Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

GAY

               Xướng họa thơ ca suốt cả ngày
               Lại còn nóng tính lạ lùng thay
               Con hay căn vặn liền la mắng
               Vợ góp vài lời, quát tháo ngay
               Công việc kiếm tiền ngơ ngác lạ
              Văn chương thơ phú miệt mài say
               Hỏi ra mới biết riêng gì hắn
               Cả nhóm "Tiểu Đường" thế mới gay
                                    Vũ Thị Song Thu

Chú thích: Tiểu Đường là tên một nhóm thơ Đường của thị trấn Sao Đỏ thành lập khoảng năm 1997, nay đã thôi sinh hoạt

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

VÀI CẢM NHẬN VỀ CÔ GIÁO - "NHÀ THƠ" CẨM TÚ

            Tháng 9/1977, khi vừa rời ghế trường Đại học sư phạm, tôi chân ướt, chân ráo về nhận công tác tại trường cấp 3 Chí Linh thì chị đã có hai đứa con thật đáng yêu là Cẩm Vân và Ngọc Minh rồi.Khi mà tôi được phân nửa gian nhà phía dưới đắp tường, phía trên trát vách, mái lợp rạ đã thấy mừng vì thoát khỏi cảnh giường tầng của kí túc xá sinh viên thì anh chị đã có 3 gian nhà ngói khang trang ở ngay cạnh trường rồi. Vì vậy, dưới con mắt của tôi lúc đó, gia đình anh chị là một gia đình lý tưởng. Mà thật sự là một gia đình lý tưởng,không chỉ vì anh chị có nhà riêng, có con trai con gái mà còn vì anh chị rất đẹp đôi, rất tâm đầu ý hợp.Anh cao ráo, miệng rộng, mái tóc xoăn tự nhiên, bồng bềnh, rẽ đường ngôi lệch rất chững chạc, rất đàn ông.Trong công tác, anh rất nhiệt tình. Là tổ trưởng tổ tự nhiên tổng hợp,anh có những bài giảng mẫu, những bài ngoại khóa khá công phu. Tuy khác chuyên môn nhưng tôi vẫn nhớ như in việc anh dùng đèn chiếu chiếu lên bức tường vôi bao hình ảnh linh hoạt, sống động thật hấp dẫn ( thuở đó chỉ làm thủ công chứ làm gì có máy tính, máy chiếu như bây giờ). Trong gia đình, anh là người chồng, người cha tận tụy.Tôi thường thấy anh làm hết những công việc nặng nhọc giúp vợ con như bổ củi, múc nước giếng khơi...
           Còn chị, lần đầu nhìn thấy chị trên sân trường, tôi đã thấy thật  ấn tượng. Chị đẹp, không phải vẻ đẹp quý phái, kiêu sa; lộng lẫy rờ rỡ hay căng tràn sức sống mà nền nã, đằm thắm. Chiếc quần lụa đen , chiếc áo trắng may xanh tê ôm khít thân hình mềm mại thanh thoát, mái tóc mềm dài chưa chấm gấu áo không uốn tỉa cầu kỳ chỉ cặp hơi trễ bằng chiếc cặp ba lá giản dị cứ rung chuyển khẽ khàng trên tấm lưng thon như hòa nhịp với những bước đi nhẹ nhàng, khoan thả, nết đi của người có cuộc đời nhàn hạ, ít sóng gió. Hòa hợp với dáng vẻ yêu kiều đó là khuôn mặt trái xoan, làn da trắng hơi xanh, cặp mắt đen nhưng không sắc lẹm cũng không sâu thăm thẳm mà chỉ hơi ánh lên vừa như chợt cười lại như chợt ngỡ ngàng, ngơ ngác. Cặp môi hồng nhạt, không son phấn, môi dưới hơi trễ xuống một chút,điểm một nét chẻ nhẹ gợi một vẻ gì đó rất nũng nịu nửa như khoe ra, nửa như giấu đi một nụ cười duyên thật tự nhiên chứ không phải là cái duyên làm dáng.
             Một ấn tượng tốt đẹp nữa về chị là lần tôi lên lớp sau giờ chị dạy. Thấy học sinh không xóa bảng, tôi gọi một em lên xóa. Tay học sinh đó cầm giẻ lau mà cứ ngập ngừng như chưa muốn xóa. Tôi quát, trò xóa vội vàng. Khi ra chơi, ngồi nói chuyện với học sinh thì chúng bảo: "chữ cô Tú đã đẹp, lại trình bày bảng rất tài cứ viết hết bảng là hết giờ, phần nào ra phần nấy, xóa đi cũng tiếc." Tôi chợt giật mình nghĩ đến cách viết bảng tùy tiện, cách vừa giảng vừa xóa bảng rồi lại viết tiếp của tôi mà thấy ngượng. Từ đó, tuy chữ tôi không đẹp như chữ chị nhưng tôi luôn cố gắng trình bày bảng cho thật hợp lí, thật khoa học và không bao giờ xóa bảng khi đang giảng bài.
             Sau này tôi còn được học sinh kể cho nghe những ngày đầu chị làm chủ nhiệm lớp, gặp phải một lớp có những học sinh tinh nghịch, bướng bỉnh, cá tính, chị chẳng quát tháo, mắng mỏ hay trừng phạt chúng bao giờ mà mỗi khi chúng hư chị chỉ buồn lặng lẽ thậm chí còn khóc nữa. Thế mà chị vẫn quản được chúng. Một mặt vì lớp đó có nữ lớp trưởng uy tín, cứng rắn, một mặt bởi học sinh quý mến cô giáo thích ngắm cô, thích nghe cô giảng, thấy cô khóc thì rất thương nên tự bảo nhau chừa dần những thói tinh nghịch đó đi. Biết được điều này tôi càng thêm quý mến chị. Tuy vậy suốt mấy năm công tác tại trường, tôi với chị chỉ dừng ở quan hệ đồng nghiệp chứ không trở nên thân tình gần gũi. Có thể do tôi và chị ở hai thế hệ khác nhau lại không cùng tổ chuyên môn. Cũng có thể do tôi cảm thấy chị ít cởi mở và không dễ gần chăng?
                Sau đó, do thuyên chuyển công tác nên tôi và chị càng xa nhau hơn thậm chí là rất ít gặp nhau. Hình như trong suốt mấy chục năm trời, tôi chỉ gặp chị một lần duy nhất vào ngày hội trường cấp 3 Chí Linh năm 1996. Nhưng tin tức về anh chị thì tôi vẫn nắm được. Tôi mừng vì anh chị vẫn là một cặp đôi hạnh phúc lí tưởng, có kinh tế khá giả có con cháu thành đạt hiếu thuận. Nhiều lúc ngồi tụ tập mấy anh chị em trong trường, chúng tôi thường nói với nhau: Giáo viên trường mình một số người có cuộc sống thật chìm nổi lênh đênh, long đong lận đận, một phần đông thì được mặt này hỏng mặt kia phần nữa là bình thường chỉ có vài ba gia đình được toàn diện trong đó có gia đình anh chị. Chúng tôi ai cũng mừng cho anh chị.
                  Giờ tôi đã về hưu, vẫn bám trụ ở mảnh đất Chí Linh và tự bằng lòng với cuộc sống của mình (dù cuộc sống của gia đình tôi vẫn được mọi người xếp vào số ít người lận đận long đong chìm nổi của trường). Còn anh chị đã về hưu khá lâu rồi và đã trở thành công dân chính thức của chốn phồn hoa đô hội đất Hà thành. Tuy quỹ thời gian của chúng tôi bây giờ chẳng thiếu. Nhưng mỗi người mỗi cảnh, tôi có máu say xe, chị bị đau cột sống nên chúng tôi cũng chẳng có điều kiện gặp nhau. May thay nhờ công nghệ internet nên tôi đã vài lần được nhìn thấy và nói chuyện cùng anh chị. Lại nhờ có xóm Tri ân mà tôi được đọc thơ của chị để biết thêm một Cẩm Tú "nhà thơ". Tôi đã đọc hết lượt những bài thơ của chị trên Thịnh Tú blog và đọc kĩ các bài chọn đưa lên Tri ân. Công bằng mà nói, thơ chị không phải không còn những câu gượng ép, khiên cưỡng, dễ dãi, những bài nặng tính diễn ca nhưng tôi vẫn tìm thấy ở đó những tình cảm thật đáng quý. Đó là tình cô trò trọn vẹn trước sau, tình vợ chồng thủy chung thắm thiết, tình mẹ con da diết ân cần. Thậm chí ngay trong những bài diễn ca  vẫn có thể chắt lọc ra được những câu thơ thật là thơ. Đây là chút mâu thuẫn, chút khó xử rất thành thật rất ngọt ngào của người vợ yêu chồng, người bà thương cháu:
                                         "Về hưu bà phải xa ông
                                          Bà đi bế cháu mà lòng ngổn ngang
                                          Buồn vui lẫn lộn đôi đàng
                                          Không đi nhớ cháu, đi càng thương ông"
                                                             (Bà đi bế cháu)
              Đây lại là niềm cảm thông chia sẻ với người  bạn gặp phải trái ngang trong cuộc đời. Dường như ở đó, chị đã hóa thân vào bạn mình để mà tiếc nuối cái thời yên ấm đã qua:
                                        "Đã từng gối phượng chăn loan
                                         Đã từng ríu rít con ngoan vợ hiền" Để rồi càng thấm thía hơn, xót xa hơn cảnh sống hiện tại của bạn: "Ra vào khuya sớm một mình" (Khoảng trống).
              Còn đây lại là những câu thơ thật giăng mắc và ám ảnh:
                                       "Gối đầu lên mảnh trăng tà
                                        Ngắm gió cuốn giải ngân hà về Tây
                                        Ngưu lang Chức nữ còn đây
                                        Ngàn năm thương nhớ giăng đầy sợi ngâu"
                                                  (Ngắm sao)
             Ở những câu thơ trên, Cẩm Tú không chỉ vẽ ra được một tư thế rất lạ, rất lãng mạn, lãng mạn đến thoát tục của người ngắm sao "Gối đầu lên mảnh trăng tà" mà còn chọn được cách diễn đạt rất độc đáo, chọn được hình ảnh rất đắt để miêu tả nỗi lòng Chức Nữ, Ngưu Lang trong tiết mưa ngâu: "Ngàn năm thương nhớ giăng đầy sợi ngâu".
              Đặc biệt là khi mẹ già về cõi  vĩnh hằng, "nhà thơ"đã thể hiện tiếng khóc mẹ thật thấm thía và xúc động:
                                         "Cõi trần bỗng chốc vỡ tan
                                          Nén hương đỏ mắt cuộn tàn vào thân"
             Câu thơ không chỉ diễn tả nỗi đau xót , bàng hoàng đến trào ra, vỡ òa mà còn gợi tiếng khóc chất chứa niềm thương đến chảy máu, đứt ruột nơi người con trước sự ra đi vĩnh viễn của mẹ hiền.
             Song với tôi, thơ nhất,trọn vẹn nhất trong thơ Cẩm Tú là những bài lục bát tứ tuyệt như :" Soi gương _ Chải đầu", " Nhớ mùa thi " và "Thạch linh". Bởi ở những bài thơ này, ta không còn thấy sự trùng lặp, dư thừa hoặc diễn nôm dễ dãi nữa mà đã có sự chắt lọc câu chữ, sự chọn lựa những hình ảnh giàu sức khơi gợi và đặc biệt là có những rung động rất tinh tế trong tâm hồn "nhà thơ". Nói cách khác đó là những bài thơ có sự hài hòa giữa nội dung và hình thức thơ để chuyển tải thật tự nhiên cái hồn cốt của "nhà thơ" trong thi tứ.. Nếu ở  bài Soi gương - Chải đầu hay Nhớ mùa thi ta cảm nhận được chút rung động nhẹ nhàng chút bâng khuâng, tiếc nuối mơ màng của Cẩm Tú về một thời tuổi trẻ hay một thời bụi phấn vương tay, phượng bay sân trường thì trong bài Thạch linh, ta lại thấy cái biến ảo lạ lùng của tình yêu "hóa đá chờ nhau", sự vĩnh hằng bất biến, sự linh thiêng diệu kì của tượng đá Vọng phu trong nỗi sầu muôn thuở  chờ chồng vụt biến thành Thạch Linh đủ sức vượt qua mọi thời gian, không gian để trở thành biểu tượng đẹp đẽ về lòng thủy chung được truyền tụng đến muôn đời:
                                         Yêu nhau hóa đá chờ nhau
                               Người xưa ai tạc nên sầu vọng phu
                                          Thạch linh đã vượt mây mù
                               À ơi! Tô thị hát ru ngàn đời
            Tôi chợt nghĩ có lẽ giống như tượng đá vọng phu, bài Thạch linh của cô Cẩm Tú sẽ có sức neo đậu lâu bền trong lòng nhiều người đọc.
            Cám ơn trang blog tri ân  đã giúp tôi thêm yêu cuộc đời này " mỗi sớm mai thức dậy" để càng yêu hơn các bạn bè trong xóm tri ân và hiểu biết thêm về người chị, người đồng nghiệp đáng kính của tôi trong vai trò của một "nhà thơ"-CẨM TÚ,


ĐÁNH THỨC CHỒNG

             "Hai nửa tình yêu" bắt đầu rồi
              Anh ơi mau thức dậy đi thôi
              Để xem hai nửa tình yêu ấy
              Có giống như anh, một khoảng trời
                           Chí linh24/7/2011
                                 Vũ Thị Song Thu
Chú thích: Hai nửa tình yêu là tên một bộ phim Hàn Quốc đang được trình chiếu trên VTV1 lúc 13h hàng ngày

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG

         Khi hắn bảo :" Viết xong bài về bà T rồi đấy, vào mà xem". Như một phản xạ tự nhiên, mình nói ngay:"Thôi chả dại nhỡ lại nổi máu hồng bào lên thì khổ thân". Nhưng rồi với tính tò mò cố hữu, mình lại mở máy tính và nháy chuột vào đúng trang đó. Vừa nhìn thấy tiêu đề :" Một nén hương lòng" đã thấy run run hồi hộp thế nào ấy không đủ can đảm đọc tiếp.Ngồi hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh, vẫn run không dám đọc. Lại tự nhắc mình, đừng ghen, có gì đâu nào, người ta đã đi xa vĩnh viễn rồi mà. Vẫn run, lại ngồi im thêm ít phút, lại tự trấn an mình mãi mới dám đọc.Đọc một mạch xong. Kỳ lạ chưa, không hề gợn chút ghen tuông, khó chịu náo. Đọc lại lần nữa, vẫn chẳng sao. Tự véo vào người mình xem mình còn tỉnh táo hay đã tê liệt rồi? Vẫn thấy đau mà. Sao thế nhỉ, lẽ nào tâm hồn mình đã trở nên chai lì rồi ư?
         Ngồi thừ ra rồi nhớ lại vào mùa thu năm ấy, người ta cùng với một nhóm bạn ở Hà Nội và Nam Sách đến thăm hắn và gia đình mình. Nhớ  cái cản giác hồi hộp phập phồng thấp thỏm của hắn khi đợi chờ cuộc viếng thăm đã đựợc báo trước này. Nhớ việc hắn ra tận đầu ngõ đón rồi nắm cổ tay người ta mà thốt lên:" T đấy à, chẳng khác xưa là mấy!" Nhớ việc mọi người vào thăm Côn Sơn, khi đến đoạn rẽ trái, hắn cuống lên lại bảo là rẽ phải. Nhớ nhất là việc hắn tiễn người ta lên tận Hà Nội khi về còn kể chuyện bữa ăn người ta đã gắp thức ăn cho hắn, đã hướng dẫn hắn cách ăn món ăn Tây mà hắn chưa quen, đã đề nghị với hắn rắng sẽ nuôi giúp hắn một đứa con cho ăn học hết Đại học cả việc hắn đã đọc thơ về người ta nữa. Mình bảo hắn đọc lại những bài thơ đó.Hắn đọc xong, mình cứ ngớ ra, ngẩn đi rồi tức sực lên, một cục gì đó cứ lừ lừ đưa lên vít lấy cổ đến tắc thở, mình đờ người ra, nằm vật xuống. Khi thở được thì nước mắt cứ giàn giụa, cắn chặt môi ma không sao ngăn lại được.Có vẻ hắn cũng hoảng nhưng cứ lúng túng, vụng về chẳng biết an ủi cách nào chỉ thanh minh thế này, thế nọ nhưng mình vẫn như phát phiền chẳng nghe thấy gì hết.Mình chạy ra vườn, tựa vào gốc ổi khóc. Hắn cứ để cho mình khóc thỏa thê. Khi đã vơi bớt phần nào mình vào nằm lại nhưng không sao chợp mắt được cứ nghĩ lung tung, cứ tự mắng mình rằng sao vớ vẩn và vô lý thế, chuyện của quá khứ rồi mà, ai chẳng có một khoảng trời riêng, một thời để nhớ, một phút xao lòng ...Nhưng rồi cũng phải nhờ đến phương thuốc thời gian, cái cục tức kia mới vợi bớt dần.
        Tết năm đó, người ta gửi ra một túi lạp xường, một tấm thiệp thơm màu hồng nhat in hình cỏ chìm kèm theo những lời chúc mừng năm mới. Không quen với những món ăn đóng hộp, mình không ăn được Các con còn nhỏ cũng chẳng biết ăn. Hắn viết thư đáp lễ người ta, kèm theo một bài thơ, "Cảm ơn cái túi lạp xường /Thu không ăn được nên nhường riêng anh /Nhâm nhi hắn nhắm một mình /Rằng mùi thì lạ nhưng tình thì quen / Tuổi già càng nghiện ma men/ Ngày xuân anh nướng lòng em nhắm dần/ Tạ lòng biết lấy chi cân/ Đem thơ đổi thịt một lần được chăng? Mình góp ý, anh nên xem lại hai câu cuối, nhỡ chồng chị ấy ghen thì sao? Hắn nghe ra và sửa lại là: Tạ lòng biết lấy chi cân/ Nôm na anh viết đôi dòng đến thăm/ Chúc người bạn cũ xa xăm / Bốn mùa sức khỏe quanh năm vui vầy/ Riêng chung mọi việc tròn đầy/ Vui chồng, vui vợ và may mắn nhiều". Hắn gửi thư đi nhưng không có hồi âm. Lần này mình không còn uất nghẹn như lần trước nữa. Tuy vẫn thấy buồn và tưng tức lạ Rồi bật ra mấy bài thơ vô đề.
                    Bài1:   Đầu xuân chàng nhận mớ lòng
                               Nhâm nhi chén rượu lòng vòng trước sau
                               Gửi chi gan ruột cho nhau
                               Một người vui mấy người đau đớn lòng
                   Bài 2:    Ai đem thịt ướp nhồi lòng
                                Để ai gửi nhớ, gửi mong thế này
                                Gặp hai lần gió heo may
                                Không thì lòng dạ chúng mày ôi thiu
        Hắn vốn vô tâm, khi ăn hết nạp xường, liền vứt cái túi lăn lóc ở xó bếp. Tự dưng mình thấy ngùi ngùi thương cảm, nhặi chiếc túi lên vuốt lại cho phẳng phiu, sạch sẽ rồi cho vào túi nilon cất đi, kèm theo bốn câu:

                               Lạp xường hắn chén hết rồi
                               Vứt lăn lóc túi tung tơi tội tình
                               Xót thương chiếc thúi tanh bành
                               Song Thu cất giữ để giành cho Tuân
        Vài tuần sau đó, ngồi buồn một mình  lấy tấm thiệp ra xem. Lạ chưa, mùi hương thơm nồng nàn khi mới nhận nay chẳng còn lưu lại chút nào. Mình áp tấm thiệp vào mũi cố hít hà mãi vẫn không thấy hương thơm, chợt nảy ra bài thơ: "Gửi người tặng thiệp cỏ thơm"
                               Tên chị là P T
                               Một loài cỏ rất thơm
                               Đừng gửi lên bưu thiếp
                               Để hương thơm hao mòn.
Lại ngắm nhìn tấm thiệp và bỗng dưng kỉ niệm của thời thơ bé về việc đi tìm cỏ mật rồi phơi khô và ép vào trang sách để thưởng thức hương thơm ngòn ngọt, thoang thoảng và da diết nồng nàn của nó. Thế là lại viết bài Thật gỉa: Cỏ thơm tự thân nó/ Khô héo hương vẫn say/ Mang cỏ in lên thiếp/ Phủ hương thơm ngất ngây/ Chỉ được vài ba bữa/ Hương thơm bay hết ngay/ Mới biết trong cuộc sống/ Cái giả chóng phai tàn/ Chỉ cái thật còn mãi/ Với thời gian mênh mang.
Có vẻ như cơn tức vẫn chưa nguôi và tính đành hanh lại nổi lên thì  phải. Thế là bài văn vần đáo để bật ra:
                                                               BẢO CHO CỎ BIẾT
                              Cỏ kia mọc ở bờ ao
                              Biết điều chớ có lan vào trong sân
                              Thơm tho cũng chẳng ai cần
                              Người ta dẫy dọn là thân cỏ tàn
         Viết xong mà tự thấy xấu hổ. Thấy mình thật đáo để, thật nhỏ nhen ích kỉ và đáng ghét. Nhưng biết làm sao đây?
        Chị P-T ơi!
         Bây giờ ngồi viết lại những dòng này khi đã tĩnh tâm lại, đã không còn gợn chút ghen tuông nào nữa tôi càng thấy mình sao mà đáng ghét đến thế, tồi tệ đến thế. Thực lòng, kể cả trong lúc ghen tuông nhất thì tận trong sâu thẳm hồn tôi, tôi vẫn biết rằng chị không hề làm gì để tôi phải ghen tuông như thế. Thậm chí tôi còn biết chị đối tốt với hắn, với tôi và với các con chỉ là cái tốt của tình bạn và có lẽ là cả sự ân hận áy náy vì những ứng xử sai lầm một thủa của chị với hắn thôi. Hơn thế nữa, trong sâu thẳm hồn tôi, tôi vẫn rất cảm mến, trân trọng chị, mến vì giọng nói dịu ngọt đáng yêu,trân trọng vì phong độ điềm đạm đúng mực của chị. Nhưng đúng như kinh Phật đã dạy: "Kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình" cho nên một con đàn bà khác trong tôi vẫn cứ tức lồng lộn, vẫn nghĩ  và viết ra những lời làm tổn thương đến chị (cho dù những lời tôi viết ra chị chẳng đọc được bao giờ, cho dù trước chị và trước mọi  người, tôi chưa hề để lộ ra điều gì ảnh hưởng đến chị) nhưng tôi vẫn không thể tha thứ cho tôi. Vẫn phải nguyền rủa cái thường tình ích kỉ ngu muội của tôi. Giờ chị đã thành người thiên cổ 5, 6 năm rồi nhưng tôi mới được biết tin này qua một người bạn của hắn. Tôi chẳng thể đến thắp cho chị một nén hương và nói lời tạ lỗi cùng chị. Tôi chỉ biết viết lên hết sự thật này, mong chị "sống khôn chết thiêng" tha thứ cho tôi. Lời xin lỗi muộn màng nhưng rất thành tâm của tôi mong được chị chấp nhận thì tôi cũng nhẹ bớt phần nào. Dù rằng chẳng bao giờ tôi tha thứ cho tôi.
                                                   VŨ THỊ SONG THU

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

CHUỒN CHUỒN CẮN RỐN BIẾT BƠI?!

