Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ : “ TRĂNG QUÊ”






                     ( Ảnh hai cha con : Nguyễn Văn Chuyền và Nguyễn Thị Thanh Huyền )     


 Tuy cùng công tác với Thanh Huyền trong một cơ quan suốt mười bảy năm trời nhưng do khác phòng, ban nên tôi chỉ biết đại khái rằng nàng khá xinh gái nhưng  lại không hề may mắn trong cả đời tư lẫn sự nghiệp.
Về đời tư, nàng đã yêu và lập gia đình khá sớm với một chàng cùng quê nhưng không may cuộc sống chồng vợ luôn luôn cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, đến độ phải: “ Anh đi đường anh tôi đường tôi”. Một tay nàng nuôi dạy hai con trong  lúc đồng lương ít ỏi và tuổi đời còn khá trẻ. Thế nhưng nàng vẫn tần tảo, chắt chiu xây được nhà cửa đàng hoàng và nuôi các con ăn học nên người. Nhưng tạo hóa vốn trêu ngươi, khi con trai nàng vừa ra trường và có công ăn việc làm hẳn hoi thì cháu lại vĩnh viễn ra đi vì  tai nạn xe máy.
 Về sự nghiệp, nàng đang giảng dạy cho các cháu mầm non (con em của cán bộ, công nhân viên trong trường) thì công việc này bị giải thể. Nàng phải chuyển xuống làm “ anh nuôi” cho bếp tiểu đoàn, một công việc khá vất vả nặng nhọc lại không hề ăn nhập gì với chuyên môn của nàng. Tuy vậy, ở lĩnh vực nào nàng cũng làm việc rất tận tâm tận lực và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nên được mọi người tôn trọng, quý mến. Nàng về hưu với quân hàm thiếu tắ chuyên nghiệp, đó cũng là một sự bù đắp thỏa đáng, một niềm vui nho nhỏ trong bước đường sự nghiệp của nàng   
            Song còn một điều tôi chẳng hề biết rằng nàng rất yêu thích thơ ca và làm khá nhiều thơ từ dạo ấy.Mãi tới khi nàng về hưu và sinh hoạt tại tổ thơ câu lạc bộ hưu trí Côn Sơn của thị xã Chí Linh, tôi mới biết nàng làm nhiều thơ lắm. Thế rồi, một hôm nàng vào nhà tôi chơi và kể lại rằng, từ ngày xuống bếp tiểu đoàn, em đã  làm thơ. Nhiều khi đang nấu cơm, bất chợt bắt gặp tứ thơ em cứ thừ người ra mà theo đuổi. Có người thấy thế hỏi: “ Sao vậy”? Em bảo mình đang làm thơ thì họ lại cười khẩy mà rằng: “ Con lạy bà, tập trung vào chuyên môn cho con nhờ. Thơ với chả thẩn”.Thế có buồn không cơ chứ?
 Đấy cái thời công tác dù bận rộn đến không có thì giờ mà theo đuổi tứ thơ  nhưng em vẫn làm thơ. Bây giờ về hưu, có nhiều thời gian hơn và tâm trạng cũng cô đơn trống trải chông chênh hơn nên em lại làm thơ nhiều hơn chị ạ. Thơ đã giúp em giải tỏa nhiều nỗi niềm và cảm thấy thanh thản. Em biết rằng mình viết chưa hay, nhưng viết ra được những điều chất chứa làm em nhẹ lòng lắm.
Tôi bảo, nếu vậy, em cứ viết đi, viết cho mình là chính mà em. Chứ nàng thơ vốn đỏng đảnh lắm, làm được thơ hay đâu có dễ. Đến các nhà thơ chính hiệu còn phải than rằng:
Để người đọc nhớ một câu
Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành
 Chị em mình, dân nghiệp dư chỉ viết chơi thôi. Cứ có cảm hứng là viết, may ra được câu nào bài nào bạn bè thích đọc là sướng rồi. Bằng không thì cũng cứ viết coi như trả nợ lòng mình. Nàng gật lia lịa, tỏ vẻ tán đồng ý kiến đó lắm.
            Rồi một hôm khác, nàng vào chơi trao cho tôi một tập bản thảo “TRĂNG QUÊ và nói : “ Chị xem giùm tập thơ này, rồi góp ý và biên tập giúp em với. Nếu có cảm hứng chị viết cho em lời giới thiệu nữa thì hay quá” . Tôi chối đây đẩy: “ Chị có giỏi giang về thơ phú chi đâu mà biên với chả tập kia chứ. Em nhờ người khác đi. Còn viết giới thiệu thì chị càng chịu thôi!”. Nàng phân bua.” Năm nay bố em cũng gần tám chục tuổi rồi. Cụ làm thơ đã nhiều, em muốn xuất bản tặng cụ một tập thơ, chẳng phải mong để đời hay nổi tiếng gì đâu mà chỉ để tặng anh em con cháu trong gia tộc và bầu bạn làm chút kỉ niệm thôi. Bố em lại bảo: Thế thì hai cha con tuyển chọn rồi in chung một tập cho dày dặn. Em cũng chiều theo ý cụ. Chứ thực tình nếu riêng em thì em chưa muốn xuất bản vội vì nghĩ mình còn trẻ, cứ viết rồi đến cuối đời mới lựa chọn những bài khá hơn mà ra một tập cho vui. Em tin tưởng chị, chị cố giúp em với”. Quý bạn bởi sự  “tri bỉ, tri kỉ” (biết mình biết người) chứ không tự phụ như một số “ nhà thơ” câu lạc bộ cứ làm được vài chục bài văn vần lục bát hoặc mấy chục bài thất ngôn bát cú luật Đường theo kiểu gò vần, ghép chữ mà đã vỗ ngực cho rằng ta còn hơn cả Nguyễn Khuyến Tú Xương kia đấy. Có người bỏ tiền ra xuất bản dăm bảy tập thơ và thuê người viết lời giới thiệu hoặc phổ nhạc rồi tự phụ nhận mình là danh nhân văn hóa nữa mới khiếp chứ. Gần đây lại nghe nói có người còn sửa cả truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du nữa kia? Thật là chẳng biết trời cao đất dầy chi nữa ! Cho nên khi thấy Thanh Huyền nói lý do in sách để làm kỉ niệm cho bạn bè, người thân và làm vui lòng cha, tôi mới nhận tập thơ và giao hẹn trước  : “ Chị chỉ đọc và góp vài ý kiến cá nhân, rà soát những chỗ thiếu nét, thiếu chữ hoặc sửa lỗi chính tả giúp thôi chứ không dám biên tập thơ phú gì đâu. Còn viết lời giới thiệu ư, chị không kham nổi”. Nàng bảo: Em đã đọc nhiều bài bình thơ của chị rồi. Em thích lắm. Với lại từ hồi còn ở trong trường cơ, em đã nghe nhiều học viên ca ngợi chị giảng văn lắm mà. Cố giúp em đi chị”. Tôi phân trần: “ Giảng văn là cần câu cơm của chị nó khác chứ em ơi. Còn viết bình thơ thì  gặp bài nào mình có cảm hứng mới viết, mà chị có viết nhiều đâu. Viết giới thiệu tập thơ thế này, em phải nhờ những người nổi tiếng ( như mọi người trong câu lạc bộ vẫn làm) ấy chứ, nhờ kẻ vô danh tiểu tốt như chị làm chi?”. Nàng vẫn chẳng buông tha mà còn nài nỉ thêm rằng : Em có phải nhà thơ gì đâu mà dám nhờ người nổi tiếng viết. Em biết chị làm được mà. Giúp em đi”. Tôi vẫn nói nước đôi : Chị sẽ đọc còn viết được hay không chị không dám hứa đâu”
             Thế rồi do công việc bộn bề, tập bản thảo đó cứ nằm nguyên ở góc bàn đến hàng tháng trời chứ chẳng ít. Khi công việc đã bơn bớt, tôi mới giở ra đọc. Điều làm tôi thú vị trước hết khi đọc tập thơ này là cả hai cha con Thanh Huyền đều yêu thơ, ham sinh hoạt các câu lạc bộ thơ và rất ham làm thơ nữa. Hầu như bắt gặp một hình ảnh lạ, một cảnh ngộ đặc biệt hay một kỉ niệm nào ùa đến cũng đều được họ viết thành thơ bằng một cảm xúc dào dạt chân thành đầy tin yêu và tha thiết của chính trái tim mình; bằng cách cảm cách nghĩ của riêng mình. Vì thế mà cùng viết về quê hương ( thôn Bích Nham xã Văn Đức của vùng đất Chí Linh) thì mỗi cha con lại lung linh một niềm yêu nhớ, một góc nhìn một cách cảm thật riêng tư. Với người cha, quê hương là hình ảnh ánh trăng quê trong ngần diệu vợi  và lung linh thi hứng:
            Bát ngát mênh mông ánh nguyệt hồng
            Như quyện như hòa với núi sông
            Thiên phú trăng quê nguồn thi hứng
            Ánh vàng vô tận biển văn phong
                              ( Trăng quê)
Là mái trường quê thân thương bình dị  mà trong sáng đến vô ngần như lứa tuổi học trò hồn nhiên, vô tư và trong veo đến lạ:
            Trường em ở dưới chân đồi
            Không dàn hoa lý vẫn ngời sắc xuân
            Mặt tiền hồ bát ngát xanh
            Nước đầy trong mát đọng thành ý thơ
                             ( Trường em ở dưới chân đồi)
Là mái chùa quê hòa quyện với cảnh quê làm nên nét đẹp vừa thiêng liêng vừa gần gũi đậm hồn quê hương:
            Chùa quê ôm giữ cảnh quê
            Lá đa rải chiếu trưa về nghỉ chân
                            ( Chùa quê)
Hay:
            Mái rêu cong tự ngàn xưa
            Còng lưng gánh đỡ gió mưa với đời
                              ( Chùa quê)
Là hình ảnh cái giếng làng ngọt mát như một ám ảnh với mỗi người con xa quê. Và đặc biệt, quê hương với ông còn là hình ảnh những thôn nữ xinh đẹp, dịu dàng, duyên dáng và thuần hậu biết bao nhiêu
            Về quê gặp gió hương đồng
Gặp mây chở nắng mênh mông đầy trời
Gặp em hoa nở nụ cười
Con sông thiên phú muôn đời ngát xanh
Dịu dàng chiếc nón nghiêng vành
Nụ cười xiêu cả mái đình cây đa
               ( Về quê)
Nhưng với Thanh Huyền, vùng quê ấy đã neo vào lòng nàng để thành nỗi nhớ niềm thương khôn tả lại là những mái nhà, những bờ tre, khóm chuối, cánh đồng, những thôn xóm với những thửa ruộng gieo trồng từng loại cây khác nhau rất cụ thể:
Nhớ sao từ những mái nhà
Bờ tre, khóm chuối cây đa sân đình
Bích Nham Văn Đức nghĩa tình
Đây rồi xóm Trại, thôn mình làng trên
Hoặc:
            `Con đường xưa lối đi về
Cây Thông, gieo mạ; Trại Tre, lạc vừng
                         ( Quê tôi)
Và con người nơi quê hương yêu dấu ấy lại là hình ảnh những bà mẹ một nắng hai sương trên ruộng đông nơi : “Đất quê mặn nước chua phèn” hay lần hồi tần tảo chốn chợ quê với những mớ tôm mớ tép nhỏ mọn mà kiếm tiền nuôi con:
            Dọc ngang hàng quán chợ quê
            Cái tôm cái tép mua về nuôi con
             Gom vào thúng đựng vào xoong
            Tảo tần bóng mẹ hai dòng lệ ngân
                                      ( Chợ quê)
Tuy những câu thơ trên chưa thật nuột nà, thậm chí còn ép vần nhưng nó vẫn gợi ra hình ảnh khá sinh động cụ thể về người mẹ nghèo xứ quê với những gom nhặt chắt chiu trong vất vả lặng thầm với biết bao thương cảm làm lay động lòng ta.
            Ngoài cái đề tài chung là quê hương thân yêu ấy, mỗi cha con lại có những đề tài của riêng mình. Người cha, đã từng có mặt trên chiến trường chống Mỹ cứu nước nên kỉ niệm của một thời xưa ấy cứ trở về trong tâm khảm và trở thành nỗi nhớ niềm yêu thật thiết tha, thật tươi mới khi ông đã ở vào độ tuổi “ Cổ lai hy”
            Đây là tâm trạng đầy hoài niệm của ông về buổi lên đường, khi đi qua những cánh đồng quê:
            Qua Hà Tây những luống cày mới vỡ
Nghe mênh mông nóng hổi hương đồng
Ôi! Những cô gái chăn tằm Đan Phượng
Cái nhìn xanh ngát nương dâu
           ( Lên đường)
 “ Cái nhìn xanh ngát nương dâu” là một câu thơ thật đẹp, thật lạ, rất gợi và vô cùng ám ảnh. Chẳng biết với mọi người thì thế nào chứ với tôi, đây quả là một câu thơ tạc nên hình tượng người thôn nữ trong công việc tầm tang có vẻ đẹp tươi giòn mà đằm thắm, có cái nhìn mênh mang mà trong lành, lúng liếng mà đoan trang tha thiết khiến ta gặp một lần là không thể nào quên . Có thể nói, trong thơ ca ít có câu thơ nào viết về thôn nữ lao động đẹp đến thế, thơ đến thế!
Nhìn chiếc ba lô con cóc, ông bỗng rưng rưng bao kỉ niệm về một thời chiến tranh đã qua: “ Gặp lại em- chiếc ba lô/ Một thời oanh liệt bây giờ là đây? Bao nhiêu năm bụng lép gầy? Chung lưng đấu cật cái ngày chiến tranh” Rồi cũng từ chiếc ba lô con cóc ấy, ông lại liên tưởng đến tình yêu thương giữa chàng lính trẻ với người con gái chốn quê nhà:
Ba lô con cóc anh đi em khóc
Gửi hai túi cóc căng phồng nhớ thương
               ( Ba lô cóc)
Cuộc sống thời chiến với biết bao gian khổ, thiếu thốn nhưng ông vẫn nhớ về nó như những kỉ niệm đẹp của tình người với biết bao cần mẫn toan lo và nhường nhịn yêu thương:
            Vẫn còn nhớ mãi một thời
            Chiến tranh cứu nước tình người tình quê
            Bom rơi đạn nổ bốn bề
            Đường xa gánh nặng đêm khuya không đèn

            Cấy cày đợi ánh trăng lên
            Liền vai khẩu súng ngày đêm canh trời
            Bên nhau rộn rã tiếng cười
            Bát cơm sẻ nửa chia nơi chiến trường
            Khó khăn thiếu thốn đủ đường
            Xếp hàng tem phiếu mà nhường nhịn nhau
            Nửa chai mắm một phao dầu
            Thịt đường vài lạng chia nhau lần hồi
                        ( Một thời để nhớ).
Đặc biệt với ông, hình ảnh những người lính không chỉ đẹp trong một thời chinh chiến “ Áo bông trấn thủ một thời gian nan” đã “ Làm nên chiến thắng” mà về với cuộc sống thời bình, họ vẫn vẹn nguyên tinh thần tình cảm cao đẹp đó. Bởi tấm lòng yêu thương nhau, sự cần mẫn trong công việc và ý chí vượt lên gian khó bằng tình cảm lạc quan trong sáng rất chiễn sĩ, rất con Người:
             “Đêm đông ngọn lửa sưởi chung
            Rét ôm nhau ngủ giữa rừng Tuyên Quang”
       …” Đi làm chỉ có cuốc cày
            Con dao cái xẻng mà say nông trường
            Anh em từ khắp muôn phương
            Chia nhau củ sắn còn thương đến giờ”
Hay:
            Về đây làm thợ tài hoa
            Mồ hôi đẫm áo thế mà vẫn vui
            Miếng cơm đổi bát mồ hôi
            Nghe con chim hót tưởng trời sang xuân”
                        ( Nhớ về Tuyên Quang)
            Vốn trải đời, nên ông hay ngẫm nghĩ trước mọi hình ảnh thiên nhiên , cuộc đời hoặc con người mà viết thành thơ. Vì vậy, thơ ông mang một đặc điểm khác biệt với thơ của Thanh Huyền (con gái ông) là thường có những triết lý, những khái quát khá ấn tượng và khá sâu sắc mà vẫn giữ được cách nhìn hồn nhiên trong trẻo của người thơ. Ví như, nói về sự kì diệu của nước, ông có những câu:
            Khi vui đi khắp bốn bề
            Lúc buồn rơi lệ lại về mắt xanh
            Hóa thân giữ lá cho cành
            Thổi hồn vào đất ngát xanh vô bờ
                        ( Tình yêu của nước)
Trong bài: “ Có mà không”, khi chứng kiến một cơn giông vần vũ giống như một “trận cuồng phong” của đất trời với tiếng ếch nhái kêu ran khắp nơi, với những “Sao đất, sao trời khua tất cả” và đến cả “ Chị Hằng chú cuội cũng chạy rông” thì ai cũng nghĩ rằng trời sẽ mưa như trút xuống trần gian. Nhưng không, cơn giông vụt qua, cơn đau đẻ nước của Trời bỗng tắt lịm và trần gian chẳng có giọt nước nào, ông hạ bút:
            Cơn đau sinh nước là như thế
            Sấm vang chớp giật lửa đỏ hồng
            Thiên cung cho cả rồi lấy hết
            Tưởng mình được nước hóa ra không
                        ( Có mà không)
Đọc những câu thơ trên tôi như thấy cả cái kì vĩ trong trường ca“ Đẻ đất đẻ nước” của người Mường xưa và  cái triết lý sâu sắc của cuộc đời nay được kết tinh trong thơ Văn Chuyền vậy.
            Một điều thú vị nữa khi đọc thơ Văn Chuyền là ta cảm nhận được con người thơ trong ông rất giàu ý thức trách nhiệm trước cuộc đời. Vì thế mà, dẫu đã đi qua thời chinh chiến, về công tác tại đoàn ca múa nhạc Tổng cục chính trị, trực thuộc Bộ quốc phòng Hà Nội, rồi lại chuyển ngành về công tác tại đài truyền thanh tỉnh Hải Dương, đến lúc về hưu ông vẫn cùng vợ con lao động như một người nông dân thực thụ nơi đồng đất quê minh và tham gia rất nhiều câu lạc bộ thơ. Hiện nay,  tuy đã xấp xỉ vào tuổi tám mươi, ông vẫn gắn bó với công việc ruộng đồng, vẫn tham gia các  hoạt động xã hội rất tích cực, ông ở trong Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Cựu giáo chức thị xã Chí Linh. Thế mà ông lại luôn có cảm giác mình mắc nợ với cuộc đời: “ Nợ đời như núi như sông / Nợ trời như biển vô cùng bao la”; mắc nợ với con người: “ Nợ cô gái trẻ tiếng cười / Nợ em ngày ấy nói lời yêu thương” ; mắc nợ với cả cảnh trí bình thường nơi thôn dã: “Nợ bông hoa súng ven đường” và nhất là mắc nợ với mảnh đất quê hương:
                        Nợ quê hương đất mẹ sinh
                        Nào ai trả được nghĩa tình đất quê
                        Nợ người vất vả sớm khuya
                        Cho ta cuộc sống say mê ở đời
                        Một mai về đất, lên trời
                        Tôi xin khất nợ với người cho vay
                                       ( Nợ)
            Ngoài những điều đã đề cập trên đây, đọc thơ Văn Chuyền ta còn tìm thấy tình cảm của ông với cha, mẹ, vợ, con… cũng thật là đằm thắm. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể giới thiệu hết được mà để các bạn đọc thơ ông sẽ tự khám phá , tìm hiểu thêm.
            Sẽ là rất thiếu sót khi viết về tập «  TRĂNG QUÊ » mà không đề cập đến những vần thơ của con gái Văn Chuyền là : Nguyễn Thị Thanh Huyền. Bởi lẽ,tập « Trăng quê » gồm 162 bài thơ, thì có 78 bài của người cha- Văn Chuyền và 84 bài của con gái ông- Thanh Huyền. Ngoài đề tài chung giữa hai cha con là cùng viết về vùng quê mình, Thanh Huyền lại đi vào những đề tài rất riêng mang đậm dấu ấn của người phụ nữ ít may mắn trong trường đời nhưng  rất mạnh mẽ độc lập trong cuộc sống mà không kém phần nhạy cảm, tinh tế, giàu tình yêu thương, rất dễ mủi lòng và luôn đồng cảm với những thân phận mỏng manh , chìm nổi. Thơ Thanh Huyền có những bài gói ghém cả một đời công tác 34 năm với bao nhiêu biến đổi của mình : Từ người con gái nông trường đến cô giáo mầm non rồi chuyển sang làm cô cấp dưỡng trong Tiểu đoàn II Trường QS QK3 cho tới lúc nghỉ hưu ( Ký ức thời gian). Đồng thời ta lại tìm thấy trong thơ nàng nhiều bài, nhiều câu  nói về nỗi niềm riêng với biết bao tủi sầu đau xót của người thiếu phụ lỡ dở duyên tình. Có khi nỗi niềm đó ẩn hiện trong một chiều mưa nơi góc phố :
                        Gió cứ thổi và trời trắng mưa bay
                        Có ai hiểu nỗi lòng người thiếu phụ
                        Ngọn đèn đơn đêm đêm lẻ bóng
                        Mãi âm thầm bao kỉ niệm khôn nguôi
                                  ( Góc phố chiều mưa)
Có khi nó lại chơi vơi mà xa xót ngay cả chốn đợi chờ đến mông lung giữa dòng đời trong đục khôn lường :
                        Yêu thương trót dại ngẩn ngơ
                        Dòng đời trong đục câu thơ cháy lòng
                                ( Em đợi)
Nỗi đau phận mỏng ấy len lỏi cả vào lúc nàng nhận được lời nói yêu thương của người ta khi tuổi đã xế chiều. Và  nàng đã thảng thốt van nài : «  Xin anh đừng nói lời yêu ». Bởi nàng biết rằng :  « Anh hạnh phúc ấm êm/ Em đơn côi phận mỏng » cho nên trong đường đời đầy gai góc này, em chẳng có một lối đi bằng phẳng đâu và giữa cõi yêu dịu ngọt ấy em cũng chỉ nhận về những chua chát đắng cay thôi ;
                        Hương tình yêu ngọt lịm
                        Mà vị đắng riêng em
                          (Đừng nói lời yêu)
Có khi nó hiển hiện rõ ràng trong nỗi niềm tiếc nuối đến ngẩn ngơ «  về một thời thiếu nữ kiêu sa » nhưng dại khờ đã trao xương gởi thịt vào một bến đời đen bạc :
                        Thôi rồi trả lại tình anh
Dại khờ yêu đến kết thành lứa đôi
Miếng trầu thiếu nhạt chút vôi
Làm sao thắm được những lời mộng mơ
             ( Tiếc nụ tầm xuân)
Để nên nỗi phải dở khóc dở cười trong bóng lẻ đơn côi :
                        Ngu ngơ giữa chợ bên đường
                        Khăng khăng ôm mối tình thương một người
                        Tàn canh bạc dở khóc cười
                        Cút côi lẻ bóng một đời dở dang
                                ( Canh bạc cuộc đời)
Không chỉ có nỗi đau lỡ dở duyên tình, nàng còn gánh chịu nỗi đau mất đi phần máu thịt của đời mình đúng vào lúc đã đặt một chân sang phía  bên kia cái dốc cuộc đời, đúng vào lúc tưởng như sẽ được tựa vào con mà sống. Cho nên, trong thơ nàng, nỗi đau tột cùng ấy nó mới quặn thắt, vật vã làm sao. Nàng như trở nên hoang dại vì mất con và ngày ngày nàng cứ tựa cửa ngóng chờ tiếng xe máy như mỗi chiều con vẫn trở về bên mẹ : « Mẹ ngồi tựa cửa ngóng trông » hay : « Chờ con dằng dặc cuối trời »  rồi lại giật thót mình vì con đâu còn nữa, con chẳng thể về và lòng mẹ tái tê, tim mẹ đớn đau, một nỗi đau không bao giờ liền sẹo :
            Héo hon tận đáy nỗi niềm
            Nhớ con tim mẹ sao liền vết đau
                    ( Chờ con)
Và mỗi lần làm giỗ cho con lại một lần nỗi đau  rớm máu đến chừng như tan nát cả cõi lòng : « Nỗi đau thắt ruột-Nỗi đau ! Xót xa xát muối nát nhàu con tim ». Có lúc, nỗi đau ấy lại trở nên tích tụ trong câm nín lặng thầm mà trĩu nặng cả cuộc đời vốn đã rất nhiều chìm nổi của nàng :  « Tháng ngày thùi thũi lặng im/ Thương con phận mẹ nổi chìm thiệt hơn ». Thế rồi trong cảnh « Cửa nhà vắng ngắt, ngắn dài lệ rơi » nàng thắp hương cho con ngày giỗ mà hồn cứ chìm đi trong niềm nguyện cầu tha thiết mong được gặp  bóng hình con giữa bảng lảng khói hương :
                        Thắp cho con nén tâm hương
                        Nguyện cầu hình bóng khói sương con về
                              (Nhớ con ngày giỗ)
Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người mẹ nuôi con từ hòn máu đến khi con trưởng thành, to cao lừng lững, có công ăn việc làm ổn định thế mà bỗng chốc mất con để bây giờ chỉ ao ước cái hình hài cụ thể của con xưa giờ hãy về đây trong mơ hồ, lãng đãng trong phảng phất như khói như sương với mẹ con ơi ?!
            Phải chăng vì niềm riêng nhiều đớn đau đến nhường ấy nên đọc  thơ Thanh Huyền, ta thấy nàng rất giàu cảm thương những người bạc phận ? Này đây là nỗi lòng của nàng với người con gái quá lứa lỡ thì : «  Xuân chiều muộn đủ mọi điều / Đường quê em bước liêu xiêu bóng tà / Lỡ duyên cao số những là / Chuyến đò em đợi đi xa mất rồi » (Xuân chiều). Đây lại là tình thương của nàng với người thiếu phụ phải bỏ con ở nhà mà tha hương nơi xứ người đất khách làm ô sin kiếm tiền nuôi con :  «  Ô sin cách mấy phương trời / Tha hương đất khách xứ người ai hay » (Tha hương). Khi đến thăm người phụ nữ có chồng hy sinh nơi chiến trận rồi ở vậy thờ chồng, bằng trái tim nhạy cảm, nàng đã thấu hiểu nỗi khát khao làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ đó và diễn tả bằng những câu thơ chân mộc mà vẫn đủ sức lay động lòng ta :
                        Mảnh mai phận gái bơ vơ
                        Tiễn chồng ra trận nào ngờ lẻ đôi
                        Đêm đêm chợt tỉnh giấc mơ
                        Thèm nghe một tiếng con thơ trong nhà
                            (Chinh phụ thờ chồng)
Nàng thương người bạn gái, tuổi vào thu mà tan vỡ gia đình đang bơ vơ không có một mái nhà của riêng mình nên chưa biết về đâu giữa những ngày nghỉ tết nguyên đán:
                        “Xuân về vui đủ mọi nơi
                        Em tôi vội bước chơi vơi cuối đường
                        Em về đâu giữa đời thường
                        Về đâu sưởi ấm yêu thương vỗ về”
                             (Tặng em)
Thậm chí, gặp người thôn nữ một mình tát nước gầu dây ven đường, nàng đã ngùi ngùi thương cảm và muốn mình hóa thân thành một đấng nam nhi để được tát nước cùng nàng thôn nữ ấy:
                        Chiều hôm nắng trải êm đềm
                        Em đi tát nước mình em qua ngày
                        Múc, đổ, lôi, kéo sao đây?
                        Mượn cây làm cọc buộc dây thay người
                        Thế rồi nước cũng reo vui
                        Theo tay từng nhịp giữa trời quê hương
                        Anh đi qua lại thấy thương
                        Muốn làm thay cọc bờ mương tát cùng
                             ( Tát nước)
Thực tình là tôi rất khó hình dung ra cách tát nước của cô thôn nữ này. Bởi vì, đã từng đi tát nước gầu dây nên tôi hiểu đây là một việc làm đòi hỏi sự nhịp nhàng, đồng điệu trong từng động tác giữa hai người. Từ việc thả dây, vục nước đến cánh ưỡn người kéo nước, cách nâng tay đổ nước. Nếu một người biết tát mà một người mới tập thì đã thấy không ăn nhập mấy rồi còn cả hai người mới tập thì gầu được gầu hỏng, lóng nga lóng ngóng lướ qua lướ quớ trông buồn cười lắm. Thế mà cô thôn nữ ở đây lại “ Mượn cây làm cọc buộc dây thay người”  thì không biết là sẽ tát múc ra sao? Nhưng đọc bài thơ của Thanh Huyền, tôi cứ thấy vừa thương cảnh ngộ, vừa cảm phục cách sáng tạo trong lao động của cô thôn nữ. Đặc biệt là tôi cảm nhận được giá trị nhân văn toát lên trong bài thơ khi Thanh Huyền bỗng thoát xác để trở thành một anh chàng giàu cảm thông,tình nguyện tát nước cùng thôn nữ làm cho bài thơ có một nét vui bật lên từ cảnh ngộ buồn, một nét đẹp bật lên từ nỗi vất vả.
            Có lòng yêu thương những con người thua thiệt đến thế nên tình cảm với cha, mẹ, với anh chị em trong gia đình nơi thơ Thanh Huyền cũng thật thiết tha đằm thắm. Nàng thương cha già mà vẫn phải tần tảo sớm hôm và muốn tìm lời hát ngọt ngào nhất tha thiết nhất dâng tặng cha. Nàng mừng vì cha thêm tuổi mới mà vẫn mạnh khỏe. Nàng trân trọng tình yêu thương các con lặng thầm và sâu sắc của cha :
                         Đêm trăn trở tìm câu hát tặng cha
                        Mừng xuân về cha được thêm tuổi mới
                        Cả đời cha lúc nào cũng vội
                        Dành tình thương thay tất cả muôn lời
Với nàng, sức khỏe của cha, tuổi thọ của cha là món quà vô giá, là niềm sung sướng, tự hào của con cháu trong nhà: “ Mùa xuân nay cha khỏe mạnh hơn xưa / Món quà quý, niềm tự hào con cháu” ( Thương cha). Điều này có thể là không mới, không đặc biệt, thậm chí là phổ biến, là xưa như trái đất nhưng dù sao thơ viết về cha như thế vẫn làm cho người đọc thấy ấm lòng và chắc chắn là cha nàng cũng cảm nhận  rõ ràng mình được con thấu hiểu, trân trọng, đền đáp mà càng thêm khỏe, thêm vui.
             Nàng nức nở, nghẹn lời bên mộ mẹ và hình dung rõ mồn một về hình ảnh mẹ với biết bao vất vả toan lo trong cuộc đời “gánh cả khóc cười trên vai” nên đã vội về già khi tuổi chửa kịp già: “Vẹt mòn bàn tay bới chải nuôi con / Đôi chân trần bấm sâu vào khe đá / Quên nhọc nhằn mong khoai sắn lên xanh” đến nỗi “ có được nụ cười” cũng là “ chắt ra từ nước mắt” ( Lời ru bên mộ mẹ). Những lời thơ bình dị mộc mạc thô ráp chất đời như chạy từ hiện thực cuộc sống của mẹ vào thơ chứ không hề nói quá lên, nói bóng bẩy đi, càng không hề có những từ ngữ biểu hiện cảm xúc như nhớ, thương, đau xót mà lại có sức khơi gợi rất lớn về những khổ ải nhọc nhằn của mẹ và ẩn chứa tình thương sâu đậm của con với mẹ. Thế mới biết, trong thơ không phải cứ gào lên tôi rất yêu, rất thương, rất buồn rất đau là nói được những tình cảm đó !
            Là người phụ nữ mạnh mẽ, luôn đứng vững trước mọi thăng trầm cuộc sống, luôn vượt lên cảnh ngộ của riêng minh nên thơ Thanh Huyền không chỉ có nỗi đau, miền thương cảm mà còn tràn ngập niềm vui . Nàng vui khi em có nhà mới “ Đến nay kết trái đơm hoa / Thênh thang nhà mới thế là mừng em”. Nàng mỉm cười trong sung sướng tự hào khi thấy em gái mình đã vượt qua mọi vận hạn và vươn lên có cuộc sống đủ đầy bằng người.  Nàng hân hoan khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp riêng của mọi miền quê đất nước Việt Nam và nước ngoài trong mỗi chuyến du lịch.. Ví như khi đến đất mũi Cà Mau nàng phơi phới trước cảnh trời mây sông nước “ Trời xanh mây trắng Cà Mau” hay “ Hai bờ đước, sú gió rung / Dừng chân cột mốc trập trùng biển khơi” và tha thiết với lời ru, câu hát giữa sông nước bao la “ Bên bờ ai hát à ơi / Ru bồng bềnh gió, ru vời vợi sông”. Có khi nàng lại mê mải đi tìm “cây cọ xòe ô” giữa miền trung du Phú Thọ hay thích thú đến mê say bởi vẻ đẹp của đảo Tuần Châu, đảo Cát Bà hoặc ngỡ ngàng bởi hàng hóa nhiều vô kể nơi chợ Cái Răng bên bến Ninh Kiều rồi lại giăng mắc với những câu quan họ chốn hội Lim. Nàng choáng ngợp trước vẻ đẹp lỗng lẫy của cung điện Thái Lan:”Cung điện lóng lánh sắc màu / Hoàng gia lộng lẫy tìm đâu sánh cùng” hay mê say trước vẻ đẹp của Ma lay, Singapo… Có thể nói, dấu chân nàng đặt đến nơi đâu thì tâm hồn nàng lại rộng mở và cảm xúc lại thăng hoa để vút lên thành thơ ngợi ca vẻ đẹp của nơi đó.
            Song có lẽ, niềm vui lớn nhất đối với nàng là con gái trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, có hạnh phúc lứa đôi êm ấm mặn nồng. Đặc biệt là khi cô con gái cưng ấy lại sinh một bé trai bụ bẫm kháu khỉnh thì niềm vui như ngập tràn hồn nàng. Nàng thấy mình trẻ ra, hồn mình thắm lại, đời mình lên hương. Nàng ấp iu,bồng bế, ru hời trong phơi phới hồn thơ. Với nàng, cháu không chỉ là một báu vật vô giá mà còn là một thiên thần. Trong thơ, nhiều lần nàng thốt lên: “ Thiên thần của bà ơi” hoặc:  “ Thiên thần bụ bẫm lon ton / Miệng cười chúm chím môi son da hồng” .
Còn rất nhiều cung bậc cảm xúc trong thơ Thanh Huyền mà tôi chưa khám phá hết hoặc chưa thể hiện ở bài viết này. Độc giả hãy  khám phá thêm chắc sẽ thấy nhiều điều thú vị khi đọc tập Trăng Quê này đấy ạ.
            Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm rằng: Trăng quê là tập thơ của cha con Thanh Huyền, hai thi nhân không chuyên. Họ làm thơ là để trải lòng mình với cuộc sống với người thân trong gia tộc và bầu bạn. Cho nên họ chưa có cách cấu tứ thơ chuyên nghiệp, chưa sử  dụng thành thạo các biện pháp tu từ trong thơ để tạo ra những từ ngữ đắc địa, những thi tứ mới lạ , những sự đa thanh đa nghĩa trong thơ để làm nên “ ý tại ngôn ngoại”. Họ cứ nghĩ sao viết vậy ; có cảm hứng vui, buồn, yêu, ghét thế nào thì viết tuột ra thế ấy nên không tránh khỏi sự dễ dãi, dài dòng trong thơ làm cho có những bài thơ ý đã hết rồi mà lời vẫn còn quanh quẩn mãi. Mặt khác vốn ngôn ngữ của họ chưa phong phú nên nhiều từ ngữ trong thơ họ còn sáo mòn, cũ kĩ . Thậm chí ở một số bài còn thể hiện rõ sự diễn đạt vụng về, sự gò vần ép chữ khiến câu thơ chưa thanh thoát và bài thơ còn nặng nề chưa sáng rõ ý định thể hiện của mình. Tuy vây, đọc tập Trăng quê, ta vẫn tìm thấy tiếng lòng của những con người thật hồn hậu, chân mộc, giàu tình yêu thương với người thân, bạn bè, với quê hương xứ sở, với thiên nhiên, tươi đẹp của đất trời. Ta còn thấy rõ một lối sống lành mạnh khỏe khoắn của con người giàu ý chí nghị lực luôn vượt lên gian khó, vượt lên chính mình để xây dựng cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn. Đó chẳng phải là một điều đáng quý, đáng trân trọng trong con người thơ và tấm lòng thơ của hai cha con Văn Chuyền và Thanh Huyền sao? Và dẫu rằng chưa chuyên nghiệp trong thi pháp nhưng ở tầm độ thơ câu lạc bộ thì đây cũng là hai cây bút rất khá không dễ gì nhiều người có được
            Trên đây là vài cảm nhận của cá nhân tôi khi đọc tập Trăng quê chắc chắn không thể tránh khỏi sự chủ quan, phiến diện. Nếu còn điều gì  bất cập hoặc mạo phạm rất mong được tác giả và bạn đọc lượng thứ.
                                                   Sao đỏ 30-9-2014
                                                    Song Thu
                             
             

                       

26 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Cám ơn em đã mở hàng cho bài ni của chị. Xin tặng em tem vàng bằng lời thôi vì blog của chị không có tiện ích tặng hình ảnh trong lời còm. Thông cảm nha em

      Xóa
  2. Đọc bài cảm nhận, trước hết là phục chị về cái tâm. Thời buổi này, ngồi cặm cụi mà đọc một tập bản thảo như thế không mấy ai làm được chứ chưa nói là sự tỉ mẩn chắt lọc, tìm kiếm những hạt vàng trong bãi cát để tạo nên sự lấp lánh cho thi phẩm.
    Sau nữa, khen chị ở việc sắp xếp mạch ý. Bài viết càng về sau càng hấp dẫn. Phần viết về thơ Thanh Huyền chị đã đặt cả tấm lòng thương yêu, thấu hiểu, sẻ chia với cuộc đời và tâm tình người phụ nữ kém may mắn để cảm nhận những ý thơ nên tạo được sự đồng cảm lớn.
    (May mà chị nói rõ ở phần trích ngang sơ yếu lí lịch của Thanh Huyền không em lại tưởng là "thanh huyền thành")
    Em nghĩ chỗ này có lẽ phải là thơ 4 chữ:
    Ba lô con cóc
    anh đi em khóc
    Gửi hai túi cóc
    căng phồng nhớ thương.

    Trả lờiXóa
  3. Thật vui vì được NT đọc kĩ bài ni và có lời còm đầy ưu ái với chị. Khi đưa bài lên chị luôn nghĩ là nó dài quá chắc sẽ ít người chịu đọc hết cho. Vì nó không phải truyện chỉ là bài cảm nhận thơ mà lại là cảm nhận thơ của người thơ không chuyên chẳng có chút tiếng tăm nào.
    Đúng như em nói chị đã phải tìm những "hạt vàng trong bãi cát" để có thể nêu lên những cảm nhận của mình về những hạt được coi là vàng trong thơ của những người yêu thơ, ham làm thơ nhưng chưa có nghề và cũng chưa hiểu nhiều về thơ vậy. Tuy nhiên chị quý tấm lòng với thơ, với cuộc đời nơi họ và khai thác theo hướng đó. Được em chia sẻ, động viên làm chị thấy sướng rung rinh nè.
    Cám ơn em nhiều nha

    Trả lờiXóa
  4. Thời kinh tế thị trường này mà yêu thơ và làm thơ để xuất bản như hai cha con bác Văn Chuyền và Thanh Huyền là rất đáng quý! Thơ của tác giả Văn Chuyền tinh tế và nhiều cảm xúc. Thơ Thanh Huyền giản dị mộc mạc hơn nhưng cũng thắm thiết tình người... Song Thu đã chọn và giới thiệu phân tích đc nhiều câu thơ hay của hai người, qua đó ẩn chứa sự thẩm đinh thấu đáo cũng như tình cảm và trách nhiệm của mình đối với tập thơ TRĂNG QUÊ và chủ nhân của nó. Giúp bạn đọc hiểu , thêm yêu thơ và cuộc sống, thân phận, nghị lực của tác giả ở phía sau bài thơ...
    Về bài thơ TÁT NƯỚC và chi tiết tát nước gầu dây ( hay còn gọi là gàu giai) thì anh nghĩ thế này: Có thể Thanh Huyền gọi gầu sòng ra gầu giai chăng, vì trong thơ nhiều khi ko cần tách bạch cụ thể về hình tượng. Nhưng khi đã phân tích vấn đề theo lô gich thì mình cần giải mã một cách khoa học trong văn học. Gầu dây - gầu dai thì nhiều người đã biết là có 4 dây buộc ở đầu miệng và đáy gầu để cho 2 người đứng 2 đầu múc nước và kéo lên nhịp nhàng. còn gầu dai thì đan hình lòng máng, có cán dài chỉ dành cho một người tát, Nó được buộc vào 3 cây cọc cắm choãi chân, chụm ngọn định vị thật chắc để người tát nước dựa vào đó làm điểm tựa múc và đẩy nước lên. Câu thơ " hỡi cô tát nước bên đàng" có thể là cũng chỉ về một cô gái múc nước gầu sòng... Hồi còn học cấp 1, tôi còn nhớ có câu ca dao tát nước:
    Chúng anh tát một gàu giai
    Chúng em hai đứa tát hai gàu sòng...
    Là nói về công cụ và cách sử dụng hai loại gầu này. Chỉ có gàu sòng mới có cán gàu để ta (hoặc cô gái trong bài thơ) có thể "Mượn cây làm cọc buộc dây thay người". Và chàng trai (được hóa thân) "Muốn làm thay cọc bờ mương tát cùng" cô gái. Tuy nhiên, ko ai lại buộc cán gàu sòng vào người khác để tát nước cho phí phạm nhân lực, mà đó chỉ là một cách nói phiếm chỉ, hoặc hình tượng hóa giữa ảo và thực để bày tỏ, nâng cao sự cảm thông của con người với nhau. Hoặc có thể là "chàng trai" muốn tát chung gàu dây cùng cô gái, như vậy sẽ vui hơn, sẽ cảm thấy cô gái được động viên từ người khác...
    Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào, có lý hay phi lý thì đây cũng là một bài thơ hay. Nói như Song Thu: "giá trị nhân văn toát lên trong bài thơ khi Thanh Huyền bỗng thoát xác để trở thành một anh chàng giàu cảm thông,tình nguyện tát nước cùng thôn nữ làm cho bài thơ có một nét vui bật lên từ cảnh ngộ buồn, một nét đẹp bật lên từ nỗi vất vả."...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời com trên của anh vì gõ vội nên lộn, ở câu "còn GẦU DAI thì đan hình lòng máng, có cán dài chỉ dành cho một người tát"... Xin được sửa chữ GẦU DAI lại là GẦU SÒNG nhé...
      Mong được Song Thu thông cảm. Xin cảm ơn!

      Xóa
    2. Em biết anh rất quan tâm đến em và thường xuyên qua thăm đọc bài rồi chia sẻ cùng em bằng những lời viết giàu tình mến yêu và rất kĩ lưỡng, thấu đáo. Em thật sự trân trọng anh ạ
      Trong quá trình viết bài, em đã đọc tập thơ vài bốn lần và cũng có cảm nhận giống anh là thơ người cha tinh tế và nuột nà, giàu triết lý, suy ngẫm hơn . Thơ người con xốc nổi , dạt dào cảm xúc nhưng còn rậm lời chưa thật sự chắt lọc. Nhưng nó lại rung động lòng ta bằng cái tình cảm mãnh liệt, cái thân phận nhiều chìm nổi bi thương. Và nguyên niềm yêu thơ, ham sáng tác thơ ca và những tình cảm cao đẹp nơi họ bộc lộ qua tập thơ này cũng thật đáng quý anh nhỉ. Em trân trọng và xúc động bởi những điều tốt đẹp đó và cũng khai thác tập thơ theo hướng đó bằng cảm nhận chủ quan của cá nhân mình. Sau khi viết xong đã đưa họ đọc lại. Nói chung họ cảm động và còn nói rằng: em đã hóa thân vào chính họ để hiểu thơ họ khi viết bài khiến cho họ đọc mà bật khóc rồi ôm em vào lòng với tình cảm yêu thương thành thật. Em hiểu là họ cảm thấy mình được san sẻ phần nào anh ạ.
      Còn về bài thơ tát nước thì em đã hỏi Thanh Huyền thì chính xác là tát nước gàu dai đấy ạ. Thực ra nếu bình riêng bài thơ này thì có thể khai thác cặn kẽ hơn nhưng vì đạt nó trong cái mạch cảm nhận về một tập thơ nên em chỉ khám phá một cách khái quát để chỉ ra cái thần thái của nó thôi anh.
      Cám ơn anh đã đọc kĩ lưỡng và chia sẻ cùng em ạ

      Xóa
  5. "Chứ thực tình nếu riêng em thì em chưa muốn xuất bản vội vì nghĩ mình còn trẻ, cứ viết rồi đến cuối đời mới lựa chọn những bài khá hơn mà ra một tập cho vui" câu nói của cô Huyền thực tình rất đúng nhưng lại rất buồn cho thơ Việt Nam khi về Hưu rồi mới làm thơ nhiều mà vẫn đợi cuối đời....Bao giờ thơ mới TRẺ chị ơi!
    còn về thơ của hai bố con nhà thơ thì em thích thơ con hơn, nó mềm mại mà có nhiều tứ thơ hay như
    Gió cứ thổi và trời trắng mưa bay
    Có ai hiểu nỗi lòng người thiếu phụ
    Ngọn đèn đơn đêm đêm lẻ bóng
    Mãi âm thầm bao kỉ niệm khôn nguôi
    ( Góc phố chiều mưa)
    Vẹt mòn bàn tay bới chải nuôi con /
    Đôi chân trần bấm sâu vào khe đá /
    Quên nhọc nhằn mong khoai sắn lên xanh.
    Nhà thơ này nọ chắc gì viết được những câu thơ như thế hả chị...Hay như bài tát nước ấy, cô ấy viết thật mà hay chị chưa thấy cảnh buộc dây vào cây ở bờ mà tát nước à. Quê em nhiều mà có lẽ vùng trung du nhiều cây ven bờ máng...
    Y1 em nếu in bài này chị bỏ chỗ cô ấy năn nỉ viết đi, với lại đoạn chê thơ Cấp CLB ở cuối đi mặc dù đúng..Nhưng ối nhà này nọ đã viết nổi như bố con họ đâu...Tặng một tập thơ mà trong đó có lời chê dù đúng họ cũng buồn chị ạ...
    Chúc chị vui nhé

    Trả lờiXóa
  6. Chị cho em bài tát nước ý em xem nếu được em viết một chút nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thích xin cứ lấy về.Khi viết về bài Tát nước ấy, chị đã định phân tích thêm về cái tứ của bài thơ này ở chỗ dùng công việc nói cảnh ngộ.Một công việc rất cần phải có hai người thì mới diễn ra suôn sẻ nhịp nhàng cũng như một gia đình phải có chồng có vợ thì mới thành gia đình hoàn chỉnh. Nhưng gia đình ấy chỉ có mình chị và cái công việc kia chị cũng phải làm có một mình cho nên Thanh Huyền vì đồng cảm sâu xa đã muốn thoát xác thành một chàng trai để sẻ chia cùng thôn nữ. Chính điều đó đã tạo nên vẻ đẹp và giá trị nhân văn cho thi phẩm này.
      Cám ơn XS đã đọc bài và chia sẻ với chị nha

      Xóa
  7. Về lời nói của Thanh Huyền thì chị lại có quan điểm khác em đấy. Chị tìm thấy từ lời nói ấy một ý thức cao trong việc chơi thơ. Huyền đã nói rõ có cảm hứng là viết ( cũng tức là in ra trong các tập nội san của các câu lạc bộ, là đọc cho bạn bầu nghe) nhưng phải đến cuối đời mới lựa chọn mà xuất bản một tập để làm kỉ niệm . Như thế là Huyền đã xác định đúng vị trí của mình, của thơ mình trước cuộc đời chứ không hề ảo tưởng như một số người cứ xuất bản ào ạt rồi tự cho mình là giỏi lắm, là tầm cỡ lắm trong khi thực tế thơ chỉ là những bài ghép vần thôi. Còn em lo "bao giờ thơ mới trẻ" thì theo chị, đâu cứ phải người trẻ làm thơ mới trẻ? Hơn nữa sáng tác thơ đâu phải muốn là được, khi lớp trẻ còn bao việc phải toan lo thì chỉ những người thực sự đi theo nghiệp thơ mới làm thơ. Còn những người đã về hưu, phần vì có thời gian, phần vì trải nghiệm trong cuộc đời nên họ mới làm thơ, cũng chỉ với mục đích vui chơi, giao lưu bầu bạn để dưỡng tâm dưỡng trí giống như các sinh hoạt văn hóa thể thao khác thôi.
    Song cũng có những người háo danh, lại được một số người động viên quá mức nên dễ sinh ra ảo tưởng. Thậm chí một số kẻ nắm bắt tâm lý háo danh đó đã tổ chức những hội nọ, hội kia với cái tên rất oách rồi vận đông mỗi người bỏ bốn, năm trăm ngàn ra , nộp mấy bài thơ và đăng lên một tập thơ dày tổ bố nhằm thu về lợi nhuận riêng. Tất cả những điều đó đã dẫn đến một thực tế là: "Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ/ Ta nhất định thắng, thơ nhất định thua" mà dân gian thời nay vẫn lưu truyền.
    Phần nữa em có khuyên chị nên bỏ bớt phần nói về hạn chế của tập thơ đi thì đến bây giờ có muốn chị cũng không làm gì được nữa vì khi viết xong, chị đưa cho tác giả và nói nếu không ưng phần nào thì cứ việc bỏ bớt đi nhưng họ đã chấp nhận để nguyên và gửi đi cho nhà xuất bản rồi. Về phía cá nhân mình, chị thấy cũng cần thiết phải đề cập đến những hạn chế đó em ạ.
    Còn chỗ "năn nỉ viết" thì chị nghĩ nó không ảnh hưởng gì. Ở đây chị hay bị nhờ viết giới thiệu lắm nhưng chị thường từ chối và cũng nói luôn là chị đã nhận viết là viết trung thực theo cảm nhận của mình chứ không vì in thành sách mà chỉ nói ưu chứ không nói khuyết, chỉ nói tốt chứ không dám chê. Chị còn nghĩ nếu cứ nói một chiều thế là làm hại họ đó em. Tại sao họ lại buồn khi người ta chê một cách nghiêm túc chứ không phải là dè bỉu, bỉ bôi. Có lẽ chính cái tâm lý chỉ thích được khen đã trở thanh bệnh chung của nước mình và làm hỏng nhiều việc lớn chứ không riêng gì trong lĩnh vực thơ ca. Chị không thích điều đó XS ạ. Dẫu bản thân chị cũng thích được động viên nhưng chị vẫn thích lời chê đúng lắm thay!

    Trả lờiXóa
  8. cảm ơn bạn đã giới thiệu một tập thơ trong đó có các đoạn thơ rất hay ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được bạn đọc và chia sẻ mình rất vui. Cám ơn bạn nhiều

      Xóa
  9. Chị mới thấy sách thơ của vợ chồng. Còn sách thơ của cha và con bây giờ mới thấy! Cám ơn em đã dầy công đọc và viết về họ. Thơ không chuyên thế là quá hay rồi em ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai cha con in chung một tập quả là hiếm chị nhỉ. Em cũng vì quý cái tình giữa hai cha con họ và thích những câu thơ chân mộc mà giàu ý nghĩa, thấm đượm tình cảm của họ với quê hương, bầu bạn và người thân trong tập thơ nên mới giới thiệu cùng mọi người đấy ạ.
      Cám ơn chị đã đọc và chia sẻ cùng em ạ

      Xóa
  10. Cách nay 3 hôm - thứ 6 - lão có qua và đã đọc bài này . Với cảm xúc đang đầy và nóng hổi , lão ngồi gò lưng gõ bàn phím. Gõ xong lóng ngóng thế nào va quệt vào cái nút nào đó trên bàn phím và...mất tiêu. Hôm nay quay lại , ngồi gõ mãi , bấm xuất bản thì...máy chũ không nhận định dạng . Rõ chán.
    Vì thế lão test thử xem, rước khi viết lại lần thứ...3.
    - Bài viết của chị hay lắm . Như một người làm vườn cần mẫn từng hàng cây , đầy cảm xúc và trách nhiệm. Để đọc được gần 200 bài thơ, không xuề xòa , cẩu thả mà vẫn không xuống sức , giữ được mạch cảm hứng thi ca cho từng câu thơ quả là tuyệt với ! ( Xin đề nghị chính phủ phong tặng anh hùng lao động ...đọc thơ cho chị ! và ông Tuân còm nhom thưởng nóng cho chị...vài đêm)
    - Bài viết này theo lão là làm lời bạt cho cuốn sách để thêm phần sinh động là hợp lý. Tuy nhiên , theo lão thì nên bỏ bớt một số khúc đoạn , vì nó hơi dài . ( Phụ nữ , khổ thế ,luôn vẫn thích ...dài (!) ). Khi là lời bạt , thì khúc trên bài viết thiết nghĩ không cần thiết chị ạ.
    - Lão cũng xin là đồng tác giả với Xuân Sơn trong ýkiến thích Thơ Thanh Huyền hơn thơ người bố. Những câu thơ trích trong "Chùa quê , Em đợi , chinh phụ chờ chồng , Góc phố chiều mưa."... mang tặng những cung bậc cảm xúc dâng đầy cho người đọc. Chính cách làm thơ theo tùy hứng của tác giả đã làm sống động câu chữ và như một thứ dung môi đễ hòa vào lòng người đọc.Có những câu rất se sắt và cũng có những câu rất cảm động , gợi mở...Hình ảnh " Lá đa trải chiếu " trong chùa quê thuộc dang như thế trong nhiều câu thơ khác của tác giả : Giaù hình ảnh và gợi mở nhưng nghe se sắt lòng kể cả người đọc khó tính....
    - Trong cách viết , chị đã hóa thân và dốc hết lòng về những cảm nhận của mình. Cách viết của sự thật thà và cởi mở. Nhiều lúc cách viết cũng như ái tình , phải cho nó đói đi một chút , cho nó đầy đũ quá thì không còn gì là mơ tưởng để sống. ( Aí tình như con vật kỳ quái , cho nó đói khát thì nó sống , cho nó đủ đầy thì nó chết ! ấy là không chỉ trong ái tình mà cả trong cách viết ! lão nghĩ thế.
    - Xin chúc mừng chị - Anh hùng lao động...đọc thơ , đã hóa thân cùng tác giả trong bài viết đầy cảm xúc này. Qua chi cho lão gửi đến Thanh Huyền lời....thì thầm của gió ! hehe. Lão sẽ ghi nhận và ủng hộ bằng cách ra nhà sách rinh cuốn này về như một cổ động viên đầy nhiệt huyết : Thích cả thơ lẫn tác giả. ( Người bình thơ thì xin dành cho Triết gia ngôn ngữ họ Đỗ) .
    - Đọc lời bình đầy cần mẫn của chị , lão mới thấy sự hời hợt , cẩu thả trong bình thơ của lão. Cứ làm việc xuề xòa , qua loa như lão thì muôn đời chắc chẳng với tới ...Anh hùng lao động ... đọc thơ được .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão ơi, ST xóa vĩnh viễn hai nhận xét mà lão chưa hoàn chỉnh đi nha. Lẽ ra định hỏi ý kiến lão trước rồi mới làm. Nhưng quên mất. Chừ mới hỏi. Mong lão thông cảm nhé!

      Xóa
  11. Chính lão là người đọc rất kĩ lưỡng và đầy trách nhiệm đấy lão Tan ơi. Cám ơn lão đã đọc cặn kẽ và đã chia sẻ thật sâu sắc nha. " Phụ nữ khổ thế luôn vẫn thích...dài" . Đó là thiên tính đáng yêu lão hề. Tuy nhiên mình cũng hiểu lão mượn cách nói tưng tửng ấy để nhắc khéo cái tính rườm rà, dông dài dẫn tới dài dòng trong viết văn của mình. Mình biết mình chưa đủ khéo léo làm cho bài viết đói đi một chút, lửng lơ đi một chút mà thường làm cho nó "bội thực". Xin lĩnh giáo những lời vàng ngọc của lão.
    Còn việc lão đề nghị "chính phủ tặng danh hiệu anh hùng đọc thơ" thì mình ứ nhận mô. Nhưng đề nghị chàng T còm thưởng nóng vài đêm thì ok liền. he...he...
    Câu thơ :" Lá đa rải chiếu..." trong bài CHÙA QUÊ là của người cha đó lão, ứ phải của người con mô. Nhưng chắc là lão cảm nàng zùi nên đã đem mọi điều tốt đẹp đến cho nàng đó nha.
    Những lời lão gửi tới nàng, ST nhất định sẽ chuyển nguyên vẹn và có thể là thêm chút gia vị cho huyền diệu nha. Ha...ha...

    Cám ơn lão nhiều nhiều

    Trả lờiXóa
  12. Chị hay đọc những com.của em ở trang của Vũ ST,thấy em cũng giỏi thơ như cô emVST,muốn làm quen với em.

    Trả lờiXóa
  13. Cám ơn chị đã có lòng ưu ái. Em mong được giao lưu cùng chị trên blog ạ.
    Nếu tìm ra nhà chị em sẽ ghé thăm và học hỏi

    Trả lờiXóa
  14. Đúng thơ là lòng không sai
    Hai bố con hai hoàn cảnh nên hai luồng thơ khác biệt rõ rệt ,và đây cũng chính là sự thành công của hai bố con khi đặt bút làm thơ bởi nó được thể hiện bằng tâm hồn nỗi lòng của mình. Nói chung bài viết của em khá đầy đủ dẫn người đọc hiểu thêm những cái hay của hai người.......
    Nhân sắp đến ngày 20/10 anh chúc em khỏe mạnh an vui và hp cùng toàn gia đình em nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bao giờ anh cũng sang thăm em muộn làm em buồn nè. Bắt đền anh đấy.
      Nhưng thôi muộn còn hơn không. Vì anh mà không sang là em lại nghĩ ngay là anh yếu đau sao đây nên càng buồn và lo anh ạ.
      Cám ơn anh đã sang thăm. Với sức khỏe của anh mà còn đọc hết bài viết dài dằng dặc ni để đưa ra những nhận xét cụ thể thế này làm em cảm động lắm đó.
      Ôi cón xa mới đến ngày 20-10 mà em đã nhận được lời chúc tốt đẹp từ anh rồi. Thích thế. Một lần nữa em cám ơn anh ạ

      Xóa
  15. Chị viết bài giới thiệu rất kĩ, cả tác giả lẫn tác phẩm. Em luôn thấy nếu không có lời giới thiệu thì người đọc chưa chắc đã cảm nhận và hiểu hết thơ của tác giả nào đó. Em nghĩ là chị đã chọn lọc những câu thơ, bài thơ hay nhất để giới thiệu rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đợi mãi mới thấy em mình sang thăm . Lại được em khen nữa vui quá ta!
      Cám ơn em thiệt là nhiều nha

      Xóa
    2. Hôm nay em tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ nhân kỷ niệm ngày PNVN, khách dự đông nhưng thành công hơn cả mong đợi đó chị. Mừng ơi là mừng!
      Giờ sang chúc chị đây:
      Chúc cho chị Vũ Song Thu
      Thơ văn lai láng ...bố cu luôn chiều!
      He he...

      Xóa
  16. Chúc mừng em đã tổ chức một cuộc sinh hoạt câu lạc bộ thành công mỹ mãn.
    Em đã yêu nghề , ham sáng tác lại còn mê hoạt động xã hội nữa nên tâm hồn sẽ mãi trẻ trung và hành động sẽ luôn linh hoạt và thơ văn sẽ dào dạt chất đời. Thật là thú vị đúng không em. Đó cũng là một phần thưởng trời ban cho mình vậy em ạ. Hãy cứ vui sống như thế nha em

    Trả lờiXóa