Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

" RIÊNG MÌNH ĐÁ ĐĨA", MỘT CẢM QUAN NGHỆ THUẬT ĐẸP



             

            Từ lâu, trang blog Triancuocđơi đã thành quen thuộc, thân  thiết với mỗi thành viên trong xóm Tri ân. Không phải vì đây là nơi tập trung những cây bút tầm cỡ, viết những bài tầm cỡ, đủ sức cuốn hút bất kì ai có máu văn thơ. Mà chỉ vì đó là nơi gặp gỡ, hội tụ của tình thầy trò, bầu bạn giữa những người thân thiết, quý mến, trân trọng nhau. Họ có thể chia sẻ với nhau những cảm xúc, những vần thơ, những câu chuyện do mình viết ra. Cũng có thể là những tác phẩm của ai đó mà họ đọc được thấy thú vị rồi đưa lên cho mọi người cùng thích thú với mình. Tôi đã đọc được bài thơ “ Riêng mình Đá Đĩa” của Huỳnh Văn Quốc do Nguyễn Tô Quang, một thành viên trong xóm Tri ân sưu tầm và thấy rất thích thi phẩm này. Có thể nói, đó là một bài thơ ngắn gọn không chút màu mè, hoa mĩ chỉ giản dị chân mộc, nhỏ nhẹ mà ý nghĩa vẫn rất sâu sắc
                        RIÊNG MÌNH ĐÁ ĐĨA
            Bãi đá hoang sơ nép mình ven biển
            Nhỏ nhoi một góc riêng mình
            Không ai buộc phải Hạ Long tráng lệ
            Không ai đòi phải huyền thoại Phong Nha

            Đây Đá Đĩa khiêm nhường bên bến vắng
            Vẫn mê người không bởi nét kiêu sa
            Ai đặt chân một lần lên bãi đá
            Sẽ nhiều lần nhớ lại lúc đi xa

            Những bức ảnh chụp từ gành Đá Đĩa
            Không ai lo từa tựa cảnh nơi nào
            Người đã đến và cả người chưa đến
            Vẫn ngạc nhiên một cảm xúc dâng trào

            Xin cảm ơn những bàn tay tạo hóa
            Đã nhắc tôi bài học thưở ban đầu
            Dẫu không mới nhưng muôn đời chẳng cũ
            Sáng tạo nào cũng không thể giống nhau
                                    Huỳnh Văn Quốc

            Ở đây, tác giả không nhằm mục đích tả lại gành Đá Đĩa cho mọi người lãm thưởng. Vì thế, ta không hề thấy rõ chiều kích, hình dáng, màu sắc hay đường nét của gành đá thế nào. Ta chỉ  thấy hình ảnh một gành Đá Đĩa đã được lọc  qua cảm quan nghệ thuật của thi nhân:
            “ Bãi đá hoang sơ nép mình ven biển
               Nhỏ nhoi một góc riêng mình”

Chỉ vậy thôi, hoang sơ, nhỏ nhoi mà gợi cảm lắm chứ!
            Dẫu cho, ngay sau đó, tác giả có dùng  thủ pháp nghệ thuật so sánh khá độc đáo: “ Không ai buộc phải Hạ Long tráng lệ / Không ai đòi phải huyền thoại Phong Nha ” thì cũng quyết không phải để đặc tả làm cho gành Đá Đĩa trở nên hoành tráng,hùng vĩ hay long lanh mĩ lệ hơn mà chỉ nhằm khắc sâu, nhấn mạnh vẻ bình dị, khiêm nhường của gành Đá Đĩa: “Đây Đá Đĩa khiêm nhường bên bến vắng”. Một điều đặc biệt nữa  là khi tác giả đặt Đá Đĩa cạnh “ Hạ Long tráng lệ” và “ Phong Nha huyền thoại” dường như cũng không có ngầm ý muốn sánh ngang hàng Đá Đĩa với hai danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước nhà. Nhưng cũng không vì thế mà Đá Đĩa  bị khuất lấp hoặc bị chìm đi trước hai danh thắng kì vĩ. Ngược lại, Đá Đĩa dẫu nhỏ nhoi, khiêm nhường vẫn dư sức cuốn hút hồn người; vẫn mãi mãi lưu lại những ấn tượng không thể mờ phai với những ai đã một lần đặt chân đến đó
“Đây Đá Đĩa khiêm nhường bên bến vắng
Vẫn mê người không bởi nét kiêu sa
Ai đặt chân một lần lên bãi đá
Sẽ nhiều lần nhớ lại lúc đi xa”

 Vì sao vậy? Đơn giản thôi, vì Đá Đĩa đặc biệt độc đáo,chỉ là chính nó, riêng nó, không hề lẫn với bất cứ sự vật, hiện tượng nào. Thậm chí nó cũng hoàn toàn riêng một vẻ chứ không hề giống với bất kì vỉa đá nào khác:
“ Những bức ảnh chụp từ gành Đá Đĩa
Không ai lo từa tựa cảnh nơi nào”

Bởi vậy Đá Đĩa không chỉ mê hồn những ai đã đến mà cả những người chỉ được nghe nói đến thôi hay chỉ được chiêm ngưỡng nó qua những bức ảnh chụp thôi vẫn khát khao muốn đến, vẫn trào dâng cảm xúc trước vẻ riêng biệt, độc đáo cũa nó.:
“ Người đã đến và cả người chưa đến
Vẫn ngạc nhiên một cảm xúc dâng trào”
Từ một hiện tượng thiên nhiên cụ thể đó, tác giả Huỳnh Văn Quốc đã rút ra một bài học sâu sắc về quy luật muôn đời của sáng tạo nghệ thuật:
“ Xin cám ơn những bàn tay tạo hóa
Đã nhắc tôi bài học thuở ban đầu
Dẫu không mới nhưng muôn đời chẳng cũ
Sáng tạo nào cũng không thể giống nhau”

Cũng có thể là tác giả đã ngộ ra vấn đề đó từ rất lâu rồi. Nhưng  hiện tượng tự nhiên này lại như một lời nhắc nhở , một kiểm nghiệm thực tế có tác dụng  củng cố vững chắc thêm trong ông về những đòi hỏi khắt khe mà tất yếu  của quá trình sáng tạo.Thế rồi, từ đó, ông muốn gửi gắm cảm nhận của mình vào thi phẩm “ Riêng mình Đá Đĩa” để chia sẻ với mọi người  bài học thuở ban đầu cho bất kì ai muốn bước chân vào con đường sáng tạo, nhất là sáng tạo nghệ thuật. Nếu muốn tác phẩm của mình sống được với thời gian hoặc neo đậu được chút ít nào đó trong lòng người đọc thì trước hết phải có những khám phá riêng, cảm nhận riêng trước mỗi sự việc, hiện tượng cụ thể; phải tạo ra được nét riêng mang dấu ấn cá nhân mình chứ không thể na ná ở đâu đó, từa tựa của ai đó được. Dẫu có thô mộc vụng dại nhưng là của chính mình của riêng mình thì vẫn quý hơn ngàn lần mềm mại mượt mà nhưng là bắt chước. Tôi nhớ một nhà văn Mỹ đã phát biểu về điều này trong một tác phẩm của mình là: “ Thất bại trong việc sáng tạo ra cái độc đáo vẫn tốt hơn là thành công trong việc bắt chước” ( Herman Melville) . Có thể thấy rằng, yếu tố riêng biệt độc đáo là đòi hỏi ban đầu đối với người sáng tạo tuy nhiên đó không phải là tất cả của thành công trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi vì một tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian, ngoài yếu tố riêng biệt, độc đáo còn phải có tính nghệ thuật, tính nhân văn sâu sắc…
            Đọc bài thơ của Huỳnh Văn Quốc, nhìn lại trang blog Triancuocdoi của xóm ta, tôi cứ lâng lâng một niềm tự hào và thích thú. Tôi thấy blog của xóm mình dẫu không hoành tráng, tầm cỡ như trăm nghìn blog khác nhưng đã thật sự là một gành Đá Đĩa nhỏ nhoi, khiêm nhường mà in đậm dấu ấn riêng. Mỗi thành viên trong xóm lại là một mảnh nhỏ trong gành Đá chung ấy.Ai cũng cố gắng đóng góp những tiếng nói của riêng mình, cảm nhận của chính mình để làm nên một gành Đá Đĩa đa sắc mà vẫn thống nhất trong một nét chung của tình yêu thương, niềm tri ân  cuộc đời. Dẫu rằng cách viết của chúng ta còn đơn giản, thơ ca của chúng ta còn phần lớn là “ Thơ tươi”, là văn vần và không phải không còn những bài na ná ở đâu đó hoặc lặp lại chính mình. Song chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để làm sao mỗi tác phẩm của chúng ta  đều là một cá thể riêng biệt . Chúng ta hãy cùng nhau hi vọng rằng  sẽ có một tác phẩm nào đó hoặc một vài câu thơ nào đó đủ sức vượt thời gian và được nhiều người yêu thích. Nếu không được như vậy thì chúng ta vẫn được giao lưu với nhau, được chia sẻ cùng nhau mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Cứ thế, chúng ta thêm yêu thương gắn bó với nhau hơn và càng thêm yêu cuộc sống, càng muốn sống ngày một tốt đẹp hơn. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!
                                                9-8-2012
                                                 Song Thu

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét