào được chăng"

      Xóa
  2. Em quên chưa trả lời câu hỏi của anh: Bác đào hoa ấy chỉ nói vậy thôi chứ không sử dụng được hai của để dành kia anh ạ. Họ vẫn là của để dành đến tận bây chừ luôn đó anh

    Trả lờiXóa
  3. đọc truyện ST viết về người bạn này thấy vui và hay lắm được quen biết và nhớ lại những kỷ niệm xa xưa cũng là niềm vui tinh thần và tình bạn tuyệt vời đấy ST ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người ta nói rằng người già thường hay hoài cổ mà. Chắc mình cũng rứa nên thường nhớ những kỉ niệm của một thời rồi viết ra để khoe cùng mọi người. Được NHAMY đọc và chia sẻ ST vui lắm.

      Chúc bạn khỏe vui nhiều nha

      Xóa
  4. Những kỷ niệm thế này rất khó quên , đúng không chị. Vì hồi đó khó khăn , nghèo kém. Mà sống trong khó khăn nghèo kém , tình người rất sâu đậm khó nhạt phai hơn sự đủ đầy, giàu có sau này.
    Từ ngày đọc blog chị , bài viết dạng này không những tạo hiệu ứng thích thú mà còn kích thích tính tò mò trong những chuyện về hồi xưa sắp tới của chị đấy.
    Những câu thơ hóm hỉnh trên , rất dễ nhớ và khó quên nhất trên đời. Và lâu lâu chợt nhớ , nó có thể làm ta ...sống thêm được 10 thang thuốc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giờ nói đến nội dung chuyện.
      Chị nói hơi dài về đề tài tình yêu của mình , chứng tỏ là ...sợ người ta hiểu nhầm mà tội cho cái ...lòng thành của mình.( Trong tình yêu , luôn có yếu tố hơi sợ!)
      Nhưng trên đường đạp xe từ Chí Linh qua Bắc giang - có thể đi 2 hướng : theo hướng Phả lại - lên Quế Võ , vượt đồi núi qua Yên Dũng và về Bắc Giang. Cũng có thể vượt qua Thuận thành , Gia lương - ra đường 18 - qua phố Mới ra Bắc Ninh và đi Bắc giang - . Có lần lão đã gặp lão này gò lưng lạch cạch đạp xe gần Phố Mới ( Q.Võ ) , nhìn cái dáng ...tội lắm. Chẳng biết đánh đường cả nửa trăm cây số , lên đó có chấm mút được tý nào không , hay lại...Đi không về rồi...thì tội lắm ! - Phần này không thấy trong chuyện - nên lão ...thắc mắc ?
      hehe

      Xóa
    2. Sáng nay đang vào đáp lễ lão thì có mấy cô bạn tới chơi rồi rủ nhau sang Nam Sách thăm bạn thế là tít mít đến tận bây chừ luôn.
      Trước hết ST thật vui vì lão ghé thăm. Bởi lời còm của lão luôn mang đến sự hứng khởi cho ST. Nó hom hóm, kì kì mà lại khá thấu đáo sắc sảo.
      Tuy nhiên thời ST dạy ở một trường cách xa chàng 50km ây ứ phải là ở Bắc Giang đâu vẫn trong cùng tỉnh Hải Dương thôi. Chuyện tình iu giữa mình và chàng mình đã đề cập đến từng chút một trong nhiều bài viết khác nhau zùi. Vẫn có ý định viết một cách toàn diện về nó dưới một cái nhan đề: CÓ MỘT TÌNH YÊU NHƯ THẾ nhưng ấp ủ thai nghén mãi mà nó chẳng chịu sinh ra cho. Chừng nào mẹ tròn con vuông ST sẽ trình làng blog
      Riêng việc lão chỉ đường đi thì hơi bị lòng vòng đấy. Nhà ST ở tỉnh BG nhưng lại ở mãi trên huyện Lục Ngạn cơ. Vì thế đường từ Chí Linh sang là đi qua Côn Sơn, sang Lục Nam rồi lên Chũ và từ Chũ đến nhà nàng còn hơn chục km đường rừng khó đi lắm Tan ạ. Hồi iu ấy hè nào chàng cũng lên nhưng chẳng xơ múi chi đâu, chỉ ngắm nhìn nhau, ăn cơm cùng nhau rồi lại về thôi. Có lần mưa lội đường trơn trông chàng đạp xe thương lắm nhưng chàng chả thấy mệt chi mô chỉ thấy yêu thôi l Bọn đang yêu thì mưa lội có xá gì cơ chứ. Hồi ấy chàng còn bảo nếu có cả ngai vàng chàng cũng dâng tặng nàng kia đấy. Khiếp chưa?
      Tan ơi, mình vừa lên bài cho trang triancuocdoi, quên chưa đổi nick. Thông cảm nha

