Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

GỌI THẦY TƯ

                                  
            Thầy Minh Tư bận những đâu
            Vui xuân hay lại ươn ao trong người?
            Văn thơ vắng bóng lâu rồi
            Trang  tri ân cứ bồi hồi chờ mong
                        Sao Đỏ: 25-2-2012
                        Vũ Thị Song Thu



                                

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Mặc đời

Tuy em đã thực sự về vườn
Mướp chẳng vàng hoa ngọn chẳng vươn
Trước cửa loi thoi vài luống bắp
Trong bình ngơ ngẩn mấy nhành dơn
Ao sâu thấp thoáng đàn mương lượn
Nước cả mơn man ngọn muống vờn
Quanh quẩn vào ra ngày mấy bữa
Mặc đời tranh cạnh giữa thua hơn.

Sao Đỏ 21/2/2012
Vũ Thị Song Thu

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

TRẦN TÌNH CÙNG BÁC TẠ ANH NGÔI

                       


            Trước hết em xin chân thành cám ơn bác vì những nhận xét đánh giá thật tốt đẹp về vợ chồng Tuân Thu. Thực ra em Song Thu vốn khá ngang bướng nên tính phục tùng chắc là hơi bị hiếm đấy ạ.
            Nhớ ngày còn là học sinh cấp 3, em chơi thân với Tuyết Thìn và Ái Lan. Bộ ba nữ quái này rất hay cãi lý với các bạn nam trong lớp. Thường thì trong những cuộc đấu khẩu đó, các đấng mày râu đều bị “ lấm lưng trắng bụng”. Tức quá, họ mới đặt vè rằng:
                                    Tuyết gàn, Song bướng, Ái ngang
                                    Dây vào ba vị chết oan có ngày
            Đến sáng hôm nay, một bác hàng xóm sang chơi, phàn nàn rằng vợ và con gái ngang  quá, không bảo được.Chẳng biết bác Đỗ Đình Tuân xem xét ở đâu mà lại phán rằng: “Theo phong thủy thì ở dải đất này, đàn bà, con gái ngang bướng lắm. Bà Thu nhà tôi cũng bướng bỉnh lắm chứ chẳng ngoan hiền như mọi người nghĩ đâu”.
            Giật mình, ngẫm lại bản thân mình, hắn thấy mình cũng cứng đầu ra phết.Vì vậy, đọc vế ra đối của bác, thấy bác khen là biết tuân lời, hắn cảm thấy sung sướng lắm. Mũi hắn phập phồng, miệng toe toét ra chiều thích thú ghê. Cho nên, dù vế ra đối rất khó, hắn vẫn cặm cụi, mầy mò tìm cách đối lại. Nhưng than ôi, thử hết cặp này đến cặp khác trong xóm Tri ân, hắn vẫn không thể nào đối được. Tức quá, hắn vò đầu dứt tóc mãi và lòng tự nhủ lòng rằng thôi thì thử tìm những cặp đôi khác ngoài xóm Tri Ân xem sao. Tìm mãi, không ra, hắn định giơ tay đầu hàng để “ thỉnh tiên sinh tiên đối”. Bỗng hắn thấy vợ chồng nhà Tấn Cốc gần nhà hắn to tiếng . Hỏi ra mới biết chỉ vì chồng hay cốc con ,vợ tức quá mà sinh chuyện. Hắn mới nảy ra vế đối lại rằng:
            Sang chơi nhà Tấn Cốc, thấy Tấn hay cốc con nên Cốc tấn công Tấn oang oang.
            Kể ra vế đối lại này cũng không tự nhiên và đăng đối  cho lắm, nhưng đó là vế đối khá hơn cả trong các vế đối của hắn. Hắn mong bác Tạ Anh Ngôi thông cảm và nương tay cho.
                                                Sao Đỏ ngày 19-2-2012
                                                Vũ Thị Song Thu

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Tội gì mà chịu ?


( Họa Nguyên vận bài Vợ chồng “son” của Đỗ Đình Tuân)


Đường đời con cái đã bon bon
Già cả ông bà lại hóa son
Má hóp răng long đầu đã bạc
Mắt tinh tâm sáng chí chưa mòn
Cơm nhà túc tắc không nhàm chán
Phở quán nhâm nhi vẫn khá ngon
Nếu yếu thì dùng " Nam Thận Bảo"
Tội gì mà chịu héo cùng hon.

Sao Đỏ 15/2/2012
Vũ Thị Song Thu

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Thư ngỏ gửi Minh Hương


                                    Thư ngỏ gửi Minh Hương

                        Sao Đỏ ngày 14 tháng 2 năm 2012
                                    Minh Hương thân yêu!

            Cám ơn bạn đã rất quan tâm, chia sẻ tới các bài viết của mình và khích lệ mình chăm viết bài hơn.
            Tuy nhiên mình cũng thú thực rằng máu viết của mình còn rất hạn chế, chưa có sự đam mê viết như thầy Tuân và các bạn. Mặt khác, mình vốn nhanh nhẹn hơn sên nên cứ quanh quẩn nhà cửa, chợ búa, cơm nước và thỉnh thoảng tiếp một vài người khách xóm là hết thời gian. Buổi tối mình lại hay xem phim truyền hình vả lại, lúc đó thầy Tuân cũng ngồi máy nên mình không thể viết được.
            Hôm nhận điện thoại của bạn, mình đã định viết một bài về Chí Linh, với những kỉ niệm về Côn Sơn nhưng rồi cứ lấn bấn mãi chưa viết được. Mình sẽ cố gắng viết hơn nữa để  không phụ lòng sẻ chia của các bạn
Bữa trước xem vườn mai cảnh của em Hữu Trung, mình mê lắm. Trung thật công phu và thật có máu đam mê cây cảnh. Mình cũng thích trồng cây cảnh lắm, nhưng lại chưa biết cách chăm sóc, cắt tỉa. Có lẽ phải nhờ đến sự tư vấn rất nhiều của nghệ nhân Hữu Trung thôi.
Nhân dịp đầu năm Nhâm Thìn này, mình gửi lời chúc chân thành nhất tới chị em Minh Hương. Chúc các bạn và gia đình một năm mới an lành thịnh vượng, vui vẻ và hạnh phúc, gặp thật nhiều may mắn trong cuộc sống

Vũ Thị Song Thu .

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

NĂM MỚI NÓI CHUYỆN CŨ


                       

            Cuối năm ngoái, vào blog của bác Đỗ Đình Tuân bắt gặp một vế ra đối khá dễ mà rất hóm: “ĐẾN ĐÔNG TRIỀU GẶP CÔ LUYẾN TƯƠNG TƯ”. Dễ vì, vế mời đối ngắn lại không sử dụng những từ đồng âm khác nghĩa lắt léo gì. Hóm vì, nó có hai từ chỉ tên của một cặp trong xóm Tri Ân. Không những thế, từ “ tương tư” trong vế ra đối cũng có tính chất lập lờ, đa nghĩa. Nếu hiểu đó là một nội động từ thì nó có nghĩa chỉ tâm trạng yêu nhớ thẫn thờ của con người khi vướng phải lưới tình. Còn nếu tách  ra thành hai từ thì nó lại mang ý nghĩa khác.
            Tôi khoái vế ra đối này và hí hửng viết ra một loạt vế đối lại:
                        1, Sang phố Hóp thấy chị Kim do dự
                        2, Ra Sao Đỏ thấy bá Hường khỏe mạnh
                        3, Vào làng Nẻo trông nhành lan thích thế
                        4, Về Lạng Giang thấy chàng Phong hóng mát
                        5,Ra bãi biển thấy nàng Kim ngắm cảnh.
            Viết xong, định đưa lên blog cá nhân ngay . Nhưng lại nghĩ rằng mình đối tham quá hết cả phần người khác nên chỉ đưa lên hai vế đầu.
            Cố nhiên, trong 5 vế đối lại của tôi không phải đã chỉnh hoàn toàn với vế ra đối mà chỉ đối được về mặt thanh điệu, địa danh, tên các cặp đôi trong xóm. Còn nội động từ thì chỉ có ở vế một và ba, các vế khác đều là ngoại động từ cả. Tuy vậy, nội động từ trong vế một, nếu tách đôi ra nghĩa của nó cũng không sang rõ và không thể có cái hóm như vế ra đối.Duy chỉ có vế thứ ba là ổn hơn cả. Vì vừa có nghĩa rõ ràng là mình trông thấy một nhành lan đẹp mà thích thú lắm lại vừa ỡm ờ nói đến cô Lan thích anh chàng Thế nhà ta, giống như cái ý ỡm ờ trong vế ra đối : “Cô Luyến tương tư” vậy
            Khi vế mời đối của bác Đỗ vừa được đưa lên blog Trian  tôi  thấy bác Thanh Dạ đối lại ngay: “Ra Sao Đỏ thấy thầy Tư lưu luyến”. Lúc này tôi mới ngớ người ra. Trời đất! Đúng là một vế đối chỉnh đến không thể khe vào đâu được. Tôi giận mình lắm. Một vế đối lại ngay trước mắt mà mình không nghĩ ra. Cứ mải đi tìm những cặp đôi khác mà không biết rằng chỉ đảo lại là xong.  “Thầy tư lưu luyến’ mà đối với “ cô Luyến tương tư’ thì tuyệt thật! Nó vừa tự nhiên lại vừa hóm. Đủ cả cái nghiêm túc, đăng đối mà vẫn không thiếu cái ỡm ờ, đa nghĩa
            Đã bước sang năm mới gần một tháng rồi, hôm nay tôi mới viết bài này, vừa như một bài khai bút vừa như một lời tự nhắc với mình rằng trước bất cứ một vấn đề gì dù khó, hay dễ cũng cần lắng lại suy nghĩ chớ nên vội vàng thì mới mong có kết quả tốt đẹp. Cứ tự nhắc lòng vậy thôi chứ cái tính lau chau của tôi chắc khó mà sửa được. Người xưa chả nói rằng:  “giang sơn dị cải, bản tính nan di” đó sao?
                                                Sao Đỏ: 12-2-2012
                                                Vũ Thị Song Thu