Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

DỰ ĐỐI VÀ LUẬN BÀN

 

 




Trước nay, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, xóm Trian nhà ta thường có những cuộc chơi câu đối cùng nhau khá thú vị. Tuy số người tham gia vào trò chơi này không nhiều và những vế đối lại hay còn quá ít nhưng xem ra cũng rôm rả lắm. Lần này, dù còn lâu mới đến tết nhưng đã thấy bác Đỗ ra vế đối rồi. Tôi đồ rằng do hồi rầy phong trào sáng tác của xóm có vẻ trầm lắng và nghèo đi nên bác Đỗ muốn khuấy động nó lên. Ngoài ra chắc bác cũng còn muốn mọi người bàn luận về cuộc sống thực thông qua hai câu tục ngữ nữa chăng? Vì thế mà vẫn là trò chơi đối đáp nhưng lần này đã mang thêm nét mới vậy.
            Nguyên văn bài ra của bác Đỗ đây:       

TRÒ CHƠI CŨ CHO MỘT MÙA VUI MỚI

Tục ngữ xưa có câu:
Hay khen, hèn chê

Nhưng cũng có câu:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

 

Câu thư nhất khuyên người ta nói thật lòng mình:
Hay thì phải khen, hèn thì phải chê.

Còn câu thư hai lại khuyên người ta phải nói nịnh:
nói cốt để vừa lòng đối tượng, chứ không tính đến những suy nghĩ thật của mình cho là đúng hay sai, phải hay trái, hay hay hèn ?
Ta nên theo câu nào đây?
Sau đây là suy nghĩ của tôi qua một vế đối:

-HAY KHEN, HÈN CHÊ; MIỆNG THẾ XƯA NAY VẪN THẾ;
Mong bà con dự đối và cùng bàn luận, xem như một “Trò chơi cũ cho một mùa vui mới”.


