Hồi ấy, một lần, chàng với tay vào
chum để lấy thóc cho gà ăn. Không may, hoặc do tư thế với quá hay sao đó mà bị sún lưng. Đau đến hàng tuần liền, vận
động rất khó khăn. Vì thế, chàng mới làm một bài thơ như sau:
SÚN LƯNG
Ốm đau, bệnh tật thật vô chừng
Bốc thóc cho gà cũng sún lưng
Đi đứng nằm ngồi ra ngượng ngập
Cúi quay nghiêng ngửa hóa lừng khừng
Chạy vung xích chó thôi đành chịu
Nằm cạnh nhân tình cũng dửng dưng
Chỉ ước mong sao lưng dẻo lại
Chẳng dê thì chó cũng ăn mừng
Khi bạn bè đến thăm, chàng đọc bài thơ đó. Ai nghe xong cũng bảo là : “
Ông chỉ giỏi bao biện thôi, chắc là lại ham hố quá đây”. Thấy vậy,nàng mới nảy
ra bài thơ họa lại rằng:
SẼ MỪNG
Bệnh tật tại mi chẳng có chừng
Quá đà một chút hóa đau lưng
Quá đà một chút hóa đau lưng
Đêm dăm bảy trận la đà lả
Ngày một vài ca lửng lửng khừng
Lưng sún đâu chừa tình tính tính
Gối long nào chịu dửng dừng dưng
Này này tớ bảo cho mà biết
Bỏ tính kia đi, tớ sẽ mừng
Làm xong bài thơ, nàng đọc cho chàng nghe. Chàng cười và bảo : “ Em
chỉ giỏi bịa”. Nàng nói: “ Đã đành là thế! Nhưng rồi anh xem, thế nào mọi người
cũng sẽ cho là em nói đúng”.
Quả nhiên, hôm sau, khi mọi người sang chơi, trong lúc vui vẻ, chàng
và nàng đọc hai bài thơ đó, ai cũng cười ồ và phán rằng: “ Đấy, bà ấy đã nói
đúng, nói thật, còn ông chỉ né tránh, bao biện thôi”.
Từ thực tế trên, tôi cứ suy ngẫm mãi và chợt ngộ ra rằng, ở đời, ai
cũng muốn biết sự thật, nhưng không phải ai cũng tiếp thu được sự thật một cách
khách quan. Nhất là khi người ta đã sẵn trong đầu một định kiến, một thói quen
tư duy máy móc. Mỗi con người đều thế và nhiều khi cả xã hội cũng thế.
Nhìn vào lịch sử xa xưa trong thế giới, ta sẽ thấy câu nói bất hủ
của Ga Li Lê: “ Dẫu sao trái đất vẫn quay” khi đã bước lên giàn hỏa thiêu vẫn
còn như một minh chứng hùng hồn cho tinh thần quả cảm của một con người trí tuệ
hơn đời đã không chỉ tìm ra sự thật, dám nói lên sự thật mà còn quyết tâm bảo
vệ đến cùng sự thật dẫu có phải hi sinh cả tính mạng của mình. Đồng thời sự
kiện đó mãi mãi là một bản án đanh thép kết tội Giáo hội vì ngu xuẩn, ấu trĩ và tàn ác đã không nhận thức
được chân lý mà còn sát hại người tài hoa, dũng cảm một cách dã man.
Nhìn vào lịch sử nước nhà, ta lại thấy, trong suốt một thời gian
thật dài, chúng ta đã quen với thời bao cấp nên rất bằng lòng với chế độ bình
quân chủ nghĩa, với thói quen xếp hàng mất bao nhiêu là thời gian chỉ để mua
vài lạng thịt, chai nước mắm hoặc mấy lạng đường. Trong hoàn cảnh ấy, nếu ai đó
nói rằng mọi người hãy tích cực chăn nuôi, sản xuất tạo ra thật nhiều sản phẩm
rồi tự do bán, tự do mua sẽ chẳng có ai
dám tin. Thậm chí người ta còn nhìn nhận người vỡ vạc chút ít thùng vũng để tự
cấy lúa kiếm thêm chút lương thực trong lúc cuộc sống còn thiếu đói như một kẻ
tự tư, tự lợi. Chính tôi đã chứng kiến người ta đang tâm nhổ lúa của một bác
nông dân trong hoàn cảnh vỡ hoang thêm như thế. Một bằng chứng hiển nhiên nữa
là chính sách “ Khoán mười” mới mẻ của bác Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh
Phúc dẫu đã mang lại đời sống ấm no hơn nhiều lần cho nông dân so với việc tập
trung hợp tác hóa ruộng đất nhưng không
những không được chấp nhận mà bản thân bác còn bị một phen khốn đốn. Tất cả
những điều đó giúp ta hiểu sâu sắc hơn rằng: nhiều khi, sự thật và nhất là những
sự thật tiến bộ không dễ dàng được công nhận. Nếu nhà cầm quyền không có cái nhìn
tiến bộ, không đủ tầm bao dung chấp nhận những mới mẻ, những ý kiến trái chiều
mà bảo thủ cố chấp thì còn gây ra nhiều thảm họa khôn lường cho cá nhân con người
và kéo lùi cả sự tiến bộ của xã hội nữa chứ chẳng chơi. Cho nên trong bất cứ
thời đại nào,đất nước nào cũng cần lắm thay những người “ cầm cân nảy mực” có tài, có tâm, có dũng khí và có tư tưởng
dân chủ tiến bộ, luôn lắng nghe, thấu hiểu thì mới phát huy được nhiều nhất khả
năng của nhân dân để xây dựng đất nước phát triển, phồn thịnh.
Cũng cần xem xét việc không chấp nhận sự thật ở nhiều cấp độ khác
nhau. Nếu chỉ là do chưa hiểu, chưa tin ở sự thật ấy mà dẫn đến việc không chấp
nhận, không thực hiện theo sự thật đó thì những người ấy đáng thương hơn là
đáng giận, đáng trách. Nếu không hiểu không tin theo sự thật mà dẫn tới hành
động quy chụp thậm chí là đàn áp người dám nói lên sự thật thì tùy theo tính
chất của việc đàn áp mà kết tội kẻ đàn áp ngu xuẩn dã man kia. Còn nếu đã biết
sự thật đó là đúng nhưng vì lý do tư lợi mà chối bỏ sự thật, khống chế, đàn áp
người dám nói lên sự thật, hoặc bất chấp dư luận, tìm mọi thủ đoạn quyết làm theo ý
mình thì đó đích thị là những kẻ vô liêm sỉ, đã mất hết lương tri cần phải bị
trừng trị đích đáng. Hành động cố tình lấn chiếm biên giới biển đảo hiện nay
của nhà cầm quyền Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho kiểu bất chấp nói trên.
Tôi luôn tâm niệm và tin tưởng rằng: Việt Nam nói riêng và một số nước khác
nói chung đang bị Trung Quốc lấn chiếm đã nhận rõ điều này. Chắc chắn là họ
không thể không thực thi công lý và chính nghĩa.
6-8-2012
Vũ
Thị Song Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét