Rét! Rét! Lại rét! Cái điệp khúc ấy của đất trời như thử thách lòng người. Thử thì cứ thử vậy thôi, người dân quê tôi vẫn tất bật bước vào vụ cấy.
Mạ đã đến tuổi. Ruộng ngả đã ngấu rồi, còn gì nữa phải chờ, phải đợi.
Rét thì mặc rét! Con nhà nông, thời nào việc ấy. Sáng sớm, rét buốt tái
tê, mẹ vẫn vai cuốc, tay gầu ra đồng theo con nước, dậm lại nếp bờ cho
bớt lỗ hà lỗ hổng. Rồi gió bấc bớt gào, mặt trời hoe lên, mạ từ trong
làng theo quang gánh, theo xe đạp và ngất ngưởng cả trên yên xe máy… kìn
kìn kéo ra, ngồi nhấp nhô từng đám trên những thửa ruộng đã mượt bùn.
Tấm lưng người cấy lom khom, gương mặt đối diện với mặt ruộng mênh mang nước… Những nhánh mạ nhỏ được bàn tay tái đi vì lạnh của người nương núm, ngồi vững vàng hàng dọc hàng ngang trên mặt ruộng xâm xấp nước. Vẫn cái dáng lom khom ấy, vẫn lối bước ngang hết tiến sang phải lại giật sang trái tuần tự ấy… Vẫn kiểu nhấc chân không nhấc khỏi mặt nước mà kéo ngang xóa đi chính vết chân mình vừa để lại lỗ hổng trên mặt ruộng từ thuở bà tôi dạy mẹ rồi mẹ dạy lại tôi ấy… Cứ từng bước, từng bước, tiến rồi lại lùi ngang, lầm lũi, cần mẫn, bền bỉ… Mặt ruộng kín dần. Những dảnh mạ non tơ tách khóm, tự mình thích nghi với môi trường sống mới trong cái lạnh tái tê. Như những đứa con đến tuổi được cha mẹ tách hộ cho ở riêng, cây mạ quê tôi tự mình bươn chải chống lại cái lạnh để tồn tại và phát triển.
Nhà này cấy. Nhà kia cấy. Còn cháu đứa đi học xa, đứa đi làm công ty, người quê tôi dồn cấy, đổi công. Nay tôi cấy cho bác, xong ruộng bác, bác lại cấy cho tôi… Chuyện nhà, chuyện làng, chuyện vui, chuyện buồn đan vào nhau giữa dọc ngang mùa cấy. Những tâm sự nhỏ to, những sẻ chia thầm thì, những ước mong, chờ đợi về một vụ lúa mới, về một lứa gà xinh, về những đứa con đang bay nhảy chốn thị thành chẳng biết có chống chọi được mà lớn lên như những dảnh mạ non để báo hiếu mẹ cha bằng một mùa gặt no đủ sau những nhọc nhằn chăm chút… Và cả tiếng cười râm ran đùa ông thợ cày với cô thợ cấy giăng mắc thửa trên, lô dưới cho vơi bớt tái tê của gió rét, mưa phùn… Đồng ruộng quê tôi dọc ngang mùa cấy cứ dập dìu như thế…
Trời đổ dần về chiều. Gió bấc xem chừng lại hun hút thổi. Người cuối cùng trong tốp cấy bước lên bờ. Một nắm mạ to được gửi lại vào gốc cấy cuối nơi góc ruộng. Đó phải chăng là tập tính căn cơ, lo xa ngàn đời của con người: Biết đâu, trong số những dảnh mạ vừa cấy hôm nay có nhánh nào không trụ nổi, biết đâu ruộng nhà bên thiếu vài khóm thì sao?… Lo cho mình, nghĩ cho người… tấm lòng ấy của người nông dân quê tôi muôn đời vẫn thế. Cô em gái nhỏ tham công tiếc việc đi làm công ty, đêm đến, đèn pin sáng trên đầu, vợ chồng cắm cúi cấy… Gì thì gì, có cấy là có gặt. Có cấy là đỡ phải lo hạt gạo hằng ngày. Giản đơn thế nhưng biết đâu đó lại là chân lý trong cuộc sống? Có lẽ xuất phát từ chân lý giản đơn kia cùng với tình yêu với đất nên giữa lúc đâu đó hò nhau bỏ ruộng vì tính toán thiệt hơn, lỗ lãi, người dân quê tôi vẫn miệt mài trên đồng. Đất không phụ người, sao người lại phụ đất? Đất vẫn cho ta những mùa vụ ngọt ngào, sao ta quay lưng lại? Phải chăng vì thế, dọc ngang mùa cấy quê tôi vẫn rộn ràng...