25/10/2014
Đỗ Đình Tuân



        Trước hết tôi xin tham gia bàn luận đôi lời. Câu thành ngữ: “Hay khen hèn chê” là người xưa muốn khái quát cái lẽ tự nhiên trong cuộc sống. Thường thường thì thấy bất cứ sự việc, hiện tượng hay con người nào đó hay, tốt, đẹp…thì người ta thường trầm trồ khen ngợi hoặc tỏ ý thích thú thán phục. Ngược lại thấy những cái xấu, cái dở, cái không hay… người ta thường hay chê bai, dè bỉu hoặc tỏ vẻ không thích thú hay phản đối v…v…
          Còn về câu tục ngữ:
                   Lời nói chẳng mất tiền mua
                   Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Ở đây người xưa muốn khuyên nhủ con người hãy lựa chọn lời mà nói sao cho dễ nghe nhất để người đối thoại cùng ta được vừa lòng. Theo thiển ý của tôi thì câu này không hẳn là người xưa khuyên chúng ta chỉ khen thôi hoặc chỉ dùng cách nói lấy lòng người để làm người nghe vừa lòng. Mà có lẽ, người xưa chỉ muốn nhắc nhở cháu con hãy cân nhắc, lựa chọn kỹ càng trước khi nói. Có thể là khen hoặc cũng có thể là chê nhưng từ ngữ và cách nói sao đó để người nghe hài lòng nhất. Tôi nghĩ, khen mà khen quá lên thì chưa chắc người nghe đã thích. Ví như một người đẹp cỡ vừa phải thôi nhưng ta khen đẹp hơn Kiều hoặc thậm chí là văn hoa mà khen rằng: sắc đẹp của em nếu nàng Kiều của cụ Nguyễn Du sống lại cũng phải thẹn… thì có khi lại làm cho người đẹp thấy xấu hổ. Hoặc một sáng kiến nhỏ bé mà cứ tâng bốc lên rồi cho rằng hơn cả phát minh của những nhà khoa học lỗi lạc trên thế giới này thì ai mà chấp nhận được. Khen đã khó, chê còn khó hơn nhiều. Chê làm sao cho người bị chê cảm thấy bằng lòng thì quả là khó lắm thay. Cái này một mặt đòi hỏi người nói phải biết lựa lời nói và cách nói sao cho vẫn diễn tả đúng điều mình muốn chê mà lại vẫn tỏ ra trân trọng người bị chê nữa; Một mặt người bị chê cũng phải là người hiểu biết, cầu thị, không tự phụ thì mới dễ dàng tiếp thu được. Điều này theo tôi vừa là một ưu điểm nhưng cũng vừa là một nhược điểm của người Việt Nam ta nói riêng và người dân một số nước phương đông nói chung. Ưu điểm là làm cho cách sống, cách giao tiếp ôn hòa, lịch thiệp, nhẹ nhàng hơn. Nhưng nhược điểm chính của nó là làm cho cách nói trở nên vòng vo tam quốc, cái nhược, cái xấu được phủ mờ đi, thường đi. Nguy hiểm nhất là lâu dần tạo nên một tâm lý của con người chỉ thích khen, không thích chê, chỉ thích khoe những cái tốt mà giấu diếm đậy điệm hết cái xấu lại, không dám nhìn thẳng vào sự thật, vào cái xấu cái kém để sửa đổi, khắc phục vươn lên khiến cho con người và cuộc sống cũng như xã hội chậm phát triển vậy
          Cố nhiên nói như thế không có nghĩa là tôi muốn tốt nhất cứ nói toạc móng heo tất cả, nói trắng phớ tất cả cái xấu ra. Mà tôi nghĩ rằng trong cuộc sống phải tùy vào những trường hợp cụ thể nhất định mà xử lý sao cho thấu lý đạt tình. Ví như cái xấu, cái khiếm khuyết của những con người thiệt thòi do trời bắt tội thế thì ta không nên đem ra mà bàn tán, chế giễu hoặc chê bôi dù là chê bằng lời nói cẩn trọng nhất vì như thế là xúc phạm người ta. Hoặc những cái dở của một ai đó, một cái gì đó, không làm ảnh hưởng tới người khác và người ta cũng không nhờ mình nói ra thì tốt nhất là mình cũng chẳng cần nói làm gì. Nhưng những cái xấu, cái kém, cái dở làm ảnh hưởng lớn đến con người đến xã hội thì cần thiết phải được nói thẳng nói thật thậm chí là dò đến “ngọn nguồn lạch sông” để tìm cách khắc phục thì mới mong có được điều tốt đẹp vậy.
          Bàn luận về vấn đề này quả thật là rộng quá, khó có thể bằng một vài lời mà thấu đáo cho được. Nhưng trước vấn đề bác Đỗ Đình Tuân đặt ra, tôi xin sơ qua đôi lời như vậy coi như phần nào bày tỏ ý kiến của mình. Nếu có điều gì chưa ổn, mong được sự trao đổi tận tình của mọi người.
          Sau đây tôi xin nói đôi lời về việc đối đáp lần này.
          Vế ra đối của bác Đỗ là: HAY KHEN HÈN CHÊ MIỆNG THẾ XƯA NAY VẪN THẾ. Trong vế ra đối này tác giả có sử dụng một câu thành ngữ và  một từ  đồng âm khác nghĩa: (từ thế, trong miệng thế và từ thế trong vẫn thế).
          Muốn đối cho chỉnh, người đối cũng phải sử dụng hai yếu tố nói trên. Ngoài ra, như xưa nay vẫn vậy, vế đối đòi hỏi phải đối từ và đối thanh. Thông thường đối từ là đối từ loại ( danh từ với danh từ; động từ với động từ; hư từ với hư từ…). Tuy nhiên cũng có khi không tìm được từ loại thật chuẩn thì có thể dùng tính từ đối với động từ cũng chấp nhận được. Còn đối thanh nghĩa là thanh bằng đối với thanh trắc là tốt nhất. Nếu không được như thế thì có thể dùng cùng thanh nhưng độ trầm bổng của nó phải khác nhau. Ví như dùng thanh bằng đối với thanh bằng nhưng nếu từ trong vế ra không dấu thì từ đối lại phải mang dấu huyền (trong ngôn ngữ học gọi là phù bình thăng với phù bình trầm). Nếu cùng là thanh trắc thì từ của vế ra mang dấu sắc thì từ của vế đối phải mang dấu nặng.Tuy vậy những cách đối gượng như vậy người ta không sử dụng trong các từ kết thúc của vế đối mà ở các từ kết thúc này bắt buộc phải đối chỉnh (bằng với trắc,danh từ với danh từ, động từ với động từ...)
        Với quan niệm như thế, tôi xin đối lại vế ra của bác Đỗ như sau:

Vế ra:   Hay khen, hèn chê, miệng thế xưa nay vẫn thế

Vế đối: Tốt bày, xấu đậy, nhân gian muôn thuở còn gian

  28-10-2014
   Song Thu

34 nhận xét:

  1. Em chỉ đọc thôi chứ khoản này em dốt chị ạ! Qùa chị gửi nó đi đâu mà hôm nay vẫn chưa tới chị à! em hỏi người phát bưu phẩm bảo chưa có...
    Chúc anh chị vui.nhé!
    Báo chị một tin vui rằng chú Dũng nhận sách chiều tối qua sáng nay tỉnh táo và nói chuyện với em được một lúc còn dặn là từ từ ra thăm sau không cần đi vội đợi chú khỏe rồi ra...

    Trả lờiXóa
  2. Ôi thế thì mừng quá rồì! Chị chỉ biết cầu mong anh Ngọc Dũng mau phục hồi sức khỏe thôi.
    Em cứ sang đọc là chị vui mà. Nhưng sao gửi bưu phẩm đến chỗ em lại lâu vậy nhỉ? Anh chị gửi cùng đợt đó ai ai cũng nhận được rồi mà

    Trả lờiXóa
  3. Anh Tuân gửi ngày 16/10/2014 theo địa chỉ:
    Huỳnh Xuân Sơn, số nhà 28, đường số 7 khu nhà ở Hiệp Bình, phường Hiệp Bình, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
    Chỉ tiếc là không biết số điện thoại nên không ghi được
    Gửi theo chế độ chuyển phát nhanh
    Giờ lại thành "chuyển phát chậm", hoặc "chuyển phát mất toi" cũng nên.
    Bởi mọi khả năng đều có thể xẩy ra mà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chết cha nó sai tên phường anh ạ! Phường Hiệp Bình Phước ...
      Em hỏi trên bưu điện họ nói cho cái mã phiếu gửi họ sẽ truy xem nằm ở đâu để lấy....Anh cho em cái mã chỗ mã vạch nhé
      Cám ơn anh chị ạ!

      Xóa
    2. Dưới hàng mã vạch có ghi hàng chữ viết tắt và số như sau:

      ED 17 619276 2 VN

      Em nhờ họ tìm giúp

      Xóa
  4. Cái này chị chỉ đọc mà phục lăn...chứ chả giám bình...hi!

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết hay rất hay
    em thấy: ông bà và dân gian ta truyền lại câu nào cũng hay
    - Giáo đục thì phải nói thật rất cần "để tạo động lực phát triển" : "HAY KHEN, HÈN CHÊ "
    - Còn động viên,tạo sức mạnh đoàn kết thì: "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

    Trả lờiXóa
  6. Em đọc cái này bên anh nhà mình rồi, nhưng chịu thôi, không đối được. Giờ thấy chị đối chuẩn thế mới khẳng định một lần nữa: trời sinh ra chị Thu là để anh Tuân có đôi!
    Mẹ em thì hay bảo: Hay người ta không khen, hèn thì người ta chê.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ nhận xét chính xác đấy. Người Việt Nam mình còn khá nhiều thói xấu khó khắc phục. Một trong những thói xấu ấy chính là "không thật lòng". Thường hay khen trước mặt, chê sau lưng. Khen thì khen vờ, nhưng chê thì chê thật. Chính cái thói xấu này đã gây những điều tiếng eo sèo rất khó chịu, nhất là lại ở nhà quê thì càng nặng nề hơn.

      Xóa
  7. Em mình động viên giỏi thiệt đó nha! Chị cũng tập tọng học người xưa đối đáp cho vui chút thôi mà em.
    Cụ dạy thế là để cho các con các cháu cố tránh cái hèn đó mà em. Thực ra trong cuộc đời nó cũng muôn màu muôn vẻ lắm nhưng lẽ thông thường là "hay khen hèn chê" mà. Ví như truyện của NT hay thì được nhiều người thích vậy thôi! Hữu xạ tự nhiên hương mà

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết thật ý nghĩa.
    B.Pascal có nói:
    "Hành động tốt mà âm thầm là hành động đáng quý nhất"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn người bạn mới Quỳnh Trang nhé. Nhất định mình sẽ sang thăm nhà bạn và giao lưu chia sẻ cho vui

      Xóa
  9. Người xưa nói " Xuất đối dĩ, đối đối nan ". Ở đây ta không dám nói là " xuất đối dĩ" mà cảm thấy vế ra của anh Đỗ Đình Tuân rất hay, hàm ý chơi chữ và đa nghĩa trong câu từ. Nhưng Song Thu đã đối chan chát và thật hàm súc, sát với vế ra cứ như "khánh ngọc đối chuông vàng vậy. Quả là "đôi lứa xứng đôi"!..., Hiii
    Anh rất thích câu đối. Tuy không "khôn văn ai" nhưng "dại câu đối". Song đọc bài của Song Thu cũng muốn tập tạnh theo đòi một chút. Tú Xương xưa làm câu đối còn nói với vợ : "Viết vào giấy dán ngay lên cột / Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay"... Anh mạo muội viết ra đây ko hỏi ai trước được để tham khảo. Nếu có dở múa rìu qua mắt thợ thì mong Song Thu đừng cười chê nhé. Anh được biết đất Hải Hưng xưa là nhiều người giỏi văn chương, thơ phú và câu đối lắm. Chả thế mà có một ông quan huyện quê huyện Thạch Hà (Nghệ Tĩnh) quản địa hạt tỉnh Hải Hưng, nhân lúc hút thuốc lào phì phèo khói nên cao hứng ra vế đối thách mọi người: " MIỆNG ÔNG HUYỆN THẠCH HÀ, HÀ ". Đông văn võ bá quan chưa ai đối được thì chú lính hầu quê ở huyện Kim Động sau khi đã rào đón cáo lỗi, được quan đồng ý liền đọc vế đối của mình là : " ĐỒ BÀ GIÀ KIM ĐỘNG, ĐỘNG "... Hiii...
    Thôi, ko dám vòng vo tam quốc nữa, xin được đưa ra vế đối của mình, dù không chỉnh thể nhưng để mọi người xem góp ý và may chăng có thể "mua vui cũng được một vài... phút giây " ko vậy:

    * VỤNG CHÈO, KHÉO CHỐNG. MÚA MAY MONG GẶP VẬN MAY.

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn anh đã khen động viên em nha.
    Cái cụm từ :" Đôi lứa xứng đôi" để ngụ ý như "chuông ngọc với khánh vàng" hay "Văn nhân cùng tài tử" hoặc "Trai tài và gái sắc" thì em ứ dám nhận đâu. Nhưng nếu hiểu theo tên mà nhà xuất bản đặt cho tác phẩm Chí Phèo của cố văn sĩ Nam Cao thì đúng trăm phần trăm anh ạ.
    Về vế đối lại của anh thì em thấy thế này: Anh chọn thành ngữ "Vụng chèo khéo chống" Để đối với "Hay khen hèn chê" là rất chuẩn cả về ngôn từ lẫn thanh điệu. Cặp từ " vận may" ở kết vế đối với cặp từ "vẫn thế" trong vế ra cũng ổn luôn. Tuy nhiên từ "múa may" thì mới đối được với "miệng thế" về mặt thanh điệu chứ chưa đối được về mặt từ và ý nghĩa đâu anh. Bởi vì " miệng thế" là hai từ ghép đẳng lập có ý nghĩa chỉ chung miệng của con người trong thế gian. Còn từ " múa may" lại là một từ được kết cấu theo kiểu chính phụ mà ở đó múa là chính, may chỉ là yếu tố phụ thôi.
    Tương tự như thế, "mong gặp" trong vế đối cũng chưa đối được với "xưa nay" trong vế ra. Bởi vì xưa nay là danh từ chỉ thời gian có ý nghĩa bao quát từ xưa tới nay (tương đương như mọi lúc mọi nơi vậy). Còn "mong gặp lại là động từ chỉ ước muốn gặp được một điều gì đó. Cụ thể ở đây là ước muốn gặp được vận may.
    Đó là ý kiến của riêng em. Anh có thể tham khảo thêm thôi ạ.
    Riêng cặp câu đối mà anh kể ở trên thì quá chuẩn và quá hay luôn. Đó thực chất là trí tuệ dân gian đấy anh. Vừa đối chuẩn lại vừa rất thâm nho mà rất hóm nữa. Nó giống như cái mô tuýp " Miệng nhà sang có gang có thép" với: "Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm" vậy.