                      Về thưởng thức thơ, tôi thuộc lớp người cổ, tôi không thích lối thơ "Bóng chữ ", "Hiện đại " hay "Hậu hiện đai" gì gì đó như những năm gần đây người ta vẫn gọi thế. Tôi thích thơ có vần luật và đặc biệt mê thơ lục bát. Đọc thơ lục bát, dù có những câu, nhũng bài tôi chưa hiểu rõ lắm nhưng sự nhịp nhàng, cân đối, mềm mại uyển chuyển, du dương trầm bổng của thể thơ này vẫn mê hoặc lòng tôi. Gần đây đọc thơ lục bát của Đồng Đức Bốn, tôi thấy hứng thú vô cùng và cứ lẩn thẩn nghĩ rằng có những câu ông viết ra là được trời cho chứ chỉ bằng vào cảm xúc của con người thôi thì làm sao có được những câu thơ với biết bao liên tưởng bất ngờ. lạ lùng và thú vị đến thế? Ví như câu thơ:
                 "Đất nâu tưởng đã cũ càng
                 Tiếng chim trong bụi tre làng cứ non"
                             (Câu ca mẹ hát như đùa)
       Hay đoạn thơ này chẳng hạn:
                 Bao nhiêu là thứ bùa mê
                 Cũng không bằng được nhà quê của mình
                 Câu thơ nấp ở sân đình
                 Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau
                 Nhuộm buồn những giọt mưa mau
                 Thành sao nở trắng vườn cau trước nhà
                 Nhuộm hương của các loài hoa
                 Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em
                                      (Bây giờ)
                 Lại có những bài thơ được Đồng Đức Bốn viết ra bằng sự suy ngẫm, trăn trở của cả cuộc đời con người lắm ưu tư, nhiều trải nghiệm mới ngộ ra được như bài :" Chuồn chuồn cắn rốn':
                 Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi
                 Con tôi chết bởi lời người hát ru
                 Con tôi chết ở ao tù
                 Mà lời người vẫn hát ru ngọt ngào
     Thực tình là tôi giật nảy mình khi đọc bài thơ này lần đầu và cứ thế bài thơ bám riết vào tâm trí tôi khiến tôi miên man suy ngẫm mãi rồi càng suy ngẫm càng thấy ý tứ bài thơ thật hàm súc, sâu xa.
      Chỉ hai cặp lục bát thôi mà tác giả đã tạo dựng được ba nhân vật với ba cách ứng xử trước hiện thực cuộc đời. Nhân vật thứ nhất là người hát ru. Người này rất hồn nhiên cất tiếng hát ru, bằng lời ru phi lý đến ngớ ngẩn: "Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi'. Nhân vật thứ hai là đứa trẻ vốn ngây thơ, dại khờ, ấu trĩ, nó không chỉ tiếp nhận lời hát ru kia mà còn thực hành theo lời hát ru- lời tuyên truyền mê hoặc đó để rồi phải nhận lấy một kết cục thảm thương:"chết bởi lời người hát ru" và lại là "Chết ở ao tù".
        Trước kết cục bi thương thê thảm đó,những tưởng rằng người hát ru kia sẽ bừng tỉnh mà ngừng ngay những lời truyền dạy ấu trĩ đó đi. Nhưng không, người hát ru vẫn tiếp tục hát thậm chí vẫn"hát ru ngọt ngào" để truyền đi cái điều phi lý nọ.
          Nhân vật thứ ba, chính là cái tôi trữ tình trong bài thơ, một cái tôi trữ tình thật xót đau bi thảm khi phải chứng kiến cái chết bi thương của đứa con mình nhưng lại không thể làm gì để cứu vãn tình thế, để thay đổi cảnh ngộ.Vì thế lời thơ oằn nặng đau thương day dứt oán hờn than trách:
                  Con tôi chết bởi lời người hát ru
                  Con tôi chết ở ao tù
                  Mà lời người vẫn hát ru ngọt ngào
            Từ một sự việc, một hiện tượng cụ thể, Đồng Đức Bốn đã viết nên bài lục bát tứ tuyệt vừa đậm chất truyện, vừa thấm thía chất trữ tình lại vừa sâu sắc chất triết lý khái quát làm lay động tâm ta, thức tỉnh trí ta khiến ta rưng rưng cảm động và sáng bừng trong nhận thức. Ta ngộ ra rằng khi phát ngôn, lắng nghe hay thực hiện diều gì cũng cần phải suy xét kỹ càng. Nếu cứ phát ngôn tùy tiện, cứ mù quáng tin và làm theo những điều tuyên truyền mê hoặc dù rất ngọt ngào đấy nhưng hậu quả thật khôn lường.
                                                   Vũ Thị Song Thu


                     

CHÙM THƠ TẶNG CHỊ HOÀNH NHÂN DỊP LÊN NHÀ MỚI

Bài 1: CÓ NHÀ
Thoát cảnh ở tập thể rồi
Gần năm mươi tuổi chị tôi có nhà
Học trò bầu bạn gần xa
Người biếu lịch, kẻ tặng hoa chúc mừng
Liên hoan nhộn nhịp tưng bừng
Tiếng cười, tiếng nói một vùng râm ran
Nhưng vừa tàn buổi liên hoan
Một mình chị giữa ngổn ngang bời bời
Nhà rộng chi lắm nhà ơi
Để thêm lạnh lẽo đơn côi chiếc giường

Bài 2:       NGÔI NHÀ TÌNH

Ngôi nhà vừa đẹp vừa xinh
Tiện nghi sang trọng một mình chị thôi
Cầu trời cho chị có đôi
Để ngôi nhà đẹp thành ngôi nhà tình

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

GẶP LẠI NGƯỜI XƯA

Thẫn thờ khi gặp lại nhau
Hai nhăm năm một nỗi đau bặt tình
Ngỡ rằng ly biệt tử sinh
Nào ngờ " như thế" mà thành chia xa
Trong em anh mãi không già
Trong em anh mãi vẫn là ngày xưa
Vẫn người lính dãi gió mưa
Phong trần cuộc sống mộng mơ ân tình
Kiếp này đã lỡ duyên mình
Kiếp sau nguyện một tử sinh đắp đền

TUÂN THU XƯỚNG HỌA (3)

                                             ĂN MỪNG


Ốm đau, bệnh tật thật vô chừng
Bốc thóc cho gà cũng sún lưng
Đi đứng nằm ngồi ra ngượng ngập
Cúi, quay, nghiêng ngửa hóa lừng khừng
Chạy vung xích chó thôi đành chịu
Nằm cạnh nhân tình cũng dửng dưng
Mong ước bao giờ lưng dẻo lại
Chẳng dê thì chó cũng ăn mừng
   ( Bài xướng của Đỗ Đình Tuân)

                SẼ MỪNG


Bệnh tật tại mi chẳng có chừng
Máu dê hơi quá hóa đau lưng
Đêm năm, bảy trận la đà lả
Ngày một vài ca lửng lửng khừng
Lưng sún đâu chừa tình tính tính
Gối long nào chịu dửng dừng dưng
Này này tớ bảo cho mà biết
Bỏ tính kia đi tớ sẽ mừng

     (Bài họa của Vũ Thị Song Thu)

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

TUÂN THU XƯỚNG HỌA(2)

Bài xướng: TÔI LÊN TUỔI BẠC

Sáu chín tây mà ta bảy mươi
Xuân nay tôi cũng bạc đây rồi
Bâng khuâng ôm nhận bằng mừng thọ
Lãng đãng vui buồn miệng nhoẻn tươi
Cứ chụp vài pô cho tíu tít
Thì ngâm đôi khúc thật tơi bời
Anh em bầu bạn gần xa lại
Không rượu thì bia cũng có mời
             ĐỖ ĐÌNH TUÂN ( Xuân tân mão,2011)

Bài họa: LÒNG SON CHẲNG BẠC

Tuổi cao thì đã rõ mười mươi
Má hóp, răng thưa, miệng móm rồi
Riêng cái phong tình luôn phấp phới
Chung miền thi tứ cứ tươi tưoi
Nhân gian biến đổi còn thao thiết
Thiên địa vần xoay luống rối bời
Tuổi bạc nhưng lòng son chẳng bạc
Rượu ngang, thịt chó đáng dâng mời
            VŨ THỊ SONG THU

LỜI BÚT

Bút sắt, bút lông hay bút tre
Đã nguyền làm bút chẳng làm que
Mòn thân ca ngợi tình dân nước
Rút ruột đậm tô nghĩa bạn bè
Chỉ viết những lời trung ý thực
Cho dù nhiều kẻ phớt tai nghe
Quan tham, lại nhũng đau lòng bút
Dẫu chỉ là ngòi sắt quản tre

VÀI HÌNH ẢNH HÔM 10/7