Tấm lưng người cấy lom khom, gương mặt đối diện với mặt ruộng mênh mang nước… Những nhánh mạ nhỏ được bàn tay tái đi vì lạnh của người nương núm, ngồi vững vàng hàng dọc hàng ngang trên mặt ruộng xâm xấp nước. Vẫn cái dáng lom khom ấy, vẫn lối bước ngang hết tiến sang phải lại giật sang trái tuần tự ấy… Vẫn kiểu nhấc chân không nhấc khỏi mặt nước mà kéo ngang xóa đi chính vết chân mình vừa để lại lỗ hổng trên mặt ruộng từ thuở bà tôi dạy mẹ rồi mẹ dạy lại tôi ấy… Cứ từng bước, từng bước, tiến rồi lại lùi ngang, lầm lũi, cần mẫn, bền bỉ… Mặt ruộng kín dần. Những dảnh mạ non tơ tách khóm, tự mình thích nghi với môi trường sống mới trong cái lạnh tái tê. Như những đứa con đến tuổi được cha mẹ tách hộ cho ở riêng, cây mạ quê tôi tự mình bươn chải chống lại cái lạnh để tồn tại và phát triển.
Nhà này cấy. Nhà kia cấy. Còn cháu đứa đi học xa, đứa đi làm công ty, người quê tôi dồn cấy, đổi công. Nay tôi cấy cho bác, xong ruộng bác, bác lại cấy cho tôi… Chuyện nhà, chuyện làng, chuyện vui, chuyện buồn đan vào nhau giữa dọc ngang mùa cấy. Những tâm sự nhỏ to, những sẻ chia thầm thì, những ước mong, chờ đợi về một vụ lúa mới, về một lứa gà xinh, về những đứa con đang bay nhảy chốn thị thành chẳng biết có chống chọi được mà lớn lên như những dảnh mạ non để báo hiếu mẹ cha bằng một mùa gặt no đủ sau những nhọc nhằn chăm chút… Và cả tiếng cười râm ran đùa ông thợ cày với cô thợ cấy giăng mắc thửa trên, lô dưới cho vơi bớt tái tê của gió rét, mưa phùn… Đồng ruộng quê tôi dọc ngang mùa cấy cứ dập dìu như thế…
Trời đổ dần về chiều. Gió bấc xem chừng lại hun hút thổi. Người cuối cùng trong tốp cấy bước lên bờ. Một nắm mạ to được gửi lại vào gốc cấy cuối nơi góc ruộng. Đó phải chăng là tập tính căn cơ, lo xa ngàn đời của con người: Biết đâu, trong số những dảnh mạ vừa cấy hôm nay có nhánh nào không trụ nổi, biết đâu ruộng nhà bên thiếu vài khóm thì sao?… Lo cho mình, nghĩ cho người… tấm lòng ấy của người nông dân quê tôi muôn đời vẫn thế. Cô em gái nhỏ tham công tiếc việc đi làm công ty, đêm đến, đèn pin sáng trên đầu, vợ chồng cắm cúi cấy… Gì thì gì, có cấy là có gặt. Có cấy là đỡ phải lo hạt gạo hằng ngày. Giản đơn thế nhưng biết đâu đó lại là chân lý trong cuộc sống? Có lẽ xuất phát từ chân lý giản đơn kia cùng với tình yêu với đất nên giữa lúc đâu đó hò nhau bỏ ruộng vì tính toán thiệt hơn, lỗ lãi, người dân quê tôi vẫn miệt mài trên đồng. Đất không phụ người, sao người lại phụ đất? Đất vẫn cho ta những mùa vụ ngọt ngào, sao ta quay lưng lại? Phải chăng vì thế, dọc ngang mùa cấy quê tôi vẫn rộn ràng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét