Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

NGHĨ VỀ THƠ



Là rượu, không phải cơm, ai đó nói về thơ
Muốn là rượu phải có gạo, ngô… và men cây, men lá
Không có rượu cất lên từ nước lã
Chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ.

"Ta đứng trên vai những vĩ nhân đi trước"
Đó là lời các nhà khoa học
Với nhà thơ, chẳng ai công kênh ai
Đỉnh quá khứ mãi còn sừng sững phía tương lai.

Dòng suối sâu, nước càng trong càng thấy rõ độ sâu
Dòng suối cạn muốn doạ người rằng sâu chỉ có cách khuấy ngầu lên nước đục
Nông, sâu là ý, tứ
Trong, đục ấy ngôn từ…


            Vương Trọng
            ( Song Thu sưu tầm)

6 nhận xét:

  1. "Dòng suối sâu, nước càng trong càng thấy rõ độ sâu
    Dòng suối cạn muốn doạ người rằng sâu chỉ có cách khuấy ngầu "
    Nhà thơ không nói về dòng suối mà nói về thế thái nhân tình.
    Một triết lý hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Hải Thăng đã ghé thăm nhà em. Rất tình cờ hôm nay em cũng đến thăm trang thơ của các anh. Em thấy anh làm thơ lục bát rất hay, vui và cũng giàu triết lý đấy ạ. Em rất thích. Chúc anh cùng toàn gia vui khỏe và hạnh phúc ạ

      Xóa
    2. Tiếp sức với anh Hải Thăng tôi xin chuyển thể câu thơ tự do trên về thể thơ lục bát xem có được không nhé:
      Suối sâu trong vắt vẫn sâu
      Suối nông dẫu có đục ngầu vẫn nông.
      Đường đời sắc sắc không không
      Phận đen trắng cố tô hồng làm chi./.
      Chúc chị Song Thu vui và hạnh phúc.

      Xóa
    3. Em chào bác Thọ Trường. Bác chuyển thể nuột nà, uyển chuyển và tự nhiên mà vẫn tương đối giữ được ý tứ của thơ đấy ạ.
      Cám ơn bác đã ghé thăm nhà em. Chúc bác nhiều điều tốt lành ạ

      Xóa
    4. Bác Thọ Trường ơi theo thiển ý của em thì nên thay từ " có" ở câu thơ trên (Suối nông dẫu có đục ngầu vẫn nông ) bằng từ khuấy ( Suối nông dẫu khuấy đục ngầu vẫn nông) để làm rõ hơn sự cố ý liệu có được không ạ?
      Chúc bác vui khỏe, nếu có gì mạo phạm mong bác bỏ qua cho.

      Xóa
    5. "Dòng suối sâu, nước càng trong càng thấy rõ độ sâu
      Dòng suối cạn muốn doạ người rằng sâu chỉ có cách khuấy ngầu "
      Chủ yếu vẫn là bàn về nghệ thuật thi pháp thôi. Ngôn từ càng trong sáng giản dị thì người đọc càng dễ nhận ra cái ý tứ sâu xa của thơ hơn. Ngược lại cứ làm rối tung rối mù lên bằng thứ"logic đứt đoạn" bằng thứ ngôn từ lạ hoắc thì người đọc chẳng nhận được gì ở bài thơ đó cả chẳng khác gì dòng suối đang trong đem khuấy cho đục ngầu lên.

      Xóa