Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

LẠI LÀM BÁNH KHÚC



                              








Lần trước hí hửng làm bánh khúc để đáp ứng nguyện vọng của phu quân. Nào ngờ, khi ăn chồng đã không khen câu nào thì chớ còn chê đứng chê ngồi. Viết cả bài chê đăng lên blog làm mình vừa buồn vừa xấu hổ chết đi được. Chẳng biết giấu mặt vào đâu. Bụng bảo dạ rằng : từ nay thì cạch đến già.

 Thế mà hôm qua, bà bạn hàng xóm sang chơi lại rủ rê :

-          Thu ơi rau khúc ngoài đập nhiều lắm, lại đang đúng tầm nữa làm bánh khúc đi. Ngon phải biết !

-          Thôi em chả dại làm nữa đâu. Lần trước hì hục làm đã bị ông xã chê ỏng chê eo rồi. Chán lắm.

-          Tại lần trước cô xay bột khô lại làm lúc rau khúc non quá nên không ngon là đúng rồi. Bây giờ rau khúc đã nhú một chút hoa rồi làm sẽ thơm và ngon lắm. Nhà tôi có cối xay bột nước, tôi xay cho. Ta cùng làm cho vui.

Nghe bùi tai, mình lại đồng ý. Ngay chiều hôm đó, hai chị em  ra đập nhổ rau khúc. Đúng là nhiều thật, nhổ một tẹo đã được một túi to. Mang về sân ngồi nhặt, vừa nhặt vừa trò chuyện rôm đáo để. Chẳng mấy chốc đã có hai rổ rau khúc đầy ắp sạch sẽ và ngon lành.  Mình về nhà lấy gạo, thịt và đậu xanh mang sang, bà bạn giục: “Thôi cô cứ về chuẩn bị cơm nước cho ông xã đi để đấy tôi dọn cho. Tối nay tôi sẽ ngâm gạo, đỗ. Sáng mai cô sang đây hai chị em cùng làm nhé!

           Sáng hôm sau hai chị em lại tíu tít với bao nhiêu công đoạn nào đãi gạo xay bột, nén bột ; Lại còn đãi đỗ, thổi đỗ, xào thịt; Rồi luộc và giã lá nhào bột, giã nhuyễn bột và lá thành những quả bột mịn màng xanh xanh trông rõ là mướt mắt. Nhìn một loạt các nguyên vật liệu chuẩn bị sẵn, bà bạn nói như đinh đóng cột rằng:

- Bánh lần này sẽ ngon tuyệt cô ạ. Thế nào ông xã nhà cô cũng khen nức nở cho mà xem.

Mình thì nghi ngại mà rằng :

- Chưa chắc đâu chị ơi. Ông xã em khó tính lắm, lần trước em mua bánh làm ngoài chợ về ông ấy cũng chê đấy.

Như chạm vào mạch điện, bà bạn nói một thôi một hồi rằng:

- Chê là phải, ngoài chợ người ta có làm bánh bằng lá khúc đâu mà là lá bắp cải già, loại chị em mình vẫn vứt cho gà, lợn ăn ấy. Đã thế họ lại còn làm cái bánh bé tẹo và bọc ra ngoài toàn xôi thôi, tôi chẳng bao giờ ăn thứ bánh ấy. Ông xã và các cháu nhà tôi cũng không ăn, chỉ ăn bánh khúc nhà làm thôi.

- Thế mọi người có khen bánh chị vẫn làm không?

-Khen nức nở ấy chứ

- Thế ạ. Thế thì chắc ông xã em cũng khen đấy.

- Không khen thì từ sang năm cho ông ấy nghỉ cô ạ

- Vâng, nhất định là thế rồi!

Hai chị em vừa nặn bánh vừa trò chuyện. Nhoắng mắt đã xong mấy chục chiếc bánh tròn tròn xinh xắn. Bánh được xếp vào nồi hấp, mỗi chiếc đặt trên một chiếc lá mít cắt gọn có rắc gạo nếp ngâm lên hai mặt bánh. Gớm rõ một nồi to đùng đầy đặn. Bắt đầu nổi lửa lên và câu chuyện càng thêm phần rôm rả khi có thêm vài người hàng xóm nữa sang chơi.

Một tiếng đồng hồ sau thì bánh chín. Vừa bắc nồi xuống, mở vung ra, hơi bốc ngùn ngụt, một mùi thơm rất đặc trưng của lá khúc, quyện với hương gạo nếp cái hoa vàng thành một mùi vị thật ấn tượng khiến mọi người đứng quanh đấy đều hít hà và xuýt xoa: Thơm quá!

Mâm bát được dọn ra, mỗi người một chiếc bánh nóng hôi hổi, thơm lựng và bắt mắt bởi màu xanh của bánh, màu trắng của gạo nếp. Vừa thổi vừa ăn. Bánh dẻo , thơm , có vị ngậy của thịt lợn xào, vị bùi của đỗ xanh, vị thơm cay của hạt tiêu. Ai cũng khen ngon quá. Nếu không làm lấy mà ăn thì chẳng bao giờ mua được bánh khúc thật và ngon như thế này. Mình sung sướng lắm. Nghĩ đến lúc mang về chồng ăn sẽ khen nức nở mà rung rinh. Bà bạn thì thích thú đến rạng rỡ cả mặt mày. “ Đấy, cô thấy không tôi đã nói từ trước là bánh sẽ rất ngon mà lại. Sang năm lại làm nhé!”

- Vâng

- À tết này cô sang đây ta làm bánh gai nữa cô ạ. Năm vừa rồi tôi làm hơn trăm chiếc vừa ăn vừa biếu, ai cũng thích lắm đấy.

- Vâng em sẽ sang làm chung với chị để được ăn bánh gai đúng là lá gai chứ không phải bánh gai nhuộm phẩm màu đúng không chị?

- Đúng rồi, làm lấy ăn ngon hơn nhiều lại sạch nữa cô ạ.

- Vâng ! Thôi em xin phép về đây.

- Ừ cô về luôn đi để mọi người ăn cho nóng.

Mình mang bánh về lấy ngay một chiếc mời chồng. Chồng hào hứng ăn nhưng chẳng thấy nói gì. Mình hỏi:

- Ngon không anh?

- Ngon hơn bánh em làm năm trước và ngon hơn bánh mua ngoài chợ nhiều nhưng có lẽ cảm giác bây giờ của mình kém rồi nên vẫn chưa nhận ra mùi vị bánh ngày xưa mẹ làm.

Thế đấy, ai làm được bánh khúc ra mùi vị ngày xưa cho ông xã tôi bây giờ? Khó lắm thay!

Tôi bỗng ao ước giá như mẹ còn sống đến ngày nay để dạy tôi làm bánh khúc!
                                    29-3-2014
                                    Song Thu

15 nhận xét:

  1. Bánh khúc đậm nét hương quê
    Thơm, bùi, béo, ngậy tôi mê vô cùng
    Xin chị một cái được không?
    Tôi ưa của nếp, ăn no không nóng cổ, ăn trong nhiều ngày liền không ngán. Ngoài bánh khúc tôi còn thích cả xôi lúa, xôi vò, bánh trưng, bảnh rợm... Ôi thèm quá đi mất.
    Cách đây hai hôm các cháu kiếm đâu ra rau khúc làm một chõ ngon đáo để.
    Trong gia đinh Việt nên biết làm các loại bánh, xôi... để thưởng thức là rất tốt chị ạ. Hỏng lần đầu bị chê chớ nản.
    Cám ơn chị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Hải Thăng đã đọc và chia sẻ với ST. Em làm bánh khúc không khéo nhưng nấu xôi và gói bánh chưng tạm ổn anh ạ. Khi nào về Gia Lộc mời anh ra Chí Linh tham quan Côn Sơn, Kiếp Bạc và ghé nhà em chơi. Em sẽ chiêu đãi anh các loại xôi ạ
      ( Song Thu)

      Xóa
  2. Rau khúc phơi khô(như lá gai),làm bánh ngon hơn chị ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào em gái Hồng Nga. Cám ơn em đã bày cho chị một cách làm bánh khúc bằng lá khúc phơi khô. Sang năm chị sẽ thử
      (Song Thu)

      Xóa
  3. Tôi còn nhớ hồi thập kỷ sáu mươi có một câu trong sách giáo khoa Tập Đọc lớp 3 của mình đại ý:"Chiến thắng giặc Pháp, nước nhà độc lập, nhà nào cũng nô nức phấn khởi,làm bánh khoái, bánh khúc mời nhau ăn" (Nói về đồng bào vùng Bắc Bộ). Lúc đó tuy còn nhỏ nhưng tôi cứ tưởng sách in sai là BÁNH ĐÚC thành BÁNH KHÚC. Vì quê tôi ở Nghệ An không có bánh này và loại rau này cũng gọi bằng tên khác theo phong ngữ miền Trung. Sau này lớn lên, đi ra ngoài và lấy vợ ở Hà Bắc tôi mới tìm ra lời giải cho mình và được tận mục sở thị thưởng thức món bánh khoái thơm ngon này...Đọc bài viết của chị, mắt tôi bỗng cay cay và nhớ lại món bánh quê dân dã thấm đượm nghĩa tình cùng kỷ niệm một thời với bà con vùng Bắc- Hưng - Hải của mình!...Đã khá lâu rôi tôi chưa được ăn bánh khúc, xin cảm ơn bài viết của chị đã cho tôi yêu thêm những gì nhỏ bé đơn sơ của cuộc đời này, dù nó chỉ bắt đầu là món bánh bình dân làm từ cây rau khúc, rau tảo rau tần...

    Trả lờiXóa
  4. Em chào anh Quang Thứ ạ
    Cám ơn anh đã ghé thăm nhà em và cho em biết thêm một số thông tin về anh. Thế hiện giờ anh sóng ở Bắc Ninh hay ở Nghệ An ạ?
    Em quê gốc Phù Cừ nhưng gia đình em lại lên khai hoang ở Lục Ngạn Bắc Giang từ năm 60 của thế kỉ trước nên cũng coi như là người Hà Bắc (thời sáp nhập Bắc Ninh và Bắc Giang). Nay em lại theo chồng sống ở Chí Linh Hải Dương anh à.
    Em rất vui vì được làm quen với anh ạ. Chúc anh và toàn gia vui vẻ, hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  5. Chị Song Thu ạ. Tôi trước đây sống nhiều ở Bắc Ninh và Bắc Giang nhưng lại xây dựng gia đình ở Yên Dũng (Bắc Giang) và sau năm 1977 thì về sinh sống ở quê Quỳnh Lưu -Nghệ An chị ạ. Tôi cũng đã sống nhiều ở Lục Ngạn và biết vải thiều của Lục Ngạn nguồn gốc là do bà con Thanh Hà và một số dân ở Hưng Yên, Hải Dương đi kinh tế mới nên mang theo giống vải và nhãn quý của quê mình lên trồng và do hợp thổ nhưỡng nên cây vải thiều lên ngôi ở đất Lục Ngạn. Tôi hiện nay có 3 người em vợ lập nghiệp ở Cầu Cát, Nghĩa Hồ và trên đèo Váng đó chị ạ. Hóa ra chúng mình ít nhiều cũng có đồng hương trong cùng khu vực cả...
    Không biết chị nhiều tuổi chưa để mình xưng hô cho nó tự nhiên và phải phép chị nhỉ? Còn tuổi tôi, theo như cách nói của Nguyễn Công Trứ thì " Tứ thập niên tiền nhị thập niên" và cộng thêm "tứ tuế" nữa chị ạ. Hi hii. Chắc chị biết được rồi chứ ạ?
    Cũng hơi muộn rồi, tôi xin phép dừng tại đây và chào chị nhé. Chúc anh chị đêm ấm áp an lành và ngủ ngon!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh ấy trẻ hơn chị ST .

      Chị ST " Tứ thập niên tiền nhị thập niên" và cộng thêm "ngũ tuế"

      Xóa
    2. Hồng Nga thích đùa anh Quang Thứ đấy ạ. ST còn kém anh hai tuổi. Vì vậy ST xin được gọi anh Quang Thứ bằng anh và xưng em ạ. ST cũng thích được anh gọi bằng em và xưng anh cho thân mật và ST cũng bớt cảm giác mình già.
      Cám ơn anh Quang Thứ!
      Anh ơi quê anh gọi rau khúc là rau tảo rau tần đúng không ạ?
      Chúc anh và gia đình an lành hạnh phúc

      Xóa
    3. Vậy mình cùng Song Thu cũng sàn sàn một lứa với nhau thôi. Mình đúng ra là tuổi Tân Mão (1951) nếu tính tròn thì mới " bốn mươi năm trước hăm ba (23) tuổi" thôi. Hii.
      Ở quê mình có nơi gọi cây rau cải cúc là rau tần và cây rau khúc là rau tảo, rau ngải. Do mình đọc một số điển tích xưa nói về người mẹ, người phụ nữ tảo tần thường vất vả, nhường nhịn rau cháo bằng những thứ rau tần rau tảo dân dã nuôi con, nên về sau thành thói quen dân gian biến danh từ đó thành tính từ "tần tảo" chỉ đức tính quý của người PN. Vì lẽ đó mà mình muốn gọi các loại rau tập tàng cũng như rau khúc là rau tảo rau tần, nó có ý nghĩa rất lớn với mình như đức tính của những bà mẹ nghèo ko ai biết tuổi tên nhưng vô cùng vĩ đại...
      Mình lại hơi lan man rồi, đúng không? Thôi tạm dừng đây đã Song Thu và Hồng Nga nhé, hẹn dịp khác mình tâm sự thêm.. Chúc gđ hai bạn (hoặc hai em) vui khỏe hạnh phúc nhé. Chúc đêm ấm áp an lành!

      Xóa
    4. Dạ, em cám ơn anh Quang Thứ đã giúp em hiểu rõ thêm về gốc tích cũng như ý nghĩa của tính từ tảo tần ạ. Dẫu sao thì em cũng vẫn kém anh 2 tuổi. Em có biệt danh là rắn bướng mà! Con gái cầm tinh con rắn đã gớm rồi lại sinh nhằm chữ quý nữa thì càng ghê hơn đúng không anh?
      Chúc anh vui và sáng tác nhiều thơ hay cho bọn em đọc nhé!

      Xóa
  6. Thấy các anh chị nói chyện với nhau Xuân Sơn thích quá! Đang mơ màng sau khi đọc Bánh Khúc thèm ơi là thèm ấy! lại thấy tác giả là người Phủ Cừ ...một hồi thành Hà Bắc, một hồi thành Bắc Giang thích thêm nữa là các anh chị lớn em nhỏ. Hihi. Cho em góp vui với nhé!
    Chị Song Thu ơi! cho em hỏi có phải Phủ Cừ nhà chị có con sông Luộc chảy qua không ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Phuvang Huynh. ST rất vui vì được Phuvang đọc và chia sẻ. Theo lời Phuvang "các anh chị lớn em nhỏ" nên mình gọi bằng em cho gần gũi thân mật nha.
      Ủa em có phải là Xuân Sơn- người viết lời bình bài thơ của anh Quang Thứ không?
      Đúng là quê Phù Cừ nhà chị có con sông luộc chảy qua đó em ạ. Em đã đến đó bao giờ chưa? Quê chị nghèo lắm thuộc vùng" Đồng trũng nước trong rau rong cua kềnh" nên bố mẹ chị phải rời quê lên tận miền Lục Ngạn Bắc Giang để khai hoang vỡ dặm mà.
      Rảnh rỗi em đến chia sẻ với chị thì chị mừng lắm đó. Cám ơn em rất nhiều. Chúc em vạn sự như ý nhé!

      Xóa
  7. Năm 19 tuổi em đã về đến xã Thủ Sĩ chị ạ! hình như ngày ấy còn là Phù Tiên thì phải...bây giờ thì em không biết nữa...nhưng nếu có dịp em cũng sẽ lại về Thủ Sĩ một lần nữa....
    Em cám ơn chị nhé! em sẽ ghé chị thường xuyên chị ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Liệu có phải chị em mình có duyên với nhau chăng mà khi mới đọc bài "Riêng mình đá đĩa" của em chị đã có cảm tình ngay và nhận ra đó chính là một bản lĩnh nghệ thuật của một người luôn biết sống là chính mình. Có điều lúc đó chị cứ nghĩ em là một đấng tu mi nam tử kia đấy.
      Chào em
      ( Song Thu)

      Xóa