Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

XUÂN HẠ GIAO MÙA

Họa đảo vân bài HÒA KHƠI của bạn blog Quỳnh Lý Đức




Về đâu mê mải thế mây ơi
Xin hãy thung thăng ngắm biển khơi
Ngắm gió trùng dương nhè nhẹ thổi
Xem trăng đầu núi nhẩn nha chơi
Lô xô sóng lượn mênh mang nước
Bát ngát hương bay phảng phất đời
Trời Đất bước chân vào tháng hạ
Lòng Xuân còn lắm nỗi chơi vơi
                     16-5-2014
                      Song Thu

Phụ chép bài HÒA KHƠI
                   
                 HÒA KHƠI

        Mây  trắng  vô  cùng  mây  trắng  ơi
        Bến  bờ  tôi  đón  chốn  đầy  vơi
        Thọc  tay  mùa  thắm  xanh  mầm  nẩy
        Thả  mắt  trời  quang  ngát  biển  chơi
        Phới  phất   lòng  dâng  mơn  lượn  sóng
        Thang  thênh  bước  lộng  cợt  lung  đời
        Ngàn  phiêu  con  gió  về  giao  hưởng
        Hát  gọi  muôn  trùng  cuộc  viễn  khơi !

      
                          Quỳnh Lý Đức     

32 nhận xét:

  1. tôi nay hơi rãnh em sang chơi
    thấy mấy bài thơ họa cái chơi
    Thơ họa chưa vần đâu chị ạ
    Thôi thì em cứ họa chị ơi.
    Chúc chị vui ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ sang thăm chị là vui rồi
      Thích thú nối vần cho sướng thôi
      Chia sẻ đôi lời và chúc tụng
      Thế là buồn mấy cũng dần vơi
      Cám ơn NT nhiều. Chúc em hằng an

      Xóa
  2. Ngựa em tiện thể ghé sang chơi
    Thất ngôn bát cú bó tay thôi
    Đoc xong phục tài người xướng họa
    Chúc ngủ ngon nhé chị thu ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Ngựa đã vô tệ xá chơi
      Lại hòa thơ nữa quá vui rồi
      Đường thi xướng họa không hề khó
      Vài bận thử làm là được thôi

      Cầu chúc bạn hiền nhiều niềm vui
      Mỗi ngày thêm khỏe để rong chơi
      Thắm tình thi hữu trên blog
      Thương mến đong đầy nhé Ngựa ơi

      Xóa
  3. Đêm đã sâu rồi, thổn thức ơi
    Nỗi niềm chi rứa, hỡi chơi vơi
    Gối chiếc lạnh tanh, sờ giật nẩy
    Chăn đơn mỏng dính, nắm rụng rời.
    (Thôi, chỉ nghĩ đến đo là díp mắt lại rồi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thao thức chi mà cô giáo ơi
      Hỏi mình cô lại hỏi chơi vơi
      Chơi vơi chưa kịp trao lời đáp
      Nhắm mắt cô em đã ngủ rồi

      Nhắm mắt cô em đã ngủ rồi
      Nhật Thành ơi hỡi Nhật Thành ơi
      Hồn nhiên đến thế tuyệt với đấy
      Thao thức em là THAO NGỦ thôi !

      Xóa
    2. - Với NTH:
      "Em tôi buồn ngủ buồn nghê
      Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà"
      Khi nào ra ngoài này nha
      Chị ST sẽ thịt gà đãi em
      Ngủ đi em ngủ đi em...

      _Với Đ Đ T:
      Thật vui vì mình qua chơi
      Lại com đôi lời trêu NT đây
      Làm trang blog vui vầy
      Mong rằng mình hãy ngày ngày ghé thăm

      Xóa
  4. Xướng họa đều hay Thăm bạn và chúc vui nhiều sang tác hay nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Nhã My đã khen
      Làm mình hí hửng nhiều phen sướng hề
      Chúc bạn vui thật nhiều nha
      Mình sẽ sang nhà thăm bạn thường xuyên

      Xóa
  5. Muốn họa XUÂN HẠ GIAO MÙA chơi
    Thơ Đường luật chỉnh lắm ai ơi
    Thôi đành xin khất lần sau nhé
    Chúc chủ nhà luôn khỏe trẻ vui!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Quang Thứ là nhà thơ
      Chấp gì một kẻ nghiệp dư gà mờ
      Đùa anh một chút đó nha
      Đừng hờn em gái để mà buồn vương
      Chúc anh may mắn mọi đường
      Thơ hay, bạn quý, nhiều nường thầm yêu

      Xóa
  6. Cám ơn mọi người đã ghé thăm và có thơ chia sẻ cùng ST. Hôm nay, ST xin chia sẻ với mọi người một vài điều cơ bản về thơ thất ngôn bát cú và cách chơi xướng họa nhé.
    Theo ST biết thì thơ thất ngôn bát cú là một trong những thể thơ tiêu biểu của thơ Đường luật. Nó có nguồn gốc từ Trung Quốc, thịnh hành và phát triển rực rỡ vào thời nhà Đường. Nó du nhập sang Việt Nam và đã trở thành rất phổ biến, thậm chí nó còn trở thành một trong những yêu cầu không thể thiếu khi thi cử của thời phong kiến VN. Thể thơ này có quy định niêm luật rất chặt chẽ, khắt khe. Cụ thể, về kết cấu phải có bốn phần rõ ràng là :ĐỀ,THỰC, LUẬN, KẾT, mỗi phần hai câu. Câu một & hai thuộc phần ĐỀ; Câu 3 & 4 thuộc phần THỰC; Câu 5 & 6 thuộc phần luận; Câu 7 & 8 thuộc phần kết Trong đó hai cặp thực và luận phải đối nhau chan chát. Về luật bằng trắc phải tuân thủ: "Nhất tam ngũ bất luận; nhị tứ lục phân minh". Nghĩa là tiếng thứ nhát, thứ ba và thứ năm trong câu thơ không phải tuân theo quy luật gì, bằng hay trắc tùy ý. Nhưng tiếng thứ hai, tư và sáu thì kết cấu bằng trắc phải rõ ràng phân minh theo quy luật nhất định. Cụ thể nếu tiếng thứ hai mang thanh bằng, tức là không có dấu hoặc có dấu huyền thì tiếng thứ sáu cũng phải mang thanh bằng còn tiếng thứ tư phải mang thanh trắc, tức mang các dấu sắc, hỏi, ngã, nặng. Ví dụ:
    Cũng cờ cũng biển cũng cân đai.
    Ngược lại nếu tiếng thứ hai mang thanh trắc thì tiếng thứ sáu cũng phải mang thanh trắc còn tiếng thứ tư trong câu thơ đó phải mang thanh bằng. Ví dụ:
    Cũng gọi ông nghè có kém ai
    Về vần, thể thơ này bắt buộc phải có 5 vần. Nghĩa là các từ cuối trong câu một, hai, bốn, sáu và tám phải gieo vần với nhau.
    Ví dụ bài Ông nghè tháng tám của cụ Nguyễn Khuyến có 5 từ cuối trong các câu 1,2,4,6,8 là: ĐAI,AI,KHÔI,HỜI,CHƠI

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về niêm, thể thơ này yêu cầu câu một và câu tám phải dính với nhau, nghĩa là phải có kết cấu bằng trắc giống nhau. Nếu câu một, tiếng thứ hai mang thanh bằng thì tiếng thứ tư trắc và tiếng thứ sáu bằng .Câu tám cũng phải kết cấu như thế.
      Các câu còn lại sẽ là: Câu hai và ba dính với nhau và cùng có kết cấu là tiếng tứ hai trắc, bốn bằng và sáu trắc.
      Câu bốn và năm sẽ có kết cấu bằng trắc giống câu một tám, bằng, trắc, bằng
      Câu sáu và bảy lại có kết cấu bằng trắc giống câu hai, ba: Trắc, bằng, trắc. Ta có mô hình bằng trắc của tám câu trong toan bài ở các từ hai, bốn sáu như sau
      B,T,B
      T,B,T
      T,B,T
      B,T,B
      B,T,B
      T,B,T
      T,B,T
      B,T,B
      . Người xưa gọi kết cấu bài này là thể khởi bằng, nghĩa là tiếng thứ hai trong câu đầu mang thanh bằng.
      Ngược lại thể khởi trắc, nghĩa là tiếng thứ hai trong câu đầu mang thanh trắc thì kết cấu bằng trắc trong toàn bài sẽ có mô hình là:
      T,B,T
      B,T,B
      B,T,B
      T,B,T
      T,B,T
      B,T,B
      B,T,B
      T,B,T.
      Còn về họa thể thơ này, người xưa quy định bắt buộc như sau;
      Phải trả đủ năm từ vần của bài xướng một cách nguyên si. Ví dụ muốn họa bài ông nghè tháng tám thì bài họa cũng phải có đủ năm từ cuối trong câu 1,2,4,6,8 là các từ ĐAI,AI,KHÔI,HỜI,CHƠI. Tuy nhiên nếu là họa nguyên vận thì thứ tự các từ vần trong các câu phải tuần tự như bài xương. Nhưng nếu họa đảo vận thì năm từ vần ấy vẫn phải đủ nhưng có thể thay đổi vị trí tùy theo, một xuống,hai,bốn hay tám...
      Họa ngược vận thì bài họa có từ mang vần trong câu một là từ mang vần trong câu tám của bài xướng . Và từ mang vần trong câu tám bài họa lại là từ mang vần trong câu một của bài xướng. Tóm lại là hai từ mang vần trong câu một và câu tám của bài xướng bị đảo ngược trong bài họa, còn các từ mang vần trong các câu khác vẫn giữ nguyên vị trí.
      Về phần họa còn một quy định bắt buộc nữa là các từ áp vận của bài họa không được lặp lại các từ áp vận trong bài xướng. Ví Dụ trong bài xướng là TRÙNG KHƠI thì trong bài họa phải là BIỂN KHƠI, NGOÀI KHƠI hay X KHƠI mà trong đó X khác BIỂN.
      Sau này, nhiều nhóm chơi xướng họa còn đặt ra các tiêu chí khắt khe khác như bài họa và bài xướng phải cùng chủ đề, các từ mang vần phải cùng ý nghĩa chứ không được là từ đồng âm khác nghĩa v,v và v,v...Nhưng nhìn chung ít ai theo mà đa phần chỉ theo những quy định bắt buộc như tôi đã nêu ở trên.
      Xét ra như thế thì họa thơ thất ngôn bát cú còn dễ hơn họa thơ lục bát. Vì nó ít từ mang vần hơn. Thơ lục bát thì câu lục có một từ mang vần ở cuối câu, gọi là vần chân. Còn câu bát lại chứa hai từ mang vần là từ thứ tám và từ thứ sau. Nghĩa là có cả vần chân và vần lưng nữa. Họa được nó theo đúng luật thật khó lắm thay!
      Sở dĩ hôm nay ST viết những lời này vì thấy mọi người cứ đề họa thơ.Liệu như thế có hợp lý ? Hay ta nên dùng từ khác như nối lời hay họa theo mấy ý thơ thì có vẻ chính xác hơn chăng, khi mà ta chưa đáp ứng đầy đủ các quy định của xướng họa mà người xưa đã đề ra. ST viết ở đây chỉ mong mọi người đọc và cùng trao đổi chứ không có ý hướng dẫn chỉ bảo gì đâu ạ. Xin mọi người hiểu và lượng thứ cho. ST xin cám ơn ạ

      Vì nhận xét quá dài, không xuất bản một lần được. ST tách ra làm hai đấy ạ

      Xóa
  7. Cảm ơn ST(cho phép được gọi tên hoặc gọi bạn nhé !) đã có bài họa đảo vận khi đến thăm nhà,quỳnh cũng bài họa lại,nay quỳnh chép lại đây để đọc vui nhé !

    Mây bay mê mải cứ rong khơi
    Con gió ruổi lòng gọi ới ơi
    Trăng nước bến xưa nguồn cội đón
    Truông ngàn quê cũ hải hồ chơi
    Mai kia chiếc lá khi cành rụng
    Mốt nọ tim người cũng máu vơi
    Lang bạt chi hoài giấc mộng hão
    Về đây giản dị sống như đời !

    Chúc cuối tuần vui khỏe !

    Trả lờiXóa
  8. Rất vui khi bạn ghé nhà. Mình cứ gọi tên hoặc gọi bạn cho thân mật, nếu đồng trang lứa. Nhưng nếu Quỳnh nhiêù tuổi hơn thì ST xin gọi bằng anh cho phải phép.
    Chúc Quỳnh hằng vui!

    Trả lờiXóa
  9. Thơ xướng, thơ họa đều hay
    Thất ngôn bát cú nơi này ngặt nghiêm.

    Trả lờiXóa
  10. Xin chào người bạn mới
    Tím một màu thủy chung
    Hôm nay tới tệ xá
    Và sẻ chia đôi dòng

    Chúc bạn luôn vui khỏe
    Bình an và thong dong
    Đẹp tươi như hoa tím
    Không buồn hè, sầu đông.

    Nếu tìm ra nhà bạn tôi nhất định sẽ tới thăm để sẻ chia, trao đổi và học hỏi đấy ạ

    Trả lờiXóa
  11. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  12. Mình có bài thơ 7 chữ. Không biết có sai ít hay nhiều. Mong bạn chỉ thêm ..

    Tìm bóng năm xưa nơi chốn này
    Đắng cay còn nhớ mãi chưa phai
    Lối mòn trăng vỡ hoài u uẩn
    Suối lệ tiếc thương lời nói hay

    Nhớ mãi cung đàn vương lỗi nhịp
    Tình mình dẫu biết chẳng ngày mai
    Vết sầu ngang trái còn trăm mối
    Chấp cánh chim trời mỏi cánh bay...

    Chúc bạn cuối tuần vui vẻ và hanh phúc bạn nhé. Thân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thể thơ 7 chữ nếu viết theo kiểu này nó cho phép rất tự do, không phải tuân thủ niêm luật đâu bạn ạ - kể cả bằng trắc lẫn vần điệu
      Nhưng nếu bạn muốn 8 câu thơ trên tạo thành như kiểu hai bài thơ tứ tuyệt thì khổ một của bạn là chuẩn còn khổ 2 thì chưa chuẩn về vần.
      Bởi vì dang thơ thất ngôn tứ tuyệt trong khuôn khổ Đường thi nó gồm bốn phần. Mỗi phần một câu gọi là: KHAI ,THỪA,CHUYỂN, KẾT,có sách gọi phần kết là HỢP. Khai tức là mở ra, là nêu vấn đề; thừa là tiếp theo ý của phần khai; chuyển là đưa tới một ý mới; kết là gói lại và mở rộng nâng cao hơn ý tưởng...
      Ở loại thất ngôn tứ tuyệt này có người gọi nó là loại thơ bốn câu ba vần:" Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần"- KIỀU, ND. Nghĩa là nó phải có ba từ mang vần ở cuối câu 1,2 và 4 như khổ một của bạn.
      Còn khổ hai, nếu lấy từ cuối câu một làm từ mang vần thì bạn phải thay từ cuối câu hai và bốn cho hợp với vần đó và các từ ấy phải mang vần trắc. Ví dụ kíp, kịp chẳng hạn.
      Hoặc có thể bạn giữ các từ mang vần trong câu hai và bốn thì bạn phải đổi từ cuối câu một.
      Riêng về luật bằng trắc thì ở cả hai khổ thơ trên bạn đã làm rất chuẩn theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt rồi. Bởi cả hai khổ thơ bạn đều sử dụng thể khở trắc. Vì thế các tiếng thuws2,4,6 trong câu 1&4 sẽ lafT.B.T và thư tự đó trong câu 2&3 là: B.T.B. Nó sẽ ngược lại với điều này nếu bạn làm theo kiểu khởi bằng.
      Cám ơn bạn đã tin tưởng trao đổi với mình nha. Chúc bạn khỏe vui, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn

      Xóa
  13. Chị ơi em chẳng biết trắc - bằng
    Cứ ngồi ghép chữ tạo thành "thể thơ"
    Nhiều khi chẳng hiểu cái chi
    thôi thì cứ viết, có còn hơn không?
    ===
    thăm chị CN vui ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất nhiều bài thơ không vần luật bằng trắc chi hết mà vẫn hay nổi tiếng đó em. Ví dụ như bài CHÀNG NGỐC của một cô gái Ba Lan viết khi 16 tuổi:
      Em bảo anh cút đi
      Sao anh không đứng lại
      Em bảo anh đừng đợi
      Sao anh lại về ngay
      Lời nói gió thoảng bay
      Đôi mắt huyền đẫm lệ
      Sao mà anh ngốc thế
      Không nhìn vào mắt em.
      Hay như bài NGƯỜI ĐẸP của nhà thơ dân tộc nước mình, Lò Ngân Sủn chẳng hạn
      Người đẹp trông như tuyết
      Sờ vào lại thấy nóng
      Người đẹp trông như lửa
      Chạm vào lại thấy mát
      Người không khát trông thấy người đẹp cũng khát
      Người không đói trông thấy người đẹp cũng đói
      Người muốn chết trông thấy người đẹp thì không chết nữa
      Ơ người đẹp như tấm gương treo trước mắt mọi người.
      Cố nhiên đó là họ làm thơ tự do. Còn đã làm thơ lục bát hoặc thơ đường luật hay song thất lục bát chẳng hạn thì phải tuân thủ theo quy chẩn của nó em à.
      Nói là nói chung vậy thôi chứ chị em mình là dân nghiệp dư, làm thơ chơi cho vui thì cứ viết theo ý mình. Được câu nào, bài nào hay thì tốt không thì cũng chẳng sao miễn là được chia sẻ giao lưu với nhau là khoái rồi. Đúng không em.
      Đến như các nhà thơ chính hiệu kia họ còn phải thốt lên:
      Để người đọc nhớ một câu
      Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành
      Chúc em ngày cuối tuần vui vẻ và đón một tuần mới thật nhiều điều an lành may mắn nha!

      Xóa
  14. Em theo chị mấy câu 7 chữ cho vui ! em hết tâm trạng tìm từ đối chị vui nhé
    Cuối trời hẹn gặp nhé Mây ơi
    Buồm thắm thuyền tình vượt sóng khơi
    Lãng tử phong lưu hoài ngóng đợi
    Trăng vờn mặt biển ý đùa chơi
    Ngàn sao muốn ngỏ rằng đang vội
    Tất bật tặng trao hương sắc đời
    Nhộn nhịp đó đây xuân tạm biệt
    Biết rằng đang đợi…Hạ đầy vơi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em đã sang thăm và có thơ họa cùng chị cho vui. Bài họa của em rất chuẩn về luật bằng trắc, nhưng chưa đăng đối ở hai cặp thực và luận. Hơn nữa nếu em họa lại bài của chị thì còn một từ áp vận bị lặp lại (mây).
      Tuy nhiên chị em mình cứ hòa vui là chính mà em. Lúc nào chị cũng vui khi được em sang thăm và chia sẻ

      Xóa
    2. Ôi chị ơi! em chỉ có ý theo chị cho vui chứ không dám Hoạ đường luật đâu chị ơi! đầu óc em mấy hôm nay đang TỰ DO sợ con ma đối ý đối thanh đối từ nó bắt ....huhuhu
      Mà em cứ thích khuôn khổ của Đường mà không gò đối trong hai cặp Luận và Thực...như vậy đôi khi ý và từ rất thích...
      (nói nhỏ chứ sợ các nhà thơ Đường Luật mắng) . Chữ mây em cố đưa vào đấy nhưng chị mây em MÂY mà....hihihi cãi cùn đôi khi có lợi h chị ha... vui chị nhé. Bữa nào rảnh em sẽ hoạ thơ Đường Luật với chị ạ!

      Xóa
    3. Ừa chị cũng thích tự do cho thoải mái. Gò bó trong khuôn khổ mệt chết đi được. Không phải người xưa đã gọi thơ Đường là bắt voi bỏ rọ đó sao? Thơ hay là bởi ý , tình, hình , nhạc chứ không bởi thể thơ mà em. Có điều nhân đây ta bàn bạc về thể thơ Đường luật cho vui thôi em ạ

      Xóa
  15. NT họ Hồ, dây mơ rễ má với Hồ Xuân Hương, tập tọng làm bài thơ đường mang tính ngẫu hứng, gửi chị:
    Bài 1: THỬ GIÀY
    Da em mềm mại, đế êm êm
    Ra chợ bao chàng đến ngó nghiêng
    Chàng béo đút vào, chê:chật quá!
    Chàng gầy xỏ thử, bảo: rộng thênh
    Nhiều tay măn mó da thôi bóng
    Lắm gót dẫm lên đế xước liến
    Ước chi quân tử đo bắng mắt
    Để giày chưa bán vẫn trinh nguyên!
    Bài 2 VỊNH DÙI TRỐNG (TỨ TUYỆT)
    Một khúc nân nân gọi là dùi
    Gặp trống giương oai thúc liên hồi
    Dứt tiếng cuối cùng, im như thóc
    Đánh mãi chẳng mòn, chỉ trơn thôi!

    He he...bận quá, mùa chấm bài và làm hồ sơ cuối năm học, em rất ít vào blog, hẹn khi nào rảnh sẽ họa vui chị nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lắm gót dẫm lên đế xước liền

      Xóa
    2. Cặp niêm số 4 (2 câu 6+7) vẫn thất niêm.
      Muônd làm thơ Đường Luật thì phải nắm vứng niêm luật rất chặt chẽ của thể thơ này, chứ không làm theo kiểu bắt chước được đâu. Sẽ phạm luật như chơi.

      Xóa
    3. NT quả là không hổ danh chút chít của "bà chúa thơ nôm". Bởi ý tứ thơ của em cũng hài và hóm .Bài thất ngôn tứ tuyệt hai cặp thực và luận lại đối khá chỉnh. Tuy nhiên em tôi lại để thất niêm mất rồi.
      Cụ thể là từ "rộng trong câu 4 phải thay bằng một từ khác mang thanh bằng. Câu 6 & 7 thì phải thay đổi lại cả 3 từ 2,4,6. Cụ thể câu 6 phải là;B.T.B và câu 7 phải là T. B.T.
      Bài tứ tuyệt cũng không đúng niêm luật đâu em. Cụ thể nếu đúng niêm luật thì câu một từ thứ 6 phải mang thanh trắc. Câu 2 phải thay đổi để tiếng thứ 2 thanh bằng, 4 thanh trắc. Câu 3 cũng giống câu 2. Câu 4 thì phải thay từ trơn bằng một từ khác mang thanh trắc em ạ.
      Nếu chưa năm chắc niêm luật thì em cứ làm thơ 7 chữ theo kiểu tự do cũng được. Tuy nhiên đã theo thể tự do thì trong bài bát cú em nên tách ra thành hai khổ.
      Vài ý như vậy để em tham khảo thôi . Nhỡ gặp những người biết thơ Đường họ bắt bẻ chứ chị em mình thì cứ vô tư đi.
      Chúc em hằng vui

      Xóa
  16. Góp thơ với em Thu cho vui nè

    Này cô em gái của tôi ơi
    Có thấy “thuyền” anh vượt “biển” khơi
    Tóc bạc tuổi già đầu trắng cước
    Chân chùng sức yếu vần còn chơi
    Thơ tình chít chát còn năng động
    Thi hữu vô ra vẫn phớt đời
    Muốn lắm song le e chẳng được
    Sau này quay lại có mà vơi

    Chúc em tuần mới an vui nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn anh Ngọc Dũng đã có thơ họa cùng em ạ.
      Nè bao giờ" vượt biển" ra ngoài ni chơi một chuyến nghen anh. Rủ cả chị nhà cùng đi cho vui. Em gái sẽ đãi một chầu tới bến luôn.
      Em chúc anh chị vui khỏe và mãi hạnh phúc ạ

      Xóa