    Em cám ơn anh đã đọc bài, bàn luận và tham gia đối nữa ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì anh đã nói theo người xưa "đối đối nan" và anh dốt câu đối rồi mà. Chỉ là góp lời cho vui và tôn thêm câu đối của Song Thu lên mà. Hiii...
      Anh chúc em và gđ luôn khỏe vui và có thêm nhiều sáng tác hay nhé!

      Xóa
    2. Dạ. Nhưng đối như anh cũng tạm ổn rồi mà. Xưa nay đối lại được hay là rất khó như anh đã viện dẫn ý người xưa "đối đối nan" đó thôi . Nên em đã cám ơn anh tham gia đối đấy ạ. Có điều em cũng nói vài lời theo cảm nhận của em để anh em mình cùng suy nghĩ thêm thôi mà .
      Em chúc nhà thơ vui khỏe và sáng tác ngày càng sung sức ạ

      Xóa
    3. Anh QT ơi...Em xin nói thêm rằng từ " múa may" cũng là danh từ mang ý nghĩa khái quát chỉ các hoạt động biểu diễn bằng vũ điệu. Vì vậy nó có thể đối được với "miệng thế" đó anh ạ. Vì thế, vế đối của anh chỉ thay cặp từ " mong gặp" bằng một cặp từ khác là ok thôi anh à

      Xóa
    4. Vốn chưa bao giờ em có thời gian ngồi nghĩ câu đối, nhưng nghe luận bàn hay hay nên xông ra mần một câu, tất nhiên là không thèm ....chuẩn rồi:Này nhé:
      Cong ăn, thẳng nhịn, lời ngay ai dễ tin ngay!
      He he...đời nay ai cong lưng uốn gối thì ăn được nhiều, ai thẳng thắn quá thì nhịn cho khỏe bụng nhé. Lời ngay thẳng mấy ai nghe mà tin!
      Em cảm thấy mệt mỏi rồi chị ạ.

      Xóa
    5. Cám ơn Nhật Thành đã tham dự đối làm cuộc chơi thêm phần rôm rả. Thực chất làm câu đối tuy không khó lắm song nó hơi mất thì giờ và nếu không chuyên tâm thì thường khó lòng hứng thú với nó.
      Vế đối của Nhật Thành theo thiển ý của chị là khá ổn. Tuy nhiên chị chỉ hơi băn khoăn rằng nỏ biết "Cong ăn thẳng nhịn " đã đúng là thành ngữ chưa? Mặt khác cụm từ"ai dễ" đối với "xưa nay" thì cũng còn chút gượng. Nhưng dù sao ít tham gia vào trò chơi này mà làm được như rứa là ổn zùi.

      Xóa
    6. Môn đối này , lão xin ngồi nghe vì có biết chi mô mà...đối. Thậm chí tuc ngữ hay thành ngữ lão cũng chưa phân định ra được. Một thời lão rất thìch đọc sách về ngôn ngữ của Đào Thản , Hoàng văn Hành...vì đọc nó như lạc vào mê hồn trận. Nhưng xong rồi thì cũng coi như ...xong luôn .
      Đọc hết bài và cả những phân tích cụ thể cho từng vế đối , thật hấp dẫn vì ngôn ngữ được biến hóa như ảo thuật. Lão thử làm một câu , nhờ chị chấm điểm xem nhé .
      Lão thích Nhật Thành
      Nhật thành thương Lão .
      Có ...được không - thưa giám khảo ? hehe

      Xóa
    7. Đúng là lão Tan khôn đến rạc người đi chỉ còn da bọc xương thôi.
      Câu đối của lão theo giám khảo ST thì đạt điểm trung bình về đối nhưng đạt điểm xuất sắc về khôn và điểm sồn sồn về iu. Hì...Hì...Nếu muốn câu đối trên của lão chuẩn không cần chỉnh thì phải thay bằng:
      Tan Lão thích Nhật Thành
      Nhật Thành thương Tan Lão
      ( Vì yêu cầu đầu tiên của câu đối là phải bằng nhau về số từ trong từng thành phần đối. Cho nên Nhật thành không thể đối với mỗi từ Lão đâu nha)
      Lâu zùi lão mới sang thăm nhà ST đó nha. Hồi này bận đi đánh quả ở mô rứa? Có xơ múi gì không?

      Xóa
    8. Em đã bảo là không thèm chuẩn mà. Chị muốn chuẩn thì đối theo em chứ em không theo chị. He he...vì em không biết đối.Vả lại, "xuất đối dĩ, đối đối nan ", chị giỏi hơn em thì làm cái việc khó hơn đi, em chỉ đưa ra một câu....không đối vậy thôi.
      Chị nên nhớ đặc điểm tính cách này của lão Tan: khi lão nói rứa là nỏ phải rứa. Chị đừng thật thà mà lo chỉnh với sửa như thế cho mệt!

      Xóa
    9. Rứa là em và lão Tan lại có thêm một điểm chung là cùng ngang bướng đó nha.
      Ha...Ha...

      Xóa
  11. Thăm chị -đọc bài và suy ngẫm chị à -cái này thì em còn kém lắm lên không dám nói chị à -
    Chúc anh chị chủ nhật an bình -hạnh phúc nhé -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Minh Lê, cứ sang thăm là mình vui rồi. Trò chơi câu đối này chỉ thịnh hành trong thời phong kiến thôi. Ngày nay nước mình ít người để ý đến nó lắm, nhất là thế hệ trẻ thì hầu như không quan tâm nên không làm. Chứ thực chất nó không khó đâu Minh Lê ạ. Giỏi thơ như em làm là ngon đó nha

      Xóa
  12. cái nầy thiệt có bó tay
    em đây dở ẹt sang đây chỉ chào.
    ví bằng chị có nói sao
    em xin chúc chị khi nào cũng vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn nhiều nhé Mẫn ơi
      Em sang đây đọc( là chị) mừng rồi đó nha
      Chúc luôn mạnh giỏi em à
      Tình thân em chị dẫu xa vẫn gần

      Xóa
  13. Thỉnh thoảng sang chị nghe, đọc bàn luận thấy giá trị và rất hay
    chúc chị tuần mới vui và HP ạ

    Trả lờiXóa
  14. Thỉnh thoảng chị em mình lại sang thăm và chia sẻ, tâm sự cùng nhau là vui rồi em ha.
    Chúc em vui, khỏe, trẻ đẹp mãi nha

    Trả lờiXóa
  15. Anh và chị đều giỏi. Em bận suốt thời gian qua, giờ em đi các nhà hàng xóm đọc bù chị ạ! Bài nào không đọc được em tiếc lắm!

    Trả lờiXóa
  16. Cứ thỉnh thoảng em ghé chơi là chị vui rồi. Nói chung anh và chị chủ yếu là làm những công việc của một nhà giáo nên làm thôi. Chứ em mới là người làm thơ tình giỏi. Vì thơ em ám ảnh lắm!

    Trả lờiXóa