      Xóa
  5. Em thì khẳng định một điều là cái anh chàng ĐĐT của chị chắc là chúa hay ghen, nên chị mới phải vòng vo tam quốc thế. Vì chàng hay ghen nên chị hay sợ, sợ từ hồi đang yêu đến bây giờ, khi đã thành bà, vẫn sợ ơi là sợ!
    Bài viết không chỉ giới thiệu được những bài thơ bút tre hài hước mà còn khắc họa rõ một con người, một người thầy vui tính, thoát ra khỏi cái vỏ mô phạm khó chịu để cười đùa, tếu táo cho vơi bớt nỗi cơ cực trong cuộc đời nhà giáo những năm khốn khó.
    Nếu em ở vào thời đó và ở trường đó, em cũng "xin chết" với người như thế đó chị. Hi hi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ô Trời! đúng là chỉ có phụ nữ mới hiểu lòng phụ nữ thôi. Chừ được NT nói trúng phóc zùi đó :..." chị hay sợ, sợ từ hồi đang yêu đến bây giờ, khi đã thành bà, vẫn sợ ơi là sợ!" Đúng là một phát minh nhớn!
      Từ trước tới nay, các bạn chàng ở đây toàn mệnh danh chàng là đệ nhất sợ vợ và bảo mình là ghê gớm thôi. May quá, NT đã minh oan cho mình. Cám ơn nhiều nha.
      Ừa bây chừ thì chị cũng thấy sự hài hước tếu táo, hóm hỉnh thật đáng yêu chứ thời trẻ thì chị ghét những người xí xớn ni lắm. Tuy nhiên ghét người thì ghét nhưng thơ thì vẫn yêu nên đã thuộc đến bây chừ luôn nè. Rất tiếc là từ độ ấy đến nay chị chưa gặp tác giả những bài thơ trên lần nào. Đẫu rất mong gặp lại

      Xóa
  6. Có hai điểm anh phải trao đổi lại:
    Một là ST cóc sợ anh ĐĐT, cái đoạn vòng vo tam quốc ấy là do Thị sợ người ta hiểu lầm là thị có cảm tình với nhà thơ dân gian nọ. Bởi với nhà thơ này ST thích thơ nhưng lại không ưa người. Lý do chỉ là vì anh ta nhỏ thó, đen đen và lọ mọ, Chất nông dân nhiều hơn chất kẻ sĩ.
    Hai là loại thơ của nhà thơ này tuy đậm chất hài dân gian nhưng không phải là dòng thơ Bút Tre. Chẳng hạn cùng xử dụng yếu tố tục, nhưng trong câu thơ:
    Nếu ai muốn đến thăm trường
    Xin mời tháo dép, cởi truồng, vác xe
    Thì bức tranh hài hước hoàn toàn tự nhiên và chân thực.
    Nhưng nếu ở thơ Bút tre thì khắc hẳn:
    Chị em du kích tài thay
    Bắn tầu bay Mỹ rơi ngay cửa...mình
    thì cài yếu tố tục "cửa...mình" là do cố tình bỏ bớt chữ đi mà tạo thành. So sánh thế để thấy ông Bút Tre thì cứ giả vờ ngớ ngẩn ngô nghê trong khi làm thơ để gây cười. Còn nhà giáo Nguyễn Văn Bính của chúng ta thì chỉ cường điệu hiện thực lên một tí để gây cười thôi. Trong hiện thực cuộc đời người ta có thể tháo dép, vác xe, nhưng không ai cới chuồng cả. Nhà thơ chỉ bịa ra, cường điệu lên, dựng đứng lên cho có người "Cởi chuồng" vào thăm trường để gây cười thôi...

    Trả lờiXóa
  7. Em đọc cái hiện tượng thơ bút tre ấy rồi, hình như bên blog Nhật Tuấn, nhưng em thì hiểu đơn giản thôi, thơ bút tre là lấy tre làm bút viết thơ. He he...nên nó mang tính ngẫu hứng, vui đùa, thường có ý chọc cho người ta đau mà cười.( còn mọi người lí giải sao cũng mặc)
    Còn chị Thu có sợ anh ĐĐT hay không thì phải đến Chí Linh hỏi bà con dân làng đã. He he...
    Hôm nay em quay đi quay lại nhà chị Thu là để chôm bài hát HUYỀN THOẠI MẸ sử dụng trong hoạt cảnh em viết cho câu lạc bộ nhân ngày 20/10. Xin được ...tiền trảm hậu tấu nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi nếu em hỏi dân Chí Linh thì họ sẽ bảo là anh sợ chị đấy. Chị phải chịu nỗi oan này suốt mấy chục năm rồi đó em.
      Nhân bàn về thơ bút tre, chị chép ra đây bài LỜI BÚT góp vui nè:
      Bút sắt, bút lông hay bút tre
      Đã nguyền làm bút chẳng làm que
      Mòn thân ca ngợi tình dân nước
      Rút ruột đậm tô nghĩa bạn bè
      Muốn viết những lời trung ý thực
      Buồn vì lắm kẻ phớt tai nghe
      Nhân tình thế thái đau lòng bút
      Dẫu chỉ là bút sắt bút tre

      Bài thơ ni nghiêm chứ không tếu em hè.
      Em thích bài hát nhại đó thì cứ lấy đi nhưng nhớ là khi nào viết xong hoạt cảnh thì trình làng blog nhé!

      Xóa
    2. Đàn ông ấy mà chị, khôn lắm và tham lắm, chi cũng dành hết của chị em. Ngay cả cái sợ mà cũng giành về mình, để chị em mang tiếng là ...thấy chồng hiền xỏ chân lỗ mũi. Khổ thế, các ông hiền khối đấy mà mơ!
      Hì...chiều nay mới bắt đầu tập, cười đau cả quai hàm rồi chị ạ. Chỗ nào em cố tình chửi đời lại cười nhiều hơn! Bài hát ấy đưa vào phần cuối của vở kịch, hát với tốc độ nhanh, kèm gõ nhịp rôm rả lắm. Em chưa biết cài băng vào blog, thao tác mấy lần đều không được, để em hỏi thêm rồi khi nào em đưa lên chị nhé.

      Xóa
    3. Ừa đúng là họ "khôn lắm và tham lắm" thiệt đó. Cái điệp khúc của họ là: vợ mình thì tuyệt rồi nhưng quen quá cũ quá. Nàng kia chưa chắc bằng vợ mình nhưng mới lạ, một cái lạ bằng tạ cái quen mà"
      - Tiết mục để chào mừng 20-11 hả em? Cứ cười nhiều là thành công rồi. Chị hồi hộp chờ xem hoạt cảnh đó!

      Xóa
  8. Lục bát Bút Tre trong Vần và Tứ trong thơ cũng phân tích lý giải những đặc điểm của thơ Bút Tre đấy.

    Trả lờiXóa
  9. Chị có tài văn chương quá
    ====
    Ước chi khi tắm gió lùa
    phên sập, ta mát cả người chị ơi...

    ===
    Chúc chị ngon giấc ạ

    Trả lờiXóa
  10. Anh Tuân "thích được long đong"...
    Ngặt vì một nỗi có Song Thu kèm
    Nên không tung tẩy tự nhiên
    Được như anh bạn vong niên cùng trường
    "Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương"...
    Và cũng hú vía cho nàng Song Thu
    Nhờ liếp phòng tắm đổ vồ
    Không thì trơ hết mất đồ thì nguy!....

    Hiii...Đùa chút cho vui, xin anh chị đừng mếch lòng nhé!
    Bài viết của Song Thu pha sự hóm hỉnh về thầy giáo cao tuổi có những vần thơ dân gian ứng khẩu thật hay. Nhưng đọng lại vẫn là kỷ niệm một thời khốn khó và tấm lòng cảm thông của người viết với hoàn cảnh và nhân vật mà tác giả miêu tả...
    Chúc Song Thu khỏe vui và có thêm nhiều bài viết hay nhé!

    Trả lờiXóa
  11. Anh nghe em nói như ri
    Cửa đổ vô chẳng có gì phải lo
    Dẫu rằng mưa cả gió to
    Cũng không mất hết được đồ đâu anh

    Cám ơn anh đã đọc bài và tặng thơ thật vui ạ.

    Trả lờiXóa
  12. Cũng vì cái số đào hoa
    Nên chi cũng phải bốn ba nàng

    Chuyện hay ,khá khen anh bạn vong niên của Thu,hiiii. Anh đây cũng gần giống như anh ta nhưng chỉ 1 vợ thôi ....còn người yêu thì khỏi đế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một vợ nhưng lắm người tình
      Ông anh của mình thật sự đào hoa
      Chúc mừng anh thiệt nhiều nha
      Nhưng nhớ giữ kín ( kẻo) chị nhà nổi sung

      Xóa
  13. Sang thăm bạn và bài viết của bạn thật hay . Chúc bạn cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc bạn nhé. Thân mến
    http://img1.sendscraps.com/se/088/036.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã sang thăm và động viên mình nha.
      Chúc bạn khỏe vui

      Xóa
    2. Bông hồng bạn gửi tặng thiệt là đẹp. Mình thích lắm

      Xóa