Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

CHUỒN CHUỒN CẮN RỐN BIẾT BƠI?!

                      Về thưởng thức thơ, tôi thuộc lớp người cổ, tôi không thích lối thơ "Bóng chữ ", "Hiện đại " hay "Hậu hiện đai" gì gì đó như những năm gần đây người ta vẫn gọi thế. Tôi thích thơ có vần luật và đặc biệt mê thơ lục bát. Đọc thơ lục bát, dù có những câu, nhũng bài tôi chưa hiểu rõ lắm nhưng sự nhịp nhàng, cân đối, mềm mại uyển chuyển, du dương trầm bổng của thể thơ này vẫn mê hoặc lòng tôi. Gần đây đọc thơ lục bát của Đồng Đức Bốn, tôi thấy hứng thú vô cùng và cứ lẩn thẩn nghĩ rằng có những câu ông viết ra là được trời cho chứ chỉ bằng vào cảm xúc của con người thôi thì làm sao có được những câu thơ với biết bao liên tưởng bất ngờ. lạ lùng và thú vị đến thế? Ví như câu thơ:
                 "Đất nâu tưởng đã cũ càng
                 Tiếng chim trong bụi tre làng cứ non"
                             (Câu ca mẹ hát như đùa)
       Hay đoạn thơ này chẳng hạn:
                 Bao nhiêu là thứ bùa mê
                 Cũng không bằng được nhà quê của mình
                 Câu thơ nấp ở sân đình
                 Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau
                 Nhuộm buồn những giọt mưa mau
                 Thành sao nở trắng vườn cau trước nhà
                 Nhuộm hương của các loài hoa
                 Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em
                                      (Bây giờ)
                 Lại có những bài thơ được Đồng Đức Bốn viết ra bằng sự suy ngẫm, trăn trở của cả cuộc đời con người lắm ưu tư, nhiều trải nghiệm mới ngộ ra được như bài :" Chuồn chuồn cắn rốn':
                 Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi
                 Con tôi chết bởi lời người hát ru
                 Con tôi chết ở ao tù
                 Mà lời người vẫn hát ru ngọt ngào
     Thực tình là tôi giật nảy mình khi đọc bài thơ này lần đầu và cứ thế bài thơ bám riết vào tâm trí tôi khiến tôi miên man suy ngẫm mãi rồi càng suy ngẫm càng thấy ý tứ bài thơ thật hàm súc, sâu xa.
      Chỉ hai cặp lục bát thôi mà tác giả đã tạo dựng được ba nhân vật với ba cách ứng xử trước hiện thực cuộc đời. Nhân vật thứ nhất là người hát ru. Người này rất hồn nhiên cất tiếng hát ru, bằng lời ru phi lý đến ngớ ngẩn: "Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi'. Nhân vật thứ hai là đứa trẻ vốn ngây thơ, dại khờ, ấu trĩ, nó không chỉ tiếp nhận lời hát ru kia mà còn thực hành theo lời hát ru- lời tuyên truyền mê hoặc đó để rồi phải nhận lấy một kết cục thảm thương:"chết bởi lời người hát ru" và lại là "Chết ở ao tù".
        Trước kết cục bi thương thê thảm đó,những tưởng rằng người hát ru kia sẽ bừng tỉnh mà ngừng ngay những lời truyền dạy ấu trĩ đó đi. Nhưng không, người hát ru vẫn tiếp tục hát thậm chí vẫn"hát ru ngọt ngào" để truyền đi cái điều phi lý nọ.
          Nhân vật thứ ba, chính là cái tôi trữ tình trong bài thơ, một cái tôi trữ tình thật xót đau bi thảm khi phải chứng kiến cái chết bi thương của đứa con mình nhưng lại không thể làm gì để cứu vãn tình thế, để thay đổi cảnh ngộ.Vì thế lời thơ oằn nặng đau thương day dứt oán hờn than trách:
                  Con tôi chết bởi lời người hát ru
                  Con tôi chết ở ao tù
                  Mà lời người vẫn hát ru ngọt ngào
            Từ một sự việc, một hiện tượng cụ thể, Đồng Đức Bốn đã viết nên bài lục bát tứ tuyệt vừa đậm chất truyện, vừa thấm thía chất trữ tình lại vừa sâu sắc chất triết lý khái quát làm lay động tâm ta, thức tỉnh trí ta khiến ta rưng rưng cảm động và sáng bừng trong nhận thức. Ta ngộ ra rằng khi phát ngôn, lắng nghe hay thực hiện diều gì cũng cần phải suy xét kỹ càng. Nếu cứ phát ngôn tùy tiện, cứ mù quáng tin và làm theo những điều tuyên truyền mê hoặc dù rất ngọt ngào đấy nhưng hậu quả thật khôn lường.
                                                   Vũ Thị Song Thu


                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét