Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

TIẾNG VIỆT THỰC HÀNH

CẦN ĐƯA MÔN TIẾNG VIỆT THỰC HÀNH
VÀO GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG QUÂN SỰ QUÂN KHU
TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Vũ Thị Song Thu
Giáo viên Khoa văn hoá TQSQK

Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, là phương tiện để biểu đạt tư tưởng tình cảm của con người, để giao tiếp trao đổi mọi vấn đề trong cuộc sống xã hội giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các tổ chức với nhau… Mỗi quốc gia dân tộc lại có một ngôn ngữ riêng gắn liền với quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc đó. Ngôn ngữ chung của dân tộc Viêt Nam ta là Tiếng Việt.Trải bao thăng trầm của lịch sử, vượt lên âm mưu đồng hoá của phong kiến phương Bắc và thực dân đế quốc, Tiếng Việt vẫn tồn tại phát triển và đạt được phẩm chất trong sáng. Tuy vậy, trong thời kỳ mở cửa hội nhập hiện nay tình trạng pha tạp lai căng do lạm dụng tiếng nước ngoài (nhất là Tiếng Anh) trong giao tiếp đang diễn ra ngày càng nhiều nên hơn bao giờ hết, vấn dề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt cần được đặt ra. Bởi vì, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong giao tiếp không chỉ giúp cho việc diễn đạt các vấn đề được rõ ràng, mạch lạc, dễ tiếp thu mà xét đến cùng, đó còn là tình yêu đối với ngôn ngữ dân tộc, là một mặt quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.”*
Như vậy giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, làm cho Tiếng Việt được phổ biến ngày càng rộng khắp là trách nhiệm, tình cảm của mỗi người Việt Nam, trong đó có “Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng ta cần học tập cách giao tiếp ngắn gọn, súc tích và trong sáng đến mẫu mực của Bác. Đồng thời phát động phong trào sâu rộng trong toàn quân học hỏi nâng cao tầm hiểu biết và sử dụng chuẩn xác ngôn ngữ Tiếng Việt, góp phần tích cực vào việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ nước nhà.
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong giao tiếp nghĩa là giữ cho lời nói, câu viết sáng rõ về ý nghĩa, trong trẻo về ngôn từ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng chỉ ra rằng: (“Trong” nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục; “sáng” nghĩa là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói, nó phát huy cái “trong” nhờ đó phản ánh được tư tưởng, tình cảm (…) diễn tả trung thành những điều chúng ta muốn nói)**. Còn nhà thơ Xuân Diệu thì cho rằng: “Sự trong sáng của ngôn ngữ là kết quả của một cuộc phấn đấu. Trong và sáng dính liền nhau.(…) chữ “sáng” là nặng về nói nội dung, nói tư duy và chữ “trong” là nặng nói về hình thức, nói diễn đạt (và cố nhiên là nội dung và hình thức gắn liền). Cho nên phải phấn đấu cho được sáng nghĩa, đồng thời lại phải phấn đấu cho được trong lời”***.
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong giao tiếp được biểu hiện cụ thể như sau:

Nói và viết tuân thủ đúng các chuẩn mực, các quy tắc của Tiếng Việt trên các phương diện: phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, tạo lập văn bản, tiến hành giao tiếp. Nghĩa là, phát âm và viết phải đúng chính tả; dùng từ có chọn lọc để đạt độ chính xác cao, không dùng từ tuỳ tiện chưa đúng ý hoặc sai ý định giao tiếp; lời nói, câu viết phải đúng quy tắc ngữ pháp, tránh rườm rà, lủng củng, cộc lốc, không trọn nghĩa; tạo lập văn bản đúng phong cách giao tiếp và tiến hành giao tiếp phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể.
Nói và viết không pha tạp, lai căng. Nghĩa là trong quá trình nói và viết không được tuỳ tiện sử dụng không cần thiết những yếu tố ngôn ngữ nước ngoài khi mà ngôn ngữ nước ta hoàn toàn có khả năng diễn đạt ý nghĩa đó. Việc lạm dụng tiếng nước ngoài sẽ làm tổn hại sự trong sáng của Tiếng Việt. Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ nước ta không thể diễn đạt thật chính xác hoặc chưa có để diễn đạt một khái niệm nào đó thì ta cần phải vay mượn tiếng nước ngoài. Sự vay mượn này sẽ làm phong phú thêm ngôn ngữ nước nhà. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng làm như vậy. Thậm chí có những từ ngữ mà ngôn ngữ nước ta cũng có nhưng trong những trường hợp cụ thể nhất định vần cần phải vay mượn. Chẳng hạn như từ “phụ nữ” và từ “đàn bà” là hai từ đều chỉ khái niệm về phái nữ. Nhưng trong giao tiếp, ta dùng “Đại hội phụ nữ” chứ không dùng “Đại hội đàn bà”, mặc dù từ “đàn bà” mới là từ thuần Việt, còn từ “phụ nữ” là từ Hán-Việt.
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt còn được biểu hiện ở tính lịch sự, văn hoá trong lời nói. Nói năng thô tục, thiếu văn hoá không chỉ làm mất đi vẻ đẹp, sự trong sáng của Tiếng Việt mà còn làm mất đi cả phong thái lịch thiệp, nhã nhặn, thậm chí làm mất đi nhân cách, phẩm hạnh của người giao tiếp và gây phản cảm với những người xung quanh. Các cụ xưa từng nói: “Người thanh tiếng nói cũng thanh” và truyền dạy con cháu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Như vậy giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong nói và viết không chỉ đạt được mục đích trong giao tiếp mà còn thể hiện nét văn hoá, thanh lịch của con người.
Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, ở những nơi công cộng, ta còn thấy một số người nói năng, khiếm nhã, văng tục, chửi thề, hoặc nói năng cộc lốc, thô thiển, pha tạp, hổ lốn, giở tầu, giở ta, giở Anh, giở Việt, nghe rất khó chiụ. Thảng hoặc, trong quá trình đọc sách báo, ta vẫn gặp một vài câu văn do người viết chen vào những yếu tố ngôn ngữ nước ngoài không cần thiết, khiến người đọc bực mình.
Ngay trong học đường, việc nói và viết của học sinh cũng còn nhiều điều đáng bàn. Có những học sinh đang học Trung học phổ thông mà viết giấy xin phép nghỉ học cũng chưa đúng. Một số sinh viên đại học vừa tốt nghiệp mà viết đơn xin việc làm cũng loay hoay, lúng túng, mãi không xong…
Trong Quân đội, một số học viên được chọn đi luyện thi vào các học viện, trường sỹ quan, nhưng khi viết một bài văn nghị luận vẫn chưa biết bố cục ; có học viên viết liền mạch không chấm, phảy gì; có học viên lại viết các mục, phần như trong bài giảng của giáo viên. Đó là chưa nói đến khá nhiều học viên trong viết chữ, tạo câu, diễn đạt ý còn mắc nhiều sai sót đến mức sơ đẳng. Ngay cả một số sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trẻ, trong nói và viết cũng còn nhiều bất cập. Một số cán bộ lãnh đạo phàn nàn rằng, cấp dưới trình lên một bản kế hoạch, hoặc bản báo cáo còn mắc nhiều lỗi chính tả, kết cấu văn bản thiếu rõ ràng, mạch lạc; trong giao tiếp bằng lời nói thì vụng về, lúng túng, quanh quẩn mãi không diễn đạt được rõ ý định của mình. Một số ít đứng trước hàng quân nhận xét tình hình hoặc thông báo một vấn đề gì đó cũng còn rất lộn xộn, chưa thoát ý, khiến cho người nghe không lĩnh hội được tinh thần, nội dung cần truyền đạt.
Điều này có nguyên nhân chủ quan là do bản thân những cá nhân đó thiếu tinh thần chủ động học hỏi, rèn luyện trước khi nói hoặc viết. Có nguyên nhân khách quan từ việc dạy và học môn Tiếng Việt thực hành ở các cấp học chưa được quan tâm đúng mức.
Trong Trường Quân sự Quân khu, trước năm 2000, vẫn còn giảng dạy môn Tiếng Việt thực hành cho một số đối tượng học viên. Mặc dù thời lượng giảng dạy không nhiều, nhưng hiệu quả rất đáng quan tâm. Trong các giờ học môn Tiếng Việt thực hành, học viên rất hào hứng. Nhiều học viên tâm sự, qua học tập vỡ ra nhiều điều và thấy có tác dụng rất thiết thực trong quá trình học tập công tác. Nhưng từ năm 2000 đến nay, môn Tiếng Việt thực hành không còn trong chương trình giảng dạy tại Trường. Có lẽ điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến thực trạng nói và viết còn nhiều bất cập của một số cán bộ và học viên như hiện nay chăng?
Từ thực tế nêu trên, là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn trong Trường quân sự Quân khu, tôi thấy cần đưa môn Tiếng Việt thực hành vào chương trình giảng dạy các đối tượng học viên trong nhà trường như những năm trước đây. Trong đó nên tập trung vào các lớp: Đào tạo Cao đẳng quân sự, Đào tạo Cao đẳng Quân sự địa phương (QSĐP), Bổ túc trợ lý QSĐP Huyện, Bồi dưỡng kiến thức QSĐP cho Phó Trung đội trưởng (Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng) là QNCN, Bồi dưỡng kiến thức quân sự theo chương trình đào tạo Trung đội trưởng Bộ binh 801, Đào tạo Sỹ quan dự bị, Đào tạo Tiểu (khẩu) đội trưởng… Làm được như vậy, không chỉ giải quyết yêu cầu trước mắt giúp các sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp có ý thức nói và viết đúng theo quy chuẩn ngôn ngữ Tiếng Việt, mà sâu xa hơn là góp phần rất quan trọng vào việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, giữ gìn tinh hoa văn hoá Việt Nam, tô thắm thêm hình ảnh người quân nhân vừa hồng vừa chuyên vừa mẫu mực trong văn hoá giao tiếp.
Để phù hợp với chương trình đào tạo trong nhà trường và đạt được hiệu quả thiết thực, chúng tôi xin đề nghị giảng dạy môn Tiếng Việt thực hành với thời lượng và hình thức hợp lý. Nội dung môn học cho mỗi đối tượng nên tập trung vào 3 phần:
- Nguồn gốc và đặc điểm ngôn ngữ Tiếng Việt.
- Ngữ pháp Tiếng Việt.
- Phong cách giao tiếp.
Ý kiến đề nghị của chúng tôi không phải khẳng định rằng chỉ bằng vài chục tiết giảng dạy môn Tiếng Việt thực hành là ta đã hoàn toàn giúp cho học viên biết dùng từ, đặt câu, tạo lập văn bản một cách chuẩn mực, mà qua giảng dạy, giáo viên vừa kích thích hứng thú học tập, vừa định hướng giúp học viên tự tìm tòi, suy nghĩ học hỏi thêm trong quá trình giao tiếp để sử dụng Tiếng Việt ngày càng hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho cuộc sống, công tác. Và như vậy tác dụng của việc giảng dạy môn Tiếng Việt thực hành thật không nhỏ chút nào!
Hiện nay trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế để kế thừa và phát huy vốn ngôn ngữ giàu đẹp của cha ông truyền lại, chúng ta kiên quyết “hoà nhập”, chứ không “hoà tan”, sẵn sàng tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, học hỏi thêm nhiều ngôn ngữ nước ngoài để mở rộng tầm hiểu biết về thế giới. Nhưng không phải từ đó mà lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài, làm lu mờ ngôn ngữ nước ta, khiến nó trở nên lai căng, pha tạp, mất trong sáng. Ngược lại, qua học hỏi, chúng ta càng nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ Việt Nam, làm cho ngôn ngữ dân tộc ngày càng phát triển và được phổ biến rộng rãi. Trong quá trình đó, mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải là những người đi đầu, gương mẫu.
Vũ Thị Song Thu
(Bài đã đăng ở "Tạp chí nghiên cứu khoa học quân sự Quân khu 3", số1(47) tháng 3 năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét