Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

"CHỌI"


                                    
 Đó là tên một bài thơ của Nguyễn Xuân Hiểu mà tôi đã đọc được từ trang Weblog nguoichilinh.com trong mục Người Chí Linh viết, được đăng tải ngày: 7-8-2012 cùng với lời giới thiệu của quý báo: “Chỉ là những trò chơi song cũng để lại cho tác giả Nguyễn Xuân Hiểu những suy ngẫm sâu sắc. Xin chia sẻ cùng quý vị”. Tôi thích bài thơ này ngay và rất thích  tên bài thơ. Vì vậy, viết cảm nhận của mình về bài thơ này tôi xin mượn nguyên tên bài của tác giả:
                                   
CHỌI

            1, Choi Dế:
                        Thấp bé như con Dế
                        Cũng nhảy vào chọi nhau
                        Trẻ được phen tít mắt
                        Dế long càng gãy râu
            2, Chọi Gà:
                        Có điều chi cay cú
                        Mà “ Đỏ mặt tía tai”
                        Cả hai cùng tóe máu
                        Gà chọi ganh nhau tài
            3, Chọi Trâu:
                        Cứ lao đầu vào húc
                        Các chú Trâu tranh hùng
                        Thắng thua đều thịt tất
                        Tan đời vì vui chung
            4, Chọi Người:
                        Cứ nhằm mặt mà đấm
                        Gục xuống sàn là thua
                        “ Chọi Người”. Ôi! Ghê quá
                        Sao lắm người vẫn đua
                                    Lời kết
                        Thôi thì các con vật
                        Cứ để chúng chọi nhau
                        Riêng “ Chọi Người” nên bỏ
                        Bởi: Thiếu trò chơi đâu
                                    Nguyễn Xuân Hiểu
                                    Nguồn: nguoichilinh.com
Tôi biết Nguyễn Xuân Hiểu từ khi ông còn là Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Văn An huyện Chí Linh ( nay là phường Văn An thị xã Chí Linh). Ngày đó, ông cùng ông xã tôi chơi trong Câu lạc bộ Các nhà giáo yêu thơ. Tuy nhiên, hồi ấy tôi đang còn đi làm nên cũng không có thời gian đọc thơ của các vị. Bây giờ, ông đã về hưu và tôi cũng thế, tôi lại thấy thơ ông xuất hiện nhiều lần trên nguoichilinh.com. Đọc thơ ông, tôi có cảm nhận ông khá đa tình và đa cảm. Bởi vì tôi bắt gặp trong thơ ông những rung động tinh tế có sức lay động và khơi gợi tình yêu thương trong tâm hồn con người. Những bài thơ: “ Quan họ muộn về”  hay “ Có một kiếp người” của ông đã để lại nhiều dư ba trong lòng tôi về một kiếp người nhỏ nhoi, bơ vơ, nổi lênh, đầy bất trắc hoặc một mối tình muộn màng rất nồng nàn nhưng cũng lắm băn khoăn.
Riêng bài thơ “Chọi” lại cuốn hút tôi bởi cách kết cấu chặt chẽ, chi tiết chọn lọc, ý tứ sâu sắc và cách mô tả cô đọng nhưng vẫn rất sinh động và nhiều cảm xúc. Bài thơ có năm khổ, mỗi khổ bồn câu rất ngắn gọn. Trong đó bốn khổ miêu tả cảnh “ chọi” nhau của bốn loài là: Dế, Gà, Trâu và Người. Cảnh chọi nào cũng được ông khắc họa rất thú. Ví như để mô tả cảnh chọi nhau của các chú Dế, ông viết:
                                    Thấp bé như con Dế
                                    Cũng nhảy vào chọi nhau
                                    Trẻ được phen tít mắt
                                    Dế long càng gãy râu
Đọc khổ thơ trên, kí ức  tuổi thơ chợt hiện về rõ mồn một trong tôi. Đó là tuổi chăn trâu cắt cỏ trên đồng. Đám con gái thì thi nhau đi tìm cỏ gà chơi chọi. Còn bọn con trai lại hì hụi đào Dế rồi cho chúng chọi nhau. Có đứa bắt Dế từ mấy hôm trước, chăm bẵm cẩn thận lắm và theo lời chúng nói thì chúng còn rèn luyện cho Dế nữa, chẳng biết có đúng không. Chỉ biết rằng khi cuộc chọi Dế bắt đầu thì chúng chăm chú lắm. Rồi chúng reo hò, cười ầm ĩ. Có đứa còn bật khóc khi con Dế của chúng bị thua hoặc bị gãy càng. Ban đầu bọn con gài chơi chọi cỏ gà riêng một góc nhưng thấy trò chơi của bọn con trai rôm rả quá thì bỏ trò chơi của mình và sán vào xem. Rồi cũng hồi hộp, cũng reo hò, cũng cười tít y chang bọn con trai vậy.
Nếu viết về cảnh “ Chọi Dế”, Xuân Hiểu chú trọng tới hai chi tiết, hai cái thần của cuộc chọi là hình ảnh bọn trẻ cười “ tít mắt” với hình ảnh những chú “ Dế long càng gãy râu” sau trận đua tài thì viết về cảnh “ Chọi Gà”, ông lại khắc họa:
                                    Có điều chi cay cú
                                    Mà “Đỏ mặt tía tai”
                                    Cả hai cùng tóe máu
                                    Gà chọi nhau ganh tài
Ở đây  cụm từ “Đỏ mặt tía tai” gợi rất sống động về thần thái của các chú Gà Chọi còn từ “cay cú” và câu “Cả hai cùng tóe máu” lại thể hiện thật tài tình tính chất quyết liệt nảy lửa của cuộc chọi Gà. Miêu tả gọn mà sinh động và gợi cảm như vậy là tác giả đã không chỉ quan sát tinh tế mà còn rất chắt lọc ngôn ngữ .
Đến khi miêu tả cuộc tranh hùng nhanh, mạnh, dữ dội của các chú Trâu tác giả cũng chỉ dùng đúng một câu thơ năm chữ:
                                    “Cứ lao đầu vào húc”
Đặc biệt trong khổ thơ “Chọi Trâu” này, Xuân Hiểu lại muốn nhấn mạnh vào cái kết cục bi tráng của các chú Trâu :
                                    “Thắng thua đều thịt tất
                                    Tan đời vì vui chung”
Có chút gì như xót xa như tiếc nuối và thương cảm đọng trong những câu thơ trên.
Nhưng có lẽ đặc sắc và giàu cảm xúc nhất vẫn là khổ thơ miêu tả cuộc « Chọi Người » :
                                    Cứ nhằm mặt mà đấm
                                    Gục xuống sàn là thua
                                    « Chọi Người ». Ôi ! Ghê quá
                                    Sao lắm người vẫn đua
Trong khổ thơ này, tôi thấy tác giả đã rất sáng tạo khi đặt tên cuộc  thi « đấm bốc » của con Người là cuộc « Chọi Người ». Cuộc chọi này diễn ra không náo nức như « chọi Dế », không tưng bừng vô thức như « chọi Gà », không bi tráng như « chọi Trâu » mà lạnh lùng, lầm lũi và có ý thức, có chủ đích hẳn hoi. Vì vậy mà tính chất ghê rợn, man rợ cũng bộc lộ rõ hơn khi giữa con Người với nhau lại :
                                    Cứ nhằm mặt mà đấm
                                    Gục xuống sàn là thua
Trước cảnh tượng ấy, tác giả dường như không thể kìm nén lòng mình mà phải bật thốt lên :
                                    « Chọi Người ». Ôi ! Ghê quá
                                    Sao lắm người vẫn đua.
Tôi cũng có chung cảm giác này với Xuân Hiểu vì thế, mỗi khi bật ti vi lên mà thấy cuộc « Chọi Người » là tôi tắt đi ngay. Cho nên, tôi cũng rất đòng tình với ý kiến của Xuân Hiểu trong khổ kết bài thơ :
                                    Thôi thì các con vật
                                    Cứ để chúng chọi nhau
                                    Riêng « Chọi Người » nên bỏ
                                    Bởi : Thiếu trò chơi đâu
Đánh nhau để sinh tồn, để khẳng định thế mạnh, để chiếm lĩnh lãnh thổ kiếm ăn vốn là bản năng của con vật.Con Người có ý thức, có tri thức nên đã tạo ra được bao nhiêu trò chơi trí tuệ để bộc lộ tài năng, sức mạnh mà vẫn rất giàu tính văn hóa vẫn đậm chất nhân văn. Sao còn phải tạo ra trò chọi nhau thậm vũ phu và rất man rợ kia làm gì ? Tôi cứ nghĩ rằng nếu bớt đi những trò chơi mang tính bạo lực thô thiển kia, có lẽ con Người sẽ sống với nhau ôn hòa hơn, nhân ái hơn và cuộc sống chung của loài người sẽ yên bình, đẹp tươi biết mấy.
Sao Đỏ : 15-8-2012
Vũ Thị Song Thu .      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét